Bạo lực trong Kinh Thánh- Án thần tru

Thứ ba - 07/11/2023 08:56      Số lượt xem: 1491

Án thần tru rất nguy hiểm nếu áp dụng theo nghĩa đen. Án thần tru, nếu hiểu theo nghĩa đen, thì đó là việc giết người hàng loạt và có hệ thống. Nếu hiểu và áp dụng theo nghĩa đen này thì rất nguy hiểm cho nhân loại, vì người ta có thể dựa vào án tru hiến trong Cựu Ước để biện minh cho những vụ diệt chủng. Lịch sử nhân loại đã để lại những trang sử đen về những cuộc diệt chủng man rợ, nhân danh ý thức hệ, nhân danh lý tưởng.

 
bao luc kinh thanh

BẠO LỰC TRONG KINH THÁNH 
ÁN THẦN TRU
 Tác giả: Nữ tu Agnès Cảnh Tuyết, O.P
 
 
Sách Giôsuê cho biết khi Israel tiến vào đất Canaan, thành đầu tiên họ chiếm lấy là Giêrikhô, và họ đã thực hiện án tru hiến với thành này. Mục đích của việc tru hiến được gắn cho Đức Chúa mà sách Giôsuê 6,17 ghi như sau: “Thành và mọi sự trong Thành sẽ bị án tru hiến để kính Đức Chúa”. Và những câu tiếp theo (Gs 6,20-21) ghi lại diễn tiến của án thần tru như sau:

“Bấy giờ, dân hò reo xung trận, và người ta rúc tù và. Vừa nghe tiếng tù và, dân lớn tiếng hò reo xung trận, và tường thành sụp đổ tại chỗ. Dân chúng ai nấy cứ thẳng trước mặt mình mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được. Họ dùng lưỡi gươm mà thi hành án tru hiến mọi sự trong thành, từ đàn ông cho đến đàn bà, từ người trẻ cho đến người già, đến cả bò lừa và chiên cừu”.

Với án thần tru, Giôsuê chương 6 là đoạn điển hình về vấn nạn bạo lực trong Kinh Thánh: làm sao Thiên Chúa là Đấng nhân lành lại ra lệnh thi hành án thần tru? Phải chăng Thiên Chúa thời Cựu Ước tàn bạo hơn thời Tân Ước, như có người đã nghĩ!
 
Án thần tru rất nguy hiểm nếu áp dụng theo nghĩa đen
 
Án thần tru, nếu hiểu theo nghĩa đen, thì đó là việc giết người hàng loạt và có hệ thống. Nếu hiểu và áp dụng theo nghĩa đen này thì rất nguy hiểm cho nhân loại, vì người ta có thể dựa vào án tru hiến trong Cựu Ước để biện minh cho những vụ diệt chủng. Lịch sử nhân loại đã để lại những trang sử đen về những cuộc diệt chủng man rợ, nhân danh ý thức hệ, nhân danh lý tưởng.
 
Hitler
 
Nạn diệt chủng thời Hitler. Ý thức hệ mà Hitler đưa ra, không chỉ nhằm bài trừ người Do Thái mà chuyện độc ác hơn là “thanh lọc chủng tộc” với “thuyết ưu sinh”. Hitler chủ trưởng diệt những chủng tộc “hạ đẳng” và chỉ để lại chủng tộc “thượng đẳng”. “Thượng đẳng”, theo Hitler, đó là người Aryan, đó là người Đức thuần chủng (da trắng, mắt xanh, tóc vàng, cao lớn, xinh đẹp và thông minh).
 
Pol Pot

 
Pol Pot đã giết người hàng loạt, và giết chính người của dân tộc mình. Mục đích của Pol Pot là xây dựng một xã hội lý tưởng theo cách của ông. Ông căm ghét và muốn xóa bỏ tận căn giai cấp tư sản, bao gồm tầng lớp trí thức (ông gọi là những người đeo kiếng trắng). Ông biến tất cả mọi người thành nông dân. Vì theo ông, nông dân là những người “đơn giản, không được giáo dục, chăm làm và không có xu hướng bóc lột những người khác”.

Với những nạn diệt chủng đã xảy ra trong lịch sử nhân loại, lương tâm nhân loại rõ ràng không chấp nhận, và chúng ta hiểu vì sao những đoạn Kinh Thánh về án thần tru trở nên scandal cho người đọc Kinh Thánh.
 
Có một nguy hiểm đáng sợ hơn, đó là hiện nay có hai quốc gia, Israel và Palestin, đang cùng sống trên mảnh đất Palestin, miền Đất Hứa ngày xưa. Tình hình chính trị giữa hai nước này luôn căng thẳng. Trong tình hình hiện nay, nếu áp dụng án thần tru theo nghĩa đen thì đúng là thảm họa.
 
