Chú giải Lời Chúa Chúa nhật XIII Thường Niên - Năm A

Thứ năm - 29/06/2023 17:00      Số lượt xem: 413

Chủ đề Chúa nhật XIII Thường Niên năm A này có thể được gọi là Chúa nhật của sự đón tiếp. Đây là chủ đề được bàn đến trong bản văn Cựu Ước, cũng như trong bản văn Tin Mừng.

CN 13 TN A 4
2V 4: 8-11, 14-16
Bài Đọc I, được trích từ sách Các Vua cuộn hai, thuật lại một người phụ nữ ngoại giáo xứ Su-nêm đã đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa, người của Thiên Chúa, một cách vô vị lợi vào thế kỷ IX tCn.
Rm 6:3-4,8-11
Từ Chúa nhật XIII này cho đến Chúa nhật XXIV Thường Niên năm A, chúng ta đọc thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Bản văn hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về Bí tích Thánh Tẩy.
Mt 10:37-42
Tin Mừng Mát-thêu hôm nay được trích từ diễn từ về “sứ mạng truyền giáo” của Đức Giê-su, trong đó Đức Giê-su khuyên các môn đệ từ bỏ chính mình và mời gọi các cộng đồng Ki-tô hữu tiếp đón họ như chính Ngài: “Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy”.

BÀI ĐỌC I (2V 4: 8-11, 14-16)
Hai cuộn sách “Các Vua” tường thuật lịch sử mười chín vua Ít-ra-en và hai mươi vua Giu-đa. Trong toàn bộ Cựu Ước, hai tác phẩm này được minh họa bằng một số lượng lớn những chuyện truyền kỳ ý nhị, ly kỳ, về những ngôn sứ có đời sống tôn giáo rất tinh tế.
1. Những chuyện truyền kỳ về các ngôn sứ trong hai sách Các Vua:
Các ngôn sứ chiếm một vị thế đáng kể ở trong hai tác phẩm này. Về lãnh vực “chính trị”, họ là những người gây dựng và phá đổ các vua; về lãnh vực “tôn giáo”, họ là những người bảo vệ lòng trung tín đối với Đức Chúa; về lãnh vực “thần thông”, họ có quyền phép thực hiện những điềm thiêng dấu lạ. Ba ngôn sứ vĩ đại trổi vượt trên tất cả các ngôn sứ khác: Ê-li-a, Ê-li-sa vào thế kỷ IX, và I-sai-a vào thế kỷ VIII tCn.
Ngôn sứ Ê-li-sa là một điền chủ giàu có, được ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi trở thành môn đệ truyền chân của mình. Không một chút ngần ngại, ông đã từ bỏ tất cả mà theo thầy. Từ đó, ông trở thành bạn đồng hành trung thành và kế nghiệp thầy sau khi thầy biến mất một cách mầu nhiệm. Như thầy mình là ngôn sứ Ê-li-a, ngôn sứ Ê-li-sa thi hành sứ vụ của mình trong vương quốc miền Bắc, chủ yếu dưới triều đại của vua Giô-ram (852-841 tCn).
