Lược sử giáo xứ Ngọc Lý

Thứ bảy - 02/10/2021 08:20      Số lượt xem: 1747

Ngọc Lý được tách ra khỏi làng Tứ Kỳ khoảng năm vua Thành Thái thứ 13, tức năm 1899, thời cha Thủy coi sóc. Tên Ngọc Lý được đặt để đối lại với thôn Kim Đôi (Ngọc đối với Kim) nhằm nói lên sự phân chia giữa hai thôn không cùng tôn giáo.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ NGỌC LÝ
 

I. Tên gọi và vị trí

Ngọc Lý nằm trong làng Tứ Kỳ (bốn ngọn Kỳ Sơn) với bốn thôn: Ngọc Lý, Tứ Kỳ Thượng, Kim Đôi và Đại Đình. Làng Tứ Kỳ còn được gọi là làng Cờ (xứ Cờ). Ngọc Lý được tách ra khỏi làng Tứ Kỳ khoảng năm vua Thành Thái thứ 13, tức năm 1899, thời cha Thủy coi sóc. Tên Ngọc Lý được đặt để đối lại với thôn Kim Đôi (Ngọc đối với Kim) nhằm nói lên sự phân chia giữa hai thôn không cùng tôn giáo.

Giáo xứ Ngọc Lý toạ lạc ở vị trí: phía Bắc giáp xã Hưng Đạo, phía Tây giáp xã Hoàng Diệu, phía Đông giáp xã Tái Sơn, phía Nam giáp xã Tân Kỳ, cách Tòa Giám mục 48 km về phía Tây.
  • Thành lập: 1783
  • Nhân danh: 850 người
  • Quan thầy: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8)
  • Linh mục chính xứ: Phêrô Hoàng Văn Thịnh
  • Giáo họ trực thuộc: Thái An, Thái Thiết, Ô Mễ, Thụy Lương, Trắm, Đoàn, Ngọc Trại
  • Địa chỉ: Thôn Ngọc Lý, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Giai đoạn từ 1783 đến 1954

Xưa kia, Ngọc Lý là vùng đất thấp nên thường xuyên bị thiên tai lụt lội đe dọa. Người dân đã lấy đất từ khu vực Lai Cầu về để bồi đắp cho Ngọc Lý được cao hơn nhằm tránh lũ lụt. Từ đó, làng Ngọc Lý dần trở nên đông đúc và ngày một phát triển. Theo truyền ngôn thì cụ Nguyễn Hữu Cầu là người đầu tiên được dân bầu ra để lãnh đạo thôn Ngọc Lý về phần đời.

Về phần Đạo, thời kỳ đầu, Ngọc Lý chỉ là một xóm đạo nhỏ bé, thưa thớt giáo dân, dưới sự coi sóc của cha xứ Kẻ Rùa (Đại Lộ). Các dòng họ theo đạo ban đầu có thể kể đến, như: họ Đặng (cụ Đặng Văn Ca), họ Đoàn (cụ Đoàn Văn Sầm), và họ Lê, sau thêm họ Nguyễn Khắc từ phương xa về lập nghiệp, lúc đó vào khoảng năm 1783. Sau nhiều năm, thấy họ đạo Ngọc Lý thêm đông, đời sống đức tin triển nở, Bề trên đã chấp thuận lời thỉnh cầu của bà con dân họ được thành lập xứ và đặt cha Huỳnh làm cha xứ tiên khởi.

Sau khi được thành lập, giáo xứ Ngọc Lý lại có thêm nhiều người theo đạo, cụ thể là hai dòng họ Nguyễn Hữu từ Lạc Dục (huyện Tứ Kỳ) và Nguyễn Văn gốc Tiên Am (huyện Vĩnh Bảo) đến đây cư ngụ. Sau này, Ngọc Lý còn đón nhận thêm một chi nhà cụ Lang Đoài từ Sơn Tây về ở, làm nghề bán thuốc. Như thế, tất cả đã làm thành một cộng đoàn đức tin sống động, một trong những giáo xứ đông đúc trong địa phận Hải Phòng.

Năm 1927, Ngọc Lý xây dựng nhà thờ mới với 7 gian và xây tháp chuông năm 1933. Trước đó, năm 1924 nhà Hội Đồng (nhà chung) cũng được xây dựng.