Quan điểm của Giáo Hội

 
Giáo Hội biết những nguy hại trên, vì thế qua tài liệu của Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, 2014, Giáo Hội cảnh báo không được dựa vào án tru hiến trong Cựu Ước để hợp thức hóa một hệ thống hành xử quốc gia nhằm biện minh cho thái độ hung bạo trên các quốc gia khác; làm như thế là bóp méo ý nghĩa của những đoạn Kinh Thánh được nói đến. Nhưng, mặt khác, Giáo Hội đề nghị không loại trừ những đoạn Cựu Ước mang tính bạo lực, phải tôn trọng gia sản Thánh[ 1]. Và Giáo Hội mời gọi chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của những đoạn Kinh Thánh đó.
 
KINH THÁNH VÀ KHẢO CỔ
 
Bên cạnh vấn nạn bạo lực, sách Giôsuê chương 6 còn là đoạn Kinh Thánh điển hình về sự mâu thuẫn giữa Kinh Thánh và khảo cổ: trong khi Giôsuê chương 6 thuật lại cuộc chiếm thành Giêrikhô hết sức ngoạn mục (x. Gs 6,1-5), thì kết quả khảo cổ cho thấy khi Israel tiến vào chiếm thành Giêrikhô, thì các tường thành Giêrikhô đã sụp đổ từ vài trăm năm về trước, và thành đã bị bỏ hoang từ lâu.
 
Tuy nhiên, chính vấn nạn về sự mâu thuẫn giữa Kinh Thánh và khảo cổ trong Giôsuê chương 6 lại là một trong những điều giúp chúng ta giải thích về vấn nạn án thần tru. Chúng ta cùng bàn về vấn đề khảo cổ liên quan đến thành Giêrikhô.
 
Thành Giêrikhô và công trình khảo cổ[2]
 
Sách Giôsuê chương 6 thuật lại rằng khi Giôsuê dẫn dân tiến vào đất Canaan, thì thành Giêrikhô được phòng thủ rất vững chắc: “Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, phòng thủ chống lại con cái Israel: nội bất xuất, ngoại bất nhập” (Gs 6,1). Sách còn trình bày việc chiếm thành hết sức ngoạn mục. Con cái Israel đã tận mắt chứng kiến tường thành Giêrikhô sụp đổ trước mặt họ sau tiếng hò reo xung trận của toàn dân: “Bấy giờ, dân hò reo xung trận, và người ta rúc tù và. Vừa nghe tiếng tù và, dân lớn tiếng hò reo xung trận, và tường thành sụp đổ tại chỗ. Dân chúng ai nấy cứ thẳng trước mặt mình mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được” (Gs 6,20). Thế mà vào đầu thế kỷ XX, ngành khảo cổ đã đưa ra những kết luận gây bất ngờ vì nó mâu thuẫn với những gì được thuật lại trong sách Giôsuê.
 
Kề bên thành Giêrikhô hiện nay, các nhà khảo cổ học qua các công trình khảo cổ đã tìm thấy một thành cổ và gọi tên là Tell es-Sultan. Và từ rất sớm trong công trình khảo cứu, các nhà khảo cổ đã đi đến kết luận Tell es-Sultan chính là cổ thành Giêrikhô được nói đến trong sách Giôsuê. Nó thu hút rất lớn sự quan tâm và chú ý của nhiều người. Nhiều công trình khai quật quy mô và công phu đã dồn vào đây. Các công trình khảo cứu đã đưa đến những kết luận đầy thú vị bất ngờ khi so chiếu với những gì được nói đến trong sách Giôsuê.
 
Ngày nay mọi người điều đồng ý rằng, thời Giôsuê tiến vào miền Canaan, thành Giêrikhô không còn các tường thành nữa. Các tường thành Giêrikhô đã được củng cố vào thời đồ đồng cũ và đồ đồng giữa (trước năm 2000 trước Công Nguyên). Nhưng vào thời đồ đồng muộn (1550–1200 trước Công Nguyên), thời được cho là nhóm dân Israel vào định cư ở vùng đất Canaan, thì các bức tường của thành này không còn nữa, chúng đã sụp đổ trước đó. Nghĩa là, theo kết quả của ngành khảo cổ, thành Giêrikhô bị bỏ hoang vào khoảng những năm 1500 trước Công Nguyên. Còn theo các nhà phê bình lịch sử, thì dân Israel tiến vào đất Canaan vào những năm 1200 trước Công Nguyên. Như thế, khi Israel tiến vào Canaan thì thành Giêrikhô đã sụp đổ và bị bỏ hoang.
 
Rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa bản văn của sách Giôsuê chương 6 và kết quả khảo cổ mang lại. Nhưng mâu thuẫn đến từ đâu, nếu không phải là do chúng ta đã đọc sách Giôsuê chương 6 như một bản ký sự lịch sử. Làm như thế là đã lầm về thể văn trong Kinh Thánh. Kinh Thánh không phải là bản văn khoa học hay lịch sử, vì thế đừng tìm trong sách Giôsuê chương 6 những dữ kiện để đối chiếu với kết luận của khảo cổ hay của lịch sử. Thay vào đó hãy đọc trong sách Giôsuê chương 6 thông điệp niềm tin mà tác giả muốn truyền tải qua trình thuật chiếm được thành Giêrikhô.

