Ân Sủng, Sa Ngã và Ơn Cứu Độ

Thứ ba - 31/10/2023 12:41      Số lượt xem: 1572

Qua câu chuyện tình vĩ đại giữa Thiên Chúa và con người, ta cùng khám phá ra bản chất đích thật và điểm khởi nguồn của tình yêu qua nẻo đường ân sủng, sự sa ngã, ơn cứu độ.

z4834742256452 35590300cfc531bbe3aa34564303782e
Bạn thân mến! Khi nói đến tuổi trẻ, chúng ta thường liên tưởng đến sức sống mãnh liệt, những dự phóng, hoài bão và đặc biệt là những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Thật thế, tình yêu luôn là đề tài lôi cuốn con người mọi thời, nhất là với những người trẻ. Vậy tình yêu là gì? Một câu hỏi dường như nhân loại từ trước đến nay không có lời đáp cụ thể. Tuy không có câu trả lời xác đáng nào nhưng có một sự thật hiển nhiên là dường như ai trong chúng ta cũng muốn yêu và được yêu. Điều này không khó hiểu bởi thứ tình cảm này từ bản chất vốn được Đấng Tạo Hóa mặc định trong tâm hồn mỗi người. Giờ đây, qua câu chuyện tình vĩ đại giữa Thiên Chúa và con người, tôi mời bạn- chúng ta cùng khám phá ra bản chất đích thật và điểm khởi nguồn của tình yêu qua nẻo đường ân sủng, sự sa ngã, ơn cứu độ.

Ân Sủng
Giáo huấn của Hội thánh dạy rằng: Ân sủng là sự trợ giúp nhưng không, là quà tặng tình yêu của Thiên Chúa (x. GLHTCG 1996). Theo thánh Bonaventura thì ân sủng được diễn tả qua sự trào tràn tình yêu của Thiên Chúa nơi thế giới thụ tạo. Khi chiêm ngắm công trình tạo dựng của Thiên Chúa, chúng ta thấy được vũ trụ và cả tạo thành là nơi diễn tả tình yêu (x. St 1). Chóp đỉnh của công trình ấy là con người, bởi con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,27), mang nơi thân xác mình hơi thở thần linh tức là được phú bẩm linh hồn. Con người được ủy thác để cai quản và coi sóc thế giới, một cách nào đó được tham dự vào sự sáng tạo của Thiên Chúa. Không những thế, con người là một thụ tạo đặc biệt, khác với các thụ tạo khác bởi món quà tự do mà Thiên Chúa ban tặng. Như vậy, khi nhìn vào công trình sáng tạo, chúng ta nhận ra ân sủng là quà tặng, là tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa trao tặng cho con người. Tuy nhiên, ân sủng không chỉ là quà tặng hay ơn này ơn khác của Chúa, nhưng hơn hết và trên hết ân sủng là chính Chúa - Ngài là Suối Nguồn Ân Sủng.

Sa Ngã
Về phần mình, vì là thụ tạo trổi vượt trên muôn thụ tạo nhờ món quà tự do Thiên Chúa trao nên con người có khả năng mở ra trong tương quan tình yêu với Ngài và muôn tạo thành, nhưng cũng có thể làm khép lại, thậm chí là gây đổ vỡ mối tương quan ấy. Trong câu chuyện tạo dựng, sau khi Nguyên Tổ sa ngã (x. St 3,1-24), sự tội đã lan tràn khắp thế gian. Ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại, ma quỷ đã mưu mẹo khơi dậy trong lòng con người sự nghi ngờ rằng, giao ước với Thiên Chúa là thứ xiềng xích trói buộc con người, làm mất tự do và không cho con người được hưởng những gì tốt đẹp nhất. Nỗi nghi ngờ ấy trở thành cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo: con người có thể tự làm ra thế giới cho riêng mình, phủ nhận thân phận thụ tạo và xem tình yêu của Thiên Chúa như một gánh nặng cần được tháo cởi. Con người đã lạm dụng tự do Thiên Chúa ban, bất tuân Thiên Ý. Con người đã vượt qua giới hạn Thiên Chúa đặt ra cho thân phận thụ tạo, tức là sự ‘phạm quy’ khi họ ‘ăn trái cây ở giữa vườn’. Con người đã phạm tội. Nói cách khác, tội Nguyên Tổ không đơn thuần chỉ là sự bất tuân phục nhưng là sự tự phụ muốn làm chúa của mọi sự, muốn mọi sự quy chiếu vào mình. Con người đầu tiên quên rằng mình chỉ là thụ tạo bất toàn được dựng nên từ hư vô nên luôn phải phụ thuộc vào Đấng Tuyệt Đối là Thiên Chúa, là Tình Yêu và là Sự Thiện. Đấng ấy đã chia sẻ hình ảnh, danh dự, vinh quang cho con người. Một cách nào đó tội chính là sự khép lại với ân sủng và tình yêu.

