Bài giảng lễ - Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội

Thứ sáu - 18/11/2016 14:19      Số lượt xem: 5235

"Hãy đi và làm như vậy!". Xét theo khía cạnh văn chương, xem ra câu chuyện chưa trọn vẹn, mà còn để lửng để chúng ta tiếp tục suy tư và soi vào chính mình để tìm ra thông điệp của Lời Chúa. Đây cũng là lệnh truyền của Chúa đối với mỗi bạn trẻ chúng ta, vào lúc Đại hội Giới trẻ Giáo tình Hà Nội sắp khép lại:

Bài giảng lễ - Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội
17-11-2016, Gp Vinh
 
Các bạn trẻ thân mến,
 
Cách đây hai ngàn năm, có một người trẻ xuất thân từ làng quê nghèo Nagiarét. Ở tuổi 30, người trẻ ấy đã khởi nghiệp, không phải trong lãnh vực kinh tế, chính trị, thương mai, xã hội, nhưng như một vị ngôn sứ. Vị ngôn sứ ấy có tên là Giêsu. Người có sức lôi cuốn lạ lùng! Khi Người đến thành nào, thì cả thành đều tập trung lại để nghe Người giảng. Người ta đi theo Người đông đảo, sẵn sàng vào cả sa mạc, đi ba ngày đường, để đón nhận giáo lý của Người. Lời giảng dạy của Người có uy quyền mạnh mẽ, với những phép lạ kèm theo để chữa lành mọi bệnh tật, đẩy lui quyền năng của ma quỷ, đem lại niềm vui và sự an ủi cho con người. Nội dung lời giảng dạy là lời kêu mời sám hối, sống thân thiện hài hòa, vì mọi người đều là con của cùng một Cha trên trời là Thiên Chúa. Đức Giêsu là Ánh Sáng trần gian, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Thế nhưng, bóng tối không muốn đón nhận ánh sáng; sự gian dối không muốn đón nhận sự thật; sự chết muốn khước từ sự sống, nên Người đã bị một số người Do Thái ghen ghét, vu khống và lên án tử. Chúa Giêsu đã sống chính lời Người đã giảng dạy: "Không có tình thương nào cao cả hơn  tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình". Trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu thương tự hiến ấy. Cũng trên cây thập giá, Người tỏ cho nhân loại tình thương vô bờ của Chúa Cha. Người là mẫu mực cho chúng ta về sự hy sinh và sống cho người khác.
 
Các bạn trẻ thân mến, Đại hội Giới trẻ miền Bắc quy tụ chúng ta tại Giáo phận Vinh, trong bầu khí tràn ngập ơn thánh và trong dư âm của Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa bế mạc. Trong suốt thời gian Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxico, vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, đã kêu mời mọi thành phần dân Chúa cùng tái khám phá lòng thương xót của Chúa trong lịch sử cũng như trong hiện tại, đối với tập thể cũng như đối với cá nhân mỗi người. Đức Thánh Cha cũng kêu mời mọi tín hữu chung sức cộng tác để ở đâu có người công giáo, thì ở đó có những tụ điểm của lòng thương xót, để rồi, những ai đang gặp khó khăn đau khổ trong cuộc đời, qua người công giáo, mà họ gặp được sự nâng đỡ, niềm vui và an bình. Nói cách khác, lòng thương xót của Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng được cụ thể hóa qua cuộc đời đầy ắp tình người và thấm đượm tình nhân ái của các tín hữu. Giáo Hội hoàn vũ nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, đã hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và có những hoạt động thiết thực để phán ánh lòng thương xót của Chúa.
 