 
SÁCH GIÔSUÊ CHƯƠNG 6
Ý nghĩa của trình thuật chiếm thành Giêrikhô
 
Chúng ta trở lại khái niệm “chính xác” và “thực” để nói về trình thuật chiếm thành Giêrikhô (Gs 6).
 
Nếu hiểu theo nghĩa “Chính xác” (exact), tức là viết thật đúng như đã xảy ra trong lịch sử, như một bản ký lịch sử, bản khảo cứu khoa học, xét theo khía cạnh chính xác này thì những gì được thuật lại trong sách Giôsuê chương 6 về cách mà họ chiếm được thành Giêrikhô thì không đúng.
 
Nếu hiểu theo nghĩa “thực” (vrai), tức là viết đúng tâm tình, ý tưởng, xét theo khía cạnh thực thì những gì được truyền tải trong sách Giôsuê chương 6 về việc chiếm thành là “thực”.
 
Cứ cho là giả thuyết thành Giêrikhô đã bị sụp đổ trước khi Israel tiến vào là đúng, thì khi tiến vào thành Giêrikhô bị bỏ hoang, thay vì xem đó là chuyện ngẫu nhiên, Israel nhận ra đây là phép lạ Chúa làm cho dân Ngài. Chính Ngài đã trao đất Canaan cho Israel như lời Ngài đã hứa với các tổ phụ. Khi sách Giôsuê chương 6 nói rằng vì con cái Israel mà Giêrikhô đóng kín cổng thành, nội bất xuất ngoại bất nhập, và rằng chính mắt con cái Israel đã chứng kiến tường thành sụp đổ, tác giả sách Giôsuê chỉ muốn nói rằng nếu không do Chúa an bài, Israel không thể có được thành Giêrikhô – một thành trù mật quá lòng mong đợi. Israel chiếm được Giêrikhô rất dễ dàng, họ không mất một sinh mạng nào cũng chẳng tiêu hao sức lực, họ nhận ra đó chỉ có thể là việc của Chúa mà thôi.
 
 
Các giai đoạn soạn thảo sách Giôsuê[3]
 
Nếu tìm hiểu về các giai đoạn mà sách Giôsuê được soạn thảo, sẽ càng thấy rõ hơn sách Giôsuê không phải là một bản tham chiếu lịch sử để phải bàn luận đến vấn đề mà khảo cổ xuất hiện như là một thách đố. Chúng ta cùng điểm qua một vài điểm về các giai đoạn soạn thảo sách Giôsuê.
 
Các nhà nghiên cứu cho rằng sách Giôsuê sử dụng một số thành ngữ và hệ tư tưởng rất gần với các bản văn thời Assure – Babylon. Từ đó các nhà chuyên môn cho rằng sách Giôsuê được soạn thảo vào giai đoạn Assyria đang thống lãnh vùng Canaan, tức là thời vua Giôsia, với các nguồn tư liệu đã có trước. Trước sự đe doạ mất nước này, Sách Giôsuê là lời tuyên bố chống lại Assyria: Assyria không có quyền hành gì trên mảnh đất Israel. Đó là miền đất bất khả xâm phạm vì đây là miền đất mà chính Thiên Chúa đã ban cho Israel.
 
Thế rồi Giêrusalem đã mất, không phải vào tay quân Assyria, nhưng là vào tay Babylon. Thời lưu đày nổi trội một luồng suy tư có tầm ảnh hưởng khá lớn, các nhà chú giải gọi đó là truyền thống Đệ Nhị Luật. Theo luồng suy tư này, lưu đày chính là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống dân Ngài vì tội của họ. Trong bối cảnh đó, người ta ngẫm lại sách Giôsuê và thêm vào vài đoạn, trong đó có di ngôn của Giôsuê tiên báo về viễn tượng lưu đày: “Nếu anh em vi phạm giao ước mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em phải giữ, để đi theo các thần khác và sụp xuống lạy chúng, thì Đức Chúa sẽ bừng bừng nổi cơn thịnh nộ chống lại anh em, và anh em sẽ mau chóng biến khỏi đất tốt lành Ngài đã ban cho anh em” (Gs 23,16).
 
Nghiên cứu còn cho thấy nhiều đoạn được thêm vào theo dòng thời gian mà dân Chúa ngẫm lại sách Giôsuê. Và chuyện án tru hiến trong sách Giôsuê (Gs 6-7), chuyện cô kỹ nữ Rakháp và cả gia đình cô được cứu sống là những chuyện đã được thêm vào để trả lời cho những vấn nạn mà dân Chúa đang phải đối phó, đó là nguy cơ dân có thể bị lây nhiễm những thói thờ tà thần và phản bội giao ước khi phải sống giữa dân ngoại.



 
Ý NGHĨA ÁN THẦN TRU
Ý nghĩa của án thần tru
 
Như vừa trình bày, trong thực tế đã không có cuộc đánh chiếm thành Giêrikhô như sách Giôsuê trình bày, và như thế án tru hiến đối với thành Giêrikhô cũng đã không xảy ra trong lịch sử như những gì được trình bày trong sách Giôsuê chương 6[4] (bởi vì thành Giêrikhô đã bị bỏ hoang trước khi Israel tiến vào, không còn thành trì mà chiến đấu và tiêu diệt).
 
