Sợi chỉ đỏ Lễ kính Thánh Tâm Đức Giêsu - Năm B

Thứ tư - 05/06/2024 17:19      Số lượt xem: 808

Chủ đề: Tình yêu Thiên Chúa đối với loài người

* Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc I (Hs 11,1.3-4.8-9): Thiên Chúa âu yếm chăm sóc dân Ngài như người Cha chăm sóc con thơ.
- Đáp ca (Is 12,2.4-6): Hãy ca tụng và công bố tình thương của Thiên Chúa.
- Tin Mừng (Ga 19,31-37): Trên thập giá, Đức Giêsu cho đi cả giọt máu cuối cùng.
- Bài đọc II (Ep 3,8-12.14-19): Vì yêu thương, Thiên Chúa đã mặc khải cho loài người những chân lý mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn đời.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Hôm nay chúng ta cử hành Lễ kính Thánh Tâm Đức Giêsu. Lễ này chỉ mới có trong Giáo Hội từ thế kỷ 17, sau sự kiện Đức Giêsu hiện ra với Thánh nữ Magarita và tỏ cho thánh nữ thấy Trái Tim Ngài.
Ai cũng hiểu trái tim là biểu tượng của Tình yêu. Vì thế kính Trái Tim Chúa chính là tôn kính Tình yêu của Ngài. Qua Trái Tim Đức Giêsu, chúng ta hiểu được mặc khải cốt yếu nhất của Tin Mừng “Thiên Chúa là Tình yêu”.
Chúng ta hãy suy gẫm mặc khải cốt yếu này, và cố gắng sao cho trái tim chúng ta ngày càng nên giống Trái Tim Đức Giêsu hơn.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Thiên Chúa ưu ái những người bé mọn, nhưng chúng ta lại thích làm lớn.
- Tình yêu phải được đáp lại bằng Tình yêu. Thế nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô cùng, mà chúng ta lại không yêu mến Ngài.
- Chúa muốn tình yêu của chúng ta trải rộng bao la, yêu thương hết mọi người. Nhưng chúng ta chỉ yêu thương một số ít người thân thiết với mình và lãnh đạm với mọi người khác.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Hs 11,1.3-4.8-9)
Ngôn sứ Hôsê lấy hình ảnh người Cha chăm sóc con để mô tả tình yêu Thiên Chúa đối với dân Israel: gọi chúng ra khỏi Ai Cập, bồng ẵm chúng trên cánh tay, âu yếm tập chúng đi, nuôi dưỡng chúng, ấp yêu chúng vào má, nghiêng mình trên chúng, đút cho chúng ăn; dù chúng có phạm tội nên bị ngoại bang áp bức, Thiên Chúa cũng không bỏ chúng được, trái lại, lòng Ngài bồi hồi thổn thức…
2. Đáp ca (Is 12,2.4-6)
Đoạn sách Isaia được dùng làm đáp ca hôm nay được viết ngay sau thời lưu đày. Cho nên có thể coi nó như tiếp nối cho bài đọc I: Vì yêu thương Israel như một người Cha thương yêu con mình, Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi chốn lưu đày.
Ngôn sứ Isaia kêu gọi hãy ca tụng tình thương và những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài.
3. Tin Mừng (Ga 19,31-37)
Theo tục lệ Do Thái, xác chết của những tử tội không được để treo trên thập giá ban đêm, nhất là trong những ngày đại lễ (x. Đnl 21,22-23). Bởi vậy vào buổi chiều áp lễ, người ta phải làm sao cho những tử tội ấy chết đi để còn đem chôn trước khi chiều xuống.
Vì thế, toán lính phụ trách cuộc hành hình đã đập gãy ống chân hai tên gian phi (vì chúng sẽ không thể tựa vào hai chân mà rướn mình lên để thở nữa nên sẽ chóng chết). Nhưng khi thấy Đức Giêsu đã chết, họ không cần đập gãy ống chân Ngài nữa. Dù vậy, để cho chắc ăn, một người lính đã lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, lập tức máu cùng nước chảy ra.
Qua một việc làm thông thường theo tục lệ ấy, thánh Gioan đã thấy được những ý nghĩa thâm sâu của tình yêu Chúa: a/ Ngài đã yêu thương đến nỗi cho đi cả giọt máu cuối cùng; b/ Ngài đúng là Con Chiên Vượt Qua gánh tội loài người (theo luật, con chiên được chọn để giết ăn tiệc Vượt Qua phải vẹn toàn, không có cái xương nào bị gãy); c/ Như thế là ứng nghiệm lời Thánh Kinh về con chiên Vượt Qua; d/ Cái chết của Ngài sẽ là nguồn ơn cứu độ cho chính những kẻ hành hạ Ngài.
