Cùng bước đi trong hi vọng

Thứ năm - 09/11/2023 15:24      Số lượt xem: 1300

Sự kiện Đại hội lần XVI Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng Mười năm nay (2023) tại Roma, do Đức Giáo hoàng Phanxicô triệu tập, đánh dấu Dân Chúa lữ hành đang tiến bước nay dừng chân để lắng nghe tiếng Chúa giữa thời thế hôm nay, là một hạt giống Hi vọng nhỏ bé.

cung buoc di trong hi vong
CÙNG BƯỚC ĐI TRONG HI VỌNG
Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Phó Tổng Thư Ký HĐGMVN

 
WHĐ (06.11.2023) – Giữa một thế giới đang nóng lên đứng kề bên vực thẳm của chiến tranh xung đột vì thù hận, một thế giới sân hận không còn khả năng lắng nghe người khác, bị kích động bởi bạo lực phản chiếu cả trên thế giới kĩ thuật số, gần bốn trăm con người qui tụ nhau lại trong một tháng trời xa quê để cầu nguyện, lắng nghe nhau, trao đổi chia sẻ, quả là một điềm thiêng, tin lành. Sự kiện Đại hội lần XVI Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng Mười năm nay (2023) tại Roma, do Đức Giáo hoàng Phanxicô triệu tập, đánh dấu Dân Chúa lữ hành đang tiến bước nay dừng chân để lắng nghe tiếng Chúa giữa thời thế hôm nay, là một hạt giống Hi vọng nhỏ bé. Dân lữ hành Đường Hi vọng giữa bóng tối ngập tràn trần gian. Thế ra, người ta vẫn có thể đối thoại với nhau, đón tiếp nhau, để lại sau lưng mọi bận tâm riêng, vượt qua mọi xu hướng phân cực, để đạt tới sự đồng tâm nhất trí ngày càng lớn hơn. Chúng ta đang trải qua những ngày giờ đen tối, thời khắc trong đó người ta dùng bạo lực của lời nói và suy nghĩ một chiều, kích động chiến tranh và khủng bố thảm sát dân thường và trẻ con. Thời gian này người ta khó nói lên từ “đối thoại”, “thương thảo”, “ngưng chiến”, một thời kì ghi dấu bởi một tương lai mập mờ, thiếu bạo dạn, sáng kiến ngoại giao từ các chính quyền các nước. Thật sự chúng ta cần cầu nguyện nhiều, cần được nâng đỡ và nghe tiếng nói của Chúa để được vực dậy và vượt lên trên các lợi ích cục bộ, ý thức hệ và phe phái. Đại hội Thượng Hội Đồng (THĐ) tiến hành trong tháng Mười vừa qua tiến hành theo phương pháp Đối thoại trong Thánh Thần (Conversation in the Holy Spirit) như một hạt giống nhỏ bé chất đầy những kì vọng cho tương lai của Hội thánh và nhân loại.

Nhìn vào Hội thánh và sứ mạng của Hội thánh hôm nay, có thể thấy có một chút mới mẻ phản chiếu qua sinh hoạt Đại hội và Báo cáo Tổng hợp (Synthesis Report), được Đại hội thông qua với sự đồng thuận của đại đa số, của khóa họp thứ nhất của THĐ, vốn chỉ kết thúc vào tháng Mười năm sau 2024. Có thể kể ra vài nét đúc kết nổi bật sau đây.

1.Mọi người được lắng nghe, phẩm giá của người tín hữu đã chịu Thánh tẩy được  tôn trọng

Các tham dự viên gồm có cả giáo hoàng, hồng y, giám mục, thượng phụ, linh mục, tu sĩ, giáo dân, là thành viên của THĐ này và những khách “đại biểu anh em” (Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành, Methodist, Ngũ Tuần,…). Hơn một phần ba trong số tham dự viên THĐGM lần này không phải là giám mục: họ là giáo dân trẻ (1 nam, 1 nữ), lớn tuổi, khuyết tật, giáo dân có gia đình, giáo dân độc thân tận hiến giữa đời, tu sĩ dòng (nữ, nam, dòng chiêm niệm, dòng tông đồ), linh mục trẻ, linh mục lớn tuổi, linh mục và vợ linh mục (thuộc Giáo hội không theo nghi lễ la-tinh), giám mục giáo phận và dòng tu, … Họ là những người đã chịu phép Thánh Tẩy đã lãnh nhận Thánh Thần, tất cả đều là chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, của Giáo hội và được mọi người khác lắng nghe. Họ ngồi nơi 39, hay 40 cái bàn tròn trong hội trường Phaolô VI, chia đều mỗi bàn khoảng 12 người. Mọi người không trừ ai đều được mời gọi lên tiếng chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm của mình trong những vòng (rounds) đối thoại trong nhóm nhỏ (circuli minores) và tự do ghi tên phát biểu ý kiến trong những lần họp toàn thể đại hội (hội nghị khoáng đại).