Án tru hiến đã không xảy ra trong lịch sử khi Israel tiến vào thành Giêrikhô như những gì sách Giôsuê chương 6 ghi lại; chỉ mãi sau này người ta mới viết ra nhằm cảnh báo dân tránh xa cám dỗ đưa đến thờ tà thần. Vì vậy chúng ta không thể đọc án thần tru theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa ẩn dụ. Đó là đoạn tuyệt với tất cả những cớ, những dịp đưa đến tội tà thần. Tà thần theo Kinh Thánh, là những gì không phải là Thiên Chúa, chúng chỉ là thụ tạo, mà con người lại thờ kính chúng thay vì thờ kính Thiên Chúa.

Án thần tru là diệt sạch những dân ngoại, diệt sạch những gì thuộc về dân ngoại. Nhưng đó không phải là mục đích của án thần tru, mục đích chính là đoạn tuyệt với việc thờ tà thần. Vậy tại sao sách Giôsuê lại dùng hình ảnh án thần tru, một hình ảnh gây xúc phạm tâm thức người thời nay, và làm méo mó hình ảnh của Thiên Chúa? Chúng ta biết, suốt dòng lịch sử của mình, Israel đã không tài nào dứt bỏ được tội thờ tà thần, và lưu đày được coi là hậu quả của sự bất trung của Israel đối với Chúa. Từ kinh nghiệm đau thương này, Israel nhận ra bao lâu còn sống chung giữa dân ngoại, Israel không tài nào thoát khỏi cám dỗ thờ tà thần. Vì thế tác giả sách Giôsuê đã dùng hình ảnh mạnh mẽ diễn tả một đòi hỏi gắt gao phải đoạn tuyệt, không nhượng bộ, không lấp lửng.
 
Chúng ta cũng đã làm như vậy khi đọc Tân Ước, chẳng hạn khi đọc Mt 18,8-9, không ai trong chúng ta hiểu theo nghĩa đen lời của Chúa Giêsu dạy: “Nếu tay hoặc chân anh nên cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt nó mà ném đi...” (Mt 18,8-9). Không ai trong chúng ta đọc nó theo nghĩa đen, chúng ta biết nó mang nghĩa biểu tượng: đó là lời mời gọi một sự đoạn tuyệt hết sức khắt khe trước những dịp tội, dù giá phải trả là thế nào đi nữa.
 
Án thần tru và con người thời nay
 
Nếu án thần tru xem ra xúc phạm đến cảm thức của người thời nay, thì thông điệp của án thần tru vẫn khẩn thiết cho hôm nay. Sống giữa dân ngoại, Israel đã không thể làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa thật; trái lại, họ đánh mất cả căn tính của mình là Dân Riêng của Chúa, khi triền miên bị ảnh hưởng bởi lối sống của dân ngoại. Bài học của Israel là bài học của dân Chúa mọi thời và hôm nay. Chúng ta chưa vội bàn đến tội tà thần ở đây, mà chỉ cần bàn đến việc Kitô hữu đã vay mượn lối suy nghĩ, cách hành xử của thói đời vào trong đời sống Kitô hữu, chúng ta có thể nêu một vài điển hình.
 
Để tồn tại trong xã hội hôm nay, nhiều người phải loại trừ nhau dưới những hình thức khác nhau. Họ bị nhận chìm trong một thế giới của “chủ nghĩa cơ hội”. Họ tìm mọi cơ hội để tiến thân, nên không còn biết tin ai, và chẳng ai dám tin nhau, và dùng người khác để làm bàn đạp tiến thân. Các Kitô hữu luôn được mời gọi phải tỉnh táo để không vay mượn những hình thức tiến thân không hợp với tinh thần Kitô giáo.
 
Chúng ta sống trong một thế giới vẫn còn có cơ chế không nhằm để phục vụ cho người cần đến, nhưng lại theo hình thức “ban ơn”. Rõ ràng cơ chế “ban ơn” không hề phù hợp với tinh thần Kitô giáo. Tiếc thay còn quá nhiều cơ chế trong đó có Kitô hữu (chẳng hạn trường học, nơi làm việc), và cả cơ chế trong Giáo Hội có sự lây nhiễm lối cư xử thiếu tình người, thiếu tôn trọng con người mà theo hình thức “ban ơn”. Đức Phanxicô đã cảnh báo về hình thức “ban ơn” này trong cơ chế Giáo Hội và ngài gọi đó là “chiếc máy hồ sơ”[5].