Đến thời cha già Hiển về coi sóc, những người theo đạo ngày một đông, nên cha đã xin bề trên cho thành lập các họ lẻ trực thuộc là Ngọc Trại, Ô Mễ, Quán Cầu và La Xá (Quán Cầu và La Xá hiện nay không còn). Năm 1933, cha già Huấn về và cho xây dựng tháp chuông, và nhà thờ được kiện toàn khang trang. Giai đoạn cha Đaminh Trần Quang Huy về đóng xứ, ngài cho lát gạch lục giác, đóng ghế băng, làm tòa cùng đắp tượng Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Ngược dòng thời gian, trong giai đoạn 1820-1840 khi đạo Chúa bị cấm cách bách hại, có nhiều người con Ngọc Lý dũng cảm làm chứng cho Đạo Chúa, điển hình là cụ Đoàn Gia Vẻ. Cụ bị bắt, bị tra tấn dã man vì không chịu bước qua Thánh giá và bỏ đạo. Trong lúc bị giam cầm, do quan thượng Nam Định ra thăm Hải Dương – ông này là kẻ ghét đạo nên lệnh đốt nhà tù để thiêu sống những người theo đạo bị giam cầm. Cụ chết lúc 63 tuổi, ngày 03/7/1862.

2. Giai đoạn 1954 đến nay

Do những biến động của thời cuộc, vào tháng 11/1952, cha Đaminh Huy cùng với một số bà con giáo dân đi vào Nam. Tiếp đó, đến năm 1954, phần lớn bà con giáo dân cũng di cư, để lại nhà xứ hoang tàn, và các sinh hoạt đạo đức không còn. Số giáo dân còn ở lại có 4 hộ gia đình. Lúc này có những người lương dân đến và lập nghiệp nơi đây. Từ một xứ đạo với sinh hoạt sầm uất, Ngọc Lý đã trở nên vắng vẻ, thưa thớt. Khó khăn tiếp nối khó khăn, khi vào năm 1968 một trận bão lớn đánh đổ một bên cánh gà nhà thờ. Cha Phước, chính xứ giáo xứ Hải Dương, đã cùng với bà con giáo dân sửa chữa lại và cho xây cột xung quanh để cho đỡ hoang tàn.

Tháng 4/1984 cha Phước qua đời, giáo xứ Ngọc Lý được cha Phêrô Đoàn Văn Kiểm quản nhiệm. Đến tháng 7/1998, Đức cha cố Giuse Nguyễn Tùng Cương đã bổ nhiệm ngài làm cha chính xứ. Cha Phêrô đã cho tu sửa lại nhà thờ (1990-1991), và lo gầy dựng đời sống đức tin, cùng với thời gian, các sinh hoạt giáo xứ cũng dần đi lên.

Ngày 08/12/2009, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đã bổ nhiệm cha Antôn Khổng Minh Hoàng làm cha xứ Ngọc Lý. Với sức trẻ và lòng nhiệt tình hăng say, cha đã cho đại tu lại toàn bộ ngôi thánh đường: thay nóc, hoành, lợp lại ngói, trùng tu lại toàn bộ gian cung thánh sơn son thiếc vàng, và xây sửa lại ngôi nhà mục vụ.

Ngày 06/12/2018, cha Phêrô Hoàng Văn Thịnh nhận bài sai của Bề trên Giáo phận về coi sóc Ngọc Lý. Với sự nhiệt thành và kinh nghiệm mục vụ, cha đã từng bước giúp cho đời sống đức tin thăng tiến, chăm lo xây dựng các hội đoàn, quan tâm đến thiếu nhi và giới trẻ, sửa sang nhà thờ, xây dựng nhà xứ.

Với truyền thống đạo đức, nhiều người con gốc Giáo xứ Ngọc Lý đã dâng mình phục vụ cho cánh đồng truyền giáo, trong đó phải kể đến: Cha Nguyễn Thượng Sơn, thụ phong linh mục năm 1955 tại Roma, qua đời năm 1988; cha Nguyễn Hữu Tài, thụ phong năm 1967, giáo phận Cần Thơ; cha Nguyễn Trung Hưng, thụ phong 1967, qua đời tại Huế năm 2014; Đức Ông Nguyễn Anh Văn, thụ phong linh mục 1968, định cư bên Mỹ; cha Nguyễn Hữu Triết, thụ phong 1971, Tổng giáo phận Sài Gòn; cha Nguyễn Văn Hoạch, thụ phong 1973, mất tại Cần Thơ năm 1991; cha Giuse Nguyễn Văn Khánh, giáo phận Cần Thơ; cha Giuse Nguyễn Phong Phú, giáo phận Xuân Lộc; cha Giuse Nguyễn Văn Khiết, giáo phận Cần Thơ.