Mọi người tham dự đều được mời gọi lắng nghe người khác: lắng nghe người nghèo, người bị loại trừ, bị kì thị, lắng nghe người không có tiếng nói, người bị lạm dụng, lắng nghe giáo dân, phụ nữ, người trẻ, người già, lắng nghe những vị có chức thánh, và các tu sĩ. Có những ơn gọi, đặc sủng và sứ vụ khác nhau, nên phải lắng nghe để Hội thánh thật là của mọi tín hữu.

Ngoại trừ các buổi cử hành phụng vụ Thánh lễ, Đại hội Thượng Hội Đồng không thấy có phân biệt ghế trên, ghế dưới, không phân biệt người trong, người ngoài. Bầu khí huynh đệ thân mật vui tươi trong các nhóm nhỏ (4/5 ngày chuyển đổi một lần) toát lên giữa những trao đổi của hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, giữa người già người trẻ, người nước này người nước kia, người Đông phương người Tây phương, … tình huynh đệ: tất cả đều là anh em, chúng ta chỉ có một Thầy, một Cha trên trời. Đúng hơn, vẫn có những người làm lớn nhưng người lớn nhất lại là kẻ phục vụ mọi người. Vẫn phải kính trọng các vị lãnh đạo Hội thánh, nhưng không coi nhẹ phẩm giá của người Kitô hữu. Phải lắng nghe Giáo huấn của Hội thánh, nhưng không được quên Chúa cũng nói với Dân của Chúa (sensus fidelium), không được quên chính mình đã lãnh nhận Thánh Thần để đóng góp cho việc xây dựng Hội thánh. (x. SR 5,6,7).

2.Lãnh đạo là phục vụ

Nổi lên một ý kiến thường được nêu lên trong Đại hội, đó là chúng ta hãy coi chừng thái độ, não trạng giáo sĩ trị (clericalism), có cả nơi người giáo sĩ lẫn tu sĩ và giáo dân. Chuyện Chúa Giêsu phê phán những người Pharisiêu trong cộng đoàn Do thái giáo thời xưa cũng có trong cộng đoàn Hội thánh hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần phê phán một số nhỏ giáo sĩ làm méo mó khuôn mặt Hội thánh bằng thái độ độc đoán, tàn nhẫn đối với Dân Chúa: họ làm mục vụ bí tích trong giáo xứ giống như trong siêu thị, mọi thứ đều có nêu giá cả hẳn hoi; rốt cuộc Hội thánh trở thành một công ty cung ứng dịch vụ và linh mục thành nhân viên công ty đa quốc gia.

THĐ kêu gọi nhìn vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người đến gần từng người và nói chuyện với họ với cả những người tội lỗi, những người bị gạt bên lề, dù bị chống đối và tấn công bởi các kì mục, kinh sư, thầy dạy Do thái. Nhìn vào cộng đoàn Do thái thời ấy, Đức Giêsu phê phán thói giả hình của những kì mục, kinh sư, thầy dạy thích ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng, được người ta gọi là thầy, Người dạy các môn đệ: “Phần anh em đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một người lãnh đạo, là Đấng Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,8-11). Giáo hội ở mọi cấp độ, từ giáo triều Roma đến các giáo xứ nhỏ nhất, cần nhìn vào Chúa Giêsu để biết rằng chức vụ là để phục vụ chứ không phải uy quyền, sứ vụ chỉ có ích nếu lôi kéo người ta lại gần, hiệp nhất, thúc đẩy tinh thần đồng trách nhiệm tham gia xây dựng cộng đoàn truyền giáo, tạo tình huynh đệ, làm chứng về Lòng thương xót của Chúa; chức vụ trở nên vô ích hay nguy hại nếu làm người ta xa lánh hay dính chặt với đặc quyền đặc lợi, nếu phân biệt quá chặt chẽ giữa người có chức thánh với người không có chức thánh, và xem Kitô hữu giáo dân như người tín hữu đã chịu Thánh tẩy hạng hai (thực tế có lẽ bằng việc làm hơn bằng lời nói). Đồng thời, THĐ cũng nhắc nhở người tín hữu giáo dân không có chức thánh thì tham gia những hình thức chứng tá phục vụ khác của chức tư tế cộng đồng do bí tích Thánh tẩy, tránh nguy cơ giáo sĩ hóa hay bị giáo sĩ hóa vượt quá ranh giới người “giáo dân dấn thân”.

