“Ngỡ ngàng” (Bài giảng lễ Chúa Ba Ngôi) - Năm C

Thứ tư - 08/06/2022 17:35      Số lượt xem: 1099

“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng. Bởi lẽ là thụ tạo nhỏ bé hèn mọn, mà chúng ta lại được tái sinh nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời nhân danh Chúa Ba Ngôi trong mọi hành động. Nhân danh Chúa để làm việc, để suy tư, để dùng bữa và nhất là để cầu nguyện. Khi nhân danh Chúa mà làm việc,chắc chắn những việc chúng ta làm sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.

ngo ngang

Lễ Chúa Ba Ngôi
“Ngỡ ngàng”
 
“Ngỡ ngàng” là tâm trạng của một người khi đứng trước một công trình hay một biến cố kỳ diệu. Trước công trình kỳ diệu đó, người chiêm ngắm thốt lên lời khen ngợi và cảm phục. Sự ngỡ ngàng thường đi liền với lòng yêu mến tri ân. Ngày lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ ngỡ ngàng thán phục tôn vinh sự kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong ba “Mầu nhiệm cả” của Đức tin Kitô giáo. Thánh Gioan tông đồ khẳng định: Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đã là tình yêu, thì phải có đối tượng được yêu. Mặc dù Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người lại không phải đối tượng tương xứng của tình yêu cao cả nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không đơn độc. Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con nồng thắm và diệu kỳ đến nỗi từ tình yêu này phát xuất Chúa Thánh Thần. Công đồng Rôma năm 382 đã viết: “Đây là ơn cứu rỗi của các Kitô hữu: tin vào Chúa Ba Ngôi, tức là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; được thanh tẩy trong Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải tin vững vàng rằng  Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng, vinh quang và hằng hữu”. 
 
Nội dung Bài đọc I là sự ngỡ ngàng của Đức Khôn Ngoan khi nói về Đức Chúa. Đức Khôn Ngoan ca tụng Đức Chúa đã thưc hiện công trình sáng tạo. Trong công trình kỳ diệu ấy, Đức Khôn Ngoan là tác phẩm đầu tay. Dưới lăng kính Kitô giáo, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu. Người đã có tự muôn thuở, “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Người ở với Chúa Cha từ trước khi vũ trụ được khai nguyên. Cùng với Chúa Cha, Đức Khôn Ngoan thực hiện công trình sáng tạo, Người “hiện diện bên Chúa Cha như người thợ cả”. Như thế, Đức Khôn Ngoan ngang hàng với Chúa Cha và cùng với Chúa Cha hoạt động không ngừng để làm cho vũ trụ thêm huy hoàng đẹp đẽ.
 
Là người tin Chúa, chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vũ trụ, đồng thời chúng ta tuyên xưng Chúa là Đấng làm nên vẻ đẹp đó. Sự huy hoàng của vũ trụ được tác giả Thánh vịnh 8 ca ngợi: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài”. Trong tất cả các loài thụ tạo, con người được Chúa ưu ái nhất, và con người “chẳng thua kém thần linh là mấy, vì được Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”. Theo sách Sáng thế, sau khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa trao đất đai cho con người canh tác và làm cho đất phì nhiêu màu mỡ. Thiên Chúa đã đặt con người thay Ngài lên cai quản vũ trụ.
 
Nhìn lại lịch sử Cứu độ, chúng ta ngỡ ngàng trước quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài đã hướng dẫn lịch sử bằng cánh tay uy quyền của người cha, và bằng tình yêu thương dịu dàng của người mẹ. Con người nhiều lần phản nghịch lỗi phạm giới răn của Chúa, nhưng Ngài luôn tha thứ bao dung. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến trần gian. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, có sứ mạng hoà giải Thiên Chúa với con người và nối kết con người với nhau trong tình huynh đệ thân thương. Dân chúng nghe lời giảng dạy của Người đều ngỡ ngàng trước sự khôn ngoan của Người. Qua Đức Giêsu, họ nhận ra “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài”. Họ tung hô: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
 
Nếu dân chúng ngỡ ngàng trước sự khôn ngoan của Đức Giêsu, họ cũng hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng trước cái chết của Người trên thập giá. Vị sĩ quan người Rôma, khi chứng kiến cái chết của Người, đã thốt lên: “Quả thực, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Vì oán hận ghen tương, con người đã giết Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã mang lấy án phạt để nhân loại được hạnh phúc. Con Thiên Chúa đã trở nên nô lệ để con người được tự do. Ngước nhìn thập giá, người tín hữu tôn thờ Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại và hy sinh vì hạnh phúc của con người.
 
Ông Phêrô cùng với các tông đồ và những khách hành hương ở Giêrusalem ngày lễ Ngũ Tuần đã ngỡ ngàng trước điều kỳ diệu Chúa Thánh Thần đã thực hiện. Ngài ngự trên các ông như hình lưỡi lửa, đồng thời ban cho các ông sức mạnh thần linh.Các ông mở tung cánh cửa đang đóng kín, mạnh mẽ rao giảng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Đấng Cứu độ. Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật, là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ (Bài đọc II). Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động giữa Giáo Hội và thế giới hôm nay, để giúp cho Giáo Hội phát triển và cho Sự Thật được thực thi trong đời sống con người. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và thân thưa với Ngài: Áp-ba! Cha ơi!.
 
Câu chuyện sáng tạo và câu chuyện cứu độ do Thiên Chúa thực hiện không chỉ là câu chuyện xa xưa, nhưng vẫn đang là câu chuyện của hôm nay và là câu chuyện của cá nhân mỗi người. Khi tôn vinh Chúa Ba Ngôi, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra bản thân mỗi người là một công trình kỳ diệu của Chúa Ba Ngôi. Ba hoạt động: sáng tạo, cứu độ và thánh hoá luôn đan xen hoà quyện trong chính mỗi người chúng ta. Quả thật, nhờ ơn Chúa chúng ta sống động và hiện hữu; nhờ ơn Chúa chúng ta được giải thoát và thứ tha; nhờ ơn Chúa chúng ta được thêm sức và thánh hoá. Một số nhà Thần học có khuynh hướng “phân công” ba hoạt động này như sau: Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân và thánh hoá. Thực ra, mỗi tác động này đều là tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng ở trong nhau và cùng nhau hoạt động. Và, kỳ lạ thay, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, dù bé nhỏ nghèo hèn, chúng ta cũng được tham dự vào dòng chảy tình yêu tuyệt vời nơi cung lòng Ba Ngôi. như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
 
“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng. Bởi lẽ là thụ tạo nhỏ bé hèn mọn, mà chúng ta lại được tái sinh nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời nhân danh Chúa Ba Ngôi trong mọi hành động. Nhân danh Chúa để làm việc, để suy tư, để dùng bữa và nhất là để cầu nguyện. Khi nhân danh Chúa mà làm việc,chắc chắn những việc chúng ta làm sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.
 
Ngỡ ngàng trước những điều kỳ diệu cao cả ấy, chúng ta cùng cất lời tôn vinh: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen”.
 
+TGM Vũ Văn Thiên
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 85
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 73
 
  •   Hôm nay 15,581
  •   Tháng hiện tại 689,812
  •   Tổng lượt truy cập 79,438,496