Sợi chỉ đỏ Chúa nhật III Thường niên - Năm A

Thứ năm - 19/01/2023 21:07      Số lượt xem: 277

Chủ đề: Bình minh của một thời đại mới: Nước Trời đã đến gần


“Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng...”
(Mt 4,17)

Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc 1: lời tiên tri của Isaia “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống lầm than trong vùng bóng tối nay được thấy ánh sáng bừng lên chiếu rọi”
- Đáp ca: “Chúa là nguồn ánh sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ gì ai nữa”.
- Tin Mừng: Đức Giêsu thực hiện lời tiên tri của Isaia. Ngài đến miền Galilê, một miền có rất đông lương dân, bắt đầu rao giảng rằng “Hãy sám hối, vì triều đại Thiên Chúa đã đến gần”. Ngài cũng bắt đầu tuyển chọn môn đệ để cùng Ngài đi loan truyền tin vui ấy.
 
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Các Kitô hữu đầu tiên đã cảm thấy rất hạnh phúc vì được gia nhập gia đình Giáo Hội. Mỗi ngày Chúa nhật, họ họp nhau lại trong tâm tình kính mến Chúa và yêu thương nhau. Gương đoàn kết yêu thương của họ đã thu hút thêm rất nhiều người xin gia nhập Giáo Hội.
Hôm nay, chúng ta cũng họp nhau lại như cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên ấy. Nhưng có lẽ chúng ta không cảm thấy hạnh phúc bằng họ, vì chúng ta không mến Chúa bằng họ, không thương nhau bằng họ. Xin Ðức Giêsu, Ðấng đã tập họp chúng ta, ban thêm tình yêu trong lòng chúng ta.
Ðặc biệt tuần này là tuần lễ Giáo Hội cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Chúng ta tha thiết nài xin Chúa cho những người cùng tin một Chúa Kitô biết đoàn kết yêu thương nhau hơn.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ vì những chia rẽ, đố kỵ, ganh ghét trong cộng đoàn họ đạo chúng ta.
- Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ vì cuộc sống của chúng ta chưa thực sự là ánh sáng trước mặt muôn dân.
- Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ vì chưa quan tâm mang ánh sáng Tin Mừng đến cho lương dân.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc 1: Is 8,23--9,3
Bối cảnh lịch sử: năm 721, đế quốc Assyria chiếm miền Bắc xứ Palestina (vương quốc Israel, về sau được gọi là miền Galilê, trong đoạn Tin Mừng này nó được gọi là “đất Dabulon và Néptali”). Assyria bắt thành phần ưu tú của xứ này đi lưu đày và đem nhiều dân ngoại từ các xứ khác đến lập cư ở xứ này, vì thế Galilê lại được gọi là vùng đất của lương dân, là vùng đất tối tăm.
Nhưng ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng sẽ tới ngày Ánh sáng sẽ bừng lên ở miền đất đó, và đám dân lầm than trong bóng tối ấy sẽ được ánh sáng chiếu rọi.
2. Ðáp ca: Tv 26
Ý chính của Thánh vịnh này là ánh sáng hy vọng loé lên từ cảnh khốn cùng: cho dù khốn khổ có nặng nề đến đâu, thử thách có khắc nghiệt thế nào, thì vẫn có một điều chắc chắn, đó là: Thiên Chúa vẫn là ánh sáng và ơn cứu độ. Ðó chính là niềm hy vọng của mọi tín hữu khiến họ luôn đứng vững: “Chúa là nguồn ánh sáng và Ðấng cứu độ tôi. Tôi sợ gì ai nữa”.
3. Bài Thánh Thư: 1 Cr 1,10-13.17
Sau khi mở đầu bức thư bằng những lời chào hỏi (đoạn được trích đọc Chúa nhật trước), Phaolô đi ngay vào tệ nạn thứ nhất của tín hữu Côrintô là sự chia rẽ nhau.
- Tín hữu Côrintô đã chia ra thành 4 nhóm, mỗi nhóm dựa vào một thừa sai và chống lại các nhóm kia: nhóm theo Phaolô, nhóm theo Apollô, nhóm theo Phêrô (Kêpha) và nhóm theo Ðức Kitô.
- Phaolô lập luận để cho thấy việc chia bè phái như thế là sai: tất cả đều thuộc về Ðức Kitô, mà Ðức Kitô không thể bị chia năm xẻ bảy như thế. Và Phaolô kêu gọi họ hãy hòa thuận, một lòng một ý với nhau.
4. Tin Mừng: Mt 4,12-23
Ðoạn Tin Mừng này đánh dấu kết thúc sứ mạng của Gioan Tẩy giả và bắt đầu sứ mạng của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu bắt đầu sứ mạng tại Galilê, một miền đất vốn được coi là tối tăm, là đất của lương dân. Chính tại miền đất này, Ðức Giêsu tuyên bố “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Như thế, Ðức Giêsu thực hiện lời tiên tri của Isaia.