4. Bài đọc II (Ep 3,8-12.14-19)
Toàn thể thư Êphêxô là một bài ca ngợi tình yêu Thiên Chúa. Riêng trong đoạn trích này, thánh Phaolô nhấn mạnh đến một số khía cạnh của tình yêu ấy: Thiên Chúa đã mặc khải những mầu nhiệm vốn ẩn giấu từ muôn đời; Thiên Chúa cũng ban Đức Kitô cho loài người, trong Ngài chúng ta được cậy trông, và nhờ tin vào Ngài chúng ta có thể mạnh dạn đến gần Thiên Chúa.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Yêu thương và trừng phạt
Có lẽ không ít người băn khoăn vì không dung hòa được hai chân lý căn bản về tình thương và đức công bình của Thiên Chúa: nếu Thiên Chúa yêu thương thì Ngài phải tha thứ cho loài người; nếu Thiên Chúa công bình thì Ngài phải trừng phạt tội lỗi loài người. Làm sao có thể vừa yêu thương vừa công bình được ?
Tìm hiểu các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể tìm được một lời giải thích:
- Tình cảm căn bản nhất của Thiên Chúa là yêu thương. Bài đọc I diễn tả Thiên Chúa yêu thương như một người Cha chăm sóc con mình: bồng ẵm, đút cho ăn, tập cho đi, ấp yêu vào má ...
- Nhưng yêu thương không phải là làm ngược với công bình: con người có tội thì phải bị phạt. Tuy nhiên chúng ta nên lưu ý điều quan trọng này: hình phạt ấy không phải là do Thiên Chúa giáng xuống con người mà là do con người tự do tự chuốc lấy cho mình do tội đã phạm (cũng như đứa con cãi lời cha mẹ mà chơi dao nên bị đứt tay)
- Nhìn thấy con người đau khổ trong hình phạt, “quả tim Ta thổn thức và ruột gan Ta bồi hồi”, Thiên Chúa “làm sao bỏ ngươi được !” cho nên chính Thiên Chúa đã chịu chết thay cho loài người. Hơn nữa trên thập giá Ngài còn đổ ra hết cho đến giọt máu cuối cùng cho loài người.
Yêu thương một đứa con ngoan thì dễ dàng và dễ chịu. Yêu thương một đứa con ngỗ nghịch thì thật là đau khổ. Nhưng đó mới là tình yêu bao la và cao cả.
2. Yêu thương và mặc khải
Bài đọc II cho chúng ta thấy một khía cạnh đặc biệt của tình yêu mà ít khi chúng ta để ý đến: Yêu thương và mặc khải.
Ta hãy bắt đầu bằng những thí dụ trong đời thường: đối với những người càng xa lạ chúng ta càng giữ gìn lời ăn tiếng nói; nhưng đối với những người thân thương chúng ta không ngại tâm sự, chia sẻ; và đối với người mà ta rất thương yêu thì chúng ta “móc hết ruột gan” ra cho người đó biết.
Việc Thiên Chúa mặc khải cho loài người chúng ta tất cả những mầu nhiệm giấu kín từ muôn đời trong lòng Ngài là bằng chứng Ngài yêu thương chúng ta vô cùng.
Trước một tình yêu bao la cao cả như thế, Thánh Phaolô dạy chúng ta đáp lại bằng thái độ cảm tạ đến mức cung kính tôn thờ: “Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.
3. “Chúng sẽ nhìn lên Đấng chúng đã đâm thâu qua”
Lời tiên tri này của ngôn sứ Dacaria (x. Dcr 12,10) đã được ứng nghiệm tức thì ngay sau đó: viên đại đội trưởng đã tuyên xưng “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Lc 23,47); “Và khi thấy những việc xảy ra như thế, tất cả những đám người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy đều đấm ngực trở về nhà”. Sau đó ít lâu trong biến cố Lễ Ngũ Tuần, khi được Thánh Phêrô nhắc lại và giải nghĩa cái chết của Đức Giêsu, dân chúng “đau đớn trong lòng và hỏi Phêrô cùng các tông đồ khác: Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì ?” (Cv 2,37)
Lời tiên tri ấy tiếp tục ứng nghiệm nơi nhiều người qua dòng lịch sử: biết bao tâm hồn tội lỗi nhờ nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá mà đã ăn năn sám hối khi thấy được tình thương hải hà của Chúa.
