THAM GIA DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA: "THÁNH THẦN VÀ CHÚNG TÔI QUYẾT ĐỊNH"

Thứ tư - 06/03/2024 18:50      Số lượt xem: 1524

Trong dịp thường huấn linh mục Giáo phận ngày 5-6/3/2024 tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận, Đức Cha chia sẻ đề tài: THAM GIA DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA: “THÁNH THẦN VÀ CHÚNG TÔI QUYẾT ĐỊNH” (Cv 15, 1-35). Ban Truyền thông xin gửi tới cộng đoàn nội dung bài chia sẻ của Đức Cha. Đây là bài chia sẻ rất hữu ích cho cộng đoàn dân Chúa giúp mỗi người, mỗi gia đình và mỗi hội đoàn biết cách 'tham gia' trong đời sống đức tin cũng như xây dựng Giáo phận Giáo hội dưới ánh sáng lời Chúa.

Đức Cha chia sẻ Thườngng Huấn

THAM GIA DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA:
THÁNH THẦN VÀ CHÚNG TÔI QUYẾT ĐỊNH (Cv 15, 1-35)
 
Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, các tông đồ dần dần khám phá ra sự phong phú của lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20).

Nội dung của lệnh truyền thật rõ ràng: Thầy sai anh em đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ nhân danh Chúa Ba Ngôi, và dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy truyền dạy. Chúng ta để ý đến nội dung của lệnh truyền như sau:

+ Người môn đệ được sai đi rao giảng nhân danh Chúa Giêsu, chứ không phải nhân danh một ai khác. Vì thế, người môn đệ nên không nhân danh một truyền thống nào, nhất là không nhân danh chính mình, nhưng phải trình bày lời của Chúa Giêsu qua sự hướng dẫn của Giáo Hội (huấn quyền). Vì là người được sai đi, nên người môn đệ phải ý thức về chỗ đứng của mình trong công việc, và luôn làm cho hình ảnh của Chúa Giêsu trở nên rõ nét trong công việc, như lời của thánh Gioan Tẩy Giả: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Người môn đệ phải đặt mình ở dưới Lời, chứ không ở trên Lời. Vì thế, cần để ý đến cung cách khiêm tốn của mình khi trình bày Lời Chúa.

+ Dạy những điều Thầy truyền dạy: rao truyền chính Lời Chúa, chứ không phải những suy tư hay cảm nhận của riêng mình, của phe nhóm mình. (Người môn đệ có thể chia sẻ những khám phá của mình trong việc hiểu Lời Chúa, như trường hợp của Tin Mừng Gioan, để minh họa và diễn giảng Lời Chúa, chứ không nói về chính mình). Ngay cả khi gặp những điều đi ngược lại với suy nghĩ của mình, với cách hiểu của người đời, hay của truyền thống, người môn đệ sẽ luôn đặt mình dưới sự soi sáng của Thánh Thần và trung thành với Lời của Chúa: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). (Giống như một người đi đường ban đêm, nhìn theo ánh sáng của đèn pin để thấy rõ đường đi, chứ không nhìn ngược vào cây đèn pin).

Vì thế, trong khi thi hành sứ vụ, nếu chính bản thân mình chưa hiểu được điều Chúa mời gọi, thì phải cầu nguyện, học hỏi, và xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Nếu giữa các môn đệ có những cách hiểu khác nhau về nội dung rao giảng, thì cần bàn bạc với nhau dựa trên ánh sáng của Lời Chúa. Làm thế nào để cho lời Chúa soi sáng? Phải vượt lên trên lập trường của riêng mình, của phe nhóm mình, của cách suy nghĩ chung chung của con người, có cái nhìn xa hơn tầm nhìn cục bộ, để có thể thấy được nhu cầu và ích lợi của dân Chúa, của Giáo Hội.
Kinh nghiệm của Giáo Hội sơ khai cho chúng ta thấy việc cầu nguyện và để Chúa Thánh Thần soi sáng đã giúp cho các môn đệ hiểu được những điều Chúa Giêsu đã dạy, mà trước đó các ngài không hiểu (Cv 8, 26-35), giữ được sự hiệp nhất và trung thành với sứ mệnh, trong một số trường hợp như:

