"Chọn phần tốt nhất" (Bài suy niệm CN XVI TN năm C của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Thứ ba - 12/07/2022 07:38      Số lượt xem: 817

"Mát-ta, con lo lắng về nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất". Câu trả lời này của Chúa Giêsu có lẽ đã làm cho Mát-ta "chưng hửng". Nhiều người chúng ta có thể cũng chung tâm trạng với bà. Làm sao để hiểu ý của Chúa qua câu trả lời này? Một số tín hữu, khi đọc đoạn Tin Mừng này, lại hiểu như sự so sánh giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động trong ơn gọi của các dòng tu. Thực ra, câu chuyện này đưa ra một so sánh chứ không phải nhấn mạnh đến một mâu thuẫn.

phan tot nhat

Chúa nhật 16 Thường niên – Năm C
Chọn phần tốt nhất
 
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đi liền ngay sau dụ ngôn "Người Samari nhân hậu" mà chúng ta đã suy niệm Chúa nhật trước. Nếu dụ ngôn người Samari dạy chúng ta phải quan tâm đến những người xung quanh, thì câu chuyện về hai chị em ở làng Bếtania lại lưu ý chúng ta đặt trung tâm đời mình trên mối tương quan với Thiên Chúa. Từ một câu chuyện rất đơn sơ trong đời thường, Chúa Giêsu muốn giáo huấn chúng ta về sự lựa chọn ưu tiên trong cuộc đời.
 
Hai chị em, bà Mát-ta và bà Maria được diễn tả như hai nhật vật hoàn toàn khác nhau : Maria thinh lặng suy tư, Mát-ta lại nhanh nhẹn xốc vác; Maria suy tư sâu lắng, còn Mát-ta lại bận rộn ngược xuôi. Chúa Giêsu là trung tâm của mối quan tâm của hai chị em, vì cả hai người đều hướng về Người bằng hai cách thức khác nhau: Mát-ta phục vụ Chúa, còn Maria thì lắng nghe giáo huấn của Người. Cả hai người đều thiện chí và nhiệt tình đối với Chúa.
 
"Mát-ta, con lo lắng về nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất". Câu trả lời này của Chúa Giêsu có lẽ đã làm cho Mát-ta "chưng hửng". Nhiều người chúng ta có thể cũng chung tâm trạng với bà. Làm sao để hiểu ý của Chúa qua câu trả lời này? Một số tín hữu, khi đọc đoạn Tin Mừng này, lại hiểu như sự so sánh giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động trong ơn gọi của các dòng tu. Thực ra, câu chuyện này đưa ra một so sánh chứ không phải nhấn mạnh đến một mâu thuẫn. Mát-ta không phải là người tồi nhất và Maria cũng không phải là người tốt nhất, nhưng bà là người đã chọn phần tốt nhất. Trong câu chuyện này, Mát-ta đã làm một việc tốt, nhưng Maria lại làm một việc tốt hơn. Chúa Giêsu không coi nhẹ công việc của Mát-ta và coi trọng việc làm của Maria.  Tuy vậy, Chúa vẫn coi việc lắng nghe Lời Chúa là việc ưu tiên. Maria đã chọn đúng phần ưu tiên đó. Maria đã chọn lựa ngồi bên chân Chúa và theo Chúa Giêsu, thì chọn lựa đó tốt hơn chọn lựa của Mát-ta. Đây chính là trung tâm và là giáo huấn của câu chuyện.
 
Trong Tin Mừng theo thánh Luca, sự ưu tiên dành cho Chúa luôn được khẳng định. Trước đó, ở chương 9, từ câu 57 đến câu 61, tác giả đã ghi lại ba trường hợp đến xin theo Chúa Giêsu. Các câu trả lời của Chúa đều nêu bật sự ưu tiên của người môn đệ là đi theo Chúa và tín thác nơi Người. Những ai theo Chúa Giêsu phải dành cho người tình yêu vượt lên trên tất cả những mối liên hệ máu huyết gia đình và bạn bè. Sự từ bỏ Chúa Giêsu yêu cầu đôi khi làm chúng ta ngạc nhiên: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,26-27).
 
Hành động bận rộn để tiếp khách của Mát-ta không phải là điều đáng phê phán. Trái lại, còn được khen ngợi. Chúng ta có thể thấy điều đó qua Bài đọc I. Lòng mến khách của ông Abraham và bà Sara đã được Chúa thưởng công. Tác giả sách Sáng thế đã mô tả sự bận rộn của hai ông bà để đón tiếp Chúa, khi Ngài hiện ra tại cụm sồi ở Mam-rê. Chứng kiến sự tiếp đãi ân cần của ông bà, Chúa đã hứa ban cho ông bà một mụn con, điều mà ông bà hằng ao ước bấy lâu.  Hơn thế nữa, chính khi ân cần tiếp đón các vị khách mà ông bà được gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu sau này dạy chúng ta: chính khi chúng ta đón tiếp khách lạ, người nghèo, tù đày, đau khổ... là chúng ta đón tiếp Chúa, vì Người đồng hoá với những người bất hạnh này.
 
Thánh Phaolô lại "phục vụ” Chúa ở một phương cách khác. Thánh nhân khẳng định: chính Đức Kitô đang hiện diện giữa các tín hữu. Lòng nhiệt thành loan báo Chúa Giêsu đã giúp Phaolô có nghị lực để hứng chịu mọi gian nan đau khổ. Không những thế, ngài còn vui mừng được chịu đau khổ vì các tín hữu. Lời thánh Phaolô giúp chúng ta liên tưởng tới thánh Phêrô và các tông đồ đầu tiên, khi bị tra khảo đánh đập trước Hội đồng Do Thái, đã vui mừng và tự hào vì được chịu đau khổ vì Đức Giêsu (x. Cv 5,41).
 
Thông điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta, đó là trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, phải ưu tiên cho việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Thực ra, một khi lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ đối xử tốt hơn đối với tha nhân. Thực hành Lời Chúa là nền tảng và là khởi đầu cho những hành động tốt đẹp. Mát-ta và Maria diễn tả hai khía cạnh của cuộc sống Kitô hữu. Cả hai đều giúp chúng ta gặp Chúa và gặp tha nhân.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thịên
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 276
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 272
 
  •   Hôm nay 57,120
  •   Tháng hiện tại 697,892
  •   Tổng lượt truy cập 80,630,792