Đôi nét tiểu sử về Đức cha cố Phêrô Maria Khuất Văn Tạo

Thứ năm - 17/08/2023 18:08      Số lượt xem: 1438

Với khẩu hiệu ‘Chiến thắng trong Bác ái’, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo đã noi gương Chúa Giêsu dùng tình yêu, lòng bác ái để đối lại bạo lực và mưu mô trong quãng thời gian đầy khó khăn khi làm Giám mục tại Giáo phận Hải Phòng. Ngày 18/8/2023 kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 46 (18/8/1977-2023) của Đức cha khả kính, Đức cha Vinh Sơn Giáo phận sẽ dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha cố tại nhà thờ Chính Tòa giáo phận vào lúc 18h30. Ban Truyền thông gửi tới quý cộng đoàn một số thông tin về cuộc đời và hình ảnh của Đức cha.

 

DUC CHA TAO AP XANH

 

Sơ lược tiểu sử Ðức Cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo
 

- Sinh ngày 1-1-1900 tại Hà Thạch, Bát Đạt, Phú Thọ, thuộc Giáo Phận Hưng Hoá

- 10-6-1933: Thụ phong linh mục

- 7-5-1955: Ðược bổ nhiệm làm Giám mục hiệu toà Caralla Giám quản Tông toà Giáo Phận Hải Phòng và Bắc Ninh (đến 1963)

- 7-2-1956: Lễ tấn phong tại Nhà thờ Sơn Tây do Ðức Giám Mục Hưng Hoá Jean Maria Mazé Kim chủ phong

- 24-11-1960: Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Giáo Phận Tông toà Hải Phòng được nâng lên thành Giáo Phận Chính toà Hải Phòng; Ðức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo trở thành Giám mục Chính toà Giáo phận Hải Phòng

- 18-8-1977: Qua đời, thọ 77 tuổi, được an táng trong Nhà thờ Chính toà Hải Phòng
Thư mục mới 1 2


- Đức Cha tên trước đây là Phêrô Khuất Văn Án, con trai đầu lòng cụ cố Giuse Khuất Văn Vân (Đông) xã Xuân Vân, tổng Xuân Vân (ngày nay gọi là xã Đốc Ngữ từ năm 1945 – thuộc xứ Bách Lộc) Xuân Vân thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây.

- Năm 1911, lên 11 tuổi, dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời làm nghĩa tử của Cha Giuse Nguyễn Công Triệu ở xứ Bách Lộc, địa phận Hưng Hoá, từ đó đổi tên Ấn lấy tên Tạo, thày già Hinh và thày già Kinh làm thày giáo dạy.

- Năm 1917, được nhận vào Tiểu Chủng Viện Hà Thạch, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, cha Sebatiano Quý (R.P. Quioc) làm giám đốc. Thày Việt sau làm thày cả gọi là cha Việt, thày giáo Huy, thày Tuyên sau cũng làm thày cả gọi là cha Tuyên, cha Vạn (R.P. Vandaele) sau làm giám mục gọi là Đức Cha Vạn, và cha Huệ (R.P. Fleury) đã làm thày dạy Phêrô Tạo trong 6 năm ở Tiểu Chủng Viện Hà Thạch.

- Năm 1923, mãn khoá 6 năm ở Tiểu Chủng Viện, Bề trên lại cử làm thày giáo dạy lớp VI và lớp V ở Hà Thạch, đã trông coi hai lớp về sau, một lớp được 6 người làm thày cả, một lớp được hai người làm thày cả.

-  Năm 1926, chú Phêrô vâng lệnh Bề trên về dạy bổn đạo mới ở họ Sơn Đông, Sơn Trung huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, dưới quyền cha Hoá (R.P Mossard) cha xứ nhà thờ thị xã Sơn Tây.

Năm 1927, chú Phêrô được gọi về học triết lý ở Hưng Hoá, cha Vạn sau lên giám mục gọi là Đức Cha Vạn (R.P. Vandaele) là thầy giáo ở Tiểu Chủng Viện trước dạy triết lý 2 năm.

 
- Năm 1929 về học giáo lý ở Sở Kiện, thuộc tỉnh Hà Nam dưới quyền giám đốc của Cha Chính Huy (R.P. Vuillard) giáo sư là các cha Thiện (Buttin), cha Hiền (Clauton) và cha Phạm Bá Trực. Đang khi ở Đại Chủng Viện, thầy Phêrô bị chứng tê thấp nên phải nghỉ học nửa năm, trong nửa năm ấy thầy Phêrô đi dạy cho hai họ đạo mới là Xuân Vân Đoài và Ân Phú, mỗi nơi mấy tháng để họ chịu phép Rửa Tội.
 