+ Chọn Matthia thay thế Giuda Iscariot (Cv 1, 15-26): tiêu chuẩn để chọn một Tông Đồ.
+ Lập nhóm phó tế để phục vụ cộng đoàn (Cv 6, 1-7): tiêu chuẩn chọn người phục vụ cho cộng đoàn.
+ Phêrô đến nhà người ngoại giáo và làm phép rửa cho họ (Cv 10, 1-48): vượt ra khỏi cách suy nghĩ thông thường của người do thái để làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
+ Cuộc tranh luận tại Antiokia và Công Nghị tại Giêrusalem (Cv 15, 1-35): bảo vệ công việc truyền giáo trong tinh thần hiệp nhất.

Điểm chung của các môn đệ trong các biến cố này là khi gặp những điều mới lạ, mà họ chưa có kinh nghiệm, hay là không biết là luật có cho phép hay không, thì họ luôn bàn bạc với nhau, cùng nhau cầu nguyện, và xin ơn Thánh Thần soi sáng. Với mục đích là trung thành với lời giảng dạy của Chúa Giêsu và gìn giữ sự hiệp nhất trong cộng đoàn mà mỗi người, mỗi nhóm, biết vượt qua cách nhìn chủ quan của riêng mình để biết đón nhận ý kiến của những anh chị em khác. Đó là sống tinh thần hiệp nhất, nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt, vì biết rằng sự khác biệt làm cho đời sống cộng đoàn phong phú hơn.

Chúng ta cùng dừng lại ở giai đọan “Cuộc tranh luận tại Antiokia và Công Nghị tại Giêrusalem” để xem các môn đệ đặt mình dưới ánh sáng của Chúa như thế nào để duy trì sự hiệp nhất trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt.
 
Đức Cha Giáo phận chia sẻ với quý cha tại Trung Tâm mục vụ Giáo phận 5/3/2024
Đức Cha Giáo phận chia sẻ với quý cha tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận 5/3/2024

I. Vấn đề gây tranh cãi tại Antiokia
1. Bối cảnh

Trong TĐCV có nhắc đến hai địa danh Antiokia: một thành phố lớn ở Syria (Cv 11, 19), và một ở Pisidia, về phía nam của Galate (Cv 13, 14). Antiokia được đề cập đến ở đây nằm ở Syria, nơi mà “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là kitô hữu” (Cv 11, 26).

Antiokia đã trở thành một trung tâm quan trọng của Kitô giáo sơ khai, là cơ sở cho sứ vụ truyền giáo cho anh chị em dân ngoại. Giáo Hội tại đó có thể cạnh tranh một cách mạnh mẽ với quyền của Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem, nơi vẫn còn giữ hoàn toàn theo cách Judeo-chrétien[1]. “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47).

Hơn nữa, một số thành viên của Giáo Hội tại Giêrusalem có những điều nghi ngại trầm trọng về thần học trước việc có nhiều người ngoại đạo gia nhập Giáo Hội. Làm thế nào để có sự hiệp thông giữa nhóm kitô hữu gốc do thái và nhóm gốc dân ngoại? Họ tự ý đến khơi lên vấn đề làm giao động các anh chị em trong Giáo Hội tại Antiokia: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo tục lệ Moisen, thì anh em không thể được cứu độ” (c. 1). Theo nghĩa này, thì ơn cứu độ lệ thuộc vào Lề Luật của người do thái, hay nói cách khác là ơn cứu độ phải đi qua con đường của do thái giáo.

