Đức tin và người nghèo

Thứ tư - 22/05/2024 06:24      Số lượt xem: 242

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trả lời cho những thắc mắc đó của chúng ta, ngài nhấn mạnh: "Có một mối dây liên kết không thể phân ly giữa Đức tin của chúng ta với người nghèo". Vậy sự liên kết ấy cụ thể như thế nào?

N
 
Có một mối dây liên kết không thể phân ly giữa Đức tin của chúng ta với người nghèo. Đức Giê-su đã nói rằng: "Ai có hai áo thì chia cho người không có áo, ai không có gì ăn thì cũng làm như vậy" (Lc 3,11). Đức Ki-tô vẫn hằng ước ao mỗi một chúng ta sống cho và sống vì người nghèo. Phải chăng, tài sản lớn nhất của Giáo Hội là người nghèo? Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không trân quý những tài sản ấy? Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trả lời cho những thắc mắc đó của chúng ta, ngài nhấn mạnh: "Có một mối dây liên kết không thể phân ly giữa Đức tin của chúng ta với người nghèo". Vậy sự liên kết ấy cụ thể như thế nào?

Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu Đức tin là gì? Theo sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo: Đức tin là một hồng ân siêu nhiên mà Thiên Chúa đổ xuống trên linh hồn chúng ta. Để tuyên xưng Đức tin, con người cần có ân sủng khởi động và sự hỗ trợ của Thiên Chúa. Ngoài ra, Đức tin muốn được triển nở, chúng ta cần phải có sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Đức tin là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban xuống trên nhân loại chúng ta. Hồng ân đó đòi hỏi sự đáp trả trong tự do của chúng ta. Bên cạnh đó, "Đức tin tăng trưởng nhờ Đức ái" (Gl 5,6). Vì thế, chúng ta cần hiệp thông, giúp đỡ, hy sinh cho người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ. Vậy người nghèo là ai?

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói rằng: "Người nghèo là những người không có gì. Họ không có gì ngoài sự nghèo đói". Đó là những người không có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Những người đó, chúng ta thường bắt gặp trong đời thường, như trẻ em mồ côi, bà già neo đơn hay ông ăn xin bên vệ đường. Người nghèo ở đây không chỉ là những người nghèo về vật chất nhưng còn có cả những người nghèo đói về tinh thần, hi vọng, về Đức tin. Trong suy diễn đó, chúng ta thấy rằng: người nghèo là những người khổ sở, đói rách, thiếu ăn trong cuộc sống, thiếu ơn Chúa mỗi ngày. Họ rất cần đến sự bố thí, quan tâm của những người xung quanh.

Thật vậy, Đức tin và người nghèo là hai chiều kích gắn liền với Tin Mừng. Chúng ta muốn đời sống Đức tin được tăng trưởng việc thực thi bác ái là điều nên làm, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ. Ngược lại, người nghèo là hình ảnh của Tin Mừng, là hình ảnh của Đức Ki-tô – những hữu thể sống động của Thiên Chúa.Trong ý nghĩa đó, người nghèo và Đức tin có mối liên kết mật thiết với nhau, như người nam và người nữ kết duyên với nhau, không thể phân ly để tạo nên một cuộc hôn nhân Công giáo trọn vẹn. Vậy sự liên kết đó được cụ thể như thế nào?

Trước hết, sự liên kết mật thiết giữa Đức tin và người nghèo được thể hiện nơi Đức Ki-tô, "Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng không phải nhất quyết cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, giống như người trần thế" (Pl 2, 6-7). Quả vậy, Đức Ki-tô là Thiên Chúa nhưng Ngài tự đồng hóa mình với con người. Sự đồng hóa đó được thể hiện cách hiện thực nơi biến cố Nhập Thể. Biến cố đó là sự nghiêng mình của Thiên Chúa để trở nên giống như con người. Ngài chấp nhận sinh hạ trong cảnh nghèo đói, đơn hèn. Ngài sống như người nghèo, cùng ăn uống và sinh hoạt với họ. Ngài chạnh lòng thương xót người nghèo, Ngài làm nhiều phép lạ cứu giúp người lầm than khốn cùng. Sự nghèo đó được thể hiện cách minh nhiên nơi cái chết của Ngài: Chết không mảnh vải che thân, trơ trụi một mình trên Thánh giá. Trong ý nghĩa đó, Đức Ki-tô tự nguyện mặc chiếc áo phàm trần của kiếp người để cùng chịu đắng cay và vất vả như người đời. Do vậy, chúng ta là những Ki-tô hữu của Chúa nhờ được chịu bí tích Rửa Tội nên chúng ta được trở thành những chi thể trong thân thể Đức Ki-tô, như cành nho nối liền với thân nho. Vì thế, người nghèo cũng thuộc chi thể của Chúa và chúng ta cũng vậy. Thân thể mà đau thì các chi thể khác cũng đau theo, cùng vui, cùng buồn giống nhau, như lời thánh Phao-lô nói rằng: "vui với người vui, khóc với người khóc" (Rm 12, 15). Thật vậy, đó chính là sự liên kết kỳ diệu giữa Đức tin và người nghèo nơi Đức Giê-su – Con Người của sự nghèo khó.