- Năm 1933, ngày 10 tháng 06 thụ phong linh mục một ngày với cha Franciscus Hiển và cha Joseph Sự tại nhà thờ chính toà Hưng Hoá do Đức Cha Lộc (Mgr. Ramond) chủ tế.
 
- Thụ phong xong, cha Phêrô Tạo được cử giúp cha Kim sau làm giám mục gọi là Đức Cha Kim (Mgr. Mazé) mở đạo hạt Lâm Thao tỉnh Phú Thọ.
 
- Năm 1939, cha Phêrô được uỷ nhiệm phụ trách trường Tập (Probarium) ở Hưng Hoá mới đến hồi đảo chính Nhật 1945, rồi đến Việt Minh lên nắm chính quyền. Đức Cha Kim (Mgr. Mazé) các cha người Pháp phải về ở Hà Nội thời cha Tạo phải đảm nhận mọi công tác ở Nhà chung Hưng Hoá, vừa làm quản lý địa phận, vừa làm cha xứ Hưng Hoá, vừa làm Bề trên Trường Tập.
 
- Ngày 14-5-1947, phi cơ ở bên phía nhà binh Pháp đến bỏ bom khủng bố Nhà Chung, nên phải di Trường Tập lên Hà Thạch. Đến 14-10-1947 phi cơ Pháp lại đến khủng bố Nhà Chung Hưng Hoá lần nữa rồi mấy hôm sau họ kéo đến chiếm đóng Nhà Chung Hưng Hoá vài ngày, đoạn rút đi. Khi rút đi họ bảo cha Tạo đi theo, người cự lại cũng nói mình có nhiệm vụ quản lý Nhà Chung, mình không bỏ nhà đi đâu được. Họ nói: Họ đã đến đây ở trong Nhà Chung, nếu để cha ở lại e cha bị Việt Minh làm hại, nên họ có nhiệm vụ phải mang cha đi để bảo vệ. Cha đáp: Nếu các ông bắt tôi đi, thời các ông phải tuyên bố cho dân chúng biết là các ông đem tôi đi chứ không phải tôi đi theo các ông. Họ đồng ý và tuyên bố trước mặt dân chúng là họ đem tôi đi để bảo vệ, lúc hoà bình rồi họ sẽ cho tôi về.
 
- Tháng 11 năm 1947, họ đưa cha Tạo lên ở đồn Tu Vũ, họ cũng cho ra vào đi lại với nhân dân ở đấy, cha Tạo cùng những người ở cùng với mình tăng gia, cùng làm việc đạo và giúp dân chúng trong công việc xã hội tuỳ khả năng mình.
 
- Cuối năm 1950, quân đội Pháp rút khỏi Tu Vũ, họ cũng đưa cha Tạo về Trung Hà mà cho tự do ở ngoài. Thời người ở nhà thuyền ông Trùm Thành mấy tháng đoạn về thị xã Sơn Tây đứng lập trại di cư Trại Văn Côi hồi đầu những năm 1951.
 
- Năm 1952, Bề trên cử cha Tạo phụ trách Tiểu Chủng viện Thánh Giuse ở Tông nhận khu nhà bà phước Thánh Phaolô làm địa điểm trường. Song hồi đó cha Tạo còn đảm đang xây dựng một trại di cư ở Kim Sơn cho đến khi đồng bào đi Nam 1954.
 
- Năm 1955, ngày 8-5-1955, Toà Thánh Rôma ký sắc đặt cha Phêrô Khuất Văn Tạo làm Giám Mục Caralla, quản trị hai địa phận Hải Phòng và Bắc Ninh, vì Đức Cha F.x Trương Cao Đại di cư vào Nam, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn bị ngã đau chân xin từ dịch đi nơi khác.
 
- Nhưng việc thụ phong lại cản trở nhiều bề, nên ngày 7-2-1956 mới thụ phong trong nhà nguyện của Đức Cha Kim (Mgr. Mazé) là một căn phòng độ 20 thước vuông (6x3). Cuộc lễ tấn phong hết sức đơn giản, các người có mặt trong buổi lễ này cộng tính là 6 người: 1 chủ tế: Đức Cha Kim (Mgr. Mazé) ; vị phụ lễ: cha Phêrô Thi (R.P. Gautier) và cha Giuse Hiểu; giúp lễ: cha Vy (R.P. Vierille) và cha Huệ vừa bổ củi vừa chờ tiếp khách ở ngoài cửa nhà nguyện.