Chúng ta đang sống trong một môi trường đang mất dần tinh thần trao ban nhưng không, cho đi không tính toán, không chờ đáp trả. Mọi Kitô hữu được mời gọi làm sống lại ý thức trao ban nhưng không này. Trong khi đó, có những hình thức quyên tiền bằng phương tiện Lời Chúa, đang được phổ biến khá nhiều nơi. Khi làm điều gì, người ta đều đưa những giải thích xem ra logic để biện minh; nhưng chúng ta đừng quên luật luân lý: “Mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Thực ra, cách dùng Lời Chúa, hay những phương tiện thánh để quyên tiền không phải chuyện mới lạ. Từ thời Trung cổ, Giáo Hội đã từng bị điên đảo bởi bệnh dịch ghê sợ của việc buôn thần bán thánh, và Giáo Hội đã phải chứng kiến cuộc ly khai của Luther.

Trong bối cảnh hiện nay, nhìn vào những hình thức chúc mừng, chúc tụng nhau một cách hoành tráng trong những dịp có người trúng cử làm người phụ trách trong các cộng đoàn dâng hiến, làm sao người trẻ tránh khỏi mầm bệnh háo danh khi bước theo Đức Giêsu! Những điều này có thể khiến người khác lầm tưởng chức tước như là dấu chỉ của sự thành công, như là đích điểm của đời dâng hiến.
 
Chúng ta thường nghe quen kiểu nói: ai cũng làm vậy; phải vậy thôi, vì mình sống giữa đời mà! Làm như thế là vay mượn lối sống của thói đời và đưa thói đời vào đời sống Giáo Hội, chứ không phải Tin Mừng hóa cuộc đời.
 
Các hình thức mừng nhận chức quyền trong Giáo Hội không phải chuyện của hôm nay, hay của riêng thời đại chúng ta, nó đã có nguồn gốc lâu đời, và tại Roma. Marco Politi, một nhà báo cũng là nhà sử học người Ý, đã phân tích cho chúng ta vài điều về khía cạnh này. Trước đây, mỗi khi có giáo hoàng mới đắc cử, các nhân viên Vatican sẽ được tiền thưởng. Cách hành xử này là dấu tích của vẻ hào nhoáng thời quân chủ, như người ta thưởng mừng các cận thần khi có tân vương lên ngôi. Đức Phanxicô, khi vừa trúng cử, ngài đã bỏ tập tục vay mượn thói lệ quân chủ này25. Bên cạnh việc thưởng tiền cho các nhân viên Vatican dịp bầu giáo hoàng mới, còn nhiều nghi thức khác mang dấu vết của vẻ hào nhoáng thời phong kiến, mà trước Đức Phanxicô, một số vị giáo hoàng đã ý thức điều này. Chẳng hạn, trước đây, người ta còn thấy giáo hoàng ngồi trên kiệu khiêng, xung quanh là những cây quạt hình cành cọ, đó là di sản thời các Pharaô Ai Cập. Đức Gioan Phaolô II đã loại bỏ kiệu khiêng, điều mà trước đó, Giáo hoàng Luciani đã thấy nhưng không dám thay đổi. Cũng vậy, việc các hồng y vào quỳ phục trước giáo hoàng là sự thần phục của chư hầu khi ra chầu hoàng đế Roma, vị vua của các vua Ba Tư. Đến thời Gioan XXIII, khi ông Cesidio Lolli, phó giám đốc tờ báo Osservatore Romano, quỳ xuống trước mặt Đức Gioan XXIII dịp ngài vừa được bầu, Đức Gioan XXIII không chấp nhận cử chỉ này và ngài nói một câu đầy tính ngôn sứ: “Người ta chỉ quỳ gối để cầu nguyện”[6].
 
Mệnh lệnh án thần tru vẫn luôn khẩn thiết cho mọi thời trong đời sống Giáo Hội, đó là lời mời tránh xa những ngụy biện, những lối sống vay mượn thói đời. Nhưng Israel xưa đã không tài thoát khỏi, thì chúng ta cũng biết đó là cám dỗ triền miên đối với Giáo Hội, và cuộc trở về với căn tính Kitô hữu cũng phải trải qua cuộc lưu đày như Israel xưa.


 
THÁNH VỊNH NGUYỀN RỦA
 Làm sao có thể cầu nguyện bằng Thánh Vịnh Nguyền Rủa?
 
Khi nói về bộ Thánh Vịnh, André Chouraqui, một thi sĩ Do Thái, viết: “Chúng tôi sinh ra với cuốn Thánh Vịnh trong bụng mình. Đây là một cuốn sách gồm 150 bài thơ, 150 cung bậc giữa cái chết và sự sống, 150 tấm gương phản ánh những cuộc nổi loạn và những sự bất trung của chúng ta, những cơn hấp hối và những lần hồi sinh của chúng ta. Còn hơn cả một cuốn sách, đó là một người đang nói, đang sống, đang đau khổ, đang rên rỉ và đang chết dần mòn, nhưng rồi đang sống lại và đang hát trước ngưỡng cửa đời đời...”[7].
 
Thế nhưng một số Thánh Vịnh đã gây nhiều bối rối cho các tín hữu vì tính bạo lực của nó. Đó là những Thánh Vịnh được gọi là Thánh Vịnh Nguyền Rủa.
 