Tập truyện về ngôn sứ Ê-li-sa thì đầy dẫy những kỳ tích chẳng kém gì tập truyện của ngôn sứ Ê-li-a. Chắc hẳn các môn đệ của vị ngôn sứ này, vì muốn độc giả thấy rằng thầy mình chẳng thua kém vị tiền nhiệm của thầy nên đã gán cho ông những kỳ tích tương tự, thậm chí giống y như những kỳ tích của ngôn sứ Ê-li-a. Chẳng hạn như ngôn sứ Ê-li-sa thực hiện phép lạ khi làm cho bình dầu của một bà góa không hề vơi (x. 2V 4: 1-7) có thể sánh ví với phép lạ mà ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho bà góa xứ Xa-rếp-ta. Phép lạ này mở đầu cho câu chuyện về lòng hiếu khách của một người phụ nữ xứ Su-nêm được trích dẫn hôm nay.
2. Lòng hiếu khách của người phụ nữ xứ Su-nêm:
Su-nêm là một thành phố nhỏ bé miền Ga-li-lê, gần thành Na-im, dưới chân núi Hê-môn. Vào thời Cựu Ước có nhiều người Su-nêm sinh sống ở đây. Người phụ nữ Su-nêm nổi tiếng nhất là vị hôn thê của sách Diễm Tình Ca. Đó cũng là người phụ nữ xứ Su-nêm của sách Các Vua cuộn hai này. Bản văn nói với chúng ta rằng bà “thuộc giới thượng lưu”, nghĩa là “một mệnh phụ”.
Lòng hiếu khách vốn là tập quán của các dân tộc thời xưa. Việc tiếp đãi khách vừa tự phát vừa quảng đại. Cựu Ước cung cấp cho chúng ta nhiều mẫu gương về lòng hiếu khách này. Tuy nhiên, lòng hiếu khách của người phụ nữ xứ Su-nêm này không là chuyện thường tình. Người khách mà bà tiếp đón tận tình trong nhà mình, không chỉ là một khách qua đường nhưng còn là “một người của Thiên Chúa”, nghĩa là một ngôn sứ. Bà bảo xây cho vị ngôn sứ một phòng nhỏ trên sân thượng, là nơi hảo hạng ở đó người ta thích ẩn mình hay nằm nghỉ qua đêm vào những lúc khí trời nóng nực.
3. Lòng hiếu khách được đền đáp:
Ngôn sứ Ê-li-sa muốn đền đáp sự tiếp đón thịnh tình của bà bằng một cử chỉ biết ơn. Ông cho mời bà Su-nêm đến. Bà đến đứng ngoài cửa. Lúc đó vị sứ giả của Thiên Chúa cho bà một lời hứa mà chỉ có sứ giả của Thiên Chúa mới có thể thực hiện được bởi vì vào lúc đó bà không thể sinh con, còn chồng bà đã cao niên: “Sang năm, cũng vào thời kỳ này, bà sẽ có cháu trai bồng”. Chuyện tích này được điểm tô với những hồi ức của sách Sáng Thế, trong đó ba sứ thần Đức Chúa ban cho bà Sa-ra cùng một lời hứa như vậy (x. St 18: 10).
Phần cuối câu chuyện không trích dẫn cho chúng ta trong bản văn hôm nay. Con trẻ chết bất đắc kỳ tử. Ngôn sứ Ê-li-sa phục sinh cậu như ngôn sứ Ê-li-a đã phục sinh con trai bà góa xứ Xa-rếp-ta. Hai chuyện tích này xem ra như bộ đôi, nằm giữa truyền thuyết và lịch sử. Người kể chuyện đã muốn nhấn mạnh rằng việc tiếp đón vô vị lợi và nhân ái có một tầm quan trọng dưới thánh nhan Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay trở lại chủ đề này về tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với những ai thực hành lòng hiếu khách này.
 