2. Nguyên nhân

a. Khuynh hướng duy do thái

Quan điểm bảo thủ này cho thấy là những “người duy truyền thống” cảm thấy lo lắng về việc những người kitô hữu gốc do thái phải sống chung với anh em dân ngoại, và vì thế, cần có những điểm thống nhất với nhau. Họ không chống đối việc trao ban ơn cứu độ cho mọi người, nhưng họ nhận thức rằng để được cứu rỗi phải hội nhập vào với dân Chúa, vì ơn cứu độ được ban trước tiên cho con cái Israel. Trong quan điểm của họ, điều đó chỉ có thể thực hiện được qua phép cắt bì (vào thời điểm đó, có nhiều người ngoại chấp nhận điều kiện này để trở thành dự tòng, thành viên trọn vẹn của dân Chúa).

b. Khuynh hướng thỏa hiệp

Dẫu cho Luca không nói rõ, nhưng việc đòi hỏi những người tín hữu gốc dân ngoại phải chịu phép cắt bì cũng có một động lực cho trật tự xã hội và chính trị: là thành viên của dân do thái vào thời điểm đó, những người kitô hữu gốc dân ngoại được hưởng một số quyền riêng trong đế quốc la mã, quyền của một “tôn giáo hợp pháp”. Những tín đồ do thái giáo được được miễn khỏi nghi lễ tôn giáo dành riêng cho hoàng đế. Những “kitô hữu”, như người ta gọi ở Antiokia, chưa còn được biết như một nhóm tôn giáo đặc biệt, cảm thấy như không có chỗ đứng chính thức và có nguy cơ bị chính quyền la mã làm khó dễ. (Sau đó ít lâu, họ sẽ bị những cuộc bách hại thảm khốc, vì từ chối thờ lạy hoàng đế). Thực ra, việc liên kết anh chị em tín hữu gốc dân ngoại vào do thái giáo, có lẽ là một thái độ khôn ngoan để đối phó với hoàn cảnh. (Sự khôn ngoan theo cách suy nghĩ của thế gian mà các vị quan quyền có cảm tình với những vị tử đạo, khi bảo họ giả vờ bước qua thập giá!)

c. Lập trường của các vị thừa sai

Những người có trách nhiệm trong việc truyền giáo, có những kinh nghiệm tiếp xúc với anh chị em dân ngoại, như Phaolo và Barnabe, biết rõ rằng việc áp đặt điều kiện “phải chịu phép cắt bì” sẽ gây nên những bất lợi cho việc loan báo Tin Mừng. Người do thái, khi sống ở những cộng đồng hải ngoại, thường tạo nên những nhóm riêng, tách khỏi cách sinh hoạt của người bản xứ; vì thế, thường tạo nên cảm giác khó chịu cho những người sống chung quanh vì cách sống khác biệt của họ. Hơn nữa, tinh thần duy luật của người do thái truyền thống sẽ làm cho họ khó đón nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế.

Như trường hợp của Phaolo, ngài là một người do thái truyền thống, trung thành với Lề Luật, và sẵn sàng bảo vệ Lề Luật bằng mọi giá. Nhưng tinh thần trung thành với Lề Luật làm cho ngài trở thành kẻ bách hại các kitô hữu, như lời Chúa Giêsu nói: “Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26, 14). Trái lại, chính lòng thương xót Chúa đã mạc khải cho ông biết Ngài là Đấng Cứu Thế: “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1, 15-16). Vì thế, Phaolo bảo vệ lập trường: “Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chépNgười công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1, 17). 

Sự đụng chạm là không thể tránh được với những người muốn do thái hóa những người tín hữu gốc dân ngoại này. Luca không ngại cho thấy rằng việc gây nên ở Antiokia là một sự mâu thuẫn và gây nên sự tranh cãi khá trầm trọng (c. 2). Chúng ta có thể liên kết đoạn này với thư Galate để thấy được mức độ trầm trọng của mâu thuẫn về vấn đề thần học quan trọng này, khi Phaolo yêu cầu những tín hữu gốc dân ngoại đừng để mình bị mang lại cái ách nô lệ, trong khi bảo đảm rằng nếu họ chịu phép cắt bì, thì Đức Kitô không ích lợi gì cho họ nữa (Cf. Gl 5, 1 tt).

