Kiên trì cầu nguyện (Bài giảng Chúa nhật XXIX thường niên C)

Thứ tư - 12/10/2016 19:17      Số lượt xem: 4952

Để lời cầu nguyện mang lại những kết quả như mong muốn, ta cần phải kiên trì. Như người nông phu gieo hạt rồi kiên trì chờ đợi cho cây mọc lên, người tín hữu cũng phải bền bỉ trong lời cầu nguyện.

 
Một trong những định nghĩa của tôn giáo là “mối liên hệ giữa con người với Thượng đế”. Mối liên hệ này được thể hiện qua lời cầu nguyện. Người có tôn giáo tức là người cầu nguyện. Cầu nguyện là đặc điểm chung của mọi tôn giáo. Cầu nguyện là cốt lõi của đời sống đức tin. Cầu nguyện cũng là điều kiện chứng tỏ một người có đức tin. Người có tôn giáo mà không cầu nguyện, thì không khác người vô thần, và danh xưng “tín hữu” (tức là người tin) của họ sẽ là một danh xưng giả hiệu.
 
Để lời cầu nguyện mang lại những kết quả như mong muốn, ta cần phải kiên trì. Như người nông phu gieo hạt rồi kiên trì chờ đợi cho cây mọc lên, người tín hữu cũng phải bền bỉ trong lời cầu nguyện. Hình ảnh bà góa được Đức Giêsu nhắc tới trong Tin Mừng hôm nay muốn chứng minh điều ấy. Trong bất cứ xã hội nào, những người đàn bà góa bụa phải gánh chịu nhiều thiệt thòi và bất công. Lời khiếu nại của bà trước tòa án xem ra không được cứu xét, nhưng bà góa này không nản lòng. Bà tiếp tục khiếu nại, van xin. Cuối cùng, sự kiên nhẫn bền bỉ của bà đã được đáp ứng. Vị quan tòa, dù không biết sợ ai, cũng giải quyết những kiến nghị của bà và làm cho bà được toại nguyện.
 
Hiệu quả của lời cầu nguyện kiên trì được chứng minh trong Bài đọc I. Trong cuộc giao chiến khốc liệt giữa người Israen và người Amaléc. Khi ông Môisen giang tay cầu nguyện, thì người Israen chiến thắng, khi ông hạ tay xuống thì người Israen thua trận. Người ta phải kê tảng đá dưới tay ông, để ông đỡ mỏi mệt mà giang tay cầu nguyện với Chúa, nhờ đó mà người Israen chiến thắng vẻ vang.
 
Lời cầu nguyện cũng phải xuất phát từ một tấm lòng chân thành, mong điều tốt đẹp đến với bản thân và những người xung quanh. Có nhiều người chỉ nghĩ đến Chúa khi cầu nguyện cho mình trúng số độc đắc, hoặc thăng quan tiến chức, hay thắng kiện trong những vụ tranh chấp. Cũng có người cầu nguyện mong điều ác xảy đến cho một người đang thù ghét mình. Khi cầu nguyện như thế, những người này coi Chúa là một vị thần luôn làm theo lời sai khiến của con người, để phục vụ tham vọng và lòng hận thù của họ. Cũng có người coi Chúa giống như Bà Chúa Kho, khi cần tiền bạc để đầu tư buôn bán thì đến van xin vay mượn. Nếu không buôn may bán đắt thì họ cũng “cắt liên lạc” với Bà Chúa luôn.
 
Để được Chúa nhận lời, người cầu nguyện phải tin vào Chúa. Trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu ban ơn cho một người nào, Người thường nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con”. Đức tin đem lại cho lời cầu nguyện một sức mạnh phi thường. Đức tin giúp ta xác tín vào Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài có quyền năng và Ngài có thể làm mọi sự, nếu đó là điều đẹp lòng Ngài và đó là điều mang lại lợi ích thực sự cho người xin. Đức tin cũng giúp chúng ta kiên nhẫn, như người đàn bà góa trong Tin Mừng, liên lỉ kêu van và tin rằng Chúa không dửng dưng trước những nhu cầu của con người.
 
Lời cầu nguyện của người tín hữu không dừng lại ở những điều xin, nhưng trước hết là lời tôn vinh, cảm tạ. Mối giây giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập qua tình yêu mến và chân nhận ra những điều tốt lành Chúa thực hiện trong cuộc sống cá nhân mỗi người. Chúa Giêsu đã khẳng định, cũng như người cha, yêu thương quan tâm săn sóc con cái, Thiên Chúa thấu hiểu những nhu cầu và nguyện vọng của con người. Ai yêu mến Chúa và cố gắng thực thi giáo huấn Người truyền dạy, thì Người sẽ ban những ơn cần thiết cho đời sống. Ai cậy trông vào Chúa sẽ không bao giờ thất vọng, vì họ được Chúa thương phù hộ độ trì. Như thế, lời cầu nguyện của người tín hữu như lời tâm tình chân thành của con cái đối với cha mình, giãi bày những tâm tư, ước vọng và lòng yêu mến cậy trông.
 
Người có tâm tình cầu nguyện không chỉ xin những ơn cho riêng mình, nhưng còn để ý đến lợi ích của cộng đoàn và những người xung quanh. Đó là lời khuyên của Thánh Phaolô đối với môn sinh của mình là Timôthê (Bài đọc II). Ngài khuyên ông, hãy can đảm cậy trông, hãy kiên trì nhẫn nại để rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, nhằm mục đích giúp cho các tín hữu được trưởng thành trong đức tin.
 
Nếu con người còn dễ mủi lòng trước sự kiên nhẫn nài nỉ của đồng loại, huống chi Thiên Chúa là Cha nhân lành! Chúa Giêsu đã khẳng định: “Vậy Thiên Chúa không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cầu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ sao?”. Mạc khải nói với chúng ta, Thiên Chúa luôn luôn đứng về phía người nghèo. Bà góa trong Tin Mừng đại diện cho những người bị bỏ rơi, khinh bỉ và gạt ra bên lề của cuộc sống. Giáo Hội hôm nay, nếu muốn trung thành với sứ mạng của mình, cũng phải quan tâm đến những người bất hạnh, đem cho họ niềm an ủi và sự nâng đỡ.
 
Câu nói cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay, khiến chúng ta không khỏi lúng túng và lo âu: “Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp đức tin trên mặt đất nữa chăng?”. Câu này được coi vừa như một câu hỏi, vừa như một lời than vãn. Phải chăng Chúa bi quan về tình trạng đức tin của con người? Tương lai chỉ có Chúa biết rõ, vì Ngài là chủ thời gian. Lời Chúa muốn nhắc chúng ta: đức tin như viên ngọc quý mà con người được lãnh nhận, nhưng hãy coi chừng, vì chúng ta có thể dễ dàng đánh mất viên ngọc ấy. Bởi lẽ theo Chúa là bước vào con đường hẹp, đòi hỏi phải hy sinh, kiên trì và trung thành. Không ít người vì lợi lộc thế gian mà chấp nhận từ bỏ đức tin, chối bỏ Thiên Chúa. Như vậy, câu nói của Chúa có thể hiểu như một lời cảnh báo, để mỗi chúng ta trân trọng gìn giữ đức tin, đồng thời tỉnh táo khôn ngoan trước những cám dỗ đang muốn lôi kéo chúng ta.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 180
  •   Máy chủ tìm kiếm 11
  •   Khách viếng thăm 169
 
  •   Hôm nay 36,434
  •   Tháng hiện tại 1,023,351
  •   Tổng lượt truy cập 79,772,035