ABRAHAM, XUẤT HÀNH CÓ THẬT HAY KHÔNG?

Thứ hai - 25/09/2023 11:00      Số lượt xem: 2424

Abraham, Xuất Hành có thật hay không? Nhiều đoạn Kinh Thánh khác cũng bị đặt vấn đề về sử tính, nhưng khuynh hướng phủ nhận sự hiện hữu về tổ phụ Abraham và về biến cố Xuất Hành là một trong những thách đố trong việc giải thích Lời Chúa mà Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng phải lưu tâm. Ban biên tập xin gửi tới độc giả giải thích của Nữ tu Agnès Cảnh Tuyết, O.P.

abraham
ABRAHAM, XUẤT HÀNH CÓ THẬT HAY KHÔNG?​
 Tác giả: Nữ tu Agnès Cảnh Tuyết, O.P
 
Nhiều đoạn Kinh Thánh khác cũng bị đặt vấn đề về sử tính, nhưng khuynh hướng phủ nhận sự hiện hữu về tổ phụ Abraham và về biến cố Xuất Hành là một trong những thách đố trong việc giải thích Lời Chúa mà Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng phải lưu tâm.
 
Hai lập trường liên quan sử tính về Abraham và về Xuất Hành
 
Tổ phụ Abraham[1]
 
Trước đây các nhà nghiên cứu cho rằng Abraham sống vào khoảng 1800-1700 trước Công Nguyên, tức vào khoảng thiên niên kỷ thứ II trước Công Nguyên; giả thuyết này trước đây đã được xem như một điều chắc chắn. Một trong những điểm tựa của giả thuyết này là đồng hóa tên của hai nhân vật Hammourapi và Amraphel. Hammourapi là tên của một nhân vật mà các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong văn chương vùng Lưỡng Hà, ông sống vào khoảng thiên niên kỷ thứ II trước Công Nguyên. Còn Amraphel được nhắc  đến  ở  sách  Sáng  Thế  (x. St 14,1) trong trình thuật về việc ông Lót, cháu  ông Abraham bị bắt. Các nhà nghiên cứu cho rằng ông Amraphel của thời Abraham được nói đến ở sách Sáng Thế (x. St 14,1) chính là ông Hammourapi sống vào thiên niên kỷ thứ II trước Công Nguyên, mà bản văn vùng Lưỡng Hà nói đến. Từ đó các nhà nghiên cứu cho rằng Abraham sống vào thiên niên kỷ thứ II, trong khoảng năm 1800-1700 trước Công Nguyên.
 
Ngày nay các nhà chú giải không còn chấp nhận giả thuyết này. Họ cho rằng việc đồng hóa tên Amraphel với Hammorapi là không hợp lý, sự đồng âm không đủ để đi đến kết luận hai nhân vật này  là một. Mặt khác, không có chi tiết nào trong sách Sáng Thế nói về  Abraham  gợi  đến  thiên  niên  kỷ thứ II trước Công Nguyên. Trái lại, tên gọi Abraham là tên quen dùng vào thiên niên kỷ thứ  I  trước  Công Nguyên. Nhiều yếu tố trong sách Sáng  Thế liên quan đến Abraham gần với thế kỷ VII-VI trước Công Nguyên, chẳng hạn kiểu nói “thành Our của người Chalde” (St 11,31). Những điều này đã khiến nhiều nhà chú giải nghi ngờ về sử tính của nhân vật Abraham, họ cho rằng nhân vật Abraham không có thật  trong  lịch sử.