BÀI ĐỌC II (Rm 6:3-4,8-11)
Thư gởi tín hữu Rô-ma này được viết từ Cô-rin-tô vào mùa đông năm 57-58 trong đó thánh Phao-lô trình bày một tổng thể đạo lý rộng lớn mà thánh nhân nhắc lại trong các thư của mình. Trong đoạn trích thư hôm nay, thánh Phao-lô trình bày thần học về bí tích Thánh Tẩy cách hùng hồn sống động. Thần học này phù hợp với thần học mà chính Đức Giê-su ngỏ lời với ông Ni-cô-đê-mô: “Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3: 5).
Những gì thánh Phao-lô khai triển ở đây dựa vào nghi thức Thánh Tẩy được cử hành trong Giáo Hội tiên khởi: nhận chìm mình trong nước. Dự tòng bước xuống nhận chìm vào bể nước Thánh Tẩy và khi người ấy bước lên khỏi nước, người ta mặc cho người ấy một chiếc áo trắng tinh tuyền, dấu chỉ của sự biến đổi thành một con người mới. Đây là chiều kích biểu tượng đầu tiên về bể nước thánh tẩy và ơn thánh hóa. Chính thánh Phao-lô đã gợi lên điều này nhiều lần như khi thánh nhân viết cho tín hữu Cô-rin-tô: “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!” (1Cr 6: 11), và như khi thánh nhân viết cho tín hữu Ê-phê-xô: “Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống” (Ep 5: 25-26).
Nhưng trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân diễn tả nghi thức Thánh Tẩy thành biểu tượng của sự chết và cuộc tái sinh, thậm chí cả cuộc phục sinh, biểu tượng này liên kết cách biểu cảm hơn giá trị thánh hóa của bí tích Thánh Tẩy với cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
1. Biểu tượng của cái chết:
Bể nước Thánh Tẩy được sánh ví với ngôi mộ trong đó người chịu phép Thánh Tẩy như được mai táng: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để nên một với Đức Ki-tô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người”.
Cái chết của Đức Ki-tô là “chết đối với tội”. Khi chấp nhận cái chết thể lý, Đức Ki-tô làm cho mình trở nên liên đới với nhân loại tội lỗi. Người chịu phép Thánh Tẩy, bằng cách tái hiện cái chết này một cách mầu nhiệm, cũng chết vì tội lỗi, vì thế nên một với Đức Ki-tô người ấy có thể chiến thắng sự dữ.
2. Biểu tượng của sự sống:
Vì thế, việc trồi lên khỏi nước có thể được sánh ví với cuộc tái sinh, khai mở một cuộc sống mới, theo sát nghĩa: một cuộc hành trình vào một đời sống mới. Sức mạnh đầy năng động của Chúa Thánh Thần mà dự tòng lãnh nhận ở bí tích Thánh Tẩy được gợi ý cách mặc nhiên.
Ngoài ra, người ấy được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, đó là bảo chứng cho cuộc phục sinh: “Cũng như Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết do quyền năng vinh hiển của Chúa Cha… Chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”. Thánh Phao-lô cũng sẽ viết cho tín hữu Cô-lô-xê theo cùng những từ ngữ như vậy, khi thánh nhân bị giam cầm ở Rô-ma: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được chỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2: 12). Như vậy, ngay từ bây giờ chứ không phải đợi đến cuộc sống mai hậu, nếu chúng ta chết đối với tội, Đức Ki-tô cho chúng ta được sống bằng sự sống của Ngài.
 