Chúng ta cũng nhiều lần “đâm thâu qua” Đức Giêsu. Nếu chúng ta biết “nhìn lên Đấng mà chúng ta đâm thâu qua”, chắc chắn chúng ta cũng cảm nghiệm được tình yêu của Ngài và tìm về với Ngài.
4. “Máu cùng nước chảy ra”
Các thánh giáo phụ đã hiểu máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra là biểu tượng của bí tích Thánh Thể và Thanh tẩy.
Qua bí tích Thanh tẩy, Chúa tha thứ và tẩy xóa tội lỗi loài người, qua bí tích Thánh Thể, Ngài nuôi dưỡng loài người.
Như thế, sứ điệp cuối cùng mà Đức Giêsu trên thập giá gởi đến chúng ta là: Ngài luôn mãi là Đấng tha thứ và nuôi dưỡng. Ngay lúc Ngài bị loài người giết chết một cách bất công và đau đớn, Ngài vẫn là một Thiên Chúa luôn thứ tha và nuôi dưỡng.
5. Chuyện minh họa
Trong năm 2001, chiến tranh giữa Israel và Palestine lại bùng nổ dữ dội. Hầu như ngày nào cũng có người chết và bị thương. Số nạn nhân phía Palestine luôn nhiều hơn phía Israel.
Tuy nhiên, giữa bầu khí ngột ngạt hận thù ấy, thỉnh thoảng vẫn loé sáng lên những chuyện cảm động. Ngày 6 tháng 6 năm 2001, các đài phát thanh và truyền hình đã loan đi một bản tin đặc biệt: Trong một trận tấn công của Israel, một số người Palestine bị giết chết. Trong số đó có một thanh niên Palestine. Gia đình anh này đã hiến tất cả những bộ phận của cơ thể con mình cho các bệnh nhân đang nằm trong bệnh viện. Nhờ đó có 5 người đã được cứu sống. Đặc biệt trong 5 người đó có một thanh niên Israel. Anh này bị suy tim nặng và chỉ chờ ngày chết. Nhưng nhờ quả tim của người thanh niên Palestine đã bị quân đội Israel giết chết, anh thanh niên Israel này đã được sống.
Khi được hỏi tại sao lại đem trái tim con trai mình để cứu sống một người thuộc phe kẻ thù của mình, người cha Palestine đã trả lời rằng ông chỉ quan tâm cứu những người bị khổ, không phân biệt những người ấy là ai cả. Còn vị bác sĩ đã làm phẫu thuật ghép tim thì phát biểu: Khi cầm quả tim Palestine bên tay này và quả tim Israel bên tay kia, tôi thấy hai quả tim không có gì khác nhau cả.
6. Tình ca Giêsu
Tôi viết bản tình ca Giêsu, vào một buổi sáng trong lành, tình yêu chiếu sáng trên Thập tự giá. Người đã chiếu sáng tận thẳm sâu tim tôi, Người là ai vậy ? Sao hồn tôi ngập tràn niềm vui, Người là ai vậy đã xâm chiếm hồn tôi bằng những dịu ngọt. Tôi viết dâng Người khúc nhạc bản tình ca Giêsu, để ánh sáng của Người, từ sâu thẳm tâm hồn tôi ngỏ ra bằng lời tán tụng.
Giêsu, Người là ánh sáng, một ánh sáng bừng lên xoá tan vùng u tối, ngay cả khi vùng tối ấy dường như phủ trùm toàn thể nhân loại, ngạo nghễ trương cờ chiến thắng. Ánh sáng của Tình Yêu vô biên thể hiện nơi Con Người Tử Tội, lấy tha thứ để chiến thắng hận thù, đem tình yêu để chinh phục sự dữ và biểu lộ sự khiêm hạ để đập tan kiêu căng.
Giêsu, Người là Đấng quá tuyệt diệu mà mỗi lần suy ngắm đều không thể cầm lòng để tim tôi cứ muốn bể ra từng mảnh. Người là ai vậy, sao chiều vàng Thập giá trở thành Bình Minh Cứu Độ. Người là ai, tôi quá say mê như muốn dâng trao Người tất cả để được gọi Người là tất cả. Ánh sáng của ngày cứu thoát bừng cháy trong tim tôi. Thân phận này Người đã mang lấy, với tất cả yếu đuối, tội lỗi, vấp ngã này. Người vấp ngã để tôi đứng vững, Người đón nhận tội lỗi để tôi được rửa sạch, Người trở thành tội nhân để tôi được tự do. Người là ai vậy. Người làm người để tôi sống xứng đáng là một con người. Giêsu ơi, tôi hết lòng cảm mến tình Người đã trao tôi, để buổi sáng nay, tôi cứ run lên từng nét chữ, lòng tôi cứ rạo rực niềm vui khôn tả.
