Chú giải Lời Chúa Lễ Hiển Linh

Thứ bảy - 07/01/2023 15:51      Số lượt xem: 404

Phụng Vụ Lời Chúa Lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta suy niệm về Giáo Hội, Bí Tích Hiệp Nhất toàn thể gia đình nhân loại chung quanh Hài Nhi Giê-su, Đấng Cứu Thế của mình.

Le Hien Linh 4
Is 60: 1-6
Ngôn sứ I-sai-a loan báo hình ảnh vinh quang của Giê-ru-sa-lem mới, tiên trưng Giáo Hội: “Muôn dân muôn nước sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”.
Ep 3: 2-3, 5-6
Thánh Phao-lô có sứ mạng loan báo “mầu nhiệm giữ kín từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa” nay được tỏ lộ, đó là muôn dân muôn nước trên khắp toàn cõi địa cầu đều được kêu mời họp thành một dân tộc duy nhất là Giáo Hội, trở nên một thân thể duy nhất là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giê-su Ki-tô.
Mt 2: 1-12
Được soi lối chỉ đường từ một hiện tượng thiên nhiên: ánh sao lạ, đến Lời Chúa, các nhà chiêm tinh, tiên trưng Giáo Hội, đến thờ lạy Đấng Cứu Thế.
 
BÀI ĐỌC I (Is 60: 1-6)
Các ngôn sứ Cựu Ước đều đã công bố chiều kích hoàn vũ của sứ mạng thành thánh Giê-ru-sa-lem. Các ngài đã mở rộng những viễn cảnh của dân Ít-ra-en ở bên kia chủ nghĩa quốc gia và nhấn mạnh ơn gọi của dân Ít-ra-en phải là ánh sáng cho muôn dân.
Bản văn được chọn để cử hành lễ Hiển Linh được trích từ tác phẩm của một trong các ngôn sứ nầy. Ông là vị ngôn sứ vô danh, môn đệ của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), vì thế người ta gọi ông là I-sai-a đệ tam (Is 56-66). Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình ở thành thánh Giê-ru-sa-lem giữa những năm 537-520, sau cuộc lưu đày Ba-by-lon trở về.
1. Vinh quang của Thành Đô Giê-ru-sa-lem mới (60: 1-2):
Ngôn sứ I-sai-a đệ tam loan báo một sứ điệp mạnh mẽ và lạc quan để an ủi một cộng đoàn đang ngã lòng thất vọng. Trước đây, cuộc hồi hương trở về đã đem lại cho những người lưu đày một niềm phấn khởi vô bờ; nhưng khi đối mặt với thực tế, họ mới vỡ mộng. Trước mắt họ, thành thánh Giê-ru-sa-lem bần cùng, dân cư thì thưa thớt, chẳng khác gì một làng quê. Cảnh Đền Thờ hoang phế trơ gan cùng tế nguyệt gần năm mươi năm trôi qua. Đất đai bị những ngoại kiều, nhất là dân Sa-ma-ri, chiếm đoạt… Cuối cùng, những nỗ lực tái thiết Đền Thánh phải dừng lại dang dở.
Chính vào lúc ấy, một sứ điệp vang lên để an ủi những ai mất can đảm. Làm thế nào phải thất vọng được chứ khi Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho họ khi cho họ được trở về quê cha đất tổ:
“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (60: 1).
Những kẻ áp bức bị trừng phạt. Cuộc hồi hương nầy được ví như buổi bình minh. Thiên Chúa được sánh ví như vầng kim ô chói lọi:
“Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (60: 2).
Những biến cố sau đó sẽ còn rực rỡ hơn nữa. Vì thế, vị ngôn sứ đưa ra hai thị kiến chứa chan hy vọng.
2. Cuộc tụ họp vĩ đại (6: 3-4).
“Đưa mắt về tứ phía mà xem,
tất cả đều tụ họp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông” (60: 4).
Những con trai con gái này là những “cộng đồng Do thái hải ngoại”, họ không bao giờ vắng bóng trong tâm trí của ngôn sứ I-sai-a đệ tam. Thế nên, một truyền thống rất sinh động muốn rằng toàn thể dân Ít-ra-en lại được thống nhất, đó phải là công trình của Đấng Mê-si-a. Như vậy, sấm ngôn bao hàm hậu cảnh Mê-si-a.