- Ngày 24-3-1956, đi nhận địa phận Bắc Ninh sau những khó khăn vận động từ buổi thụ phong xong, đến Bắc Ninh ngày thứ 7 trước Lễ Lá 1956, và ở đây ít bữa, rồi đi thăm mấy xứ về tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang, Thiết Nham, Mỹ Lộc, Tiên Am, Đạo Ngạn. Mấy nơi về tỉnh Bắc Ninh: Xuân Hoà Đáp Cầu, Quả Cảm, Ngô Khê.
 
- Ngày 28-4-1956 về nhận địa phận Hải Phòng và ở đấy đến 31-5-1956 lên thăm Bắc Ninh, xứ Từ Nê, Lai Tê, họ Cựu Sơn, họ Thọ Ninh, họ Ngọc Khám đoạn lại về Hải Phòng ở nhà mãi đến tháng 8 mới được giấy tờ đi kinh lý.
 

Thư mục mới 1 7


- Triều đại của Đức Cha Phêrô Maria được coi là giai đoạn chông gai nhất trong lịch sử cận đại của Giáo phận Hải Phòng. Ngài về trọng nhậm Giáo phận trong một bối cảnh nghèo nàn khó khăn. Cuộc di cư đã để lại một Giáo phận hoang tàn, vườn không nhà trống. Sau di cư, số linh mục từ 87 vị chỉ còn 13, hầu hết là các cha già. Các ngài ở lại vì nghĩ mình đã cao niên, chế độ có hà khắc đến mấy đi nữa, thì cũng chẳng sống được bao lâu. Các thày giảng chỉ còn 2 hoặc 3 vị, cũng qua đời vài năm sau đó. Các chị em “nhà mụ” cũng chỉ còn vài bà cao tuổi. Nhân sự thì thiếu thốn, tâm lý giáo dân thì hoang mang, phần thì do cuộc di cư, nhiều gia đình phải ly tán chồng Nam vợ Bắc, phần thì do chính quyền o ép tuyên truyền. Trong một số dịp lễ lớn, cán bộ xét giấy Căn cước (giấy Chứng minh nhân dân hiện nay) tại những bến đò bến xe, nhằm ngăn cản người Công giáo tham dự. Tại các giáo xứ, nhà thờ nhà xứ ngày một hư hỏng nặng, do không có điều kiện tài chính để tu sửa. Những sinh hoạt tôn giáo chỉ thu hẹp lại ở việc đến nhà thờ đọc kinh sáng chiều. Thánh lễ mỗi năm may ra mới có một hoặc hai lần, vào dịp lễ Quan thày (Lễ Bổn mạng). Để có được một thánh lễ tại các giáo xứ, Ban hành giáo phải làm đơn gửi chính quyền. Trên lá đơn này, phải có đến năm hoặc sáu con dấu đỏ của các ban bệ chính quyền có liên quan. Có những câu chuyện “dở khóc dở cười”, khi mà trong giấy phép chỉ ghi “Linh mục về dâng lễ”, mà sau đó lại có nghi thức rửa tội trẻ em sau thánh lễ và xức dầu bệnh nhân. Cán bộ đã dứt khoát ngăn cản, cấm không được rửa tội và xức dầu lấy lý do “vì không thấy ghi trong giấy phép”.
 

Thư mục mới 1 23


- Về các cơ sở vật chất của Giáo phận, vì không có người quản lý, nên nhanh chóng xuống cấp và chỉ vài năm sau di cư thì nhà nước trưng thu: Tiểu Chủng viện Thánh Liêm ở đường Bonnal (Thành phố Hải Phòng); nhà Hưu dưỡng linh mục Đồng Giới và cả nhà thờ, nhà xứ Đồng Giới; Tiểu Chủng viện Ba Đông; Trường Kẻ Giảng Quảng Yên. Một số nhà thờ khác bị sử dụng làm kho lúa. Khu nhà kế Đền Thánh Tử đạo Hải Dương quân đội lấy làm kho đựng quân trang. Từ năm 1967, sau trận bom phá huỷ Đền Thánh Tử đạo Hải Dương, khu đất xung quanh bị dân lấn chiếm hoàn toàn. Một số nhà thờ bị phá dỡ, do tuyên truyền: Đạo Công giáo không còn phù hợp với chế độ (!). Các cơ sở dòng tu cũng chung một số phận: Trường Saint Joseph của các Frères Lasan; Trường Saint Dominique của các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Tu viện và Cô nhi viện của Dòng Thánh Phaolô ở Nam Pháp; Tu viện Sainte Philomène của Dòng Thánh Phaolô ở Hải Dương... Tất cả đều bị nhà nước trưng thu sau cuộc di cư 1954.
 

