Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 14 Thường Niên năm B

Thứ năm - 04/07/2024 15:05      Số lượt xem: 468

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập WHĐ xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 14 Thường niên năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

CN 14 TN B 4
GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM B 


* Nội dung:

- Số 2581-2584: Các tiên tri và việc hối cải tâm hồn

- Số 436: Đức Kitô với tư cách là tiên tri

- Số 162: Sự kiên trì trong đức tin

- Số 268, 273, 1508: Quyền năng được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối

 

Số 2581-2584: Các tiên tri và việc hối cải tâm hồn

Số 2581. Đối với dân Thiên Chúa, Đền thờ là nơi dạy cho họ biết cầu nguyện: các cuộc hành hương, các lễ hội, hy tế, lễ dâng ban chiều, dâng hương, bánh “trưng hiến”, tất cả những dấu chỉ này về sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa Tối Cao nhưng rất gần gũi, đều là những lời mời gọi và là những nẻo đường đưa đến việc cầu nguyện. Nhưng thái độ quá chuộng nghi lễ thường lôi kéo dân đến một cách thờ phượng quá bề ngoài. Việc giáo dục đức tin và hối cải tâm hồn là cần thiết. Đó là sứ vụ của các tiên tri trước và sau thời lưu đày.

Số 2582. Êlia là tổ phụ của các tiên tri, thuộc dòng dõi những kẻ tìm kiếm Ngài, những kẻ tìm kiếm tôn nhan Ngài[1]. Tên của ông, có nghĩa “Chúa là Thiên Chúa của tôi”, tiên báo tiếng hô của dân đáp lại lời cầu nguyện của ông trên núi Carmel[2]. Thánh Giacôbê nhắc đến gương ông Êlia để khích lệ chúng ta cầu nguyện: “Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16)[3].

Số 2583. Sau khi học biết thương xót lúc ẩn mình tại suối Charith, ông Êlia dạy cho bà góa ở Sarepta tin vào lời Thiên Chúa và củng cố đức tin của bà bằng lời cầu nguyện tha thiết của ông: Thiên Chúa đã làm cho con trai bà goá sống lại[4].

Khi ông Êlia dâng hy lễ trên núi Carmel, đó là lúc thử thách quyết liệt đối với đức tin của dân Thiên Chúa, thì lửa của Chúa đã thiêu hủy của lễ toàn thiêu “vào giờ người ta hiến dâng của lễ ban chiều” nhờ lời khẩn cầu của ông Êlia: “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37). Các phụng vụ Đông phương đã dùng lại lời khẩn cầu này của ông Êlia trong kinh Khẩn nguyện xin ban Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trong thánh lễ[5].

Sau cùng, trở lại hoang địa, đến nơi Thiên Chúa hằng sống và chân thật đã tỏ mình ra cho dân Ngài, ông Êlia ẩn mình, như ông Môisen, “trong một hang đá” cho tới khi sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa “đi qua”[6]. Nhưng chỉ trên núi Hiển Dung, Đấng mà ông Môisen và ông Êlia đã tìm kiếm tôn nhan, mới được tỏ lộ[7]: các ông nhận ra vinh quang của Thiên Chúa nơi tôn nhan Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh[8].

Số 2584. Trong những lúc “riêng một mình với Thiên Chúa”, các tiên tri múc được ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình. Việc cầu nguyện của các ông không phải là chạy trốn thế giới bất trung, nhưng là lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận hoặc than thở với Chúa, luôn luôn chuyển cầu cho dân để chờ đợi và chuẩn bị cho sự can thiệp của Thiên Chúa Cứu Độ, là Chúa của lịch sử[9].

