"Hãy nhận lấy mà ăn!" (Bài suy niệm Lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Thứ ba - 28/05/2024 10:43      Số lượt xem: 567

“Hãy nhận lấy mà ăn!”. Đây là lời của Chúa Giêsu, khi Người thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đây không phải là một lời nói có ý nghĩa tượng trưng hay dùng hình ảnh so sánh. Đức Giêsu hiến mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu. Như người mẹ sẵn sàng hy sinh mọi sự cho con mình, Đức Giêsu để lại cho trần gian chính máu thịt mình. Thánh Thể là Bí tích yêu thương. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện âm thầm khiêm tốn, để gặp gỡ và lắng nghe những nỗi niềm của nhân thế. Ngài cùng đi với con người trong mọi nẻo đường của cuộc sống còn nhiều thử thách chông gai.

screenshot 1716868015
Lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô - Năm B

Hãy nhận lấy mà ăn!
 
 
Trước tình trạng giảm sút người tham dự Thánh lễ tại Hoa Kỳ, nhất là từ sau đại dịch Covid-19, Hội đồng Giám mục nước này đang thực hiện một phong trào được gọi là “Phục hưng Thánh Thể”, với mục đích mời gọi các tín hữu hãy trở lại với truyền thống yêu mến Thánh Thể của Giáo Hội. Phong trào này kéo dài trong 3 năm, bắt đầu từ ngày 19/6/2022. Và đỉnh cao của cuộc phục hưng là Đại hội Thánh Thể Toàn quốc sẽ diễn ra ở Indianapolis từ ngày 17 đến 21/7/2024.
 
Với cuộc phục hưng này, các vị chủ chăn của Giáo Hội Công giáo Hoa Kỳ muốn khẳng định: các cuộc khủng hoảng đức tin, gia đình, luân lý, xã hội của thời đại này chỉ có thể chữa lành bằng phương thuốc thiêng liêng là Bí tích Thánh Thể. Quả vậy, một thế giới phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, sẽ tự huỷ diệt và biến thành bãi chiến trường, bạo lực sẽ tràn lan. Bí tích Thánh Thể được gọi là “Bí tích cực trọng”, vì Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích này. Đó không chỉ là sự hiện diện thụ động khô khan, mà Chúa còn trở nên của ăn của uống cho các tín hữu. Đến với Bí tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa, nhờ đó những tổn thương được phục hồi và những khiếm khuyết nơi con người sẽ được nâng đỡ.
 
Cùng với phong trào “Phục hưng Thánh Thể”, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ mời gọi mỗi tín hữu hãy mời một người trở lại nhà thờ. Những người này đã lâu không còn tham dự Thánh lễ và không sinh hoạt với cộng đoàn. Việc làm này thể hiện ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, là Bí tích của tình hiệp thông – hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Sáng kiến phục hưng đức tin và lòng yêu mến Thánh Thể sẽ bao gồm việc phát triển các tài liệu giảng dạy mới, đào tạo cho các lãnh đạo giáo phận và giáo xứ, ra mắt trang web dành riêng cho việc phục hồi lòng yêu mến Thánh Thể, và triển khai một nhóm đặc biệt gồm 50 linh mục, những vị sẽ đi khắp đất nước để rao giảng về Bí tích Thánh Thể.
 
Tại Việt Nam chúng ta, các buổi cử hành Thánh Thể và Chầu Mình Thánh quy tụ rất đông tín hữu tham dự, đó là điều đáng mừng. Tuy vậy, lòng yêu mến Thánh Thể nơi nhiều người tín hữu chỉ đóng khung ở sinh hoạt cộng đoàn. Khá ít người dành thời gian để cầu nguyện riêng và thinh lặng trước Thánh Thể. Thiếu những giây phút cầu nguyện riêng trước Thánh Thể, người tín hữu khó có thể gặp gỡ thân tình cá vị với Đức Giêsu. Phong trào “Phục hưng Thánh Thể” của Giáo Hội Hoa Kỳ nhắc chúng ta cần sống mầu nhiệm Thánh Thể một cách rõ nét và hiệu quả hơn.
 
“Hãy nhận lấy mà ăn!”. Đây là lời của Chúa Giêsu, khi Người thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đây không phải là một lời nói có ý nghĩa tượng trưng hay dùng hình ảnh so sánh. Đức Giêsu hiến mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu. Như người mẹ sẵn sàng hy sinh mọi sự cho con mình, Đức Giêsu để lại cho trần gian chính máu thịt mình. Thánh Thể là Bí tích yêu thương. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện âm thầm khiêm tốn, để gặp gỡ và lắng nghe những nỗi niềm của nhân thế. Ngài cùng đi với con người trong mọi nẻo đường của cuộc sống còn nhiều thử thách chông gai.
 
Qua các Bài đọc Lời Chúa của năm B, Phụng vụ dẫn chúng ta khởi đi từ lễ nghi Cựu ước đến lễ nghi của Tân ước. Những gì đã được thực hiện trong thời Cựu ước, chỉ là hình bóng cho lễ nghi của Tân ước. Thánh Phaolô cũng đề cập tới so sánh này trong Bài đọc II. Nếu trong Cựu ước, lễ dâng là máu bò máu dê, thì đến thời Tân ước, lễ dâng là chính máu của Chúa Giêsu, Con Chiên vẹn sạch. Đức Giêsu là Chiên Vượt qua mới, gánh trên vai mình tội lỗi của muôn dân. Người chịu phạt thay cho con người ở mọi thời đại. Người là Của Lễ Toàn Thiêu, dâng hiến mình trên thập giá. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học hy sinh, sống vì hạnh phúc của tha nhân, khiêm tốn phục vụ và yêu thương mọi người.
 
“Hãy nhận lấy mà ăn!”. Chúa đang nói với chúng ta như đã nói với các môn đệ năm xưa. Ăn Thịt Chúa và uống Máu Chúa là kết hợp mật thiết với Người, nhờ đó được chia sẻ sức sống siêu nhiên của Người. Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta được cải hoá tâm hồn và dần dần trở nên giống như Chúa, được ở trong Người, như lời Người nói: "Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”. Một khi được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu Chúa Giêsu, người tín hữu cũng được mời gọi sống hiệp thông hài hoà với anh chị em mình. Thánh Phaolô viết cho giáo dân Côrinhtô: "Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1 Cr 10,17).
 
Hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để tôn vinh tình yêu thương của Thiên Chúa. Hãy năng nhận lãnh lương thực thiêng liêng để chúng ta được thần linh hoá và được nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng ngay khi còn sống nơi dương thế.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 
 
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 113
  •   Máy chủ tìm kiếm 13
  •   Khách viếng thăm 100
 
  •   Hôm nay 32,957
  •   Tháng hiện tại 1,346,768
  •   Tổng lượt truy cập 84,327,927