Thánh Vịnh Nguyền Rủa –
Những lời cầu nguyện đầy bạo lực

 
Mở lại các Thánh Vịnh, người đọc không khỏi ngỡ ngàng về tính bạo lực trong một số Thánh Vịnh.
 
“Lạy Thiên Chúa là Đấng con ca ngợi, xin Chúa đừng lặng thinh. Bởi kẻ gian ngoa độc dữ mở miệng nhằm hại con...Ước gì ngày đời nó bị rút ngắn... con cái nó trở thành mồ côi, còn vợ nó ra người góa bụa!... Ước chi chẳng còn ai tình nghĩa gì với nó, chẳng người nào thương lũ con nó mồ côi, dòng dõi nó bị tru di tam tộc, sau một đời tên tuổi xóa nhòa... ” (Tv 109,1-19).
Thánh vịnh gia bộc lộ tâm trạng hận thù, kéo Chúa về phía mình và xin Ngài ra tay hại quân thù của mình. Không những Thánh vịnh gia xin Chúa chống lại kẻ làm khổ mình, mà cả gia đình của kẻ thù, đến những đứa trẻ vô tội cũng không tha. Chúng ta còn tìm thấy những hình ảnh rất bạo lực ở những Thánh Vịnh khác, nó khó có thể phù hợp với tinh thần Tin Mừng, chẳng hạn:
 
“Lạy Chúa xin trỗi dậy, cứu lấy con, lạy Thiên Chúa con thờ. Mọi kẻ thù con, Ngài đánh cho vỡ mặt, bọn gian ác, Ngài đập cho gãy răng” (Tv 3,8); hoặc “Gái Ba-by-lon hỡi, đồ trời tru đất diệt! Phúc thay người xử lại với mi, như mi đã xử với ta! Phúc thay người bắt con thơ của mi mà đập đầu vào đá” (Tv 137,8-9).
 
Phản ứng loại trừ
những Thánh Vịnh Nguyền Rủa

 
Lời cầu nguyện trong các Thánh Vịnh Nguyền Rủa rõ ràng xa lạ với giáo huấn yêu thương của Đức Giêsu. Các Kitô hữu thường tự hỏi, làm thế nào để cầu nguyện với những Thánh Vịnh Nguyền Rủa. Trước những bối rối này, Giáo Hội đã quyết định loại bỏ một số Thánh Vịnh khỏi phụng vụ với lý do “tránh gương mù gương xấu”. Một số Thánh Vịnh khác bị cắt xén, chẳng hạn Thánh Vịnh 110, một Thánh Vịnh rất quen thuộc và được coi là Thánh Vịnh mang tính Messia. Khi được đưa vào phụng vụ, nó đã bị cắt mất câu 6: “Sẽ xét xử muôn dân, chất thây ma thành đống, đập tan bao thủ lãnh trên miền đất mênh mông”. Hoặc Thánh Vịnh 137, rất quen thuộc, nói về tâm trạng của những người lưu đày: “Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on”. Trong kinh thần vụ, chúng ta chỉ đọc đến câu 5, còn những câu sau chúng ta không hề đọc. Đó chính là những câu mang tính bạo lực vừa nêu trên: “Gái Ba-by-lon hỡi, đồ trời tru đất diệt! Phúc thay người xử lại với mi, như mi đã xử với ta! Phúc thay người bắt con thơ của mi mà đập đầu vào đá” (Tv 137,8-9).
 
Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều nhà chú giải lên tiếng từ chối giải pháp loại bỏ các Thánh Vịnh Nguyền Rủa ra khỏi phụng vụ28. Trong khi đó vẫn còn những nhà chú giải coi việc loại bỏ này là hoàn toàn chính đáng29. Phải chờ đến tài liệu của Ủy ban Thánh Kinh Giáo Hoàng trong tập tài liệu Linh hứng và chân lý trong Kinh Thánh, ra đời năm 2014, mới có tiếng nói chính thức của Giáo Hội về việc nhìn nhận giá trị riêng của các Thánh Vịnh Nguyền Rủa, tài liệu có đoạn ghi: “Mặc dầu tôn trọng quyết định cẩn trọng khi loại bỏ khỏi phụng vụ những gì được xem là gương mù gương xấu, tuy nhiên cần phải có những chỉ dẫn cần thiết, giúp các tín hữu thích nghi với toàn bộ gia sản lời cầu nguyện của dân Israel ngay cả hôm nay, như đã diễn ra trong quá khứ”[8].
 
Cầu nguyện
cùng các Thánh Vịnh Nguyền Rủa

 
Tài liệu của Ủy ban Thánh Kinh Giáo Hoàng mở ra hướng cụ thể cho việc cầu nguyện với các Thánh Vịnh này trong sự tôn trọng gia sản tinh thần của dân Chúa. Trong đó nêu lên những khía cạnh cần nhìn lại khi cầu nguyện với các Thánh Vịnh này.
 