Ðức Giêsu cũng kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên (Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan) để cùng Ngài rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Cuộc phiêu lưu vĩ đại từ một vùng đất bị khinh khi
Ðối với dân thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ. Ðối với người mộ đạo sùng tín, miền Bắc thật đáng ngờ vực. Ðó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư pha tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày...
Trong khi những tín đồ chính thống ở kinh đô nghiền ngẫm sự khinh khi, chiêm ngưỡng sự siêu việt của mình, chế diễu và tránh xa những người bị loại trừ ở phía Bắc, thì Ðấng Messia, Cứu Chúa, Ánh Sáng muôn dân, tới cư ngụ tại Capharnaum, bên bờ hồ. Xa khỏi kinh đô vĩnh hằng, khỏi thói ngạo mạn, tự tôn, và sự mù quáng của họ...
Chính trên bờ hồ chứ không phải trên các bậc cấp của đền thờ, giữa đám ngư phủ bận rộn chứ không phải nơi những vị tư tế chuyên lo phụng tự mà Ðức Giêsu sẽ chọn các môn đệ của Người. Ðúng là một nước cờ ngược lại mọi logic.
Chính những người ít khả năng nhất, ít được chuẩn bị nhất lại là những người đầu tiên nhận được ánh sáng và đi theo Ðấng là “đường, sự thật và sự sống”.
Ngay tức khắc, thành phần lao động đơn sơ chất phác nhưng có trái tim nhạy bén đã tin tưởng vào ngôn sứ... Những người tội lỗi bỗng nhiên bị chất vấn, đã cảm thấy ánh sáng mà ngay những kẻ rắc rối khó tính nhất cũng phải nhượng bộ... và họ đã đi theo Người.
Cuộc phiêu lưu vĩ đại đã khởi đi từ một miền đất bị nguyền rủa. Thế giới mới đã ăn rễ sâu vào vùng đất nhơ uế nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa... (F. Delectos, được trích bởi Fiches dominicales, trang 169-170).
2. Con đường sáng
Cuộc đời chúng ta đầy dẫy bóng tối:
- tối tăm về sự thật: cho dù có nhiều phương tiện truyền thông, Nhưng khó mà biết sự thật.
- tối tăm về tương giao: ngay cả những người sống cạnh nhau cũng chưa hiểu nhau.
- tối tăm do tội lỗi, do mù quáng, do cố chấp hẹp hòi...
- tối tăm do hoàn cảnh bên ngoài nhiều bất công, gian dối, thù hận...
Trong khung cảnh tối tăm ấy, chúng ta hãy nhớ những lời của Ðức Giêsu: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 9,12); “Hãy tin vào ánh sáng và các ngươi sẽ trở thành con cái sự sáng” (Ga 12,36).
Nhưng tin vào ánh sáng là gì? Là tin vào mặc khải của Ðức Giêsu, cũng như 4 môn đệ đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ đã nghe tiếng gọi của Ngài, đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài. Ngài sẽ giải đáp cho tất cả những băn khoăn thắc mắc của chúng ta; Ngài sẽ cho ta biết ý nghĩa cuộc đời ta là gì; Ngài cho chúng ta biết chúng ta có một người Cha trên trời hết lòng yêu thương chúng ta; Ngài sẽ dạy cho chúng ta biết sống yêu thương như thế nào; và cuối cùng Ngài sẽ dẫn chúng ta về nhà Cha trên trời.
3. Sự hiệp nhất các Kitô hữu
Chúa nhật hôm nay nằm trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay cung cấp nhiều chất liệu cho chúng ta suy nghĩ về sự hiệp nhất này:
- Bài đọc 1: Ðức Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa thế gian. Ngài muốn soi sáng tất cả mọi người, kể cả các anh em ly khai, những người lạc giáo, những người lương và những người vô thần...
- Bài đọc 2: Ðức Giêsu đã chịu chết vì mọi người và cho mọi người. Nếu các Kitô hữu chia rẽ nhau thì chẳng khác gì Ðức Giêsu bị chia năm xẻ bảy sao!
- Bài đáp ca: “Ðiều tôi tìm kiếm khấn xin, là luôn được ở trong nhà Chúa tôi”. Tại sao những anh em cùng tin Ðức Kitô lại không sống hòa thuận với nhau trong cùng một ngôi nhà của Chúa?
- Bài Tin Mừng: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Tất cả mọi người, dù là Công giáo hay Tin lành, Chính thống ... đều phải sám hối về những tội lỗi của mình để có thể được vào Nước Chúa.
4. Chuyện minh họa
“Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng”
a/ Làm phép nhà
Một bà kia mời linh mục đến làm phép nhà mình. Bà hướng dẫn cha đi rảy nước thánh mọi nơi trong nhà: phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng ăn... Cha thấy chỗ nào cũng sạch sẽ và ngăn nắp. Cho nên chỗ nào cha cũng rảy nước thánh, kể cả cầu thang. Ngay cả hai con mèo đang nằm ngủ trên một bậc thang cũng được cha rảy nước thánh, khiến nó giật mình thức dậy kêu meo meo và chạy vội đi nơi khác, và mọi người hiện diện phải phì cười.