Bài Tin Mừng Thánh Luca chúng ta vừa nghe, có ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Câu chuyện về người Samari nhân hậu là một thông điệp gửi đến cho tất cả  chúng ta:

Trước hết, nạn nhân bị đánh "nửa sống nửa chết" bên đường là hình ảnh của nhân loại chúng ta. Chúa Giêsu là người Samari nhân hậu đã đến để băng bó vết thương của nhân loại do tội lỗi gây ra, đồng thời nuôi dưỡng chúng ta bằng Thánh Thể và Lời hằng sống. Người là Thiên Chúa cao cả, đã nhập thể làm người để ở với nhân loại. Người đã không hổ thẹn gọi chúng ta là anh em. Người mang trong mình một trái tim nhân loại. Trái tim ấy đã rung cảm trước nỗi đau của cuộc đời nhân thế. Chúa Giêsu đã rơi lệ trước cái chết của ông Lagiaro một người bạn. Người chạnh lòng thương trước những người nghèo khổ, bệnh tật và đau khổ, và đem cho họ sự nâng đỡ ủi an. Nhân loại hôm nay rất cần được tình thương của Chúa bao bọc. Cơn cám dỗ muốn thay thế Thiên Chúa của loài người ngay từ khởi đầu lịch sử vẫn đang tồn tại trong thời đại chúng ta. Có những phong trào muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi học đường, khỏi nơi công cộng, khỏi gia đình và khỏi tâm hồn. Loại trừ Thiên Chúa là nguyên nhân của chiến tranh, bạo lực và đau khổ. Không có Chúa, con người như những kẻ lang thang vô định trên đường đời. Vắng Thiên Chúa, thế gian này sẽ là bãi chiến trường.
 
Đại hội Giới trẻ thế giới được tổ chức tại Cracovie (Ba Lan) vào cuối tháng Bảy vừa qua đã quy tụ  hơn ba triệu bạn trẻ, đến  từ 170 quốc gia trên thế giới. Các bạn trẻ về Ba Lan để cùng với Đức Thánh Cha tôn vinh lòng thương xót của Chúa. Giáo huấn của Đức Thánh Cha bao gồm ba điểm nhấn quan trọng này:
 
-Trước hết, các bạn trẻ về với Ba Lan, quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để chiêm ngưỡng và gặp gỡ Đức Giêsu, dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Qua đó, họ nhận ra sự hiện diện của Người trong cuộc đời.
 
-Thứ hai, Đại hội giúp các bạn trẻ chạm tới lòng thương xót của Chúa, tức là cảm nhận mình đã và đang được Chúa thương. Đại hội không phải như một sự kiện giải trí hay như một sinh hoạt văn hóa, nhưng là cuộc hồi tâm, giúp các bạn trẻ sám hối trở về. Bởi lẽ trong cuộc sống, họ bị xô đẩy và lôi kéo trước nhiều khuynh hướng cám dỗ khác nhau, nhất là lối sống hưởng thu, ích kỷ và khép kín.
 
-Thứ ba, sau khi cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, mỗi bạn trẻ được mời gọi trở nên chứng nhân của lòng thương xót và của niềm hy vọng giữa cuộc đời hôm nay.
 
Các bạn trẻ thân mến, Đại hội Giới trẻ hôm nay tại Giáo phận Vinh tiếp nối giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và của Đại hội Giới trẻ thế giới. Cuộc gặp gỡ của chúng ta cũng chú trọng tới ba điểm nhấn mà chúng ta vừa nhắc tới: Chúng ta về đây để gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe giáo huấn của Người để thực thi những gì Người đã dạy. Về với Đại hội, chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng, đã hơn một lần trong cuộc đời, chúng ta được lòng thương xót của Chúa bao bọc, chở che, từ đó, mỗi chúng ta thành tâm sám hối trở về với Chúa. Và, sau khi Đại hội bế mạc, chúng ta được Chúa sai lên đường để trở nên nhân chứng của niềm hy vọng. Nội dung các bài thuyết trình, các bài thánh ca, các điệu vũ, giờ chầu Thánh Thể… đều nhằm giúp chúng ta gặp Chúa, sám hối và đổi mới tâm hồn.
 
