Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 13 Thường Niên năm B

Thứ sáu - 28/06/2024 15:04      Số lượt xem: 472

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập WHĐ xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

CN 13 TN B 4

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM B

* Nội dung:

- Số 548-549, 646, 994: Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại

- Số 1009-1014: Sự chết được Đức Kitô biến đổi

- Số 1042-1050: Hy vọng trời mới đất mới

 

Số 548-549, 646, 994: Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại

Số 548. Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[1]. Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người[2]. Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[3]. Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[4]. Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[5]. Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người loại bỏ[6], thậm chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ[7].

Số 549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[8], bất công[9], bệnh tật và cái chết[10], Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này[11], nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[12], thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.

Số 646. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Các sự kiện này là những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường”. Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phaolô đã có thể nói Đức Kitô là một người thiên giới[13].

Số 994. Hơn nữa: Chúa Giêsu kết hợp đức tin về sự phục sinh với Ngôi Vị riêng của Người: “Chính Thầy là sự Sống lại và là sự Sống” (Ga 11,25). Chính Chúa Giêsu sẽ làm cho sống lại trong ngày sau hết những ai đã tin vào Người[14] va những ai đã ăn Thịt và uống Máu Người[15]. Ngay bây giờ, Người đã đưa ra một dấu chỉ và một bảo chứng khi trả lại sự sống cho một số người đã chết[16], như vậy Người loan báo sự phục sinh riêng của Người tuy sự phục sinh của Người thuộc một trật tự khác. Người nói về biến cố độc nhất này như dấu chỉ Jôna[17], như dấu chỉ Đền Thờ[18]: Người loan báo sự phục sinh của Người ngày thứ ba sau khi Người bị giết[19].

 

Số 1009-1014: Sự chết được Đức Kitô biến đổi

Số 1009. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng đã chịu chết vì chết là đặc điểm của thân phận nhân loại. Nhưng chính Người, tuy run sợ khi đối diện với sự chết[20], đã đảm nhận nó trong một hành vi suy phục thánh ý Cha Người cách trọn vẹn và tự nguyện. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc lành[21].

Ý nghĩa của sự chết theo Kitô giáo

Số 1010. Nhờ Đức Kitô, sự chết theo Kitô giáo có một ý nghĩa tích cực. “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết [với Người], ta sẽ cùng sống [với Người]” (2 Tm 2,11). Sự mới mẻ chủ yếu của cái chết theo Kitô giáo là điều này: nhờ Phép Rửa, Kitô hữu đã “chết với Đức Kitô” một cách bí tích, để sống một đời sống mới; nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Kitô, sự chết thể lý sẽ hoàn tất việc “chết với Đức Kitô” đó, và như vậy nó hoàn thành việc tháp nhập chúng ta vào Người trong hành vi cứu chuộc của Người:

“Tôi thà chết trong Đức Kitô Giêsu, hơn là cai trị toàn cõi trái đất. Tôi tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã phục sinh vì chúng ta. Giờ tôi được sinh ra đã đến gần. … Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền; khi tôi tới được đó, tôi sẽ là một con người”[22].

Số 1011. Trong sự chết Thiên Chúa kêu gọi con người đến với Ngài. Vì vậy, đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước giống như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,23); và họ có thể biến đổi cái chết riêng của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha theo gương Đức Kitô[23]:

“Tình yêu của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá; … Một mạch nước đang sống và đang nói ơ trong tôi, nói với tôi tự bên trong rằng: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”[24].

“Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết”[25].

“Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống”[26].

Số 1012. Cái nhìn của Kitô giáo về sự chết[27] được diễn tả một cách rõ ràng trong phụng vụ của Hội Thánh:

“Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”[28].

Số 1013. Sự chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế của con người, là kết thúc thời gian của ân sủng và của lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người để họ thực hiện cuộc đời trần thế của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa và để họ quyết định số phận tối hậu của mình. “Sau khi kết thúc dòng đời duy nhất là cuộc đời trần thế của chúng ta”[29], chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc đời trần thế khác. “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Không có việc “đầu thai” (“reincarnatio”) sau khi chết.