Tôi là người, bởi Người đã làm người chết thay cho tôi. Tình Yêu của Người như men rượu nồng của ngày hôn lễ, cứ thổn thức, cứ e ấp mối tình của vô biên chạm khẽ. Giêsu, một ngôn từ quá ấm êm, ngọt hơn lời thơm ướp đượm của tình yêu ngày mới. Người đã cho tôi tràn đầy hơn sự chứa đựng của tôi, những bình đựng nhỏ nhen, ích kỷ, đam mê này, đang bị đẩy ra ngoài để chất chứa tình Người. Cuộc đời tôi như đang bị vỡ ra vì Tình Yêu, Tình Yêu như ánh sáng chiếu vào vùng tối của tâm hồn, xé tan những chiếc lưới dầy đặc của những tính hư, tật xấu tích luỹ từ bao ngày. Nơi đâu có ánh sáng, nơi ấy không có bóng tối. Cuộc đời này đã bao lần Người đổ rót và vẫn không ngừng tuôn đổ hồng ân của Người để khiến lòng tôi vẫn không ngừng thao thức sau mỗi lần vấp ngã.
Giêsu, Tình Yêu cần thiết cho cuộc sống này của tôi, đã bao lần muốn bội phản nhưng Tình Yêu đã giữ tôi lại và đem về, Người là ai vậy ? Người hấp dẫn tôi bằng mọi đủ cách, tôi đã không thể cưỡng lại được Tình Yêu của Người. Người đã thương tôi ngay cả những lúc tôi bội phản nhất. Người đã thương tôi ngay cả lúc tôi u mê nhất. Dường như ngay ở những đam mê khốn cùng nhất lại là những lúc Người thương yêu tôi nhất. Người đã từ trên cao Thập Giá nhìn tôi bằng ánh mắt tha thứ để tội ác trong tôi trở nên niềm ân hận xót xa. Người đã thương tôi, đó là một cảm nghiệm lớn nhất để thấy được cuộc đời mình cùng được sống lại với Người.
Giêsu, bản tình ca thắp sáng đời tôi. Một bản tình ca mà tôi hát bằng những cung điệu lỗi giọng, nhưng vẫn được hoà vào trong cung điệu tình yêu của Người. Người là người nghệ sỹ tài ba nhất, Người đã dùng ngón tay thần diệu của Người để băng bó, sửa chữa, nắn nót lại cung nhạc bị bẻ gẫy. Giêsu, nếu ngày nào cũng tôi cũng ý thức được tình yêu của Người thì nơi đây, ngay hôm nay tôi đã được nếm phúc lộc của Nước Trời mai sau. Chính ánh sáng và tình yêu của Người làm cho thân phận này trở nên ý nghĩa.
Giêsu, như bản tình ca tôi hát trên những dặm đường. Gió và bụi, những sợ lấm lem, những sợ vấp ngã đều tan biến, bởi Người là niềm tin, lòng mến yêu, sự can đảm vững mạnh của tôi. Đường Thạâp giá đời tôi Người đã đi qua và đã hoàn tất. Người đã cho tôi tất cả để tôi sống dồi dào trong bóng chiều phủ bóng hình Thập giá. Đường dẫu xa nhưng đường không còn xa bởi Người đang bước đi cùng tôi, đường dẫu xa nhưng đời đã nở hoa, những cánh hoa được tưới bằng những giọt nước rò rỉ của chiếc thùng gỉ cuộc đời tôi. Người đã biến đổi những bất toàn của cuộc đời này làm nên những nốt nhạc trong bản tình ca. Giêsu, khúc nhạc Tình Yêu, cuộc đời tôi quá nhỏ để chất chứa. Người là ai vậy ? Cuộc đời tôi cứ hỏi, để đi từ hết khám phá này đến khám phá khác, Tình Yêu của Người là vô biên mà đời tôi nhỏ bé, cái nhỏ bé khát mong chất chứa sự vô biên để cuộc đời này muốn vỡ ra từng mảnh, để được khuôn đúc lại trong Người.
