Chiếc đồng hồ cổ

Thứ tư - 20/09/2023 06:25      Số lượt xem: 503

Ngày qua đi, tháng qua đi, năm qua đi xóm đạo được hình thành và rõ nét trên mảnh đất miền Nam hai mùa nắng mưa, thời tiết hiền hòa con người chất phác bao bọc lẫn nhau để sống Niềm Tin vào Chúa cách vững mạnh hơn, như chiếc đồng hồ của gia đình ông Hai vẫn chăm chỉ tích tắc và ngân đổ chuông đúng thời điểm mà thời gian phân định

D
 
Nội ơi chiếc đồng hồ này có từ bao giờ vậy Nội, con thấy nó lâu thật là lâu rồi và trông nó thật là lạ vì con không thấy nhà bạn nào trong lớp con có cái đồng hồ giống nhà mình.

Xoa đầu đứa cháu nhỏ 8 tuổi, hay thắc mắc này, Nội cơi thêm miếng trầu rồi chậm rãi kể cho nó nghe về chiếc đồng hồ kỳ bí trong mắt đứa trẻ này

Chiếc đồng hồ này là do một Cố Tây (Lm nước ngoài) hồi đó tặng cho ba của Nội tức là cụ cố của con đó, lúc đó cụ cố là người giật chuông cho mọi người đi lễ nhà thờ, 4 giờ sáng thì giật chuông lễ, còn 12 giờ trưa thì giật chuông truyền tin cho mọi người đọc, thấy ông hiền lành làm ông Câu cho nhà thờ mấy chục năm, thỉnh thoảng cũng quên giật chuông, vì thế Cố Tây cho chiếc đồng này để coi giờ và giật chuông để mọi người đi lễ.

Cụ cố của con quý chiếc đồng hồ này lắm. Nó gắn liền với quãng đời còn lại của ông, nó nhắc ông đi đến nhà thờ kéo chuông, rồi ở lại đi lễ luôn nên ông chưa bao giờ bỏ bất cứ một Thánh lễ nào, và giờ nguyện kinh truyền tin cũng thế. Cả khi trong xứ có người qua đời bao giờ ông cũng là người biết đầu tiên sau Cha Cố Tây để còn giật chuông sầu báo tử cho mọi người cầu nguyện nữa cơ.

Và rồi một ngày nọ người ta thấy mấy chú cảnh binh đến đem Cố Tây đi mất, chẳng biết vì sao, nghe nói vì Cố Tây là người nước ngoài truyền đạo xấu nên bị trục xuất khỏi nước Việt ta. Rõ khổ, Cố Tây dạy bao điều hay cho con dân này mà người không biết đạo Chúa nên đối xử với Cha Cố như vậy! Từ ngày Cha Cố đi, nhà thờ bị bỏ hoang không có lễ nhưng tiếng chuông vẫn đều đặn được vang lên mỗi buổi sáng, bà con giáo dân vẫn đến nhà thờ đọc kinh chung với nhau rồi trở về nhà, mà lòng vẫn đầy phấn khởi như vừa đi lễ về. Tiếng chuông vẫn đều đặn hai buổi sáng trưa, người ta vẫn đến nhà thờ, lời kinh vẫn râm ran vào mỗi buổi sáng, đâu đó người ta vẫn thấy đau buồn khi không còn được tham dự Thánh lễ hằng ngày nữa, vì Cố Tây đi mãi không thấy Cha Cố về lại nhà thờ này. Xóm đạo hiu quạnh nghèo nàn này được an ủi biết bao với tiếng chuông hằng ngày, và ông Câu là người quan trọng giữ tiếng chuông đúng giờ đúng khắc, cho xóm đạo này còn tồn tại trong Đức tin Công Giáo.

Và vào ngày cuối tháng tư người ta không nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đổ, khi trời vừa sáng mọi người đổ dồn đến nhà thờ để xem có chuyện gì xảy ra mà tại sao sáng nay không có tiếng chuông nữa, đến chân tháp chuông mọi người đau xót thấy ông Câu đã chết trên vũng máu vì một viên đạn xuyên qua ngực ông. Cái chết của ông như một lời cảnh cáo cho những ai tụ tập đến nhà thờ, và chính ông là nguyên nhân cho những buổi tụ tập ấy. Từ khi ông mất chẳng ai dám đến nhà thờ kéo chuông, người ta âm thầm đến đọc kinh rồi ra về.