3.Thiên Chức của người phụ nữ

Trong THĐ có một sự đồng thuận đa số muốn tạo không gian sứ vụ rộng hơn cho phụ nữ ngày nay trong Hội thánh trong khi nêu lên thiên chức người nữ cũng như ơn gọi thực sự của họ trong chương trình sáng tạo - cứu độ của Thiên Chúa, luôn trong tương quan tình yêu bổ túc với người nam. Người nữ và người nam được tạo dựng theo hình ảnh giống như Thiên Chúa, cùng bản tính, chung một ơn gọi làm người và định mệnh với hai kinh nghiệm làm người khác biệt để yêu thương trợ giúp cho nhau. Trong Đức Kitô, người nữ và người nam đều có cùng phẩm giá của người đã chịu phép Thánh tẩy (Gl 3,28) và nhận những ơn của Chúa Thánh Thần như nhau. Chúng ta, nữ cũng như nam, đều được kêu gọi sống hiệp thông yêu thương, sống các mối tương quan không-ganh-đua trong Đức Kitô, và đồng trách nhiệm biểu lộ đời sống Hội thánh ở mọi cấp độ.

Đức Giêsu nói chuyện với các phụ nữ, nói với họ về Nước Thiên Chúa, đón tiếp họ như những môn đệ, như Maria thành Bêthania chẳng hạn. Những người phụ nữ cảm nhận quyền năng chữa lành, giải thoát của Người và được Người chấp nhận, đi theo Người trên con đường từ Galilê lên Giêrusalem (Lc 8,1-3). Dưới chân thập giá, trong khi các Tông đồ và môn đệ bỏ chạy thì các phụ nữ ở lại đó với Người. Khi Người chết họ ở lại bên Người. Họ là những người đã nhận ra Chúa sống lại, gặp Người và loan báo Tin mừng Phục sinh đầu tiên. Các phụ nữ bạo dạn rao truyền bài giảng kerygma đầu tiên cho các Tông đồ và môn đệ trong khi họ còn sợ hãi và nghi nan.

4.Chọn lựa ưu tiên người nghèo

Một khía cạnh khác nổi lên được Đại hội của THĐ quan tâm đặc biệt phản ánh trong bản Báo cáo Tổng hợp (SR 4) là tiếp đón những người bị tổn thương, bị gạt bên lề xã hội. Những người nghèo kêu xin tình yêu từ Giáo hội. Bác ái yêu thương là kính trọng, đón nhận và nhìn nhận con người, không có tình yêu đó dù có cung cấp lương thực, tiền bạc hay các dịch vụ xã hội cũng là chưa coi trọng phẩm giá nhân vị. Mỗi người cần được giúp đỡ để có thể tự mình phát triển hơn chỉ là đối tượng cung ứng những phúc lợi. Ưu tiên chọn lựa người nghèo là một hệ quả của sống đức tin Kitô giáo. Chúa Giêsu là một người nghèo khiêm tốn, làm bạn với những người nghèo, đồng bàn ăn với họ, Người cũng tố cáo những nguyên nhân gây bất công gây cảnh nghèo của con người. Đối với Giáo hội, chọn lựa ưu tiên người nghèo và những người sống bên lề xã hội là một phạm trù thần học trước khi là phạm trù văn hóa, xã hội, chính trị hay triết học. Đón tiếp người di dân, tị nạn chúng ta chỉ thấy mình đang đón tiếp Thánh gia Nazaret đang chạy lánh nạn; đón tiếp cả những người “rối hay vô đạo”, những người ở xa, “không-được-hiện-diện” trong cộng đoàn Hội thánh (khi thờ phượng). Hội thánh có chỗ cho tất cả mọi người, như lời của Đức Thánh Cha nói trong Đại hội Giới trẻ Lisbon vừa qua: “Todos, todos, todos”.