Giêsu, tôi muốn gọi hoài mà không hề thấy chán, bởi mỗi lần gọi, tim tôi lại bừng lên một phấn khởi mới. Người là Đấng làm nên cái mới, cái mới không ngừng lôi cuốn đổ rót, thân này sao vẫn cứ là nhỏ bé và chật hẹp để không kín nổi Tình Yêu vô biên của Thập Giá. Và trong nỗi buồn ấy, tôi lại khám phá ra thân tôi là bình sành dễ vỡ, cái dễ vỡ để không còn là giới hạn của sự mỏng manh, không còn là nhỏ nhen khi đón nhận. Người đã làm cho cuộc đời tôi tan biến, không còn gì bám víu cả để được gọi Người là tất cả của tôi. Thân bình sành này lại là diễm phúc, diễm phúc như sông suối xuôi về biển cả sau khi chấm dứt hành trình của mình. Như nước đổ vượt ghềnh reo lên những thanh âm của điệu nhạc mừng vui, cuộc đời tôi đang muốn reo lên hơn thác đổ để ca vang khúc tình ca Thập Giá.
Giêsu, hơn cả khúc hát ân tình, Người đã thương tôi, một tình thương không ngừng đổ rót. Tôi quá say mê trong khúc nhạc của Người để rồi cứ muốn hát mãi, hát để cuộc đời này trở thành suối nhạc, những khúc nhạc reo vui. Điều gì đã làm tôi say mê đến thế, nếu không phải là Tình Người của chiều Thập giá đã phủ xuống đời tôi. Tôi nhận biết rằng Người đã chết cho tôi và từ ấy tim tôi rộn lên khúc ca mới dâng kính Người.
Giêsu, Người là Tình Yêu, một Tình Yêu mặc lấy sự bất toàn của tôi, để tôi nên toàn vẹn. Giêsu, Người là Tình Yêu, một Tình Yêu mặc lấy thân xác hay chết này, để tôi được sống và sống dồi dào. Giêsu, Người là Tình Yêu, một Tình Yêu biểu lộ bằng sự tha thứ để hận thù trong tôi bị tắt ngấm. Giêsu, Người là Tình Yêu, một Tình Yêu biểu lộ trong sự khiêm hạ, để những kiêu căng trong tôi được san bằng cho lối đi Tình Yêu.
Xin dâng khúc hát này, để trong những khoảnh khắc cuộc đời này trở thành khúc ngoặt trong cuộc đời tôi rẽ lối. Lối rẽ về Tình Yêu vô biên của Người đã chết thay cho tôi. (Tân Hòa, ngày 22-3-2002. Linh mục Giuse Hoàng Kim Toan. Vietcatholic News).
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa Cha toàn năng nhân từ đã cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô. Tin tưởng vào tình yêu ấy, chúng ta cùng nhau dâng lời cầu xin.
1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người ý thức và hiểu thấu rằng lòng Chúa yêu thương trần gian thật là bao la vô bờ bến.
2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn soi sáng cho mọi Kitô hữu sống đúng tinh thần Tin mừng của Chúa, để mọi người nhìn vào đời sống đó mà nhận ra tình yêu thương của Chúa.
3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những ai đang đau khổ vì thiếu tình thương được ơn trợ giúp dồi dào của Chúa, và được các anh chị em thương yêu, an ủi, nâng đỡ cách riêng.
4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các tín hữu đã qua đời được kết hợp với tình yêu vĩnh cửu của Chúa hằng sống.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng và từ ái, vì yêu thương trần gian tội lỗi, Cha đã sai Thánh Tử Giêsu đến đổ hết giọt máu cuối cùng trong Trái Tim ra để mang lại ơn cứu độ cho muôn người. Nay xin Cha cũng lấy tình thương ấy mà thu họp toàn thể nhân loại nên một trong Người. Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Kinh Tiền Tụng riêng của ngày lễ này.
- Trước kinh Lạy Cha: Chúa Cha đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một yêu dấu của Ngài cho chúng ta, chết vì chúng ta và thay chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha với tất cả tâm tình yêu thương cảm tạ.
- Trước lúc rước lễ: Đức Giêsu là Con Chiên chịu chết để chuộc tội cho chúng ta. Bây giờ chúng ta lại sắp được kết hợp với Ngài. Chúng ta hãy kết hợp với Ngài với tâm tình yêu thương sốt sắng. “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta đã thấy Chúa yêu thương chúng ta và yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người tội lỗi. Hãy ra đi đến với mọi người và làm chứng cho tình yêu bao la ấy của Thiên Chúa.

 

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 300
  •   Máy chủ tìm kiếm 16
  •   Khách viếng thăm 284
 
  •   Hôm nay 34,953
  •   Tháng hiện tại 1,533,103
  •   Tổng lượt truy cập 84,514,262