3. Cách giải quyết

Vì thế, vấn nạn này cần phải được tranh luận một cách thẳng thắn với những vị có trách nhiệm thực sự của Giáo Hội tại Giêrusalem. Theo Luca, chính Giáo Hội Antiokia nêu lên cuộc tranh luận này và đã tổ chức một phái đoàn cùng với Phaolo và Barnaba lên Giêrusalem để gặp các tông đồ và các kỳ mục. Ông ghi nhận rằng trên đường đi, việc kể lại sự trở lại của những người dân ngoại, như dấu hiệu của ơn Chúa, làm cho tất cả anh chị em vui mừng. Vào lúc họ đến, các vị thừa sai cũng nhận thấy những điều khó khăn họ gặp ở Antiokia cũng đang xảy ra tại Giáo Hội Giêrusalem (c. 4 và cách nói ở 14, 27). Đó là việc những vị trưởng lão pharisiêu trở nên kitô hữu, nhưng vẫn gắn bó với việc tuân giữ lề luật, tấn công thẳng vào điểm đáng ngờ: phải buộc những người ngoại trở lại chịu phép cắt bì và tuân giữ lề luật của Moisen (c. 5).

II. Công nghị tại Giê-ru-sa-lem

1. Những tham dự viên
Trong bản văn của sách TĐCV mà chúng ta thường dùng, dường như chỉ những người có chức vụ, các tông đồ và các vị trưởng lão, nhóm họp để cùng nhau khảo sát vấn đề đang tranh cãi (c. 6). Tuy nhiên, trong bản văn tây phương[2], chúng ta thấy thêm chi tiết “cùng với đám đông”, nghĩa là toàn thể Giáo Hội, với nhiều thành phần dân Chúa nhóm họp. Sự thay đổi này tạo nên sự ăn khớp của bản trình thuật, bởi vì ở câu 12 sẽ đề cập đến “toàn thể hội nghị”, và ở câu 22 các tông đồ và các trưởng lão quyết định cùng với “toàn thể Giáo Hội”. Qua đó người ta thấy rằng dùng cách nói “công nghị Giêrusalem”, có vẻ thích hợp hơn là “công đồng Giêrusalem” (từ ngữ mà trong lịch sử Giáo Hội, gợi lên cuộc hội nghị các Giám mục của Giáo Hội hoàn vũ).
 
2. Tiến trình của Công nghị
 
Vấn đề ở đây là sự đối đầu giữa hai cộng đoàn về nguồn gốc tôn giáo và khuynh hướng thần học khác nhau. Trong đời sống chung của cộng đoàn tín hữu tiên khởi, khủng hoảng này đã xảy ra giữa những người theo văn hóa hy lạp và văn hóa do thái. Điều đó đã được giải quyết qua cuộc hội nghị của các môn đệ bàn về việc chọn các ứng viên phó tế (x. 6, 2). Giáo Hội tiên khởi đã thử giải quyết các mâu thuẫn của mình qua hình thức dân chủ trực tiếp, dẫu cho là theo lẽ thường, những người có quyền sẽ cao giọng lên tiếng để làm cho cuộc tranh luận tiến triển và chuẩn bị cho quyết định. Luca kể lại 3 lần lên tiếng tiếp nối nhau.

a. Diễn từ của Phêrô

Khi cuộc tranh luận trở nên gay gắt, Phêrô, với tư cách là người có trách nhiệm trong Giáo Hội lên tiếng. Đây là lần xuất hiện cuối cùng của ông trong sách TĐCV. Ông khẳng định mình là người được Chúa chọn giữa anh em để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Chúng ta tìm thấy chứng từ đó trong ngày lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem (Cv 2, 14-36) và ở nhà ông Cornelio tại Cesare miền duyên hải (Cv 10, 1-48). Giờ đây ông rút tỉa những hệ quả thần học đã xảy ra với Cornelio và gia đình của ông ta: đối với những người cắt bì hay không cắt bì, thì ơn của Thánh Thần (15, 8), ơn tha thứ tội lỗi (15, 9), ơn cứu rỗi (15, 11), đều là công việc của Thiên Chúa nhờ vào đức tin và nhờ ơn của Chúa Giêsu (15, 9. 12). Đưa ơn cứu độ lệ thuộc vào phép cắt bì sẽ là điều thách thức Thiên Chúa (15, 10). Và ông khẳng định: “Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ” (Cv 15, 10-11).