TIN MỪNG (Mt 10:37-42
Thánh Mát-thêu đã tập hợp những lời dạy của Đức Giê-su thành năm bài diễn từ: diễn từ trên núi, cũng được gọi “Hiến Chương Nước Trời” (bắt đầu với các mối phúc thật), diễn từ về sứ vụ truyền giáo, diễn từ về các dụ ngôn, diễn từ về Giáo Hội và diễn từ về thời cánh chung. Diễn từ về “sứ vụ truyền giáo” hình thành nên một đơn vị rất rõ nét: Đức Giê-su vừa mới chọn nhóm Mười Hai và trình bày cho họ những gì Ngài chờ đợi từ họ. Vào Chúa nhật XIII này, bản văn chỉ trích dẫn những huấn thị sau cùng.
1. Người Tông Đồ và sự từ bỏ:
Đức Giê-su đòi hỏi các Tông Đồ phải từ bỏ cách triệt để. Đây là lời mời gọi theo Đức Giê-su không một chút do dự, không lưu luyến quá khứ, yêu mến Ngài vô giới hạn, trên cả những mối tình thâm ruột thịt. Rồi, dưới Giao Ước Cũ, chi tộc Lê-vi, được thánh hiến để phụng sự Đức Chúa, bị đòi hỏi phải từ bỏ tương tự. Lê-vi là “người đã nói về cha mẹ nó: ‘Tôi không nhìn thấy họ’, anh em nó, nó không nhìn nhận, con cái nó, nó không biết” (Đnl 33: 9).
Chính Đức Giê-su đã cho một mẫu gương, Ngài đã rời bỏ gia đình mình, bà con làng xóm mình, nghề nghiệp mình mà ra đi thi hành sứ vụ mình bằng việc tận hiến cho tha nhân. Khi những thân nhân của Ngài tìm cách ngăn trở sứ vụ của Ngài, Đức Giê-su trả lời: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:49-50; Mc 3: 31-35; Lc 8: 19-21).
Các Tông Đồ đã hiểu những đòi hỏi này khi Ngài cất tiếng gọi họ: “Hãy theo tôi”. Hai anh em ông Phê-rô và An-rê đã để lại thuyền và lưới mà đi theo Ngài. Hai anh em ông Gio-an và Gia-cô-bê cũng đã làm như vậy, thậm chí cả cha già của mình nữa. Ông Mát-thêu, viên chức thu thuế, đã không một chút do dự từ bỏ nghề nghiệp béo bở hái ra tiền cũng như gia đình cùng bạn bè mà theo Ngài.
2.Người môn đệ và sự đau khổ:
Huấn lệnh khắc nghiệt này: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”, được ngỏ lời không chỉ với những người ưu tuyển mà còn với hết mọi người. Quả thật, thánh Mác-cô viết: “Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: ‘Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo’” (Mc 8: 34), còn thánh Lu-ca thì lại viết: “Rồi Đức Giê-su nói với mọi người….” (Lc 9: 23-24 và 14: 26-27).
Người ta tự hỏi phải chăng Đức Giê-su đã sử dụng diễn ngữ: “vác thập giá mình” như quy chiếu đến cuộc Khổ Nạn tương lai của Ngài, mà ngay vào lúc này các môn đệ chưa thể nào hiểu được. Hay phải chăng Đức Giê-su đã dùng những kiểu nói dễ hiểu hơn như “gánh nặng”“cái ách” thay cho hình ảnh thập giá như Ngài làm ở chỗ khác? Chúng ta không thể cho rằng hình ảnh “thập giá” không phải hình ảnh Đức Giê-su đã nói vào lúc này, bởi vì hình phạt thập giá không là điều gì xa lạ đối với những người đương thời. Hai mươi năm trước đó, chính quyền Rô-ma đã trấn áp cuộc nổi loạn của nhóm Nhiệt Thành bằng cách ra lệnh đóng đinh hàng trăm kẻ phản loạn. Và vào năm thứ tư trước Công Nguyên, quan tổng trấn Xy-ri-a, Quintilius Varus, đã ra lệnh đóng đinh vào thập giá hai ngàn người Do Thái, việc này đã để lại trong ký ức một hồi ức khủng khiếp.
Qua hình ảnh “thập giá”, Đức Giê-su báo trước nỗi đau khổ đang chờ đợi những ai muốn là môn đệ của Ngài. Đức Giê-su không tìm cách làm nhẹ đi lời nói của Ngài. Ngài đã loan báo rồi những bách hại sẽ giáng xuống trên họ (Mt 10:17-25). Tình yêu mà Ngài đòi hỏi ở nơi họ là phải đi cho đến mức liều mất mạng sống mình vì Ngài. Sau lời loan báo đầu tiên về cuộc Khổ Nạn của Ngài, Đức Giê-su sẽ lập lại những đòi hỏi căn bản này: vác lấy thập giá mình mà theo Ngài, đừng cố cứu mạng sống mình, nhưng liều mất mạng sống mình vì Ngài để gặp thấy sự sống đích thật (Mt 16:24-26 và Mc 8: 34-35; Lc 17: 33 và Ga 12: 25). Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su còn nói rõ hơn: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12: 25).
3. Cộng đoàn và sự đón tiếp:
Bù lại, những ai dám từ bỏ cách anh dũng như vậy, cộng đoàn Ki-tô hữu phải niềm nở đón tiếp họ và thấy ở nơi họ chính Đức Ki-tô và “Đấng đã sai Ngài”. Như vậy, sau khi đã phác họa một bức tranh nhiều gam màu khổ đau, Đức Giê-su lại đặt niềm tin tưởng vào các môn đệ Ngài: Ngài đồng hóa các ông với Ngài, Ngài cho các ông được liên đới với sự hiện diện của Thiên Chúa mà các ông sẽ là dấu chỉ. Đối với những ai đã từ bỏ gia đình xác thịt, Ngài hứa một gia đình thiêng liêng.
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính”. Hai thuật ngữ: “ngôn sứ” và “người công chính”, được mượn ở Cựu Ước, ở trong bản văn Tin Mừng này xem ra thuật ngữ ngôn sứ chỉ ra các nhà truyền giáo và thuật ngữ người công chính chỉ ra các tín hữu.
“Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”“Những kẻ bé nhỏ” mà Chúa Giê-su muốn nói trước hết chính là các Tông Đồ, họ thuộc về những kẻ bé mọn mà những mặc khải về Nước Trời đã được hứa ban cho họ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25). Tuy nhiên, thuật ngữ này có một ngữ nghĩa rộng lớn hơn. Thánh Mác-cô và thánh Lu-ca tường thuật rằng vào lúc đó Đức Giê-su đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9: 48; Mc 9: 36-37).

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 267
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 262
 
  •   Hôm nay 49,207
  •   Tháng hiện tại 1,359,521
  •   Tổng lượt truy cập 81,292,421