Sau khi làm phép xong mọi nơi ở nhà trên thì đến hầm kho. Bà chủ nhà chần chừ không muốn dẫn cha xuống. Vị Linh mục hỏi:
- Sao thế?
- Dưới đó dơ lắm.
- Càng dơ thì càng phải làm phép chứ.
- Nhưng nó lộn xộn lắm.
- Càng lộn xộn càng phải làm phép.
- Và nó tối tăm lắm.
- Cho nên phải mang ánh sáng đến cho nó.
Lời bàn: Con người chúng ta cũng giống như một gian nhà. Những nơi mình muốn che giấu nhất chính là những nơi tối tăm xấu xa nhất. Nhưng đó cũng là những nơi cần mang ánh sáng tới nhất.
b/ Mang ánh sáng đến chỗ tối tăm
Một ngày kia Mẹ Têrêsa Calcutta đến Melbourne, Australia. Mẹ đi thăm một người nghèo không ai biết đến. Ông sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn.
Mẹ Têrêsa bắt tay vào thu dọn đồ đạc. Ông gắt lên: “Cứ để yên mọi thứ cho tôi”. Nhưng Mẹ cứ tiếp tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, Mẹ Têrêsa tìm thấy một chiếc đèn trong một góc phòng. Ðèn bám đầy bụi, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:
- Sao lâu nay ông không thắp đèn lên?
- Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu cần thấy mặt ai.
- Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không?
- Vâng, nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.
Từ đó, mỗi ngày, hai nữ tu của Mẹ Têrêsa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy:
- Bây giờ tự tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng ngọn đèn mà Bà đã thắp lên đến nay vẫn sáng.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến
Ðức Giêsu là ánh sáng trần gian. Ai theo Người sẽ không phải đi trong bòng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Với quyết tâm sống như con cái sự sáng, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1. Ðức Kitô đã dùng các tông đồ làm nền móng xây dựng Hội Thánh/ và đã làm cho Hội Thánh lan rộng khắp hoàn cầu./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các giám mục/ linh mục/ phó tế / biết chu toàn sứ mạng Chúa trao cho/ là nhiệt thành và khôn ngoan lãnh đạo dân Chúa.
2. Từ hai ngàn năm nay/ có biết bao Kitô hữu đã nhiệt tình đáp lại lời mời gọi của Ðức Kitô/ hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ/ xả thân phục vụ những kẻ bần cùng đói rách/ cũng như những người bất hạnh nhất trong xã hội./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những anh chị em ấy/ luôn giữ được niềm phấn khởi lúc ban đầu.
3. Chúa Giêsu kêu gọi/ “Anh em phải sám hối vì Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu hiểu rằng/ sám hối là việc phải làm thường xuyên suốt cả cuộc đời/ nếu muốn được hiệp thông với Thiên Chúa/ vì mang lấy thân phận con cháu Ađam/ con người rất dễ phạm tội mà khó làm việc lành.
4. Thánh Phaolô viết/ “Anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói/ và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em/ nhưng hãy sống hòa thuận/ một lòng một ý với nhau”./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta/ biết luôn cố gắng thực hiện trọn vẹn lời khuyên tha thiết của Thánh Phaolô tông đồ.
Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã gọi chúng con làm môn đệ Chúa. Xin ban ơn giúp chúng con luôn sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Kinh Tiền Tụng: Nên dùng Kinh Tiền Tụng Chúa nhật thường niên I, vì có nói tới Giáo Hội, Nước Trời ở trần gian.
- Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta hãy đọc kinh Lạy Cha trong tâm tình hiệp nhất với Ðức Giêsu và với tất cả những Kitô hữu khác cùng một niềm tin vào Ngài.
VII. GIẢI TÁN
Anh chị em đã được ánh sáng Ðức Giêsu soi sáng, anh chị em hãy cố gắng sống như con cái sự sáng, và cùng Ðức Giêsu xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian này.

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 357
  •   Máy chủ tìm kiếm 37
  •   Khách viếng thăm 320
 
  •   Hôm nay 10,686
  •   Tháng hiện tại 710,140
  •   Tổng lượt truy cập 80,643,040