Thế nhưng những đứa con đến từ phương xa cũng là những đứa con của muôn dân muôn nước, họ sẽ chọn Giê-ru-sa-lem như Thành Đô của mình, vì uy danh Thiên Chúa của thành đã quyến rũ họ:
“Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (60: 3).
3. Nguồn phú túc của chư dân sẽ đổ về Thành Đô (6: 5-6).
Thị kiến chứa chan hy vọng thứ hai được nối kết với thị kiến thứ nhất: chư dân sẽ tiến dâng nguồn phú túc của mình để phụng sự Thành Thánh:
“Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (60: 6).  
Những người Ma-đi-an, Ê-pha và Sơ-va là những dân Á-rập. Tên Sơ-va gợi lên kỷ niệm của nữ hoàng xứ Sơ-va đến triều yết vua Sa-lô-môn và dâng tặng cho vua nhiều quà tặng quý giá.
Trong viễn cảnh của sấm ngôn, thành đô Giê-ru-sa-lem sẽ không còn sống trong cảnh lầm than, nhưng trong cảnh thịnh vượng. Thành Đô sẽ lại vùng đứng lên từ những hoang tàn đổ nát, Đền Thánh sẽ được tái thiết để trở thành nơi xứng đáng cho muôn dân lũ lượt kéo nhau đến tán dương chúc tụng Thiên Chúa. Bức tranh muôn màu rực rỡ của vị ngôn sứ xem ra loan báo trước dáng dấp của các nhà chiêm tinh, tiên trưng muôn dân muôn nước đến tôn thờ Thiên Chúa Ít-ra-en.
Vị ngôn sứ thoáng thấy điều mà thánh Phao-lô sẽ gọi “mầu nhiệm giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa”: muôn dân muôn nước được quyền đồng thừa tự với dân Do Thái, dân của Lời Hứa (bài đọc II). Thị kiến hùng vĩ về một cuộc tụ họp bao la chung quanh Thiên Chúa đích thật chuẩn bị thị kiến của thánh Gioan trong sách Khải Huyền: thành thánh Giê-ru-sa-lem tương lai là Thành Đô thiên quốc, được phác thảo trên trần thế này là Giáo Hội.
 
BÀI ĐỌC II (Ep 3: 2-3, 5-6)
Thánh Phao-lô viết bức thư này có lẽ trong cảnh xiềng xích ở Rô-ma vào những năm 61-63. Bức thư được gởi cho tín hữu Ê-phê-xô, và qua cộng đoàn Ê-phê-xô này, được chuyền đến cho các cộng đoàn khác nữa ở miền Tiểu Á. Quả vậy, trong bức thư này, không có bất kỳ lời chào thăm hỏi nào của vị thánh nhân cho tín hữu Ê-phê-xô. Ấy vậy, thánh Phao-lô đã trải qua ba năm trong thành này và đã để lại ở đây các môn đệ và những bạn bè. Vì không có lời chào thăm hỏi đặc thù này, khiến người ta suy ra rằng thánh Phao-lô muốn bức thư này phải được luân lưu rộng rãi.
Những cộng đoàn miền Tiểu Á đa số là những Ki-tô hữu gốc lương dân. Thánh Phao-lô nhắc họ nhớ ơn gọi Tông Đồ dân ngoại của thánh nhân. Nhiệm vụ của thánh nhân là loan báo cho họ biết không còn một dân tộc hưởng đặc quyền đặc lợi nữa, vì muôn dân được chấp nhận đồng quyền thừa hưởng cùng một ơn cứu độ như con cái Ít-ra-en.
1. Mầu nhiệm Đức Ki-tô: 
Sứ điệp chính yếu của bức thư nầy là “mầu nhiệm Đức Ki tô”. Qua từ “mầu nhiệm” này, thánh Phao-lô muốn nói đến ý định ẩn kín từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa mà người ta có thể biết được chỉ nhờ Mặc Khải mà thôi.
Theo thánh Phao-lô, dù thánh nhân có học hỏi Kinh Thánh một cách thành tâm thiện chí mấy đi nữa cũng không thể nào biết được ý định ẩn kín từ muôn thuở này, đó là vào kỷ nguyên Mê-si-a, dân Ít-ra-en không còn được hưởng những đặc quyền nữa, đúng hơn những đặc quyền này được trao ban cho hết muôn dân: muôn dân trở nên đồng thừa tự Lời Hứa. Thánh nhân đã hiểu được Thiên Ý nhiệm mầu nầy chỉ nhờ ánh sáng của Đức Giê-su soi lòng mở trí cho thánh nhân trên đường Đa-mát.
