Bài 8: Người Trẻ dấn thân xây dựng Công tích và Liên đới (Giáo lý Năm Giới trẻ 2020)

Thứ sáu - 14/08/2020 10:22      Số lượt xem: 3796

Chương trình Giáo lý năm Giới trẻ 2020 - Mỗi tháng một bài.

BÀI 8
NGƯỜI TRẺ DẤN THÂN XÂY DỰNG CÔNG ÍCH VÀ LIÊN ĐỚI
 

[Video]: Người Trẻ dấn thân xây dựng Công tích và Liên đới

1. "Công ích" nghĩa là gì?

Công Đồng Vatican II diễn tả công ích là "toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn" (GS 26). Mục tiêu của cá nhân là đạt được lợi ích. Mục tiêu của xã hội là công ích. "Thật vậy, có thể hiểu công ích như là chiều kích xã hội và cộng đồng về điều thiện luân lý." (Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội 164). Công ích đề cập đến lợi ích của hết mọi người và lợi ích của của toàn bộ con người. Trước nhất, công ích đòi hỏi các thành phần chính phủ phải hoạt động theo đúng qui trình trật tự, như được thấy ở một nước có hiến pháp. Kế đến, phải quan tâm duy trì các phương tiện tự nhiên để sinh sống. Trong khuôn khổ này là các quyền của mọi người được có thực phẩm, chỗ ở, y tế, việc làm và được học hành. Ngoài ra, còn phải được tự do tư tưởng, tự do hội họp, và tự do tôn giáo. Các đòi hỏi ở đây về công ích phần nào trùng hợp với các đòi hỏi về các quyền phổ quát của con người.

Tâm niệm: “Bất cứ điều tốt nào xảy ra trên trái đất này thì đều có ai đó đã làm nhiều hơn việc mình phải làm. Chẳng ai có thể làm cho tôi điều lợi ích mà tôi chưa làm như vậy” (Hermann Gmeiner).

2. Công ích có ý nghĩa gì với người nghèo?

Người nghèo phải được xem là trọng tâm của Giáo Hội, nếu không thì Giáo Hội phản bội lại sứ mệnh của mình. Trong HCMV Niềm Vui và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II nói về sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo (GS 1). Từ Hiến Chế này dẫn đến các nghĩa vụ xã hội trọng tâm của cá nhân và của toàn thể Giáo Hội phải quan tâm đến các nhu cầu của con người, đặc biệt là những người đang ở những vùng bên lề xã hội. Tám Mối Phúc Thật trong Bài Giảng Trên Núi, sự khó nghèo của chính Chúa Giêsu, và sự yêu thương quan tâm của Người với người nghèo cho chúng ta thấy con đường ấy. Việc ủng hộ giúp đỡ những người bị thiệt thòi, bị gạt ra bên lề là một mệnh lệnh trực tiếp của Chúa Giêsu: "mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:40). Tuy thế, Chúa Giêsu cũng cảnh tỉnh quan điểm theo ý thức hệ cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể loại trừ hết đói nghèo trên thế giới (Mt 26:11). Điều này chỉ có thể xảy ra khi Chúa Kitô Đến Lần Thứ Hai.

Tâm niệm: “Thế giới có đủ cho nhu cầu của hết mọi người, nhưng không đủ cho lòng tham của mọi người” (Mahatma Gandhi). 

3. Làm sao có thể chia sẻ được trách nhiệm mà không ỷ lại?

Bằng cách tham gia. Sự tham gia của công dân là nền tảng của dân chủ, do đó cũng quan trọng đối với các Kitô hữu. Kitô hữu thể hiện tình liên đới bằng việc tìm cách tham gia vào xã hội dân sự và tác động đến vận mệnh của xã hội. Bằng cách này, họ để ý đến trách nhiệm của mình phải định hướng phát triển thế giới. Khả năng tham gia phải được bảo đảm cho hết mọi công dân để tạo được điều gọi là cơ hội tham gia công bằng (xem bên dưới).

Tâm niệm: “Trách nhiệm đối với bản thân là gốc rễ của tất cả trách nhiệm” (Mạnh Tử, nhà hiền triết Trung Hoa).

