Chú giải Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên - Năm C

Thứ sáu - 25/02/2022 19:30      Số lượt xem: 1111

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên năm C mời gọi chúng ta phải thận trọng trong việc xét đoán người khác.

CN 8 TN C 3
Hc 27: 4-7:
Trong đoạn trích sách Huấn Ca, hiền nhân Ben Xi-ra khuyên phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói.
1Cr 15: 54-58:
Trong đoạn thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô chia sẻ với độc giả của mình một sự hiểu biết mới liên quan đến cuộc phục sinh của người tín hữu.
Lc 6: 39-45:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy rằng đừng vội xét đoán người khác nhưng hãy xét đoán chính mình. 
 
BÀI ĐỌC I (Hc 27: 4-7)
Tác giả sách Huấn Ca là ông Ben Xi-ra, một hiền nhân Do Thái. Ông là người học rộng biết nhiều, trung thành tuân giữ các giới luật, ca ngợi vinh quang của các bậc tổ tiên và hãnh diện về những đặc ân của dân Ít-ra-en, dân của Giao Ước và Minh Triết; nhưng đồng thời có tinh thần cởi mở với thế giới và không ngần ngại xét lại vài vấn đề trong những vấn đề lớn của niềm tin. Với tâm trí sâu sắc, khôn khéo, quân bình, hướng đến những giải pháp mực thước và cẩn trọng, ông là nhà luân lý lão luyện nhất trong tất cả các nhà luân lý Ít-ra-en. Đây là nhà cố vấn khôn ngoan cho mọi cảnh sống trong những thời kỳ yên hàn. Ông không giảng dạy tinh thần anh hùng, đó không là nhân đức thường ngày. Vui vì được phụng sự Thiên Chúa, ông hài lòng truyền đạt cho các môn sinh của ông những nguồn hạnh phúc của mình. Nhưng xin đừng ai coi thường giáo huấn như thế.
Trong đoạn trích dẫn ngắn của sách Huấn Ca hôm nay (Hc 27: 4-7), hiền nhân Ben Xi-ra khuyên phải cẩn thận trong lời nói: Lời nói bộc lộ bản chất của một người, vì thế qua lời nói, chúng ta có thể biết được người ấy như thế nào. Do đó, chớ vội xét đoán khi chưa nghe người ta nói. Câu tục ngữ Việt Nam dạy cách đối nhân xử thế đáng cho chúng ta ghi nhớ:
“Lời nói chẳng mất tiền mua, 
lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 54-58)
Trước đây trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân đã giải đáp một vấn nạn mà người tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca nêu ra về số phận của những người đã qua đời trước khi Chúa đến như thế nào: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su” (1Tx 4: 13-14). Giờ đây trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân khai sáng một khía cạnh mới của sự phục sinh: “Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cr 15: 51). Không chỉ chúng ta được ở “với” Chúa, chúng ta cũng sẽ nên giống “như” Ngài. Chính nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà chỉ trong nháy mắt hình thể của người sống và kẻ chết được biến đổi thành tình trạng vinh quang (15: 52-53).
1. Vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ được biến đổi như Đức Ki-tô (15: 54-57):
Để chứng minh rằng kẻ chết sống lại luôn luôn thuộc vào kế hoạch của Thiên Chúa, thánh nhân quy chiếu đến Kinh Thánh (15: 54-55): Thiên Chúa có quyền năng trên sự chết. Thánh Phao-lô sánh ví Tử Thần như con bọ cạp khổng lồ chích nọc độc tội lỗi vào chúng ta khiến chúng ta chịu thống trị dưới quyền lực của nó. Sức mạnh của nọc độc này được minh họa bởi sự bất lực của Lề Luật trước tội lỗi (15: 56). Từ kinh nghiệm về sức mạnh khủng khiếp của Tử Thần, thánh Phao-lô vỡ tràn thành lời cầu nguyện tạ ơn (15: 57), vì chúng ta trải qua rồi cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô Phục Sinh mà Thần Khí của Ngài đang thay hình đổi dạng cuộc sống của chúng ta bằng cách chinh phục tội lỗi trong chúng ta và cướp chúng ta ra khỏi nanh vuốt của Tử Thần.
2. Hiện nay, chúng ta phải sống như những người chiến thắng sự chết (15: 58):
Vì thế, thánh Phao-lô khuyên độc giả của ngài phải sống như thế nào để cuộc chiến thắng thành hiện thực. Lời dạy cốt yếu của thánh nhân chính là toàn bộ con người chúng ta, chứ không chỉ một yếu tố nào, được kêu mời hướng đến sự sống. Con người chúng ta phải được thay hình đổi dạng để càng ngày càng trở nên giống như Đức Ki-tô, do đó hiện nay chúng ta đang phải sống trong cái thân hư nát phải chết này, đừng phạm tội, và “càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa” (15: 58).
 