2. Dân thánh:
Từ trong cảnh giam cầm ở Rô-ma, vào lúc cuộc đời xế bóng, thánh Phao-lô không quên liên kết sứ vụ Tông Đồ dân ngoại của mình với tất cả các vị Tông Đồ và các nhà rao giảng khác (những người mà thánh nhân gọi “ngôn sứ”), họ là những người đã lãnh nhận Thần Khí và thi hành sứ vụ như ngài. Qua cách diễn tả “các thánh”, thánh nhân không gợi lên sự thánh thiện nói riêng, nhưng chỉ chung tất cả mọi người Ki-tô hữu. Xuống vài hàng, thánh Phao-lô tự nhận mình là “kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh”.
3. Tông Đồ dân ngoại:
Thánh nhân đã hiến dâng mọi sức lực của mình cho ơn gọi này. Sách Công Vụ tường thuật thánh nhân đã thực hiện sứ mạng của mình một cách nhiệt thành biết là ngần nào: trèo non lặn suối, vượt núi băng ngàn, không quản ngại gian nguy. Chương 13 sách Công Vụ tường thuật một chi tiết điển hình: sau bài thuyết giáo của thánh nhân ở hội đường An-ti-ô-khi-a, người Do Thái sinh lòng ghen tức… trong khi dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa.
Đó cũng là hai thái độ khác nhau mà thánh Mát-thêu nêu bật trong hoạt cảnh “Các Nhà Chiêm Tinh đến triều yết Chúa Hài Nhi”.
 
TIN MỪNG (Mt 2: 1-12)
Thánh Mát-thêu là tác giả Tin Mừng duy nhất tường thuật biến cố: “Các nhà chiêm tinh đến yết kiến Chúa Hài Nhi”. Ông đã gìn giữ chuyện tích này vì nó xác minh một trong những chủ đề sách Tin Mừng của ông. Chính quyền và Giáo quyền Giê-ru-sa-lem đã không nhận ra Đấng Cứu Độ; vì thế, Thiên Chúa đã mở rộng con đường cho lương dân gia nhập Giao Ước, bởi vì sứ điệp Tin Mừng cũng được gởi đến cho họ. Thật lạ lùng trong khi lương dân đáp trả lời mời gọi, thì con cái của Lời Hứa lại quay lưng với Giao Ước.
Thánh Lu-ca tường thuật các mục đồng đến chiêm ngưỡng và thờ lạy Chúa Hài Nhi, họ đại diện những người đơn sơ, khiêm tốn, chân thành và nghèo khó. Trong khi đó, thánh Mát-thêu tường thuật các nhà chiêm tinh từ đường xa vạn dặm đến triều bái Chúa Hài Nhi, họ đại diện những người thông thái, giàu có. Những người đầu tiên là những thành viên của dân Chúa chọn, trong khi những người thứ hai đến từ thế giới ngoại giáo. Hai bức tranh tương phản nhưng bổ túc cho nhau.
1. Lên đường theo ánh sáng tự nhiên.
Chuyện tích của thánh Mát-thêu rất phức tạp và phân tích nó đòi hỏi biết bao công sức. Hai loại yếu tố được đan quyện vào nhau ở đây: những yếu tố nầy thuộc những dữ kiện lịch sử, những yếu tố khác do cách thức trình bày những sự kiện. Phương thức nầy được gợi hứng từ cách giải thích Kinh Thánh của các kinh sư Do Thái được gọi là “midrash”. Đây là thể loại văn chương được thịnh hành trong những môi trường Do Thái vào thời Chúa Ki-tô và vào thời Ki-tô hữu gốc Do Thái.
“Midrash” là phương thức kể chuyện cốt yếu là tập hợp chung quanh một hạt nhân lịch sử những câu trích dẫn Kinh Thánh, phóng đại vài chi tiết và hễ có dịp nêu bật khía cạnh kỳ diệu của chúng, để nhấn mạnh thiên ý của chúng. Phương thức midrash đặc biệt được tôn vinh vào những phụng vụ lễ Vượt Qua: phương thức này làm cho những gợi ý của quá khứ trở nên sống động hơn.