Sáng nay tiếng ngân của chiếc đồng hồ làm ông Hai thức giấc khoác chiếc áo treo tòng teng trên vách tường, ông Hai đến nhà thờ và làm tiếp công việc mà bố của ông đang làm dở đó là giật chuông nhà thờ cho mọi người đến đọc kinh, tiếng chuông như xé rách màn đêm của xóm đạo này, tiếng chuông ấm áp vang đến mọi ngóc ngách của giáo xứ nghèo này, người nghe thấy vui sướng đến nhà thờ, cũng có người lẩm bẩm: "Ai mà liều thế không sợ chết hay sao mà giật chuông thế".

Và tiếng chuông ấy lại đều đặn vang lên đúng giờ, nhắc nhở người Kitô hữu sống là người con của Chúa và thánh hóa những giây phút trong ngày cho Thiên Chúa.

Về phần ông Hai ông vẫn chăm sóc chiếc đồng hồ mà bố ông để lại, lên giây cót cẩn thận và lau chùi mỗi ngày, chiếc đồng hồ nhắc ông về cái chết của Bố về công việc mà bố đang làm dở dang và chiếc đồng hồ dường như chứng kiến mọi vui buồn trong gia tộc của ông,

Cứ đúng giờ chiếc đồng hồ lại đổ đủ tiếng chuông, thời khắc ấy, tiếng ngân ấy nhắc người trong nhà biết trân quý thời gian Chúa ban mà làm việc cho chăm chỉ.

Và rồi chiến tranh nổ ra ác liệt hơn trong những năm 1954, người ta ồ ạt di cư vào Miền Nam. Đồ đạc mang theo chỉ vỏn vẹn mấy bộ quần áo với túi gạo chỉ đủ ăn mấy bữa cháo, ông Hai cũng ráng ôm theo chiếc đồng hồ như một kỷ vật quý giá. Chiếc đồng hồ chẳng sợ ai nó vẫn ngân đúng giờ dù ở bất nơi đâu, khi được treo trên tường hay vội vàng theo chân người di cư, lúc được nâng niu trên tay hay lúc bị bỏ dưới chân cho đỡ vướng chỗ trên tàu, chiếc đồng hồ vẫn không đánh mất bản chất của nó vẫn âm thầm tích tắc và đổ chuông đúng giờ.

Chiếc đồng hồ như niềm hy vọng trong những đêm tối chòng chành trên chiếc tàu di cư vào Nam, chẳng ai nói với ai lời nào. Khi mọi người sợ hãi co rúm trong tàu, thì chính tiếng ngân của chiếc đồng hồ làm người ta thêm hy vọng, vì thời gian đang trôi đi và họ vẫn đang sống chứ không phải những thây ma trong chiếc tàu tăm tối này. Cuộc di cư ấy cũng cuốn gia đình ông Hai vào Nam trong chiếc tàu chòng chành đến bờ biển Hà Tiên – Kiên Giang. Vùng đất mới mở ra cho gia đình ông Hai, đất rộng nhưng không thể trồng cấy được gì vì đất bị nhiễm phèn nặng Gia đình ông Hai cùng với những người di cư dưới sự chỉ đạo, người ta bắt đầu đào những con kênh dẫn nước vào ruộng rửa phèn cho đất, và rồi những vụ mùa đầu tiên, những hạt giống đầu tiên cho mảnh đất này là lúa Thần Nông. Một năm trồng được hai vụ, chỉ khổ là ở đây có một mùa nước kéo dài 3 tháng liền, những ai chưa quen sẽ rất sợ hãi khi mùa nước đến, nhưng chính con nước này đem phù sa cho ruộng đồng để có thể gieo sạ tiếp hai vụ lúa. Dần dần cuộc sống trở nên dễ dàng hơn trong việc kiếm cái ăn. Đời sống những gia đình Công giáo được ổn định và hiền hòa vì được các Linh mục chia thành khu xóm mới, và ruộng đất được chia đều trên đầu người. Ai chịu khó làm ăn thì đời sống khá ổn định, gia đình ông Hai cũng khá lên và vẫn công việc kéo chuông cho xóm đạo đi Lễ trong ngôi nhà thờ ọp ẹp, âm u tiếng muỗi của vùng sông nước này.