Xuất Hành[2]

Xuất Hành chiếm một vị trí quan trọng trong Kinh Thánh và trong phụng vụ Do Thái giáo. Cho đến thời Chúa Giêsu, hàng năm, dân Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua nhằm hiện thực hóa việc Chúa đã giải cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa họ về miền Đất Hứa. Tân Ước sử dụng khá nhiều hình ảnh của biến cố Xuất Hành. Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, cái chết và sự Phục Sinh của Người, được đặt trong mối liên hệ với biến cố Xuất Hành (chẳng hạn Lc 22,15-16.20: “Thầy những khát khao ăn Lễ Vượt Qua... cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa; ... Chén này là giao ước mới...”; xem thêm Ga 13,1-3; 19,36).
Vậy mà không một nguồn tài liệu nào ngoài Thánh Kinh, hay nguồn tài liệu của Ai Cập nói đến cuộc Xuất Hành của Israel. Mặt khác, tên gọi Pharaô là tước hiệu chung chỉ các nhà vua Ai Cập cổ đại, Thánh Kinh lấy tước hiệu này làm tên riêng cho vị vua thời Xuất Hành, nghĩa là Thánh Kinh không biết tên của vị vua Ai Cập thời Môsê.

Nhân vật Môsê nổi bật trong sách Xuất Hành, Lê Vi, Dân Số cho đến sách Đệ Nhị Luật, thế mà lịch sử Ai Cập không hề nhắc đến Môsê. Trình thuật chào đời của Môsê rất gần với huyền thoại về sự ra đời của Sargon, vua nước Akkad – người sáng lập đế quốc Akkad, khoảng cuối thiên niên kỷ thứ III trước Công Nguyên[3]. Câu chuyện được viết theo lối tự thuật như sau:  Sargon, vua nước Akkad, chính là ta (...) mẹ ta, người mẹ khốn  khổ,  đã mang  thai  ta. Trong lén lút kín đáo, bà đã sinh ra ta. Bà đặt ta trong chiếc thúng sậy trát nhựa (...), bà đậy lại và thả ta trên sông. Dòng sông đã không nhấn chìm ta, nhưng mang ta đi đến tận Akki, một người kín nước, ông nhìn ta cách nhân hậu và kéo ta lên khỏi nước và nuôi nấng ta như con của mình. Người kín nước đặt ta coi sóc khu vườn. Trong thời gian coi sóc vườn, nữ thần Ishtar đã thương yêu ta, và trong suốt 56 năm, ta đã nắm vương quyền.

Từ những nhận xét trên, sử tính của biến cố Xuất Hành bị nghi ngờ, có trường phái  cho  rằng Xuất Hành chỉ là văn chương hư cấu.
 
Trường phái đối lập

Đối lại những trào lưu phủ định trên
 
Tổ phụ Abraham
 
Người ta thấy những câu chuyện về Abraham ở Hebron, Beercheva và Negeb rất trùng hợp với các truyền thống địa phương ở những nơi này. Vì thế, một số nhà chú giải khác cho rằng không dễ dàng để kết luận Abraham là nhân vật giả tưởng, hay truyền thống về Abraham chỉ là truyền thuyết. Tuy nhiên, người ta không thể biết gì hơn về niên đại thời Abraham.
 
Xuất Hành
 
            Lịch sử cho biết có nhóm người gọi là Hykos (nghĩa là người đứng đầu của những người ngoại kiều), đó là nhóm người Semite. Nhóm này đến nhập cư ở phía đông sông Nil và ngày càng bành trướng, nhưng sau đó bị trục xuất khỏi Ai Cập. Biến cố này xảy ra vào khoảng 1550 trước Công Nguyên. Lịch sử còn cho biết vào khoảng thế kỷ thứ XIII trước Công Nguyên, trong suốt giai đoạn này, triều đại thứ XIX của Ai Cập – Ramses II – thiết lập thủ phủ ở lưu vực đồng bằng sông Nil, và có nhiều công trình xây dựng rất lớn. Thành Pithom và Ramses mà sách Xuất Hành nói đến (x. Xh 1,11), cũng được nói đến trong các bản văn cổ Ai Cập thời đó.

Với những lý chứng trên, những nhà chú giải khác cho rằng Xuất Hành rõ ràng in dấu ấn lịch  sử.
 
Sự hoang mang của các tín hữu

Có Abraham hay không? Có Xuất Hành hay không?
 