III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Cơ cấu tổ chức của giáo xứ Ngọc Lý tuân thủ theo Lề Luật họ đạo của giáo phận. Các sinh hoạt đức tin rất sôi nổi với các hội đoàn như: Hội Rosa, Dòng ba Đa minh, Hội Lòng Thương Xót; Kim nhạc; Nam nhạc; Ca đoàn, Thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ; Hội Legio Mariae… Tất cả làm nên một bức tranh sinh động nơi giáo xứ miền quê thanh bình này.

Trong thời gian vừa qua, nhất là những năm gần đây, giáo xứ Ngọc Lý đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, những tổn thất của cuộc di cư vẫn chưa được phục hồi. Hy vọng, với những thiện chí và cố gắng của người Ngọc Lý quê hương cũng như những tấm lòng của người con xa quê luôn hướng về, cộng đoàn Giáo xứ nơi đây sẽ phát triển vững mạnh như một thời đã qua.
 
TRUYỆN ANH HÙNG TỬ ĐẠO

Ông Phêrô Vẽ, binh sĩ, hội viên Hội Mân Côi

Ông Phêrô Vẽ là người Công giáo thuộc họ đạo Ngọc Lý (Xứ Cờ), huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Còn nhỏ, ông khô khan việc đạo nghĩa, nhưng cũng vào hội Mân Côi. Lớn lên, ông lập gia đình và sinh được 8 người con.

Thời Tự Đức có lệnh cấm đạo và bắt các đầu mục và thứ mục trong đạo. Ông Vẽ lúc ấy đã 60 tuổi, bị giải lên huyện bắt phải bỏ đạo. Ông bị đánh đập tra tấn rất đau đớn, nhưng ông không chịu bước qua Thánh giá. Sau 3 ngày, ông lại bị dẫn ra tòa, lần này không thể chịu được đòn vọt dã man, ông đã trót phạm tội bỏ đạo và được tha về. Ông đau đớn vì đã phạm tội quá nặng, nên đến quỳ xuống chân cha xứ xưng tội và dốc lòng chừa từ nay không dám bước qua Thánh giá nữa.

Đến ngày 17/02/1862, quan lại đòi ông. Lần này, quan thượng ngồi tòa và bắt ông bước qua Thánh giá. Ông trả lời: “Tôi sẽ chẳng dám thế. Vì từ bé tôi vẫn giữ đạo”. Quan không bắt được thì truyền nhốt ông vào ngục. Trong tù, ông ăn chay, lần hạt và đền tội vì đã chối Chúa.

Ngày 09/5/1862, một ông quan vào khám xét trong ngục, không hiểu vì lý do gì. Ông xem sổ những người đã đạp Thánh giá và sổ những người chưa đạp Thánh giá mà quá 70 tuổi. Vì có luật không xử phạt những người 70 tuổi, nhưng ông Vẽ mới có 63 tuổi, mà chưa đạp Thánh giá. Họ cho ông và một số người sang trại khác. Ngục hẹp và chật chội, người thì quá đông, lại mỗi ngày chỉ cho một nắm cơm, ông Vẽ chịu không nổi nên mắc bệnh tả lỵ. Lúc đó, ông quan thượng Nam Định là người ghét đạo, ra thăm thành Hải Dương, định cho đốt hết người có đạo trong trại. Quan tổng đốc Hải Dương có lòng thương muốn đốt ban ngày cho người ta còn biết lối chạy trốn, nhưng quan thượng lại cho đốt lúc nửa đêm, nên nhiều người đã chết cháy, số khác dẫm đạp nên nhau mà chết do trời tối không biết đường thoát.

Ông Vẽ vừa già yếu vừa bệnh tật, lại bị đói, nên bị chết cháy với khá nhiều người trong ngục.  Có lẽ ông chết ngày 03/7/1862, lúc đó ông được 63 tuổi.

Dữ liệu: Giáo xứ Ngọc Lý
Biên soạn: BTTGP
* Ghi chú:
Tài liệu lịch sử giáo xứ Ngọc Lý đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự góp ý chân thành của quý Đấng bậc và quý Độc giả. Xin chân thành cám ơn. Email liên hệ:
[email protected]. Xin trân trọng cám ơn!

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 302
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 293
 
  •   Hôm nay 23,976
  •   Tháng hiện tại 1,334,290
  •   Tổng lượt truy cập 81,267,190