Trong mỗi trang Phúc âm chúng ta thấy Chúa Giêsu phá đổ những cấm kị, truyền thống trong dân Do thái, phê phán những kẻ giả hình, tự cho mình là công chính, để ôm lấy những người tội lỗi, những người bị tổn thương, những người bị xã hội ruồng rẫy, những người bị cho là vô đạo, những kẻ hư hỏng, những kẻ xa rời không phải là “một người trong chúng ta”. Đức Giêsu khi đi ngang qua dưới cây sung thành Jêricô ngước nhìn thấy anh chàng thu thuế hư hỏng nhỏ con bị mọi người khinh chê, Người kêu gọi anh bằng việc chính Người vào nhà anh. Zakêu đón tiếp Người vào nhà, nhìn nhận tội lỗi và sám hối thay đổi. Nhưng sự hoán cải này trước tiên là hệ quả của việc anh được nhìn nhận bởi lòng Chúa yêu thương, được đón nhận và ngập tràn tình thương xót của Chúa, chứ không phải là điều kiện tiên quyết tất yếu để được đón nhận. Giáo hội hiệp hành mang lấy cái nhìn đó của Chúa trước anh chị em đang trong nỗi cùng khổ, tội lỗi, cho anh chị em đó cảm thấy được đón nhận và đồng hành cách kiên nhẫn và dịu dàng, Giáo hội tin tưởng vào ơn Chúa hoạt động hiệu quả trong trái tim con người, theo thời gian và cách thức Chúa muốn.

Giáo hội hiệp hành qua Đại hội THĐ còn nhìn thấy những “người nghèo mới” phát sinh bởi chiến tranh và khủng bố đang tàn phá nhiều đất nước trên một số đại lục, và lên án những hệ thống chính trị và kinh tế đã gây ra tranh chấp, xung đột như hiện nay. Giáo hội nghe thấy tiếng kêu của những người sống trong cảnh nghèo hèn do sự tàn phá trái đất, “ngôi nhà chung” của nhân loại, và kêu gọi tinh thần đồng trách nhiệm chăm sóc Ngôi Nhà Chung. Tông huấn Laudate Deum của Đức Giáo hoàng Phanxicô được phát hành đồng thời với ngày khai mạc Đại hội THĐGM lần VXI này nhấn mạnh đến điều đó.

5. Cần cải tổ cơ cấu

Sau cùng, THĐGM lần XVI này cũng kêu gọi xem xét lại Bộ Giáo luật, tiếp tục đi trên con đường đại kết cách xác tín hơn và cụ thể hơn nữa, làm thế nào để cơ cấu thượng hội đồng đang có đó có giá trị lớn hơn nữa? Làm sao đi tiếp con đường mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra, từ năm 1995, mà chưa thực hiện được, về thừa tác vụ của Giám mục Roma: làm sao tìm được con đường thực hiện tối thượng quyền (primacy) của ngài, trong khi không bỏ cái cốt yếu của sứ vụ ấy nhưng lại phải cởi mở trước hoàn cảnh mới? (Ut unum sint). Thăng tiến sự hiệp nhất các Kitô hữu là cốt yếu của sứ vụ của Giám mục Roma.

THĐ (SR 13) nói hành trình đại kết đã đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về thừa tác vụ của Đấng Kế vị Thánh Phêrô và phải tiếp tục làm như thế trong tương lai. Trả lời cho lời kêu gọi của Thánh Gioan Phaolô II trong Tông huấn Ut unum sint cũng như những kết luận của các đối thoại đại kết có thể giúp Hội thánh Công giáo hiểu rõ và sâu sắc hơn về tối thượng quyền, tính hiệp đoàn (giám mục, linh mục), tính hiệp hành, và tương quan giữa những phạm trù ấy. Thật vậy, tính hiệp hành sẽ kết hợp hài hòa chiều kích cộng đoàn (communal, “all”), chiều kích hiệp đoàn (collegial, “some”) và chiều kích cá vị (personal, “one”). Những chiều kích ấy là của Giáo hội (địa phương, vùng/miền, và hoàn vũ). Với cái nhìn đó, thừa tác vụ Phêrô của Giám mục Roma là yếu tố nội tại của mọi động thái hiệp hành, cũng như chiều kích cộng đoàn thì bao hàm toàn thể Dân Chúa và chiều kích hiệp đoàn thuộc thực hành sứ vụ Giám mục. Do đó, tính hiệp hành, tính hiệp đoàn, và tối thượng quyền tham chiếu lẫn nhau: tối thượng quyền giả thiết phải có thực hành tính hiệp hành và tính hiệp đoàn, cũng như hai chiều kích này hàm chứa thực hành tối thượng quyền.

 
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ở với Hội thánh luôn mãi và chúc lành cho khát vọng của chúng con được trở nên hiệp hành như Chúa muốn ngày một hơn.
 
Hà Tĩnh, ngày 6 tháng 11 năm 2023
(*) Chú thích: SR = Synthesis Report, là Báo cáo Tổng hợp của THĐGM lần XVI.
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 185
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 180
 
  •   Hôm nay 52,454
  •   Tháng hiện tại 1,182,816
  •   Tổng lượt truy cập 81,115,716