Giáo lý cho bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh

Thứ sáu - 22/12/2023 07:42      Số lượt xem: 813

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập WHĐ xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Le Giang Sinh 5
GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG

(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
LỄ CHÚA GIÁNG SINH
 

Số 456-460, 466: Tại sao Ngôi Lời làm người?

456. Cùng với Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli, chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”[1].
457. Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi” (1 Ga 3,5):
“Bản tính chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần vào sự thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối, nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đầy nên mong người cứu chuộc; bị thua trận, nen cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm cho Thiên Chúa động lòng hay sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại, trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”[2]
458. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (l Ga 4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,l6).
459. Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi…” (Mt 11,29). “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga l4,6). Và trên núi Hiển Dung, Chúa Cha đã truyền: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7)[3]. Người đúng là gương mẫu của các mối phúc thật và là chuẩn mực của Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga l5,l2). Tình yêu này đòi hỏi người ta thật sự hiến thân để đi theo Người[4].
460. Ngôi Lời đã làm người để làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr l,4). “Chính vì điều này mà Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, Đấng là Con Thiên Chúa trở nên Con Người, đó là để cho loài người, khi kết hợp với Ngôi Lời của Thiên Chúa và nhận quyền làm nghĩa tử, thì được trở nên con cái Thiên Chúa”[5]. “Chính Người đã làm người, để chúng ta được trở thành những vị thần”[6]. “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, nên đã mang lấy bản tính của chúng ta, để Đấng đã làm người, làm cho người ta trở thành những vị thần”[7].
466. Lạc thuyết cua Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alêxanđria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[8]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa: “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[9].
 

Số 461-463, 470-478: Nhập Thể

461. Lấy lại cách nói của thánh Gioan (“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể”: Ga 1,14), Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi sự kiện Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính nhân loại, để thực hiện việc cứu độ chúng ta trong bản tính ấy. Trong một thánh thi do thánh Phaolô ghi lại, Hội Thánh hát mừng mầu nhiệm Nhập Thể như sau:
“Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu: Chúa Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,5-8)[10].
462. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói về mầu nhiệm ấy như sau:
“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7, trích Tv 40,7-9, bản LXX).
463. Tin vào việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo. “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến, và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa” (l Ga 4,2). Đó cũng là niềm xác tín hân hoan của Hội Thánh ngay từ buổi đầu, khi hát mừng “mầu nhiệm cao cả của đạo thánh”: “Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm” (1 Tm 3,16).
Con Thiên Chúa làm người như thế nào?
470. Trong sự kết hợp kỳ diệu của mầu nhiệm Nhập Thể, “bản tính nhân loại được đảm nhận, chứ không bị hoà tan”[11], nên qua các thế kỷ, Hội Thánh hằng tuyên xưng Chúa Kitô có một linh hồn nhân loại thật với các hoạt động của trí tuệ và ý chí, và một thân xác nhân loại thật. Nhưng đồng thời Hội Thánh đã phải luôn nhắc lại rằng bản tính nhân loại của Đức Kitô thuộc hẳn về Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã đảm nhận nó. Tất cả những gì Đức Kitô là và tất cả những gì Người làm trong bản tính nhân loại, đều xuất phát từ “một Đấng trong Ba Ngôi Thiên Chúa”. Vì vậy, Con Thiên Chúa truyền thông cho nhân tính của Người cách thức hiện hữu riêng của Ngôi Vị mình trong Ba Ngôi. Như vậy, trong linh hồn cũng như trong thân xác của Người, Đức Kitô diễn tả theo cách thế nhân loại cung cách hành xử của Thiên Chúa Ba Ngôi[12]:
“Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sư, ngoại trừ tội lỗi”[13].
Linh hồn và tri thức nhân loại của Đức Kitô
471. Apôlinariô Laođicensê cho rằng trong Đức Kitô, Ngôi Lời đã thay thế linh hồn hay tinh thần. Để chống lại điều sai lạc này, Hội Thánh tuyên xưng: Ngôi Con hằng hữu cũng đã đảm nhận một linh hồn nhân loại có lý trí[14].
472. Linh hồn nhân loại này, mà Con Thiên Chúa đã đảm nhận, đã được phú bẩm một tri thức nhân loại thật sự. Tri thức này, theo đúng nghĩa, tự nó không thể có tính chất vô hạn: nó được hình thành trong các điều kiện lịch sử của cuộc sống trong không gian và thời gian. Do đó, Con Thiên Chúa khi làm người, đã có thể chấp nhận “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa” (Lc 2,52) và thậm chí Người còn phải tìm hiểu về những điều mà trong điều kiện nhân loại, phải được học hỏi qua kinh nghiệm[15]. Điều này phù hợp với việc Người tự nguyện hạ mình “mặc lấy thân nô lệ”[16].
473. Nhưng, đồng thời, tri thức nhân loại thật sự này của Con Thiên Chúa cũng diễn tả sự sống thần linh của Ngôi Vị của Người[17]. “Con Thiên Chúa biết hết mọi sự; và con người mà Người tiếp nhận cũng biết như thế, không phải do bản tính, nhưng do kết hợp với Ngôi Lời. Nhân tính, được kết hợp với Ngôi Lời, biết hết mọi sự và biểu hiện những đặc tính thần linh xứng với uy quyền nơi mình”[18]. Trước hết, đó là trường hợp Con Thiên Chúa làm người có một sự hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Cha của Người[19]. Trong tri thức nhân loại của mình, Chúa Con cũng cho thấy Người có khả năng thần linh nhìn thấu những tư tưởng thầm kín trong lòng dạ người ta[20].
474. Tri thức nhân loại của Đức Kitô, vì được kết hợp với Đức Khôn Ngoan thần linh trong Ngôi Lời nhập thể, hiểu biết đầy đủ các kế hoạch vĩnh cửu mà Người đến để mạc khải[21]. Điều Người nói là Người không biết trong lãnh vực này[22], thì ở chỗ khác Người tuyên bố là Người không có sứ vụ mạc khải điều ấy[23].
Ý muốn nhân loại của Đức Kitô
475. Một cách tương tự, trong Công đồng chung thứ VI, Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Đức Kitô có hai ý muốn và hai hoạt động theo hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại, không đối kháng nhưng hợp tác với nhau, cho nên Ngôi Lời làm người, trong sự phục tùng theo nhân tính đối với Chúa Cha, đã muốn điều mà Người đã quyết định, theo thần tính, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, về ơn cứu độ chúng ta[24]. Hội Thánh nhận biết rằng “ý muốn nhân loại của Người luôn theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng, không đối kháng, và hơn nữa, ý muốn nhân loại của Người đã phục tùng ý muốn thần linh và toàn năng của Người”[25].
Thân xác thật của Đức Kitô
476. Bởi vì Ngôi Lời đã làm người khi đảm nhận một nhân tính thật, nên thân xác của Đức Kitô có những nét xác định rõ ràng[26]. Do đó, dung nhan nhân loại của Chúa Giêsu có thể được “hoạ lại”[27] Trong Công đồng chung thứ VII[28], Hội Thánh công nhận việc Người được trình bày qua các ảnh tượng thánh là hợp pháp.
477. Đồng thời, Hội Thánh cũng luôn luôn công nhận: trong thân xác của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa vốn là Đấng vô hình, đã xuất hiện hữu hình cho chúng ta”[29]. Thật vậy, các đặc điểm cá nhân của thân xác Đức Kitô diễn tả Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhận làm của mình những nét nhân dạng của thân xác Người, cho nên khi được hoạ lại nơi một ảnh tượng thánh nào đó, những nét này có thể được tôn kính, bởi vì khi tín hữu tôn kính ảnh tượng thánh, là họ “tôn thờ chính Đấng mà ảnh tượng thánh ấy diễn tả”[30].
Trái tim của Ngôi Lời nhập thể
478. Trong cuộc đời của Người, trong lúc Người hấp hối và trong lúc Người chịu khổ nạn, Chúa Giêsu biết và yêu thương mọi người và từng người chúng ta, và Người đã tự hiến mạng vì mỗi người chúng ta. Con Thiên Chúa “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Người đã yêu mến tất cả chúng ta bằng một trái tim nhân loại. Do đó Trái Tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta[31], “được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu, qua đó Đấng Cứu Chuộc thần linh hằng liên lỉ yêu mến Chúa Cha vĩnh cửu và yêu mến tất cả mọi người”[32].
 

