Suy niệm Lời Chúa lễ Chúa Ba Ngôi: "Để họ nên một như chúng ta"

Chủ nhật - 26/05/2024 14:57      Số lượt xem: 730

Tôn thờ một vị Thiên Chúa Ba Ngôi khác biệt nhưng hiệp nhất, người tín hữu cũng được mời gọi thực thi một lối sống trưởng thành và văn minh, đó tôn trọng sự khác biệt của người khác và xây dựng sự hiệp nhất giữa những khác biệt. Đó cũng là mong muốn của Chúa Giêsu khi cầu nguyện với Chúa Cha cho Giáo Hội: “Để họ nên một như chúng ta”

442414305 463372936180826 6835077889139607402 n
"ĐỂ HỌ NÊN MỘT NHƯ CHÚNG TA"
 
Ngày trước, không có người dạy giáo lý, nên để xưng tội được, các thiếu nhi học thuộc kinh Bản Hỏi và các kinh chiều tối ban sáng. Kinh Bản Hỏi chính là những câu giáo lý được xếp theo lối hỏi - thưa rất đơn sơ và dễ nhớ. Chẳng hạn câu thứ nhất trong kinh Bản Hỏi của sách kinh Giáo phận ta: Hỏi, Đức Chúa Trời có ý nào mà dựng nên loài người ta? Thưa, có ý cho người ta thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, và thương yêu người ta như mình, cho ngày sau được hưởng phúc thiên đàng.

Khi vào toà giải tội, đôi khi các cha cũng khảo lại kiến thức giáo lý của các thiếu nhi. Ví dụ có cha hỏi: Hỏi, Đức Chúa Trời có mấy Ngôi? Có em thiếu nhi không thuộc hay run quá mà quên béng mất nên thưa: "Thưa, Đức Chúa Trời có một Ngôi ạ." Gặp ngay cha vui tính, ngài nói: "Ít thế." Cậu bé biết mình sai nên vội thưa: "Thưa cha, có hai Ngôi ạ." Cha lại bảo ít thế. Lần lần, cậu bé cuống lên, nên thưa đến mười ngôi Đức Chúa Trời. Thế là cậu bị cho ra ngoài học giáo lý lại.
Vậy Đức Chúa Trời chính xác có mấy ngôi? Thưa chính xác là ba ngôi. Giáo lý kinh bổn học thời nhỏ dạy: Hỏi Đức Chúa Trời có mấy ngôi? Thưa Đức Chúa Trời có ba ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh Thần. (câu 11)

Vậy, vấn đề là tại sao Giáo Hội biết được Đức Chúa Trời có ba ngôi mà dường như không có tôn giáo, tín ngưỡng nào khác nói đến? Thưa, bởi chính Đức Giêsu mạc khải và các tông đồ truyền lại cho Giáo Hội. Mạc khải này được  nói rất nhiều và rất rõ trong Tin Mừng. Không có Đức Giêsu thì không ai biết Đức Chúa Trời có ba ngôi. Đây là điều chắc chắn. Thời Cựu ước trải dài cả bao nhiêu nghìn năm cũng không biết. Cho đến Chúa Giêsu khi xuống thế nói cho loài người chúng ta chúng ta mới biết.

Vậy tại sao Đức Giêsu lại biết những điều mà người đời không biết? Thưa, bởi vì Đức Giêsu là Đấng từ trời cao mà đến nên biết những sự từ trời cao. Lời chứng của ông Gioan Tẩy giả về Chúa Giêsu đã cho biết điều đó: “Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: 'Ðấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Ðấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Ðiều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó.” (Ga 3, 31-32).

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu đã nói về Chúa Cha và phân biệt mình với Chúa Cha:  “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn" (Ga 15, 1-2) hay “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Chúa Giêsu cũng phân biệt Ngài với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần, Đấng mà Ngài gọi là Đấng Bảo Trợ hay Thần Khí Sự Thật: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Ga 14, 16-17).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi như sau: “Đức tin Công Giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi hay Ba Ngôi Một Chúa nhưng không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu.” (Số 2789). Đây cũng là nội dung diễn giải rất dễ hiểu của kinh Bản Hỏi về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Hỏi, vậy thì có ba Đức Chúa Trời sao? Thưa, Chẳng phải có ba Đức Chúa Trời đâu, có một Đức Chúa Trời mà thôi, vì chưng cả ba Ngôi cùng một bản tính Đức Chúa Trời (câu 15); Hỏi, ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém chăng? Thưa, ba Ngôi bằng nhau, chẳng có Ngôi nào trước sau hơn kém nhau, vì chưng cả ba Ngôi đã có trước vô cùng, phép tắc vô cùng (câu 16). Thật hay, chính xác, dễ thuộc và dễ hiểu!

Thánh lễ mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi là dịp nhắc lại cho chúng ta: Đấng mà người Kitô hữu tôn thờ là Thiên Chúa Duy Nhất nhưng có ba Ngôi Vị: Cha, Con, Thánh Thần. Mầu nhiệm do chính Chúa Giêsu mạc khải. Ba Ngôi tuy khác biệt nhưng hiệp nhất trong một bản thể Thiên Chúa (xem sách Giáo lý số 2789).

Tôn thờ một vị Thiên Chúa Ba Ngôi khác biệt nhưng hiệp nhất, người tín hữu được mời gọi thực thi một lối sống trưởng thành và văn minh, đó tôn trọng sự khác biệt của người khác và xây dựng sự hiệp nhất giữa những khác biệt. Đời sống tập thể nào, dù lớn dù nhỏ, dù trong gia đình hay ngoài xã hội, đều rất cần đến tinh thần này. Lối sống đó càng cần thiết giữa các tín hữu trong cộng đoàn Giáo Hội, những người  được ví như những chi thể trong Thân thể nhiệm màu của Chúa Kitô. Cũng chính vì điều rất cần thiết này mà trong lời cầu nguyện với Chúa Cha trong chương 17 Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu xin cho các Tông đồ và cho Giáo Hội: "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17, 11b).

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 269
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 265
 
  •   Hôm nay 81,337
  •   Tháng hiện tại 1,043,989
  •   Tổng lượt truy cập 84,025,148