Ngày qua đi, tháng qua đi, năm qua đi xóm đạo được hình thành và rõ nét trên mảnh đất miền Nam hai mùa nắng mưa, thời tiết hiền hòa con người chất phác bao bọc lẫn nhau để sống Niềm Tin vào Chúa cách vững mạnh hơn, như chiếc đồng hồ của gia đình ông Hai vẫn chăm chỉ tích tắc và ngân đổ chuông đúng thời điểm mà thời gian phân định. Chiếc đồng hồ theo chân người vào tận miền Nam, đem theo cái hương vị ngân nga của con người miền Bắc, mà hòa chung với cái chân chất của miền Nam làm nên những con người mới là chú Ba và chú Úc. Hai người con trai của ông Hai chăm chỉ làm ăn và phải lòng cô gái miền Tây ngoan ngoãn là cô Mười và cô Út Nhỏ trong xóm, và cũng là hai người Tân tòng đầu tiên của xóm đạo này. Cũng vì chăm chỉ làm ăn khai khẩn đất đai nên ruộng đồng nhà ông Hai mỗi ngày thêm rộng, thẳng cánh cò bay, nhiều ruộng đất ông Hai cho người ta thuê mướn giúp đỡ những người không có ruộng đất. Có lần dâu Úc hỏi ông Hai: Tía à gia đình mình cũng khá, kể cũng nhất nhì vùng, mà sao Tía không đổi chiếc đồng hồ gỗ đó thành cái đồng hồ của Tây treo cho sang nhà Tía.

Ông Hai mỉm cười: Con à chiếc đồng này không thể tính nó như chiếc áo, có mới thì bỏ cũ được vì nó là vật kỷ niệm và là một phần cuộc sống của Tía. Dâu Úc chỉ ậm ừ học lấy kinh nghiệm lịch sử của gia tộc này.

Và rồi những năm bình yên biến mất thay cho tiếng súng đạn dữ dội những năm 1974 -1975. Gia đình ông Hai gặp nhiều khó khăn vất vả vì bị đấu tố đất đai. Ông Hai bị bắt đi tù vì tuổi già sức yếu ông qua đời trong tù. Từ ngày ông Hai mất, gia đình ông Hai trở nên nghèo khổ. Bà Hai không biết sống thế nào ngôi nhà trống trơn chỉ còn chiếc đồng hồ treo tòng teng trên tường, thế nhưng Bà Hai vẫn tin vào Chúa, năng đi lễ và đọc kinh củng cố Đức Tin cho các con trong gia đình với ý lực: Phải tin vào Chúa dù gia cảnh có thế nào thì Chúa biết hết mà. Sau khi chôn cất ông Hai trong đất Thánh của giáo xứ, các con Bà Hai tiếp tục làm việc như họ đã làm trước đó, chỉ còn mảnh ruộng ở cuối ngàn chẳng ai thèm lấy vì chỉ là đầm lầy không trồng lúa được, bà Hai cùng với con cái trong nhà ra công sức cho mảnh ruộng ấy không trồng lúa được, chú Úc xuống tận Đồng Tháp mang sen về trồng ở vùng đầm lầy ấy và rồi những gì gieo trồng sẽ thu hoạch trong hân hoan. Hạt sen, ngó sen lá sen và hoa sen đều bán được, gia đình bà Hai cũng sống được qua thời gian khó khăn này. Bác Ba về Sài Gòn đạp xích lô vì trước đó được học hành tại trường Tây nên bác Ba nói tiếng Anh khá tốt, công việc làm ăn khá ổn, lại vì quen thân với một gia đình người Tây Ban Nha họ phải dời đi nên đã để ngôi nhà tại Sài Gòn cho gia đình bác Ba. Còn mấy người con gái bà Hai thì lấy chồng ở xa, gia cảnh cũng tương tự trong lúc thời thế của đất nước chẳng mấy thuận lợi này. Được sống trong sự giáo dục Kitô giáo mà các con bà Hai ai cũng chăm chỉ làm ăn nhờ vào đôi tay và tin tưởng vào Chúa mà cả gia đình bà vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đất nước của gia đình bà.