Sau khi lỗi phạm, con người chịu nhận lấy mọi hậu quả do tội gây ra, đó là phải chịu sự vất vả để sinh tồn, bị tổn thương, bị lâm vào cảnh mê muội, đau khổ và phải chết. Sự chết từ đó xâm nhập vào lịch sử nhân loại (x. Rm 5,12). Giáo lý dạy rằng: Tội nơi Ađam và Evà có tính cách cá nhân nhưng cũng ảnh hưởng tới cả bản tính nhân loại, đã gây nên tình trạng mất ân sủng nguyên thủy trên con người và làm cho con người bị phân tán, bị chia cắt trong các mối tương quan (x. GLHTCG 402-405). Tắt một lời, nơi Nguyên Tổ, tội lỗi đã xâm nhập thế gian mà hậu quả của nó dẫn đến sự ‘li tâm’ khỏi Thiên Chúa, từ đó tách rời các mối tương quan, bào mòn và gây tổn thương mạnh mẽ lên bản tính con người (x. GLHTCG 404-406).

Ơn Cứu Độ
Trước thảm trạng ấy, tự sức mình, con người không thể vãn hồi được tình trạng nguyên tuyền, bởi lúc con người lầm tưởng mình được tự do khi thoát khỏi sự “kìm kẹp” của Thiên Chúa thì con người đã trở thành nô lệ cho sự tội rồi. Con người đã đánh mất tự do trong Thiên Chúa. Tuy vậy, Thiên Chúa không bỏ rơi, Ngài tuôn ban ân sủng để con người được hưởng bình an và ơn công chính hóa khi tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Rm 1,7.3,24). Thật vậy, Đức Giêsu Kitô bằng sự vâng phục và tình yêu tự hiến đã kéo con người ra khỏi tình trạng tội lỗi hầu khôi phục các mối tương quan, làm thành một cuộc sáng tạo mới và dẫn con người bước vào Tình Yêu Tuyệt Đối (x. 1Ga 4,16).

Nhập Thể
Sự vâng phục và tình yêu tự hiến trước hết được thể hiện bằng mầu nhiệm Nhập Thể. Có thể nói, tình yêu là một cuộc sáng tạo vô cùng kỳ diệu và phong phú, chính vì yêu mà Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã ‘hạ cố’ làm người, để hoàn thành chương trình cứu độ từ đời đời của Thiên Chúa. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, con người được thông phần vào cuộc sáng tạo mới, được lôi kéo vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, nghĩa là con người trở nên thụ tạo mới trong Đức Giêsu Kitô, bởi Ngài chính là Ngôi Lời, là cội nguồn sáng tạo nhưng cũng là người thật như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.

Thập Giá
Vì tình yêu và sự vâng phục, Đức Giêsu Kitô đã từ bỏ tất cả, thậm chí từ bỏ chính mình bằng cái chết trên Thập Giá để quy tụ muôn loài về với Thiên Chúa, để làm nên công trình sáng tạo mới. Nếu như Ađam- con người đầu tiên không thừa nhận thân phận thụ tạo và muốn chiếm chỗ Thiên Chúa, thì Đức Giêsu- Con Thiên Chúa- Ađam mới đã vâng phục đến tận cùng bằng cái chết trên thập giá hầu tái lập trật tự, và giao hòa các mối tương quan đã mất. Nếu trước đây, do sự bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa mà con người ‘ăn trái cây biết lành biết dữ’, thì nhờ sự vâng phục, Đức Giêsu Kitô đã chọn cây thập tự để cứu rỗi con người, mà hoa trái của cây thập tự ấy đã vãn hồi trật tự do hậu quả từ việc ‘ăn trái cấm’ gây ra. Bằng Thập Giá, Thiên Chúa đã nối lại mối tương quan giữa thân phận thụ tạo của con người với Ngài và với muôn tạo thành. Vì thế, Thập giá Đức Giêsu Kitô trở thành cây sự sống mới mang lại quả phúc trường sinh. Nếu Ađam xưa vì sự bất tuân mà ‘li tâm’ khỏi Thiên Chúa, thì Ađam mới là Đức Kitô vì yêu thương và nhờ sự vâng phục thẳm sâu bằng cái chết ô nhục trên Thập Giá, đã giang tay ‘qui tâm’ mọi sự về cùng Thiên Chúa.