Lập trường của Phêrô thật rõ ràng và có sức thuyết phục nên toàn thể hội nghị im lặng. Tiếp theo đó, mọi người được vững tin vào việc Chúa làm qua chứng từ của Barnaba và Phaolo, những người do thái trực tiếp làm việc với anh chị em dân ngoại trở lại (Cv 15, 12).
 
b. Diễn từ của Giacôbê
Người lên tiếng cuối cùng trong công nghị là Giacôbê, người anh em của Chúa. Theo Galate 2, 12, Gacôbê được trình bày như người đứng đầu nhóm bảo thủ, duy luật. Tuy nhiên, trong lời phát biểu trong công nghị này, cho dù ông hoàn toàn ủng hộ lập trường của Phêrô về việc những người dân ngoại vẫn được Chúa chọn, ông vẫn lo lắng về đời sống chung trong cộng đoàn.

Trong sách Lêvi 17, 10-14 qui định về việc tôn trọng sự sống qua việc không ăn huyết của con vật, buộc tất cả mọi người Israel cũng như những ngoại kiều sống trên vùng đất Chúa ban phải giữ[3]. Còn về bổn phận tuân giữ luật thanh sạch trong đời sống luân lý, cách sống làm cho người do thái được những người dân ngoại kính trọng, cũng được qui định một cách chi tiết trong sách Lêvi 18, 1-30. Sách Lêvi nhấn mạnh: “Các ngươi phải giữ điều Ta truyền giữ, là không được thực hành các quy tắc ghê tởm mà người ta đã thực hành trước các ngươi, và các ngươi không được làm cho mình ra ô uế vì những điều ấy. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi” (c. 30). Những điều qui định của sách Lêvi buộc tất cả mọi người sống “trên đất Chúa hứa ban” phải tuân giữ. Nhưng khi Tin Mừng được loan truyền đến vùng đất dân ngoại, thì có buộc những người ngoại trở lại phải tuân giữ như người do thái không? (Có buộc phải do thái hóa đời sống xã hội ngoại giáo không?)

Giacôbê không từ chối sự kiện sự trở lại của người ngoại là công việc của Thiên Chúa: “Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người” (Cv 15, 14). Vì như lời Zacharia 2, 15 đã nói: “Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng ĐỨC CHÚA: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Bấy giờ, (các) người sẽ nhận biết rằng ĐỨC CHÚA các đạo binh đã phái tôi đến với (các) người”. Giacôbê đã nhìn trong nhãn quan của Amos để thấy rằng ngày Chúa dựng lại ngôi lều của Đavít, Ngài sẽ tập họp những người còn lại trong dân Israel và “tất cả những dân ngoại được mang danh Chúa”, làm thành một dân mới nhờ Danh Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là nhờ niềm tin vào Ngài.  Đối với ông, những biến cố đang xảy ra là việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa: Thiên Chúa lập nên 2 dân tộc khác nhau vì danh Ngài: không phải là vấn đề họ trộn lẫn vào nhau, nhưng họ sống với nhau một cách hài hòa và khôn ngoan. Vào lúc đó, đối với Giacôbê, nó xứng đáng làm gợi lên một cách sống (modus vivendi) được mọi người chấp nhận.

Để hiểu được kiến nghị của ông, phải đặt sự tương hợp trong cách suy nghĩ của do thái giáo: Giacôbê từ chối việc đòi hỏi người ngoại trở lại phải đi qua giai đoạn của người dự tòng, đòi hỏi được cắt bì để được gia nhập trọn vẹn vào dân thứ nhất của Thiên Chúa. Điều đó mang lại sự hài lòng cho đoàn đại biểu của Antioche. Nhưng để cho phép những người judeo-chretiens cùng sống hòa bình với những anh chị em dân ngoại trở lại, người ta đòi hỏi những người này phải tôn trọng một số điều cấm kỵ: đó là những điều mà người ta yêu cầu những người dân ngoại sống trên đất thánh phải tôn trọng, để giữ được mối tương quan hàng xóm thân thiện với người do thái, theo Lv 17, 10-14;18 1-30.