Tiếp nữa, sự liên kết của Đức tin và người nghèo được thể hiện nơi Giáo Hội. Nói được như vậy là vì, Đức Ki-tô giao phó toàn bộ Đức tin cho Hội Thánh gìn giữ và loan truyền. Nhờ sự hiện diện của Đức Ki-tô, Hội Thánh mang trong mình đầy đủ các phương tiện cứu độ. Chính vì thế, Hội Thánh được Đức Ki-tô sai đi rao giảng Tin Mừng. Như đã nói ở trên, người nghèo là hình ảnh sống động của Tin Mừng vì mỗi khi anh em cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống là anh em đang cho Đức Ki-tô (x. Mt 25, 40). Vâng lệnh Chúa, Giáo Hội ra đi mang Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân, đặc biệt là những người nghèo, mang tin vui, tin bình an, sự tha thứ, tinh thần quảng đại của chúng ta cho người nghèo để "muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28, 29). Với ý nghĩa đó, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngài luôn ý thức được sự hiện hữu sống động của Tin Mừng nơi người nghèo, ngài nhấn mạnh: "Tài sản của Giáo Hội là người nghèo, chứ không phải nơi Thánh đường". Thật vậy, Giáo Hội muốn được trổ sinh nhiều hoa trái ngọt lành, thiết nghĩ, Giáo Hội phải biết trân quý tài sản vô giá này. Đó chính là sự liên kết mật thiết giữa Đức tin với người nghèo.

Sau hết, sự liên kết giữa Đức tin và người nghèo được thể hiện nơi mỗi người chúng ta. Mẹ Tê-rê-xa Calcutta là minh chứng sống động cho đời sống Đức tin với người nghèo, người vô gia cư, người tị nạn, người bị xã hội xa lánh và từ bỏ. Đời sống Đức tin của Mẹ không cầu kỳ, không phô trương nhưng chỉ là những lời thăm hỏi trìu mến, hòa mình vào sự nghèo khó của họ, sẻ chia thức ăn cách vô điều kiện, một việc làm nhỏ bé với một trái tim vĩ đại. Mẹ sống Đức tin không chỉ là gìn giữ những giờ kinh, giờ chầu Thánh Thể nhưng là những hành động bác ái yêu thương với người nghèo. Nơi Mẹ Thánh Tê-rê-xa Calcutta, chúng ta thấy sự liên kết mật thiết giữa Đức tin của Mẹ với người nghèo. Qua sự liên kết đó, Mẹ đã cứu rỗi được nhiều linh hồn, mời gọi được nhiều người về với Chúa, đặc biệt nơi Mẹ, hình ảnh Đức Ki-tô với người nghèo được khăng khít, bền chặt và sống động hơn.

Với ba ý tưởng đó, chúng ta thấy rằng: sự liên kết giữa Đức tin và người nghèo nơi Đức Ki-tô, nơi Giáo Hội và nơi tha nhân tạo nên một đời sống năng động của chúng ta nơi trần thế. Sự năng động đó được thể hiện cách tròn đầy nơi Đức Ki-tô, được Giáo Hội lưu truyền, gìn giữ và được hiện tại hóa nơi mỗi người chúng ta. Qua đó, chúng ta thấy sự liên kết không thể tách rời giữa Đức tin với người nghèo. Có thể nói, Đức tin và người nghèo như đôi cánh đưa chúng ta đến gần với Đức Ki-tô hơn, điểm đầu và điểm cuối hạnh phúc của cuộc đời chúng ta. Nơi người nghèo, Đức tin được thông truyền cách sống động. Nơi Đức tin, người nghèo được thông chia nguồn vinh phúc. Vì thế, nếu tách rời Đức tin với người nghèo thì đó là lúc chúng ta đang đi ngược lại với Tin Mùng, đi ngược lại với Lời Chúa dạy, dẫn tới sự mờ nhạt dần trong đời sống Đức tin của chúng ta.

Thật vậy, thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nói rằng: "Nếu xác không hồn thì xác sẽ chết, Đức tin không việc làm là Đức tin chết" (Gc 2, 26). Vì thế, thiết nghĩ, Đức tin phải được gắn liền với hành động cụ thể, đặc biệt là giúp đỡ người nghèo trên tinh thần bác ái, hy sinh như: thăm người nghèo khổ, nở nụ cười yêu thương với người bất hạnh hay là những lời cầu nguyện sâu kín dâng lên Thiên Chúa. Đó là những việc làm thiện chí, đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, như lời Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta nói rằng: "Chúng ta đừng cứ tưởng việc chúng ta làm chỉ là một giọt nước giữa đại dương, nhưng đại dương sẽ ít đi nếu thiếu đi giọt nước đó". Xã hội cần lắm những giọt nước nhỏ nhoi đó, những giọt nước rất cần cho những người đang khát khao tìm thấy được những bữa cơm no, những đêm ngủ ấm áp.