4. Tại sao Giáo Hội thực hành tình liên đới?

Một Giáo Hội tỏ ra không có tình liên đới thì sẽ hóa thành mâu thuẫn với chính danh của mình. Giáo Hội là nơi Thiên Chúa liên đới trường cửu với nhân loại. Trong sự hiệp thông của Giáo Hội, tình yêu Thiên Chúa phải được tiếp diễn nơi con người và cuối cùng là vươn đến toàn thể nhân loại. Giáo Hội là nơi Thiên Chúa muốn qui tụ tất cả mọi người: “Nầy, Thiên Chúa ở cùng nhân loại.” (Kh 21: 3). Giáo Hội là “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp thật mật thiết với Thiên Chúa và là sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (LG 1). Qua Giáo Hội của Người, theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội thể hiện tình liên đới với những người cô thế, những nạn nhân của bất công, và người nghèo trong mỗi thời đại của Giáo Hội, Thiên Chúa cất công đến với tất cả mọi dân tộc, và mọi nền văn hóa và giúp đỡ họ. Bất cứ khi nào con người cố gắng hình thành một thế giới nhân đạo hơn, thì Thiên Chúa đứng về phía họ. Do đó, Giáo Hội thể hiện tình liên đới với tất cả những ai muốn chung phần tạo cho con người nơi trần thế nhận ra khuôn mặt cứu độ của Thiên Chúa.

Tâm niệm: “Nam cũng như nữ, chúng ta cùng chung trên một con tàu giữa biển phong ba bão tố. Chúng ta đều có nghĩa vụ phải thành tâm với nhau dù giữa chốn gian nan thử thách” (G.K Chesterton (1874-1936).

5. Nguyên tắc liên đới có hàm ý gì?

Nguyên tắc liên đới diễn tả chiều kích xã hội của con người. Không ai có thể chỉ sống cho riêng mình; họ lúc nào cũng phải nhờ đến người khác, và không chỉ nhận được sự trợ giúp thiết thực, mà còn để có người trò chuyện, để trưởng thành đi tới sự hiểu biết các ý tưởng, lý luận, nhu cầu và ước muốn của người khác, và để có thể phát triển tính cách của mình hoàn thiện hơn.
Tâm niệm: “Chúng ta học bay như chim trên trời, chúng ta học bơi như cá dưới biển, song chúng ta chưa học đi trên đất như anh chị em” (Martin Luther King).

6. Đối với tín hữu, lý do cơ bản nhất để thực thi tình liên đới là gì?

Là vì tình liên đới của Chúa Giêsu. Không ai từng thực thi tình liên đới tuyệt vời hơn Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đến như dấu chỉ sống động của tình liên đới của Thiên Chúa với nhân loại, mà con người không thể tự cứu mình. Con Thiên Chúa không chỉ công bố tình liên đới của mình với tất cả nhân loại, Người thậm chí còn hy sinh mạng sống cho chúng ta. Sự hiến thân hoàn toàn vì lợi ích của người khác như vậy diễn tả tình liên đới và tình yêu tuyệt đỉnh, sự tận hiến này phải trở nên tiêu chuẩn cho hành động Kitô giáo.

Tâm niệm: “Bản chất sâu xa nhất của tình yêu là quên mình” (Edith Stein). “Công bằng mà không thương xót thì thiếu bác ái; thương xót mà không công bằng thì làm thành hư hỏng” (Friedrich Von Bodelschwingh).

7. Ta phải dùng cải của trái đất này như thế nào?

Thiên Chúa đã dựng nên thế giới này cho hết mọi người. Với sự cộng tác của con người, trái đất sản sinh của cải và mang lại các vụ thu hoạch. Về nguyên tắc, mọi người đều nên được tùy nghi sử dụng của cải mà không được đối xử ưu đãi thiên vị và phải đáp ứng vì lợi ích của mọi người. Mọi người đều có quyền hưởng những gì cần thiết cho họ, mà không ai được từ chối giúp họ, dù biết là mình có quyền tư hữu tài sản và của cải thì bao giờ cũng có kẻ nhiều người ít khác nhau. Bất cứ khi nào có người dư thừa mà kẻ khác lại thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống, thì tình trạng này không chỉ cần đến lòng bác ái mà hơn hết là sự công bằng.
 
Tâm niệm: Khi tôi cho người nghèo của ăn, họ gọi tôi là thánh. Khi tôi hỏi tại sao họ nghèo, họ gọi tôi là người cộng sản (TGM  Dom Hélder Camara).

Ban Mục vụ Giới trẻ Giáo phận biên soạn
---o0o---

 
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 220
  •   Máy chủ tìm kiếm 7
  •   Khách viếng thăm 213
 
  •   Hôm nay 48,223
  •   Tháng hiện tại 1,080,231
  •   Tổng lượt truy cập 79,828,915