Số 1014. Hội Thánh khuyên chúng ta hãy chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta (“Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi chết đột ngột và bất ngờ”: Kinh Cầu Các Thánh cũ), hãy khấn xin Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta “trong giờ lâm tử” (kinh Kính Mừng) và hãy phó thác cho thánh Giuse là bổn mạng của ơn chết lành:

“Trong mọi hành động và suy nghĩ, con phải xử sự như con sắp chết tức thì. Nếu con có lương tâm tốt lành, con sẽ không quá sợ sự chết. Xa lánh tội lỗi thì tốt hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con không sẵn sàng, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?”[30]

“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị chết thể xác, không người nào sống mà có thể thoát được chị. Khốn cho những ai chết trong những tội trọng; phúc cho những ai, mà chị gặp, đang ở trong thánh ý Chúa, bởi vì cái chết thứ hai sẽ không làm gì hại cho họ”[31].

 

Số 1042-1050: Hy vọng trời mới đất mới

Số 1042. Lúc cùng tận thời gian, Nước Thiên Chúa sẽ đạt tới sự viên mãn của mình. Sau cuộc Phán Xét chung, những người công chính, được tôn vinh cả xác cả hồn, sẽ hiển trị muôn đời với Đức Kitô, và chính toàn thể trần gian sẽ được đổi mới:

Lúc đó Hội Thánh “sẽ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc, khi … cùng với nhân loại, cả toàn thể trần gian, được kết hợp mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt tới mục đích của mình, cũng được canh tân trọn vẹn trong Đức Kitô”[32]

Số 1043. Thánh Kinh gọi sự canh tân huyền diệu này, nó sẽ biến đổi nhân loại và trần gian, là “trời mới đất mới” (2 Pr 3,13)[33]. Đó sẽ là sự hoàn thành chung cuộc kế hoạch của Thiên Chúa: “Quy tụ muôn loài trong trời đất… trong Đức Kitô” (Ep 1,10).

Số 1044. Trong trần gian mới[34], trong thành Giêrusalem thiên quốc, Thiên Chúa sẽ có nơi cư ngụ của Ngài giữa con người. “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4)[35].

Số 1045. Đối với con người, sự hoàn tất này sẽ là sự thực hiện vĩnh viễn việc hợp nhất nhân loại mà Thiên Chúa đã muốn từ tạo thiên lập địa, và Hội Thánh lữ hành đã “như là bí tích” của sự hợp nhất ấy[36]. Những ai được kết hợp với Đức Kitô sẽ làm thành cộng đoàn những người được cứu chuộc, “Thành thánh” của Thiên Chúa (Kh 21,2), “Hiền thê của Con Chiên” (Kh 21,9). Cộng đoàn này sẽ không còn bị tổn thương bởi tội lỗi, bởi các điều ô uế[37], bởi tính ích kỷ từng hủy diệt hoặc làm tổn thương cộng đồng nhân loại nơi trần thế. Sự hưởng kiến vinh phúc (visio beatifica) trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cách vô tận cho những người được chọn, sẽ là nguồn mạch vĩnh cửu của vinh phúc, của bình an và của sự hiệp thông với nhau.

Số 1046. Đối với vũ trụ, Mạc khải khẳng định rằng nhân loại và vũ trụ vật chất có chung một vận mệnh sâu xa:

“Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài… Vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát… Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng … khi trông đợi sự cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm 8,19-23).

Số 1047. Vì vậy, vũ trụ hữu hình được tiền định để chính nó được biến đổi: “Chính nó phải được phục hồi như tình trạng ban đầu, không có trở ngại nào, mà phục vụ những người công chính”[38], trong khi tham dự vào sự tôn vinh họ trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Số 1048. “Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Quả thật bộ mặt biến dạng vì tội lỗi của trần gian này sẽ qua đi, nhưng chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi lưu ngụ mới và một trần thế mới, trong đó sự công chính lưu ngụ, và vinh phúc của nó sẽ thỏa mãn và vượt quá mọi khát vọng về bình an, vốn đã trào lên trong trái tim con người”[39].