Có lần đứa cháu đích tôn nói với Bà Hai: Bà nội à chiếc đồng hồ cũ nhà mình bán đi mua cái khác đi nội.

- Không được nó là vật kỷ niệm của gia đình nó chứng kiến bao nhiêu biến cố của thời gian của thế cuộc và của gia đình mình, không được bán.


Và rồi Bà Hai qua đời điều trăn trối bà ao ước đó là con cái thương nhau, và cố mà giữ cái đồng hồ gỗ trong nhà cho cẩn thận.

Có lần con trai bác Ba ở Sài Gòn về quê chơi nhìn thấy chiếc đồng hồ trong nhà tổ mà chú Út đang coi sóc đã gạ gẫm chú Út bán chiếc đồng hồ ấy đi.

- Chú Út à bán chiếc đồng hồ ấy cho cháu đi, cháu mua 50.000.000 vì có người đi tìm đồ cổ cần mua chiếc đồng giống của nhà ta. Chú lấy tiền mua được cả mấy cái đồng hồ khác đẹp hơn xịn hơn nghe chú

Chú Út nhìn thẳng vào mắt đứa cháu hám tiền và nói: Không được, đó là chiếc đồng hồ của gia tộc, của ông bà để lại, nó vô giá, vì nó đã theo gia đình ta từ đầu với biết bao đau khổ vất vả, là di chúc của Nội, chú không bán.

Đứa cháu tiu nghỉu bỏ về Sài gòn.

Và rồi chính đứa con trai của chú Út gỡ chiếc đồng hồ mang đi bán vì lời xúi giục của lão mua bán đồ cổ ở cuối xóm. Đi làm về phát hiện chiếc đồng hồ biến mất chú Út đã nổi giận với đứa con khờ dại của mình và nhất là chú Út đã vất vả chừng nào để chuộc lại chiếc đồng hồ với giá tiền gấp đôi khi đứa con trai bán đi.

Tối hôm ấy sau giờ kinh tối chú Út gọi bốn đứa con lại ngồi bên cạnh, đứa con trai lớn nhất cúi gằm mặt xuống đất không dám nhìn Ba, chú Út nói: các con à, các con là những người trẻ vì với ba, Ba đã già rồi nhưng các con phải trân trọng những gì là kinh nghiệm sống, là truyền thống tốt đẹp mà ông bà đã cố gắng gìn giữ nó đó là Đức Tin Công Giáo được truyền lại cho các con bằng cả máu và nước mắt, để tin vào Thiên Chúa dù những thăng trầm trong gia tộc nhưng chưa có một ai bỏ Chúa cả, và chiếc đồng hồ là một nhân chứng đầu tiên trong gia đình chúng ta nên hãy trân trọng và gìn giữ nó, có những lúc gia đình mình cần tiền thật, nhưng không vì đồng tiền mà đánh mất đi truyền thống, những gì mà dường như cũ kỹ, nhưng hãy nhìn vào quá khứ để khám phá và trân trọng những di sản ấy đồng thời phải biết tạ ơn Chúa về những gì mình có trong hiện tại này mà sống tốt tương lai tuổi trẻ của các con.

Nội ơi con hiểu rồi con sẽ gìn giữ chiếc đồng hồ này thật cẩn thận. Con tự hào là người Công Giáo và là cháu của Nội.


 

Tác giả bài viết: 【Maria Hồng Hà CMR Gx Trinh Vương Kinh A1, 110 ấp Tân Phước, Xã Tân Hiệp B, Tân Hiệp, Kiên Giang.】

Nguồn tin: www.vanthoconggiao.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 279
  •   Máy chủ tìm kiếm 16
  •   Khách viếng thăm 263
 
  •   Hôm nay 56,704
  •   Tháng hiện tại 1,300,713
  •   Tổng lượt truy cập 81,233,613