Ngược lại, nếu người nghèo tách rời Đức tin thì cuộc sống của họ sẽ trở nên chán chường, mất phương hướng và có thể họ xa lánh Thiên Chúa. Họ sẽ đặt xung quanh cuộc sống những nghi vấn: Chúa Toàn Năng tại sao lại có đau khổ, chết chóc và nghèo đói? Thiên Chúa là Đấng yêu thương sao lại có sự dữ, sao lại thiếu công bằng...? Đó chính là lúc họ mất phương hướng, bi quan, chán nản dẫn tới đời sống Đức tin bị lụi tàn, lòng mến bị nguội lạnh và niềm trông cậy bị phai mờ.

Do vậy, nếu tách rời Đức tin và người nghèo khỏi cuộc sống chúng ta thì sẽ sinh ra không ít những hậu quả xấu. Nếu Đức tin mà không hướng tới người nghèo thì Đức tin sẽ yếu dần, mờ nhạt dần trong hành trình tiến về với Đức Ki-tô, ngược lại, nếu người nghèo mà tách rời Đức tin thì sẽ nảy sinh ra những hoài nghi, bị quan và buông lời khổ chế làm cớ cho ma quỷ lướt thắng.

Thế nhưng, ngày hôm nay, chúng ta đang từng ngày chứng kiến sự chia cắt giữa Đức tin và người nghèo. Khi công nghệ và khoa học lên ngôi, kéo theo đó, sự xuất hiện nhiều khuynh hướng xấu trong xã hội, dẫn tới con người ngày nay sống Đức tin cách hời hợt. Họ chỉ giữ đạo tại tâm, đến nhà thờ như một sự ép buộc – "chủ nhật thì phải đi lễ". Họ thờ ơ trong việc thực thi bác ái và làm việc tông đồ. Việc bác ái chỉ dành cho cha xứ, hội đoàn và những người thiện chí. Đó là lối sống vô cảm, dửng dưng trên sự đau đớn của người khác. Bằng chứng cho thấy: đướng xá, cầu cống mới xây xong đã xuống cấp cách nghiêm trọng, chỉ vì lý do con người làm việc thiếu trách nhiệm, ăn bớt, chia chác mà người đời hay gọi là "rút ruột công trình". Những thực tế đó là những hồi chuông báo động của việc chia lìa Đức tin với người nghèo.

Bản thân tôi cũng là Ki-tô hữu, cũng được dư tràn hồng ân của Thiên Chúa và hằng ngày vẫn đang sống xung quanh những người nghèo khổ. Thế nhưng, nhiều lúc tôi vô tình tách lìa hai chiều kích đó khỏi cuộc đời tôi. Đó là lúc Đức tin tôi không hành động, không rung nhịp trước sự đau đớn của người nghèo. Phải chăng, tôi đang vô cảm, tôi đang tự biến mình thành những Pharisêu của thời đại mới. Phải chăng, Đức tin của tôi đang yếu đi, đang nhạt nhẽo trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Nhưng Chúa Toàn Năng, Ngài luôn đỡ tôi lên khi tôi vấp ngã, luôn ở bên tôi khi tôi khó khăn. Qua đó, tôi cảm nhận, tình yêu của Ngài trào tràn trên con người tôi và tôi đang cố gắng đáp trả tình yêu ấy trên con đường dâng hiến.

Câu nói của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô không chỉ là một lời nhắc nhở nhưng đó còn là một lời khẳng định tầm quan trọng giữa Đức tin và người nghèo. Đó là hai chiều kích luôn tồn tại, song song và đồng hành với nhau để đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và cho chúng ta được cảm nếm được hạnh phúc Thiên Đàng ngay ở trần thế. Đức tin sẽ bị khuyết thiếu nếu không gắn liền với việc thực thi bác ái, đặc biệt là với người nghèo. Muốn làm được như vậy, thiết nghĩ, chúng ta cần có một đời sống cầu nguyện, tinh thần hy sinh và đặc biệt hãy mặc lấy Con Người Giê-su – Con Người của người nghèo. Và đó cũng là tâm tình của Ngài muốn gửi gắm đến chúng ta: "Phúc thay ai thương xót người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5, 7).

Tác giả bài viết: 【Maria Bích Hồng】

Nguồn tin: www.vanthoconggiao.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 327
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 318
 
  •   Hôm nay 45,537
  •   Tháng hiện tại 1,008,189
  •   Tổng lượt truy cập 83,989,348