"Hãy đi và hãy làm như vậy!".  Đó là chủ đề của Đại hội Giới trẻ miền Bắc lần thứ 14. Đây là lời kết luận của Chúa Giêsu, sau khi kể câu chuyện người Samari nhân hậu. Người Samari tuy là "người ngoại" đã chạnh lòng thương trước cảnh một người bị cướp nửa sống nửa chết ven đường. Ông đã chăm sóc người bị nạn như người thân thiết của mình. Ông không mang một danh nghĩa hội đoàn hay tập thể nào. Ông cũng không băn khoăn xem người bị nạn có phải là người đồng đạo hay đồng bào, hoặc người đồng quan điểm chính trị với mình hay không. Điều ông quan tâm, đó là một con người đang lâm nạn cần được cứu giúp. Tiêu chí hành động của ông, đơn giản chỉ là tình người. Trong khi đó, thày tư tế và Lêvi, vì quá quan tâm đến những quy định về thanh sạch hay nhơ uế, đã quên một điều quan trọng là tình người. Khi đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: "Ai là người thân cận của tôi?", người thông luật muốn đặt mình làm trung tâm và những người xung quanh phải quy chiếu về minh. Chúa Giêsu muốn ông thay đổi não trạng đó, để quan tâm đến người khác và để ý đến những nhu cầu của họ. Thay vì đặt câu hỏi: "Ai là người thân cận của tôi?", Chúa muốn mỗi chúng ta hãy tự hỏi: "Tôi có là người thân cận của những người xung quanh không?". Đó chính là một trong những giáo huấn quan trọng của Tin Mừng.
 
"Hãy đi và làm như vậy!". Xét theo khía cạnh văn chương, xem ra câu chuyện chưa trọn vẹn, mà còn để lửng để chúng ta tiếp tục suy tư và soi vào chính mình để tìm ra thông điệp của Lời Chúa. Đây cũng là lệnh truyền của Chúa đối với mỗi bạn trẻ chúng ta, vào lúc Đại hội Giới trẻ Giáo tình Hà Nội sắp khép lại:

-Nếu xã hội Việt Nam của chúng ta còn nhiều khoảng tối, mỗi bạn trẻ công giáo hãy thắp nên một ngọn nến nhỏ, với hy vọng sẽ tạo những vầng sáng lớn xua tan đêm đen.
-Nếu xã hội còn nhiều gian dối, chúng ta hãy cố gắng sống chân thành, tôn trọng sự thật.
-Nếu xã hội còn nhiều bạo lực, chúng ta hãy cố gắng sống thân thiện hài hòa.
-Nếu xã hội còn nhiều tệ nạn xã hội, chúng ta hãy sống và góp phần tạo môi trường sống lành mạnh.
-Nếu xã hội còn nhiều bất công, chúng ta hãy góp phần bảo vệ công bằng và công lý.
 
Nếu chúng ta thực hiện được những đề nghị nêu trên, hơn hai mươi ngàn bạn trẻ công giáo đang có mặt nơi đây sẽ góp phần thay đổi thế giới và làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu thấm đượm cuộc sống hôm nay.
 
Chúng ta thấy trên lễ đài có dòng chữ: "Như Cha đã sai Thày, Thày cũng sai anh em". Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho 11 tông đồ. Họ cũng là những người trẻ đầy năng động và nhiệt huyết. Những người này, sau khi lãnh nhận lệnh truyền của Chúa, đã ra đi làm chứng cho Chúa và họ đã làm thay đổi thế giới. Chứng từ của họ rất đơn giản: họ khẳng định với mọi người rằng Đức Giêsu đã chết, nhưng đã sống lại và đang hiện diện giữa cuộc đời. Tất cả họ đều đã chấp nhận hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho điều họ tuyên xưng.  Vào lúc kết thúc Đại hội, Chúa cũng đàng nói với chúng ta những lời này. Hãy lên đường, Hãy đem Chúa vào cuộc sống. Hãy cố gắng làm cho lòng thương xót của Chúa tỏa sáng nơi mỗi cuộc đời của bạn trẻ chúng ta. Amen
 
 +Gm Giuse Vũ Văn Thiên
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 32 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 4.6 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 229
  •   Thành viên online 1
  •   Máy chủ tìm kiếm 21
  •   Khách viếng thăm 207
 
  •   Hôm nay 27,455
  •   Tháng hiện tại 1,094,135
  •   Tổng lượt truy cập 81,027,035