Như Thày đã yêu thương (Bài giảng Chúa nhật 5 Mùa Phục sinh năm C)

Thứ năm - 21/04/2016 08:03      Số lượt xem: 4973

Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, không chỉ diễn tả cách đối xử với nhau, nhưng còn có giá trị làm chứng cho giáo huấn của Người, để rồi nhờ đó mà những người khác sẽ nhận biết họ là môn đệ của Chúa.

 

Sau những nghi lễ long trọng có phần ồn ào náo nhiệt, hôm nay, Phụng vụ giúp chúng ta lắng đọng tâm hồn trở về với bầu khí trang trọng của bữa tiệc ly để suy niệm lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu. Người gọi các tông đồ là "các con bé nhỏ của Thày". Tác giả Tin Mừng còn ghi chú thêm rằng những lời này được nói sau khi Giuđa, kẻ phản bội đã ra khỏi phòng tiệc. "Các con bé nhỏ" là những người trung tín, ở với Thầy mình vào lúc khó khăn nguy hiểm. Chúa Giêsu căn dặn họ như một người thầy khuyên bảo các môn sinh trước lúc đi xa, vì Người chỉ còn ở với các ông "một ít lâu nữa thôi". Điều Người truyền lại cho các ông là giới răn yêu thương. Thực ra, yêu thương là cốt lõi giáo huấn của Chúa, nhưng lời mời gọi yêu thương được nhắc lại trong bối cảnh tiệc ly có ý nghĩa đặc biệt, vì tình yêu mà Chúa muốn các tông đồ thực hiện phải là tình yêu giống như của Chúa, "như Thày đã yêu thương".
 
"Như Thày đã yêu thương", đó là tiêu chí mà Đức Giêsu đã đề nghị cho hành động yêu thương của các môn đệ. Chúng ta biết rằng, những lời di chúc này được nói với các tông đồ liền sau khi Chúa rửa chân cho các ông. Chỉ một lát nữa, Người sẽ bị bắt và bị lên án tử. Như vậy, yêu "Như thày đã yêu thương" có nghĩa là hãy làm những gì Chúa đã làm, như một tấm gương cho các môn đệ noi theo bắt chước. Chính Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ điều ấy: "Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy,  mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13 14-15).
 
Nếu chúng ta được mời gọi yêu thương và thực thi lòng thương xót đối với nhau, là vì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô vừa cho xuất bản một cuốn sách mang tựa đề "Danh Ngài là Thương Xót". Trong suốt bề dày của lịch sử  nhân loại, Thiên Chúa tự mạc khải Ngài là Đấng Thương Xót qua công trình sáng tạo, quan phòng và cứu chuộc. Đức Thánh Cha viết: "Lòng Thương Xót sẽ luôn luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào, không một ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa khoan dung tuyệt đối. Chỉ cần nhìn lên Ngài, từ bản thể và những thương tích của mình, ngước mắt hướng về Chúa, là chúng ta mở ra với ân sủng của Ngài".
 
Một điều xem ra có vẻ nghịch lý trong Tin Mừng hôm nay, đó là vào lúc bi thảm trước cuộc khổ hình, Chúa Giêsu lại nói đến vinh quang. Theo nhãn quan của tác giả, vào lúc Chúa chịu treo trên thập giá, cũng là lúc Người được tôn vinh (x. Ga 12,23). Đây cũng là sự tôn vinh dành cho Chúa Cha, vì Chúa Cha được vinh hiển qua mầu nhiệm thập giá và qua sự tuân phục của Chúa Con. Vì lẽ đó, thập giá vừa diễn tả một cực hình, vừa diễn tả tâm tình yêu mến, vâng phục của Chúa Giêsu. Vì lẽ đó mà thập giá, mặc dù là một dụng cụ khổ hình, vẫn được tôn vinh như biểu tượng của tình thương Thiên Chúa, và là niềm hy vọng của những ai tin vào Chúa Giêsu.
 
Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, không chỉ diễn tả cách đối xử với nhau, nhưng còn có giá trị làm chứng cho giáo huấn của Người, để rồi nhờ đó mà những người khác sẽ nhận biết họ là môn đệ của Chúa. Nói cách khác, thực hành yêu thương đồng nghĩa với việc loan báo Chúa Giêsu và quảng diễn giáo huấn của Người. Loan truyền giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ, đó là sứ mạng căn bản của Giáo Hội từ hai ngàn năm qua. Đây cũng là điều làm nên nét khác biệt độc đáo giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác. Bởi lẽ cốt lõi của Đạo là tình yêu thương. Vào thời kỳ Đạo Công giáo mới được loan báo tại Việt Nam, những anh chị em lương dân đã gọi Đạo của chúng ta là "Đạo yêu thương", thay vì dùng những danh từ khó hiểu như Kitô giáo, Đạo Thiên Chúa… Tác giả sách Công vụ tông đồ đã ghi lại hành trình truyền giáo của Phaolô và Barnabê với một loạt những địa danh khác nhau. Hai ông là những nhà truyền giáo không biết mệt mỏi, mỗi khi lập các cộng đoàn mới, lại tiếp tục lên đường đến với những vùng xa lạ để loan báo Đức Giêsu. Tình yêu mến đã gắn bó các tín hữu, làm cho họ trở thành những cộng đoàn Giáo Hội.
 
Mọi sự trên thế gian này sẽ qua đi, tiền bạc, danh vọng và địa vị đạo đời cũng chẳng tồn tại. Điều còn lưu lại mãi mãi, đó là tình yêu. Tác giả sách Khải Huyền đã được chiêm ngưỡng một thời tương lai huy hoàng mà ông gọi là "Trời mới Đất mới". Lúc đó, chỉ có tình yêu viên mãn ngự trị. Đó cũng là vương quốc dành cho những ai khi sống ở đời này đã chuyên tâm thực hành giới răn yêu thương mà Chúa đã dạy.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 213
  •   Máy chủ tìm kiếm 7
  •   Khách viếng thăm 206
 
  •   Hôm nay 44,714
  •   Tháng hiện tại 1,076,722
  •   Tổng lượt truy cập 79,825,406