Giacôbê tóm những yêu cầu đó thành 4 điều: kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiếtkhông ăn tiết (c. 20). Phải hiểu câu “kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng”, như câu 29 xác định, nói về những thức ăn dâng cúng cho ngẫu tượng, và việc ăn những thứ đó làm cho mình ra ô uế. Về việc ăn thịt cúng, Phaolo cũng có những hướng dẫn cụ thể trong 1 Co 8, 1 – 10, 33. Giacôbê kết luận khi cho rằng những đòi hỏi này không có vẻ xa lạ với những người chắc chắn đã có sự hiểu biết về luật Moisen, từ sự kiện là đã có những hội đường trong các cộng đoàn do thái ở nước ngoài. Đề nghị của Giacôbê có vẻ làm hài lòng mọi người tham dự, bởi vì không ai muốn kéo dài cuộc tranh luận nữa.

c. Quyết định của Công nghị

Sau khi nghe Giacôbê phát biểu, “các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh” đồng ý viết một lá thư gởi cho cộng đoàn tại Antiokia.

Lá thư được ngỏ với anh chị em đến từ dân ngoại, không chỉ ở Antiokia, nhưng còn ở Syrie và Cilicie (có lẽ ở Tarse). Tarse chưa bao giờ được nói đến một cách rõ ràng như là nơi đã được rao giảng Tin Mừng, nhưng Phaolo có thể đã làm điều đó trong thời gian ông trở về từ Giêrusalem (cf. 9, 30). Công nghị đã chọn hai ông Giuda và Sila, những người có uy tín trong Hội Thánh, cùng với Phaolo và Barnaba, cầm lá thư đến cho cộng đoàn. Phái đoàn đã chuyển một cách long trọng quyết định do Thánh Thần và toàn thể công nghị, nghĩa là không do quyết định của một phe nhóm nào, nhưng là toàn thể Giáo Hội và Thánh Thần.
 
 

[1] Judéo-chrétien là từ dùng để chỉ những người kitô hữu vẫn còn giữ theo truyền thống của do thái giáo. Pagano-chrétien là từ dùng để chỉ những kitô hữu gốc dân ngoại trở lại.
 
[2] Theo cha Trịnh Hưng Kỷ, “Sách TĐCV có hai bản văn: một bản văn thuộc hiệu bản H, gọi là bản văn Đông Phương, và một bản văn thứ hai dài hơn 1/10 thuộc hiệu bản D, cũng gọi là bản văn Tây Phương. Thường người ta coi bản văn thứ nhất gần nguyên bản hơn.”
 
[3] Bất cứ người nào thuộc nhà Ít-ra-en hoặc trong số ngoại kiều sống giữa chúng, ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó; vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống. Vì thế, Ta đã bảo con cái Ít-ra-en: Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết.

Bất cứ người nào, thuộc con cái Ít-ra-en hoặc trong số ngoại kiều sống giữa chúng, săn được một con thú hoặc một con chim được phép ăn, thì phải đổ máu nó ra và lấy bụi đất phủ lên ; vì mạng sống của mọi xác thịt là máu nó bao lâu nó còn sống, và Ta đã bảo con cái Ít-ra-en : Các ngươi không được ăn huyết của bất cứ xác thịt nào, vì mạng sống của mọi xác thịt là máu nó ; bất cứ ai ăn huyết sẽ bị khai trừ.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 216
  •   Máy chủ tìm kiếm 15
  •   Khách viếng thăm 201
 
  •   Hôm nay 38,124
  •   Tháng hiện tại 1,168,486
  •   Tổng lượt truy cập 81,101,386