TIN MỪNG (Lc 6: 39-45)
Ngay từ đầu Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca lưu ý với chúng ta rằng chúng ta đang đứng trước dụ ngôn: “Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này”.  Với thể loại dụ ngôn, Đức Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta tìm ý nghĩa của các câu chứ không dừng lại ở hình ảnh. Điều cốt yếu mà Ngài muốn truyền đạt chính là các môn đệ phải đối nhân xử thế như thế nào trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta gặp lại đề tài xét đoán ở đây, trước đó từ chối xét đoán kẻ thù, giờ đây từ chối đoán xét “anh em”, tức là các thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội.
1. Hãy tự xét đoán chính mình (6: 39-42):
Với dụ ngôn: “Người mù dắt người mù” (6: 39-40), Đức Giê-su mời gọi đừng xét đoán. Tuy nhiên, không xét đoán không có nghĩa là đặt tất cả trên cùng một bình diện như nhau. Có nhiều Ki-tô hữu còn lâu mới trưởng thành trong đời sống Ki-tô giáo (x. 1Cr 3: 1-3), vì thế, khôn ngoan nhất chính là trước khi xét đoán người khác, hãy tự xét đoán chính mình, vì người mù tối không thể tự phụ hướng dẫn người khác đến ánh sáng trọn vẹn của niềm tin.
Cuộc sống của người tín hữu là một chuẩn bị lâu dài để trở nên hoàn thiện (được dày công huấn luyện đầy đủ) để rồi người ấy sẽ nên giống như Thầy của mình là Đức Giê-su, Đấng hằng tâm niệm rằng mọi người đều có thể hoán cải, thay đổi đời sống. Ước gì mỗi người học sống theo mẫu gương tha thứ và yêu thương của Đức Giê-su đối với tội nhân, nhờ đó họ có khả năng hướng dẫn người khác, như Đức Giê-su đã nói với thánh Phê-rô: “Thầy sẽ cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22: 32). Đó cũng là thái độ của Đức Giê-su Phục Sinh khi Ngài gặp lại thánh Phê-rô bên bờ hồ Ti-bê-ri-a, lúc đó Ngài không một mảy may đả động gì đến ba lần thánh nhân đã chối Thầy, nhưng mời gọi thánh nhân hãy sống kinh nghiệm tha thứ và yêu thương của Thầy mà biết cư xử với đoàn chiên mà Ngài giao phó thánh nhân coi sóc (Ga 21: 15-17).
Với dụ ngôn: “Cái rác trong mắt người cái xà trong mắt ngươi” (6: 41-42), Đức Giê-su dạy rằng con người thường dễ thấy khuyết điểm của người khác mà không thấy khuyết điểm của mình, phê phán người khác mà không tự phê phán chính mình: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (6: 41). Đó là thứ mù quáng và giả hình mà Đức Giê-su nhiều lần cảnh báo. Chỉ có một cuộc sống hoán cải liên tục, tự kiểm điểm và tự hoàn thiện bản thân mình, mới giải thoát chúng ta khỏi chứng mù lòa tâm linh và cho phép chúng ta sửa đổi được cách sống của người khác. Dụ ngôn “cái rác” và “cái xà” nhắc nhở chúng ta phải sống tốt trước đã rồi mới bảo người khác sống tốt được.
2. Hãy đổ tràn trong tâm trí giáo huấn của Đức Giê-su (6: 43-45):   
Với dụ ngôn: “Cây nào trái nấy” (6: 43-44), Đức Giê-su đưa ra cho chúng ta tiêu chuẩn để phân biệt người tốt kẻ xấu trong cuộc sống. Để phân biệt cây nào tốt cây nào xấu, chúng ta cần chăm chú nhìn vào trái mà cây trổ sinh, chứ không “hoa lá cành” của nó. Cũng vậy, để phân biệt người tốt kẻ xấu chúng ta nhìn vào những việc làm, chứ không những lời nói của người ấy. “Vì không thiếu những người ở đây trên cõi thế, khi tiếp cận với họ, hóa ra họ không là gì cả chỉ là hoa lá cành hào nhoáng bên ngoài. Chỉ là cành lá rậm rạp chứ không có gì thêm. Trong khi đó, nhiều tâm hồn đang chăm chú nhìn vào chúng ta hy vọng được no thỏa cơn đói của họ, cơn đói Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta có tất cả mọi nguồn chúng ta cần. Chúng ta có đủ đạo lý và thiên ân, bất chấp cảnh đời bất hạnh của chúng ta”  (Bl. J. Escriva, Friends of God, 51).
Với dụ ngôn: “Lòng đầy miệng mới nói ra” (6: 45), Đức Giê-su sánh ví cái tâm của con người với một kho tàng: cái tâm tốt thì xuất phát những lời nói và việc làm tốt, cái tâm xấu thì xuất phát những lời nói và việc làm xấu: “Thiện căn bởi tại lòng ta”. Bởi thế, người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng của lòng mình chứa đầy những điều tốt, tức là những giáo huấn của Đức Giê-su. Thánh Bê-na-đô giải thích: “Kho tàng của lòng mình cũng tương tự như cội rễ của cái cây. Người nào có một kho tàng của đức nhẫn nại và đức ái hoàn hảo trong lòng mình, người ấy sinh ra hoa trái tuyệt vời; người nào yêu mến người thân cận của mình và có mọi phẩm chất khác mà Đức Giê-su dạy, người ấy yêu thương kẻ thù của mình, đối xử tốt kẻ ghét mình, chúc phúc cho người nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình, không phản ứng chống lại kẻ tấn công mình hay trấn lột mình; người ấy cho những ai xin mà không đòi hỏi những gì họ đã lấy cắp của mình, ước mong không xét đoán và kết án, sửa lỗi một cách kiên nhẫn và đầy lòng nhân ái những người lầm lạc. Nhưng người nào có kho tàng của sự gian ác trong lòng mình, người ấy đúng là hành xử ngược lại: hắn ghét bạn bè của mình, nói xấu người yêu thương mình và làm những điều khác nữa mà Chúa kết án” (In Lucae Evangelium expositio, II, 6).

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 443
  •   Máy chủ tìm kiếm 14
  •   Khách viếng thăm 429
 
  •   Hôm nay 42,000
  •   Tháng hiện tại 741,454
  •   Tổng lượt truy cập 80,674,354