 

Số 436: Đức Kitô với tư cách là tiên tri

Số 436. Danh hiệu “Kitô” là một từ Hy Lạp, dịch từ “Messia” của tiếng Do thái, có nghĩa là “người được xức dầu”. Danh hiệu này trở thành tên riêng của Chúa Giêsu bởi vì Người đã chu toàn cách hoàn hảo sứ vụ thần linh mà danh hiệu ấy bao hàm. Quả vậy, trong Israel, những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa để thi hành một sứ vụ Ngài giao phó, đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa. Đó là trường hợp của các vua[10], các tư tế[11] và đôi khi, các tiên tri[12]. Đó phải là, một cách tuyệt hảo, trường hợp của Đấng Messia, là người Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước của Ngài cách vĩnh viễn[13]. Đấng Messia phải được xức dầu bằng Thần Khí của Chúa[14] với tư cách là vua, đồng thời là tư tế[15], và cũng với tư cách là tiên tri.[16] Chúa Giêsu đã thực hiện niềm hy vọng về Đấng Messia của Israel trong ba nhiệm vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế.

 

Số 162: Sự kiên trì trong đức tin

Số 162. Đức tin là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó. Thánh Phaolô cảnh giác ông Timôthê về nguy cơ này: “Đây là chỉ thị tôi trao cho anh … để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm” (1 Tm 1,18-19). Để sống, lớn lên và kiên trì đến cùng trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa; chúng ta phải cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta[17]; đức tin ấy phải hành động “nhờ đức mến” (Gl 5, 6)[18], phải được nâng đỡ bằng đức cậy[19] và phải đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh.

 

Số 268, 273, 1508: Quyền năng được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối

Số 268. Trong tất cả các phẩm tính thần linh, Tín biểu chỉ nhắc đến sự toàn năng của Thiên Chúa: việc tuyên xưng Thiên Chúa Toàn Năng là rất quan trọng đối với đời sống chúng ta. Chúng ta tin rằng sự toàn năng của Ngài là phổ quát, bởi vì Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi sự[20], điều khiển và làm được mọi sự; sự toàn năng của Thiên Chúa tràn đầy tình yêu, bởi vì Ngài là Cha chúng ta[21]; sự toàn năng của Thiên Chúa là mầu nhiệm, bởi vì chỉ có đức tin có thể nhận ra sự toàn năng đó, khi nó được “biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9)[22].

Số 273. Chỉ đức tin mới có thể gắn bó với những đường lối mầu nhiệm của sự toàn năng của Thiên Chúa. Đức tin này tự hào về những yếu kém của mình, để lôi kéo quyền năng của Đức Kitô xuống trên mình[23]. Gương mẫu cao cả nhất của một đức tin như thế là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người đã tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) và đã ngợi khen Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49).

Số 1508. Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho một số người đoàn sủng chữa lành[24] để biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Đấng phục sinh. Tuy nhiên những lời cầu nguyện sốt sắng nhất cũng không luôn luôn chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Thánh Phaolô phải học nơi Chúa điều này: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); và những đau khổ phải chịu có thể có ý nghĩa này: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Văn Việt

Nguồn: WHĐ (04.07.2024)

 

[1] X. Tv 24,6.

[2] X. 1 V 18,39.

[3] X. Gc 5,16-18.

[4] X. 1 V 17,7-24.

[5] X. 1 V 18,20-39.

[6] X. 1 V 19,1-14; Xh 33,19-23.

[7] X. Lc 9,30-35.

[8] X. 2 Cr 4,6.

[9] X. Am 7,2.5; Is 6,5.8.11; Gr 1,6; 15,15-18; 20,7-18.

[10] X. l Sm 9,16; 10,1; 16,1.12-13; 1 V 1,39.

[11] X. Xh 29,7; Lv 8,12.

[12] X. 1V 19,16.

[13] X. Tv 2,2; Cv 4,26-27.

[14] X. Is 11,2.

[15] X. Zc 4,14; 6,13.

[16] X. Is 61,1; Lc 4,16-21.

[17] X. Mc 9,24; Lc 17,5; 22,32.

[18] X. Gc 2,14-26.

[19] X. Rm 15,13.

[20] X. St 1,1; Ga 1,3.

[21] X. Mt 6,9.

[22] X. 1 Cr 1,18.

[23] X. 2 Cr 12,9; Pl 4,13.

[24] X. 1 Cr 12,9.28.30.


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 142
  •   Máy chủ tìm kiếm 21
  •   Khách viếng thăm 121
 
  •   Hôm nay 45,693
  •   Tháng hiện tại 369,327
  •   Tổng lượt truy cập 85,074,435