Hiểu theo nghĩa ẩn dụ
 
Với các Thánh Vịnh Nguyền Rủa, khi áp dụng trong việc cầu nguyện, chúng ta không được hiểu nó theo nghĩa đen, mà phải hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Chẳng hạn Thánh Vịnh 3 câu 8: “Lạy Chúa, xin trỗi dậy, cứu lấy con, lạy Thiên Chúa con thờ. Mọi kẻ thù con, Ngài đánh vỡ mặt, bọn gian ác, Ngài đập gẫy răng” (bản dịch Cha Thuấn: “Lạy Yavê xin hãy trỗi dậy! Lạy Thiên Chúa tôi, xin hãy cứu tôi! Ngài đánh trật hàm mọi kẻ thù tôi, Ngài đập gãy nanh lũ ác nhân”), có nghĩa là muốn chặn đứng ngay sự gian dối và tham lam nơi người quyền thế; với Thánh Vịnh 137 câu 8 và câu 9: “Gái Ba-by-lon hỡi, đồ trời tru đất diệt! Phúc thay người xử lại vơi mi, như mi đã xử với ta! Phúc thay những người bắt con thơ của mi mà đập đầu vào đá”, mong muốn đập đầu con thơ của kẻ thù vào đá, đó là muốn loại bỏ đến cả mầm mống tương lai của sức mạnh xấu xa, một sức mạnh làm hủy hoại sự sống…
 
Thánh Vịnh và hoàn cảnh
 
Người cầu nguyện được mời gọi áp dụng lời của Thánh Vịnh vào hoàn cảnh của mình, xem cái gì là kẻ thù gây hại cho mình trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Đây là hành động mang tính ngôn sứ dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Dần dần người cầu nguyện sẽ khám phá ra rằng kẻ thù không đơn thuần là những kẻ gây nguy hại đến đời sống thể lý hay nhân phẩm của con người, nhưng còn là kẻ mưu hại đến đời sống tinh thần của người cầu nguyện. Người cầu nguyện sẽ tự hỏi đâu là những thế lực thù địch mà các tín hữu phải đối mặt? Chẳng hạn, đối với tín hữu, thì ai hay cái gì là “sư tử xé thây vang gầm” mà Thánh vịnh gia nói đến trong Thánh Vịnh 22 câu 14? Ai hay cái gì là kẻ đã “mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn, chứa đầy mồm nọc độc hổ mang”, được diễn tả trong Thánh Vịnh 140 câu 4. Chúng là ai, là cái gì khiến các tín hữu phải căm thù giận dữ mãi khôn nguôi và cầu mong Chúa loại trừ chúng đi?
 
Mang lấy đau khổ của người khác trong cầu nguyện
 
Giáo Hội mời gọi chúng ta, khi đọc Thánh Vịnh Nguyền Rủa, hãy mang lấy nỗi đau của những người bị bách hại. Nếu mang trong mình nỗi đau, sự đồng cảm với những người đang bị sự dữ nghiền nát một cách bất công dưới muôn vàn hình thức, người cầu nguyện sẽ hiểu được phần nào tiếng kêu của Thánh vịnh gia vẫn đang kêu gào trong chúng ta qua những anh em khốn khổ. Mang lấy nỗi đau của những người khốn khổ, chúng ta sẽ phần nào hiểu được tiếng kêu trong các Thánh Vịnh Nguyền Rủa là tiếng kêu của khát vọng một cuộc sống không còn bạo lực hoành hành. Ngược lại, thái độ dè chừng Thánh Vịnh Nguyền Rủa, lên án sự bạo lực trong Thánh Vịnh, có thể ẩn chứa trong ta một sự bàng quang trước nỗi đau của người bị bách hại, và có thể mình đang đứng về phía người bách hại nên vô cảm trước tiếng kêu cứu của người bị bách hại qua Thánh Vịnh Nguyền Rủa chăng? Đau khổ là kinh nghiệm rất riêng tư, không thể lấy bản thân mình làm thước đo, làm bài học dạy đời cho những người đau khổ khác. Cùng một sự việc, cùng một sự mất mát, cùng một nỗi đau, nhưng sự tổn thương của mỗi người trước những mỗi sự việc không hề giống nhau. Vì thế cần học biết cảm thương và nhất là tôn trọng nỗi đau của người khác, tôn trọng tiếng kêu của người đau khổ.
 
Tiếng kêu đòi công lý
và phó thác vào sự xét xử của Chúa

 
Trong Thánh Vịnh Nguyền Rủa, người cầu nguyện không bày tỏ gì khác hơn là phó thác vào Thiên Chúa nhiệm vụ thực thi sự công bình, mà ngoài Ngài ra, không ai có thể làm được. Việc xin Chúa chống lại kẻ dữ, cho thấy một sự từ bỏ và phó thác về phía người cầu nguyện: họ không tự mình trả thù đối phương; nhưng tín nhiệm vào hành động của Chúa, Đấng có thể làm thích ứng với sự nghiêm trọng của tình huống và hoàn toàn phù hợp với chính bản tính của Thiên Chúa. Người đọc cảm thấy dường như Thánh vịnh gia vẽ ra cho Chúa cách hành động đối với kẻ thù. Điều đó chỉ nhằm diễn tả sự mong muốn sự dữ bị loại bỏ, và mong chờ những người khiêm nhu sẽ được bước vào cõi sống.
 