Số 1049. “Tuy nhiên, sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải khích động hơn sự quan tâm phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và đã có khả năng đưa ra một nét phác hoạ nào đó của thời đại mới. Vì vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt sự tiến bộ trần thế với sự tăng trưởng Nước Đức Kitô, nhưng tiến bộ này trở thành rất quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ nó có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội nhân loại một cách tốt đẹp hơn”[40].

Số 1050. “Thật vậy, sau khi chúng ta đã theo lệnh Chúa, và trong Thần Khí của Người, truyền bá khắp cõi đất những sự tốt lành của phẩm giá nhân loại, của sự hiệp thông huynh đệ và của sự tự do, nghĩa là tất cả những hoa trái tốt đẹp của bản tính và sự nghiệp của chúng ta, thì sau đó chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng trong tình trạng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và được biến hình, khi Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha Nước vĩnh cửu và phổ quát”[41]. Lúc đó, trong đời sống vĩnh cửu, Thiên Chúa “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28):

“Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Ngài, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống muôn đời”[42].

 

Văn Việt

Nguồn: WHĐ (27.06.2024)

 

_______

[1] X. Ga 5,36; 10,25.

[2] X. Ga 10,38.

[3] X. Mc 5,25-34; 10,52.

[4] X. Ga 10,31-38.

[5] X. Mt 11,6.

[6] X. Ga 11,47-48.

[7] X. Mc 3,22.

[8] X. Ga 6,5-15.

[9] X. Lc 19,8.

[10] X. Mt 11,5.

[11] X. Lc 12,13-14; Ga 18,36.

[12] X. Ga 8,34-36.

[13] X. 1 Cr 15,35-50.

[14] X. Ga 5,24-25; 6,40.

[15] X. Ga 6,54.

[16] X. Mc 5,21-43; Lc 7,11-17; Ga 11.

[17] X. Mt 12,39.

[18] X. Ga 2,19-22.

[19] X. Mc 10,34.

[20] X. Mc 14,33-34; Dt 5,7-8.

[21] X. Rm 5,19-21.

[22] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Romanos, 6, 1-2: SC 10bis 114 (Funk 1, 258-260).

[23] X. Lc 23,26.

[24] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Romanos, 7, 2: SC 10bis 116 (Funk 1, 260).

[25] Thánh Têrêsa Giêsu, Poesía 7: Biblioteca Mística Carmelitana, v.6 (Burgos 1919) 86.

[26] Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Lettre (9-6-1897): Correspondance Générale, v. 2 (Paris 1973) 1015.

[27] X. 1 Tx 4,13-14.

[28] Kinh Tiền Tụng I cầu cho các tín hữu đã qua đời: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 439.

[29] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 54.

[30] De imitatione Christi, 1, 23, 5-8: ed. T. Lupo (Città del Vaticano 1982) 70.

[31] Thánh Phanxicô Assisi, Canticum Fratris SolisOpuscula sancti Patris Francisci Assisiensis, ed. C. Esser (Grottaferrata 1978) 85-86.

[32] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[33] X. Kh 21,1.

[34] X. Kh 21,5.

[35] X. Kh 21,27.

[36] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.

[37] X. Kh 21,27.

[38] Thánh Irênê, Adversus haereses, 5, 32, 1: SC 153, 398 (PG 7, 1210).

[39] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1056-1057.

[40] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1057.

[41] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1057; x. Id., Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 5-6.

[42] Thánh Cyrillô Giêrusalem, Catecheses illuminandorum, 18, 29: ;Opera, v. 2, ed. J. Rupp (Monaci 1870) 332 (PG 33, 1049).

 

 
 

 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 134
  •   Máy chủ tìm kiếm 11
  •   Khách viếng thăm 123
 
  •   Hôm nay 30,351
  •   Tháng hiện tại 30,351
  •   Tổng lượt truy cập 84,735,459