Lời cầu nguyện đích thực (Bài giảng Chúa nhật XXX Thường niên C)

Thứ tư - 19/10/2016 22:16      Số lượt xem: 4680

Khi đi liền với sự khiêm nhường, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ tỏa hương thơm và đẹp lòng Chúa. Tác giả Sách Huấn Ca đã khẳng định: "Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”.


Là người tín hữu, ai trong chúng ta cũng đã có những giây phút cầu nguyện. Tuy vậy, nhiều khi chúng ta cầu nguyện theo thói quen, hoặc chỉ đến để xin xỏ điều nọ điều kia, mà chưa chắc đã có tâm tình cầu nguyện đích thực. Dụ ngôn Chúa Giêsu kể hôm nay chứng minh điều đó.

Hai người lên Đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái và một người thu thuế. Trong quan niệm thông thường vào thời Chúa Giêsu, người biệt phái là người đạo đức, người thu thuế là người tội lỗi. Người biệt phái có chỗ ưu tiên trong các buổi hội họp, người thu thuế bị người ta xa lánh không muốn ngồi gần. Tuy vậy, trong cái nhìn của Chúa Giêsu, thì người thu thuế lại có tâm hồn chân thành, khiêm tốn; trong khi người biệt phái lại giả hình, kiêu ngạo. Tệ hơn nữa, sự khoe khoang của người biệt phái lại là sự khoe khoang trước mặt Chúa, là Đấng tối cao, trong khi mỗi người biệt phái đều thuộc lòng câu Thánh vịnh: "Tư tưởng phàm nhân, Chúa đều thấu rõ, thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài" (Tv 94,11). Như thế, người biệt phái lên Đền thờ cầu nguyện, không chỉ với sự giả hình đối với con người, mà cả đối với Thiên Chúa. Ông đại diện cho những người háo danh. Ông đến để khoe khoang công trạng của mình. Tư thế của ông không phải tư thế của người cầu nguyện, mà là của một diễn viên trên sân khấu kịch. Nội dung cầu nguyện của ông toàn là vênh vang, thậm chí còn muốn tố cáo vu khống người khác.

Người thu thuế, nhận biết mình là tội nhân và kêu xin lòng thương xót của Chúa. Chúa Giêsu nhắc đến 4 điểm trong tư thế cầu nguyện của ông:

-Đứng xa xa: Đây là sự cảm nhận thân phận tội lỗi của mình, không dám đến gần Thiên Chúa là Đấng chí thánh.
-Cúi sâu, không dám ngửa mặt lên trời: Tâm tình khiêm tốn trước mặt Chúa.
-Đấm ngực: Cử chỉ sám hối, thú nhận tội lỗi của mình và thể hiện sự quyết tâm chừa cải.
-Kêu xin: Lạy Chúa, xin thương xót tôi: Đây là lời van nài, cầu xin lòng thương xót của Chúa.

Kết quả của hai lời cầu nguyện khác nhau. Người thu thuế được Chúa nhận lời và người Biệt phái thì không. Xem ra đó là một điều nghịch lý. Chúa Giêsu đã giải thích cho chúng ta: “Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". Người Biệt phái đã được thưởng công ở đời này, vì ông đã tìm lời khen ngợi nơi loài người. Người thu thuế âm thầm khiêm tốn. Ông đến cầu nguyện với hai bàn tay trắng và tâm hồn sám hối. Chính tâm hồn sám hối của ông lại là của lễ Chúa ưa thích, vì thế mà ông được Chúa nhận lời.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy có tâm tình của người thu thuế mỗi khi cầu nguyện. Mỗi khi khởi đầu Phụng vụ Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu đều xương lên "Kinh thương xót". Chúng ta nài xin lòng thương xót của Chúa tha thứ và thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi.
 
Khi đi liền với sự khiêm nhường, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ tỏa hương thơm và đẹp lòng Chúa. Tác giả Sách Huấn Ca đã khẳng định: "Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”. Quả thật, Chúa là Đấng luôn lắng nghe và sẵn lòng cứu giúp những ai kêu cầu Ngài. Ngài cũng sẵn sàng bênh vực kẻ bị áp bức, và giải phóng kẻ tù đày, đau khổ (Bài đọc I).

Lời cầu nguyện đích thực không chỉ được thực hiện trong khi vui mừng bình an, mà còn trong khi gian nan đau khổ. Thánh Phaolô đang ở trong tù. Ngài biết ngày chết đã gần kề. Trong thư viết cho ông Timôthê, thánh nhân vẫn tỏ ra lạc quan tin tưởng vào Thiên Chúa, vì ông biết chắc, Chúa sẽ dành cho ông triều thiên công chính. Tâm tình cầu nguyện đã nâng đỡ ông trong cảnh tối tăm của ngục tù (Bài đọc II).

Có những khi chúng ta chỉ đọc kinh mà không cầu nguyện, vì lời kinh của chúng ta chỉ là những “sáo ngữ” mà không giúp ta gặp được Chúa. Lời cầu nguyện đích thực là lời kinh đi liền với trái tim khiêm tốn chân thành và tâm tình yêu mến thiết tha ta dành cho Chúa. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về đời sống cầu nguyện. Mặc dầu bận rộn với công việc rao giảng Tin Mừng, Người vẫn cầu nguyện với Chúa Cha để tìm thánh ý Chúa Cha. Đức Mẹ và các thánh đã đạt tới sự trọn lành nhờ đời sống cầu nguyện, gắn bó mật thiết với Chúa.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 399
  •   Máy chủ tìm kiếm 18
  •   Khách viếng thăm 381
 
  •   Hôm nay 60,145
  •   Tháng hiện tại 759,599
  •   Tổng lượt truy cập 80,692,499