Thánh Vịnh Nguyền Rủa là lời thú nhận khiêm tốn rằng, sức mạnh của sự dữ thật đáng sợ, vượt cả sức chịu đựng và lòng khoan dung của mình; đồng thời đó cũng là lời tuyên xưng vào tình yêu và quyền năng của Chúa, quyền năng đó còn lớn hơn sự dữ rất nhiều, chỉ mình Ngài mới có thể giải thoát họ. Nó không gì khác hơn là tiếng kêu đòi công lý. Tuy nhiên, không nên tách rời hình ảnh Thiên Chúa trừng phạt ra khỏi hình ảnh Thiên Chúa yêu thương[9].
 
Kết luận
 
Nói về việc cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh Nguyền Rủa, nhà chú giải Charpentier[10] đã có những lời khá thú vị: với Đức Giêsu, ý nghĩa của lời cầu nguyện nguyền rủa sẽ hoàn toàn thay đổi và trở thành lời cầu nguyện hiến tế. Thật vậy, bài ca về: “Ngày báo phục của Thiên Chúa” trong sách ngôn sứ Isaia rất khủng khiếp, Thiên Chúa nghiền nát kẻ thù, và áo choàng của Ngài nhuốm máu kẻ thù: “Tại sao y phục Ngài lại đỏ? Trang phục Ngài như áo người đạp bồn nho? Duy mình Ta, Ta đạp nơi bồn ép,... Ta đã đạp nát chúng trong lúc thịnh nộ, đã giày xéo chúng trong cơn lôi đình; nước ép từ nơi chúng bắn vọt lên trang phục của Ta, Ta đã làm nhơ bẩn. Vì một ngày báo phục, lòng Ta đã quyết...” (Is 63,1-6). Sách Khải Huyền dùng lại hình ảnh áo choàng đẫm máu để nói về cái chết của Đức Giêsu như sau: “Ngài khoác một chiếc áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Ngài là Lời của Thiên Chúa” (Kh 19,13). Trong khi Cựu Ước loan báo về Ngày báo phục với hình ảnh máu của kẻ thù sẽ bị đổ ra, chúng phải chịu trị tội, thì với Khải Huyền, chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã gánh lấy án phạt đó, Ngài đã gánh trên mình tội lỗi của muôn dân, và từ nay máu đổ ra chính là máu của Con Thiên Chúa, thay vì máu của kẻ gian ác!
 
Cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh Nguyền Rủa cùng với Đức Giêsu sẽ dần đưa chúng ta đến chân Thập Giá. Trong tiếng kêu gào đòi báo oán trước những bất công và bạo lực, chúng ta sẽ dần cầu xin Chúa cho mình đủ sức chấp nhận chết đi chính mình để có thể học biết thế nào là tha thứ. Cầu nguyện với Thánh Vịnh Nguyền Rủa cũng là lúc ta nhận ra tình yêu và sự tha thứ Chúa dành cho mình. Vì lẽ ra tôi đáng phải nghe những lời nguyền rủa dành cho kẻ dữ do bao tội lỗi mình gây nên, nhưng chính Đức Giêsu đã mang lấy vào thân Ngài, và đền thay tội lỗi cho tôi.
 
Mời đọc thêm: 
ABRAHAM, XUẤT HÀNH CÓ THẬT HAY KHÔNG?​

[1]Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Linh hứng và chân lý trong Kinh Thánh, 2014, số 127.
[2] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire L’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2007, trang 28. La Bible – Notes Intégrales Traduction Oecuménique (TOB). Cerf – Biblio, 2011, trang 360-361.
[3] Thomas RÖMER, Jean-Daniel MACCHI, Christophe NIHAN, Introduction à l’Ancien Testament, Genève: Labor et Fides, 2004, trang 240-262.
[4]Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire L’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2007, trang 28. La Bible – Notes Intégrales Traduction Oecuménique (TOB). Cerf – Biblio, 2011, trang 360-361.
[5] Căn bệnh thứ ba trong 15 căn bệnh của giáo triều Roma mà Đức Phanxicô đề cập đến vào ngày 22/12/2014.
[6] Marco Politi, Cuộc cách mạng của Giáo Hoàng Phanxicô – Francesco Tra I Lupi, Paris, 2015; người dịch Giuse Ngô Gia Biên, OP, trang 102-103.
[7] Etienne Charpentier, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2006 (1er 1980), trang 94.
[8] Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Linh hứng và chân lý trong
Kinh Thánh, 2014, số 128; số 104-150.
[9] Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Linh hứng và chân lý trong
Kinh Thánh, 2014, số 128; số 126.
[10] Etienne Charpentier, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2006 (1er 1980), trang 104.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 275
  •   Máy chủ tìm kiếm 19
  •   Khách viếng thăm 256
 
  •   Hôm nay 57,361
  •   Tháng hiện tại 1,301,370
  •   Tổng lượt truy cập 81,234,270