 Đây là cuộc tranh luận dường như không hồi kết[4]. Nhưng giả thuyết phủ nhận sự hiện hữu của các tổ phụ cũng như về biến cố Xuất Hành xem ra ngày càng lan rộng. Nhiều tín hữu cảm thấy hoang mang và mất định hướng, vì niềm tin của mình xem ra không còn điểm  tựa nơi Kinh  Thánh.  Làm sao có thể noi theo mẫu gương vâng phục của tổ phụ Abraham khi thực sự không có nhân vật Abraham trong lịch sử! Những khi gặp thách đố, làm sao có thể nghĩ về Xuất Hành để vững tin vào quyền năng và sự giải thoát của Thiên Chúa, khi mà trong thực   tế Xuất Hành đã không diễn ra!
 
Chúng ta biết, đây chỉ là một giả thuyết giữa bao giả thuyết khác. Lịch sử chú giải Kinh Thánh cho thấy, không ít những giả thuyết một thời được người ta coi như một định đề chắc chắn, nhưng với thời gian chúng đã bị đặt lại vấn đề bởi những giả thuyết mới. Chẳng hạn trước đây, hầu hết đều đồng ý một cách chắc chắn về thuyết Bốn Truyền Thống (J, E, P, D), ngày nay thuyết này đã được xem xét lại một vài điểm đáng kể, và các nhà chú giải tránh gọi tên truyền thống J và E[5]. Tuy nhiên, vẫn còn người ủng hộ thuyết Bốn Truyền Thống. Chúng ta cũng biết, niềm tin đặt nền trên các biến cố liên quan đến tổ phụ Abraham và Xuất Hành không phải là điều mới có vào thời lưu đày, nhưng có nguồn gốc từ truyền thống cổ xưa. Chẳng hạn Xuất Hành đã được nhắc đến trong truyền thống cổ xưa thời Hôsê và Amos[6] (x. Hs 12,10.14; Am 2,10; 9,7).
 
Lập trường của Giáo Hội

Thấu hiểu sự hoang mang của các tín hữu, Giáo Hội đã chính thức lên tiếng, qua tài liệu của Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng năm 2014, nhằm hướng dẫn dân Chúa trong việc đọc Kinh Thánh.
 
Một mặt, Giáo Hội tỏ rõ lập trường không ủng hộ giả thuyết phủ nhận trên, tài liệu Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng có đoạn viết: “Điều thứ nhất mà chúng ta cần nói liên quan đến các trình thuật về các tổ phụ (cũng như về biến cố Xuất Hành và về cuộc chinh phục Đất Hứa), đó là chúng không phải tự dưng mà có[7].
 
Lập trường của Giáo Hội cho thấy giả thuyết phủ định sử tính của Abraham và của Xuất Hành không đủ căn cứ, và nó không thực sự hữu ích cho đời sống đức tin, chúng ta không nên tốn thêm thời gian cho việc tranh luận  này. Mặt khác, Giáo Hội nhấn mạnh việc không nên coi những sự kiện trong Kinh Thánh như là dữ liệu lịch sử, vì khi ghi lại các sự việc trên, tác giả Kinh Thánh không quan tâm đến việc các sự kiện được truyền tải là hoàn toàn chắc chắn đến mức nào, nhưng bận tâm của họ là giải thích và tìm bài học từ những sự kiện của quá khứ[8].
 
Sai lầm về thể loại văn chương dẫn đến kết luận sai lệch về Kinh Thánh
 
Sở dĩ có sự tranh luận về việc những điều được viết trong Kinh Thánh có thật hay không, nguyên nhân là do người ta đã coi bản văn Kinh Thánh như những bản ký sự lịch sử, thông tin khoa học; đó là sai lầm về loại văn thể trong Kinh   Thánh.
 