Thư mục mới 1 0


- Là một vị Chủ chăn mang tâm huyết với đàn chiên được trao phó, mặc dù không thể đến với con chiên của mình, Đức Cha luôn thao thức chăm sóc đàn chiên. Ngài chỉ đi cử hành bí tích Thêm Sức được một vài lần. Một số gia đình đạo đức, cha mẹ phải đưa con mình đến Toà giám mục xin Đức Cha ban phép Thêm Sức tại Nhà nguyện một cách âm thầm đơn sơ. Việc liên lạc giữa Đức Cha với các giám mục khác cũng gặp nhiều khó khăn. Có những ông trùm vì Đức Cha nhờ chuyển thư đến một vị giám mục khác, khi bị bắt, đã phải trả giá 7 năm tù. Một số vị vì tham gia Ban hành giáo đã phải đi tù và có người đã chết trong tù. Sau vụ ra vạ tuyệt thông cho một linh mục vì tham gia Ủy ban Liên lạc Công giáo, việc tổ chức tĩnh tâm thường niên cho các linh mục theo Giáo Luật quy định cũng bị ngăn cản. Mọi sinh hoạt của Giáo phận hầu hết đều ngừng trệ.
 

Thư mục mới 1 17


- Vào thời điểm chiến tranh khốc liệt nhất (từ năm 1968 đến năm 1972), để tránh bom đạn, Đức Cha thường xuyên phải di cư sang giáo xứ Đồng Giá (thuộc huyện Thuỷ Nguyên). Trong những ngày Đức Cha vắng nhà, chỉ có một linh mục và một vài chú thường trực ở Toà giám mục. Quang cảnh Toà giám mục càng trở nên ảm đạm, không có sức sống và không mấy người qua lại. Một ngôi nhà của Toà giám mục, do ảnh hưởng trong trận Sở Dầu và cầu Xi măng bị ném bom, đã sập một phần lớn. Vì thiếu thốn nghèo nàn và vì chính quyền lúc đó rất khắt khe, suốt triều đại của Đức Cha vẫn không tu sửa được.
 
- Vào những năm tháng cuối đời của Đức Cha Phêrô Maria, khi ở tình trạng tuổi cao sức yếu, ngài vẫn chưa thấy những tín hiệu tươi sáng của tương lai. Trong 21 năm triều đại giám mục tại Hải Phòng, Đức Cha Phêrô Maria chỉ truyền chức được 6 linh mục (cha Phanxicô Nguyễn Trường Triều, cha Gioan Nguyễn Duy Nhật, cha Giuse Nguyễn Đức Thịnh, cha Phêrô Đoàn Văn Kiểm, cha Giuse Phạm Văn Dương, cha Antôn Nguyễn Văn Uy). Đây là một con số quá ít ỏi đối với nhu cầu của một Giáo phận mênh mông rộng lớn. Trong khi đó, các cậu, các chú (theo lối gọi truyền thống của Hải Phòng) nếu ở Toà giám mục một vài ngày thì sẽ bị công an phường trục xuất. Có những đêm, công an kiểm tra hộ khẩu đột xuất, các cậu phải trèo lên cây, hoặc leo lên tháp chuông, trốn ra gác đàn nhà thờ Chính toà để ẩn náu. Vào lúc Đức Cha qua đời, ngoài các linh mục, ở Toà giám mục chỉ còn vài chú, một nữ tu là Bà Têrêsa Nguyễn Thị Lệ, gốc Bắc Ninh, được Cha Chính Hiệp mời xuống để làm quản lý và bếp núc từ năm 1960. Thời bấy giờ cũng có một số ít chị em, được gọi là nữ tu, nhưng thực ra chỉ là những phụ nữ đạo đức tình nguyện sống độc thân và giúp việc tông đồ. Số chị em này nay được gọi là Tu hội Tận hiến, hầu hết đã lớn tuổi và đang giúp việc tông đồ tại các giáo xứ.
 
- Mặc dù khó khăn thử thách, Đức Cha Phêrô Maria luôn tỏ rõ lập trường với chính quyền. Ngài luôn bảo vệ mối hiệp thông giữa Giáo hội địa phương với Toà Thánh. Trong các bài giảng của ngài, ngài luôn nói về sự can đảm, lòng trung thành và tinh thần tử đạo.

 

Trích: Chứng từ của một Mục tử (Trang 09-15)

 
Thư mục mới 1 1
Thư mục mới 1 3
 
Thư mục mới 1 21
Thư mục mới 1 25
Thư mục mới 1 26
Thư mục mới 1 27
Thư mục mới 1 5
 

Tác giả bài viết: BBT


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 243
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 234
 
  •   Hôm nay 51,358
  •   Tháng hiện tại 1,295,367
  •   Tổng lượt truy cập 81,228,267