2. Hạt nhân lịch sử:
Chắc chắn phải có một “biến cố thực” ở nơi nền tảng của chuyện tích Tin Mừng này. Rõ ràng thánh Mát-thêu múc lấy những dữ kiện của mình ở nơi những kỷ niệm và truyền thống Bê-lem, trong khi thánh Lu-ca quy chiếu nhiều hơn đến những kỷ niệm và truyền thống Na-da-rét.
Mặt khác, những thủ bản Biển Chết đã giúp khẳng định chuyện tích Tin Mừng. Trong số những thủ bản được khám phá, người ta đã gặp thấy số tử vi của vị vua Mê-si-a được mong đợi. Như vậy, vào thời Đức Ki-tô chào đời, người ta bận lòng muốn biết Đấng Mê-si-a sinh ra dưới vị sao hộ mệnh nào, và trong vài môi trường Do Thái, người ta tra cứu bầu trời để khám phá vị sao hộ mệnh này xuất hiện, vì Đấng Mê-si-a chào đời khi vị sao hộ mệnh của Ngài xuất hiện. Quả thật, các nhà chiêm tinh nói: “Chúng tôi đã thấy vị sao của Người xuất hiện”. Vào thời này, khoa chiêm tinh rất phổ biến.
3. Ảnh hưởng của phương thức midrash:
Trong chuyện tích Tin Mừng Mát-thêu, ngôi sao được trình bày như một hiện tượng thiên nhiên. Nhưng xa hơn một chút, thánh ký làm cho ngôi sao lạ thành một dấu hiệu: ánh sáng của ngôi sao là lời kêu gọi mầu nhiệm soi lối dẫn đường cho các nhà chiêm tinh nầy. Thánh vịnh nói với chúng ta:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo kỳ công Người.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này truyền tụng với đêm kia.
Không bằng ngôn ngữ ầm vang
mà tiếng vang đã vang dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới khắp chân trời góc biển” (Tv 19: 2-5).
Nếu chỉ cần suy nghĩ cách sâu xa biết bao biến cố xảy ra trong đời thường là những ánh sao lạ thúc đẩy chúng ta lên đường đấy chứ.
4. Lai lịch của những nhà chiêm tinh đến từ Phương Đông:
Những nhà thông thái và giàu có này là ai mà thánh Mát-thêu gọi họ là “các nhà chiêm tinh”? Theo nghĩa đầu tiên của thuật ngữ, từ “nhà chiêm tinh” chỉ các tư tế và là các vị cố vấn của các vua Ba Tư. Về sau, tên gọi này bị dùng sai và được gán cho những người miệt mài nghiên cứu khoa thiên văn và thuật chiêm tinh. Thánh Mát-thêu xem ra hiểu theo ý nghĩa này. Họ đến từ Phương Đông. Thánh ký không tìm cách xác định, điều mà thánh ký muốn nói: họ đến từ thế giới lương dân, điều cốt yếu là ở đó. Chắc chắn họ không phải là các vua.
Làm thế nào các nhà chiêm tinh này biết được số tử vi của “vua dân Do Thái” mà nhận ra ngôi sao hộ mệnh của Ngài xuất hiện? Nhiều người khác nghĩ rằng văn chương Do Thái về Đấng Mê-si-a đã được phổ biến một cách rộng rãi trong các cộng đồng Do Thái hải ngoại, đó lời giải thích đủ.
5. Dừng chân ở Giê-ru-sa-lem.
Các nhà chiêm tinh đến Giê-ru-sa-lem bởi vì chính “vua dân Do Thái” mà họ tìm kiếm. Thánh Mát-thêu chủ ý dùng tước hiệu này: đó là tước hiệu sau này được ghi ở nơi bản án kết tội của Đức Giê-su: “Người này là Giê-su, vua dân Do Thái” (Mt 27: 37).
Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh ở Giê-ru-sa-lem khiến vua Hê-rô-đê và triều thần bối rối. Điều này xem ra cũng dễ hiểu vì vua cùng triều thần nghĩ đến một đối thủ đáng gờm bất ngờ xuất hiện. Nhưng cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao thì quả thật là lạ lùng. Tại sao dân thành Giê-ru-sa-lem không vui mừng nhỉ? Đây là lời ghi nhận mang đậm nét Tin Mừng thánh Mát-thêu. Thánh Mát-thêu không thích Giê-ru-sa-lem, bởi vì dân thành này đã lỗi hẹn gặp gỡ Đấng Cứu Độ mà họ trông đợi qua những lời loan báo của các ngôn sứ. Qua việc cả dân thành Giê-ru-sa-lem xôn xao, thánh ký báo trước dân này sẽ từ chối Đức Giê-su trong tương lai. Mặt khác, vào thời điểm thánh Mát-thêu viết Tin Mừng của mình, những người Do Thái chống đối cộng đoàn Ki-tô hữu rất dữ dội. Sự căng thẳng này có thể được nhận ra ở nơi những lời nhận xét sau: “Cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao”.
“Nhà vua triệu tập các thượng tế, các kinh sư lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ở đâu”. Các thượng tế là những lãnh tụ tối cao của Do Thái giáo, còn các kinh sư là những chuyên viên Kinh Thánh; vì thế, họ có thể trả lời cho các nhà chiêm tinh biết chính xác Đấng Cứu Thế sinh ra ở đâu. Họ rất tự phụ về sự hiểu biết Kinh Thánh của mình, nhưng họ không muốn đi xa hơn. Sự hiểu biết Kinh Thánh của họ đã soi lối chỉ đường cho những người ngoại quốc xa lạ này đến với Chúa Hài Nhi, trong khi chính họ và toàn thể dân thành Giê-ru-sa-lem từ chối đến với Ngài. Như vậy sự quy tụ của những người ngoại quốc chung quanh vị vua Do Thái vừa mới sinh này xem ra là hình ảnh tham dự trước cuộc quy tụ vĩ đại của Giáo Hội đến từ muôn dân.
Bản văn mà các kinh sư trích dẫn là lời sấm của ngôn sứ Mi-kha (thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên) được thánh Mát-thêu thay đổi một chút. Ngôn sứ Mi-kha viết:
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5: 1).
Còn thánh Mát-thêu thì trích dẫn: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. Rõ ràng trong bản văn của mình, thánh Mát-thêu không trích dẫn nguyên văn lời sấm của ngôn sứ Mi-kha, nhưng sửa đổi và thêm vào bản văn của 2Sm 5: 2: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta…”.
“Bấy giờ Vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẻ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện” để xác định thời gian xuất hiện của Hài Nhi. Rõ ràng nhà vua đã hoạch định mưu đồ hãm hại Hài Nhi rồi; nhưng với thái độ giả nhân giả nghĩa, nhà vua nói với họ: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái yết Người”.
Vài nét chấm phá trên đây phác họa chân dung của vị bạo chúa này sát với những gì các sử gia miêu tả: tâm địa ngờ vực, thù hằn, mê tín dị đoan và tàn bạo đến điên cuồng khát máu. Ông ra lệnh thảm sát vợ ông, bà Marianne, cùng nhiều người thân của bà, ba người anh em họ và ba người con riêng của bà. Chính ông đã ra lệnh hành hình nhiều người biệt phái trước công chúng. Cũng như ông truyền lệnh thiêu sống mười bốn trẻ em để trả thù cho việc dân chúng đã phá đổ con ó bằng vàng mà ông đã cho đặt trước Đền Thờ. Vì thế, đối với vị vua này, việc thảm sát các hài nhi Bê-lem không có gì là không thể. Vì danh vọng và quyền lực người ta có thể làm bất cứ điều gì dù mất đi nhân tính đi nữa.
Phải chăng việc các nhà chiêm tinh dừng chân ở Giê-ru-sa-lem được khai triển theo cách thức giải thích “Midrash” ? Chắc chắn một phần nào đó. Chúng ta đọc thấy cách giải thích Midrash về cuộc chào đời của Mô-sê như sau: “Pha-ra-ô triệu tập tất cả các nhà thông thái và triều đình … Toàn dân kinh hãi… một hoàng tử triều yết vua và tấu trình lên vua… một hài nhi sắp chào đời cho con cái Ít-ra-en. Xin ra lệnh giết tất cả nam nhi…”. Đây là lời giải thích Midrash trên đoạn văn sách Xuất Hành 1: 9-22. Phải chăng thánh Mát-thêu được gợi hứng từ phương thức này? Hai hoàn cảnh tương tự như nhau thì rất rõ.