Phục Sinh
Thêm nữa, công trình sáng tạo mới của Đức Kitô chỉ thành toàn khi gắn với biến cố Phục sinh vinh hiển của Người. Bởi nhờ sự Phục sinh vinh hiển, Đức Giêsu Kitô đã quy hướng và dẫn đưa mọi sự về cùng Chúa Cha. Người dẫn đưa nhân loại tiến vào đời sống mới. Đời sống này hệ tại ở việc chiến thắng tội lỗi và cái chết đã gieo rắc vào thế giới khi con người đầu tiên phạm tội. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22). Như thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô không chỉ là giao hòa thế gian với Thiên Chúa nhưng còn là dẫn con người trở về với tình yêu trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa- Nguồn Ân Sủng.

Bạn thân mến! Như vậy, khi nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta đọc ra được câu chuyện tình vĩ đại nhưng cũng đầy ‘trắc trở’ giữa Thiên Chúa và con người. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Từ thuở ban đầu của lịch sử, tình yêu ấy được diễn tả nơi muôn tạo thành và đặc biệt nơi con người qua công trình tạo dựng. Thiên Chúa không ngừng thương yêu và ban muôn ân sủng cho con người. Ngay cả khi con người sử dụng tự do Chúa ban mà bội phản, muốn sánh bằng Chúa, gây hậu quả tai hại là tội lỗi, tình trạng nô lệ, và phải chết thì Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương dìu dắt. Đỉnh cao của tình yêu ấy là ơn cứu độ trọn vẹn nơi Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Qua mầu nhiệm Nhập thể, bằng cái chết và sự phục sinh trong vinh quang, Đức Giêsu Kitô đưa nhân loại tội lỗi về cùng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Tắt một lời, ân sủng không gì khác hơn là con người được tham dự vào sự sống Thiên Chúa.

Đến đây, bạn có thể thắc mắc: "Vậy con người đóng vai trò nào trong câu chuyện tình yêu này?" Vâng, ân sủng là sáng kiến tự do của Thiên Chúa, tuy nhiên không có tính áp đặt trên con người. Bởi mang nơi mình hình ảnh Thiên Chúa, con người được ban cho tự do, khả năng nhận biết và yêu mến Ngài, nên con người chỉ có thể đón nhận ân sủng trong sự đáp trả tự do của mình. Vì thế, Thiên Chúa luôn yêu thương, ban ơn cho con người đồng thời Ngài cũng khơi dậy, nâng đỡ sự cộng tác của con người vào chương trình ấy nhờ lòng tin và yêu mến Ngài. Như trong tương quan phụ tử, Thiên Chúa là cha hằng yêu thương và mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con. Về phần mình, chúng ta không phải làm gì để được làm con (bởi tự bản chất đã là con rồi), nhưng điều cần thiết là hãy mở lòng đáp lại tình yêu của Cha dành cho mình. Chỉ có thế cuộc đời chúng ta được hiện hữu trong Cha, là cùng đích mà con người ước ao, như tâm tình của thánh Augustine: “Bởi vì Chúa dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không yên nghỉ cho đến khi được 
nghỉ yên trong Chúa” (Tự Thuật 1,I,1).
Phi Dương

 
Tổng số điểm của bài viết là: 44 trong 9 đánh giá
Xếp hạng: 4.9 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 128
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 122
 
  •   Hôm nay 32,328
  •   Tháng hiện tại 1,162,690
  •   Tổng lượt truy cập 81,095,590