Trước đây, người ta lấy Kinh Thánh làm chuẩn để đối chiếu những khám phá khoa học, khảo cổ, lịch sử. Chẳng hạn, vụ án Galilê, thời đó, người ta đọc Kinh Thánh và hiểu là trái đất đứng yên, còn mặt trời xoay quanh trái đất. Nhưng khi nhà khoa học Galilê khám phá trái đất xoay quanh mặt trời, ông đã bị lên án vì đi ngược với Kinh Thánh.
 
Thời gian sau, trái lại, người ta lấy kết quả nghiên cứu lịch sử, khảo cổ làm chuẩn để đối chiếu với Kinh Thánh. Khi thấy những gì được nói đến trong Kinh Thánh không có trong các dữ liệu lịch sử, hoặc không trùng khớp dữ liệu lịch sử, với những khám phá khoa học, họ lại kết luận Kinh Thánh không có thật.
 
Cả hai cách giải thích trên đều đã đọc Kinh Thánh như là bản ký sự lịch sử, như một tài liệu khoa học, trong khi mục đích của Kinh Thánh là nhằm truyền tải thông điệp về niềm tin.
 
Trở lại với khái niệm “chính xác” và “thực”, nếu xét theo “chính xác”, tức là viết y như đã xảy ra trong lịch sử, như một bản ký sự, theo nghĩa này thì những gì được ghi lại trong Kinh Thánh về tổ phụ Abraham cũng như về Xuất Hành thì không chính xác.
 
Nhưng nếu xét về “thực”, thì các trình thuật này rất thật vì đó là kinh nghiệm niềm tin của Israel, một kinh nghiệm vừa in dấu lịch sử vừa mang tầm mức của một dân tộc, nghĩa là cả dân tộc Israel đã có kinh nghiệm này: Thiên Chúa đã can thiệp cho dân Ngài, từ nơi lưu đày Babylon, Ngài đã đưa dân Ngài hồi hương. Và Israel suy gẫm quá khứ:
 
Như xưa Thiên Chúa đã từng can thiệp vào cuộc đời của các tổ phụ trong những giai đoạn bi kịch nhất, thì nay Thiên Chúa vẫn can thiệp trong những giai đoạn bi kịch nhất của lịch sử dân Chúa[9]. Như xưa Chúa đã giải thoát dân Ngài thoát cảnh nô lệ tại Pharaô Ai Cập, hôm nay Thiên Chúa vẫn đang ra tay giải thoát dân Ngài khỏi cảnh khốn cùng áp bức[10].
 
Trải qua những biến động lớn, các dân tộc bé nhỏ cho đến các cường quốc niềm Trung Đông thời Cựu Ước lần lượt bị xóa sổ, và mất luôn cả thần minh của họ. Israel cũng chịu chung số phận nhưng họ vẫn tồn tại, và tồn tại cả trong niềm tin. Lưu đày Babylon là giai đoạn bi thảm nhất của lịch sử dân Chúa, và việc dân Chúa còn có ngày trở về xây lại Đền Thờ, khôi phục lại tường thành Giêrusalem là bằng chứng Thiên Chúa là Đấng trung tín, giữ lời giao ước với tổ phụ Abraham; là bằng chứng Thiên Chúa là vị Cứu Tinh, là Đấng giải thoát dân Ngài.
 

[1.] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2007, trang 27-28.
[2.] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’Ancien Testament.Paris: Cerf, 2007, trang 56.
[3] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2007, trang 56.
[4] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’Ancien Testament.
[5] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2007, trang 32.
[6] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’Ancien Testament.
[7] Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Linh hng và chân lý trong Kinh Thánh, 2014, số 106.
[8] Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Linh hng và chân lý trong Kinh Thánh, 2014, số 107.
[9] Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Linh hng và chân lý trong Kinh Thánh, 2014, số 107.
[10] Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Linh hng và chân lý trong Kinh Thánh, 2014, số 107.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 234
  •   Máy chủ tìm kiếm 20
  •   Khách viếng thăm 214
 
  •   Hôm nay 41,790
  •   Tháng hiện tại 1,285,799
  •   Tổng lượt truy cập 81,218,699