6. Lên đường theo ánh sáng Lời Chúa.
Chắc chắn chúng ta cũng phải lưu ý đến cách thức tô điểm midrash ở nơi việc tái xuất hiện của vị sao lạ này. Việc ngôi sao lạ này lại xuất hiện có cần thiết không, bởi vì Kinh Thánh đã cho họ thông tin chính xác về nơi Hài Nhi chào đời rồi. Ấy vậy, làng này rất gần với Giê-ru-sa-lem, cách khoảng 9 km. Vậy, ánh sao soi lối chỉ đường cho các nhà chiêm tinh đến Bê-lem phải được hiểu theo văn mạch là “ánh sáng Lời Chúa”. Quả thật, Thánh Vịnh đã không nói với chúng ta: “Lời Chúa là ánh sáng soi lối dẫn đường cho bước chân con đi” sao?
7. Gặp gỡ Ngôi Lời Thiên Chúa làm người.
Bấy giờ các nhà chiêm tinh gặp thấy Hài Nhi không còn trong “hang lừa máng cỏ” nữa, nhưng trong “nhà”. Một khoảng thời gian đã trôi qua giữa Hài Nhi chào đời và các nhà chiêm tinh đến yết kiến: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a…” Như vậy, theo dấu chỉ của Lời Chúa, họ đến triều bái chính Đấng mà thánh Gioan tuyên xưng:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 14).
Chính ở nơi Ngài mà Cựu Ước quy chiếu về và cũng chính ở nơi Ngài mà Cựu Ước gặp thấy ý nghĩa tròn đầy của mình.
Chúng ta ghi nhận thánh Giu-se không được kể ra ở đây. Điều này thật lạ lùng, vì cho đến lúc này thánh ký rất chú ý đến những sự việc xảy ra cho thánh Giu-se. Việc không nhắc đến thánh Giu-se ở đây có ẩn ý gì? Phải chăng đây là dấu chỉ đầu tiên bày tỏ niềm tôn kính dành cho Đức Trinh Nữ ở nơi diễn từ: “Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a” ?
Với tấm lòng tôn kính và quảng đại Đông Phương quen thuộc, họ dâng tiến các lễ vật lên Hài Nhi bé bỏng mà họ nhận ra ở nơi cái vẻ bên ngoài quá mức tầm thường này là một vị vua vừa mới chào đời.
Các Giáo Phụ cố gắng giải mã ý nghĩa của những phẩm vật này: vàng là phẩm vật cao quý được dâng tặng cho vua, vì Hài Nhi này là vua; nhũ hương là hương liệu được đốt trên bàn thờ của các thần linh, tỏa hương trầm nghi ngút, vì Hài Nhi này là Thiên Chúa; mộc dược là dược liệu được dùng để ướp xác, vì Hài Nhi này sẽ thực hiện ơn cứu độ trần gian bằng con đường Tử Nạn. Như vậy, qua ba phẩm vật đầy ý nghĩa này, các nhà chiêm tinh tuyên xưng Hài Nhi Giê-su là vua, Thiên Chúa và cũng là Đấng Cứu Thế.
Các nhà chiêm tinh từ phương trời xa đến triều bái lạy Hài Nhi, như thế các sấm ngôn về Đấng Cứu Thế được ứng nghiệm ở nơi Hài Nhi Giê-su này (x. Tv 72: 10-15; Is 60: 5tt; 49: 23; Ds 24: 17).
Người ta có thể nêu lên vấn đề lịch sử tính của chuyện tích này, nhưng không ai có thể chối cãi đây là cuộc hành trình tâm linh của chính Giáo Hội vốn từ muôn dân mà đến khởi đi từ con đường mặc khải tự nhiên: một hiện tượng thiên nhiên, một biến cố, một hoàn cảnh sống… đến con đường mặc khải siêu nhiên: Lời Chúa, để rồi cuối cùng gặp gỡ chính Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa. Theo một cách nào đó, đây cũng là cuộc hành trình tâm linh của mỗi người chúng ta.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 377
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 365
 
  •   Hôm nay 31,447
  •   Tháng hiện tại 1,219,704
  •   Tổng lượt truy cập 81,152,604