Bài suy niệm Chúa nhật Phục sinh năm A của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ tư - 05/04/2023 06:48      Số lượt xem: 916

Đức Giêsu phục sinh giống như bông hoa “xuyên tuyết” vĩ đại. Sau ba ngày nghỉ yên trong nấm mộ, Người đã mở tung nấm mồ, bước ra khỏi đó, vinh quang sáng láng. Khi hoa xuyên tuyết còn nằm trong lớp tuyết trắng phủ dày, người ta nghĩ rằng nó đã chết, vì người ta không nhìn thấy nó. Khi Chúa Giêsu được an táng trong mồ, những người Do Thái, nhất là đám luật sĩ và biệt phái, vui mừng vì họ đã thành công trong việc triệt hạ một đối thủ. Họ nghĩ rằng nhân vật Giêsu, với biết bao thành công trong lời nói và việc làm, đã bị nấm mồ tối khép lại.

Phuc Sinh 2021 2


Lễ Phục Sinh
“Hãy trỗi dạy!”
 
Bên châu Âu là xứ lạnh, vào thời điểm lễ Phục sinh, có một loại hoa bông nhỏ xíu màu trắng. Từ điển Pháp - Việt dịch là “hoa giọt sữa”. Tên gọi loài hoa này trong tiếng Việt không gợi lên một ý nghĩa nào, nhưng trong tiếng Pháp, lại rất ấn tượng. Người Pháp gọi hoa này là “Perce-neige”, nghĩa là hoa mọc xuyên qua tuyết. Loại hoa này rất mảnh mai, nhưng lại có sức sống thần kỳ. Vào mùa đông giá lạnh, hoa “xuyên tuyết” như ngủ yên trong lòng đất, dưới lớp tuyết dày. Khi Mùa xuân đến, loài cây nhỏ bé mong manh đó chợt bừng tỉnh trước lời mời gọi của nắng ấm, xuyên qua tuyết, ngẩng cao đầu và đua sắc khoe hương. Những bông hoa màu trắng tinh khôi nhỏ li ti, mềm mại, khiêm tốn tô điểm cho đời.
 
Mỗi năm một lần, Giáo Hội Kitô giáo mừng lễ Phục sinh. Nói đến phục sinh hay sống lại, thì phải nói đến sự chết. Bởi lẽ không ai chỉ ngủ say rồi thức giấc mà được gọi là sống lại. Đức Giêsu đã chết trên cây thập giá. Cả bốn tác giả Tin Mừng đều xác nhận điều đó. Ngoài các tác giả Tin Mừng, lịch sử còn biết đến chứng từ của một sử gia ngoài Kitô giáo, đó là ông Josèph (sinh năm 37 và qua đời khoảng năm 100). Ông đã viết về nhân vật Giêsu, về việc có đông tín đồ đi theo Người. Ông cũng viết về hiện tượng Người đã chết mà sau đó các tín đồ vẫn rao truyền Người đã sống lại.
 
Ngày thứ ba, kể từ khi Chúa Giêsu được an táng trong mồ, các người phụ nữ đến thăm mộ, và cũng để hoàn tất nghi thức tẩm liệm mà trước đó họ còn bỏ dở dang vì lý do ngày lễ nghỉ. Tại đây, họ thấy hai thiên thần mặc áo trắng. Hai vị này nói với họ: “Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dạy rồi”. (Lc 24,5b-6a). Chúa đã trỗi dạy! Điều đó có nghĩa thần chết không có quyền chi đối với Người. Điều này cũng chứng minh những gì Chúa nói trước đó là thật. Trước đó, Chúa Giêsu nói về sự chết và sự phục sinh của Người, nhưng xem ra các môn đệ không hiểu, hoặc có thể họ chỉ cho đó là những hình bóng hay dụ ngôn. Nay, qua lời hai sứ thần, họ biết rằng Thầy của họ là Đấng Messia, tức là Đấng Thiên Sai.
 
Đức Giêsu phục sinh giống như bông hoa “xuyên tuyết” vĩ đại. Sau ba ngày nghỉ yên trong nấm mộ, Người đã mở tung nấm mồ, bước ra khỏi đó, vinh quang sáng láng. Khi hoa xuyên tuyết còn nằm trong lớp tuyết trắng phủ dày, người ta nghĩ rằng nó đã chết, vì người ta không nhìn thấy nó. Khi Chúa Giêsu được an táng trong mồ, những người Do Thái, nhất là đám luật sĩ và biệt phái, vui mừng vì họ đã thành công trong việc triệt hạ một đối thủ. Họ nghĩ rằng nhân vật Giêsu, với biết bao thành công trong lời nói và việc làm, đã bị nấm mồ tối khép lại. Nhưng, con người đầy xảo kế mưu mô không thể cản trở quyền năng và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Điều này đã được chứng minh qua sự kiện Phục sinh và qua suốt bề dày của lịch sử.
 
Đức Giêsu đã trỗi dạy! Đó là niềm vui mừng trọng đại của chúng ta, các Kitô hữu. Thánh Phêrô trong những bài giảng thu hút rất nhiều người, đã nhấn mạnh đến điều này. Vào thời sơ khai của Giáo Hội, chưa có hệ thống giáo lý thần học như hiện này, nên nội dung giảng dạy của các tông đồ chỉ là điều khẳng định đơn sơ : Đức Giêsu đã chết, và nay Người đã trỗi dạy như lời Thánh Kinh. Các ông đem chính mạng sống của mình để đặt cược và cam đoan về điều mình rao giảng. Chứng từ xác thực và hùng hồn của các ông đã có sức hấp dẫn lạ lùng. Số người tin Chúa gia tăng nhanh chóng.
 
Hai mươi thế kỷ sau biến cố Chúa Giêsu trỗi dạy, đâu là thông điệp mà Chúa muốn nhắn gửi chúng ta?
 
Các môn đệ phải qua một thời gian mới thực sự cảm nhận được niềm vui vì Thầy mình sống lại. Bài Tin Mừng lễ Phục sinh kể với chúng ta về việc hai môn đệ ra viếng mộ, đó là ông Phêrô và ông Gioan. Đối với hai ông, đức tin vào Chúa phục sinh cần phải được kiểm chứng. Trước đó hai ông đã nghe nói về sự kiện này, nhưng phải đợi đến lúc hai ông chứng kiến nấm mồ trống, hai ông mới tin Thầy mình đã trỗi dạy. Như thế, ngay từ ban đầu, đức tin vào Chúa phục sinh không phải dựa trên lời đồn thổi mơ hồ, nhưng khời đi từ những chứng từ hùng hồn và từ những cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đấng Phục sinh.
 
Mùa Chay thường mang màu sắc ảm đạm, giống như lớp tuyết phủ và lớp sương mù. Ánh sáng của Chúa Phục sinh đã chiếu rọi trên chúng ta, mời gọi chúng ta trỗi dạy khỏi lối sống khép kín ích kỷ băng giá, như đoá hoa xuyên tuyết xinh tươi, toả hương thơm nơi cuộc đời. Như Phêrô, Gioan, Mađalêna và các môn đệ, chúng ta hãy lên đường loan báo sự phục sinh của Chúa cho anh chị em chúng ta. Bằng đời sống cụ thể, hãy khẳng định với thế giới hôm nay: Đức Giêsu đã trỗi dạy từ cõi chết và Người đang sống giữa chúng ta và chúng tôi xin làm chứng về Người.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên.
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 220
  •   Máy chủ tìm kiếm 11
  •   Khách viếng thăm 209
 
  •   Hôm nay 5,123
  •   Tháng hiện tại 56,056
  •   Tổng lượt truy cập 81,364,032