Số 437, 525-526: Mầu nhiệm Giáng Sinh

437. Thiên thần đã loan báo cho các mục đồng việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu, với tính cách là việc ra đời của Đấng Messia đã được hứa ban cho Israel: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Ngay từ đầu, Chúa Giêsu là “Đấng Chúa Cha đã hiến thánh và sai đến thế gian” (Ga l0,36), với tư cách là “Đấng Thánh” (Lc 1,35) được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria[33]. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi đón bà Maria vợ ông về, “vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), để Chúa Giêsu, “cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16), được sinh ra do vợ ông Giuse trong dòng tộc thiên sai (in generatione messianica) của vua Đavid.[34]
525. Chúa Giêsu đã ra đời trong cảnh bần hàn của chuồng bò lừa, trong một gia đình nghèo[35]; các mục đồng chất phác là những chứng nhân đầu tiên của biến cố. Chính trong cảnh nghèo hèn này mà vinh quang thiên quốc được tỏ lộ[36]. Hội Thánh không ngừng hoan hỉ hát mừng vinh quang đêm ấy:
“Hôm nay Đức Trinh Nữ sinh hạ Đấng Hằng Hữu, và thế gian dâng tặng hang đá cho Đấng Chí Tôn. Các Thiên thần cùng với các mục đồng tôn vinh Người, các đạo sĩ tiến bước theo ánh sao: bởi vì một Hài Nhi bé nhỏ, là Thiên Chúa vĩnh cửu, đã được sinh ra cho chúng ta!”[37]
526. “Trở nên trẻ nhỏ” trong tương quan với Thiên Chúa là điều kiện để vào Nước Trời[38]; để được vậy, cần phải tự hạ[39], phải trở nên bé mọn; hơn nữa, còn phải “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,7), được sinh ra từ Thiên Chúa[40] để trở nên con cái Thiên Chúa[41]. Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực hiện nơi chúng ta khi Đức Kitô “được thành hình” nơi chúng ta[42]. Việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của “việc trao đổi kỳ diệu” này:
“Cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu! Đấng Tạo Hoá của nhân loại, nhận lấy một thân xác có linh hồn, khấng hạ sinh bởi một Trinh Nữ; khi làm người mà chẳng cần mầm giống nam nhân, Người đã rộng ban cho chúng ta thần tính của Người”[43].
 

Số 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là Con vua Đavid

439. Nhiều người Do Thái, và cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm hy vọng của Israel, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu những nét cơ bản của “Con vua Đavid”, Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Israel[44]. Chúa Giêsu đã chấp nhận danh hiệu Messia, Người có quyền làm như vậy[45], nhưng Người chấp nhận một cách dè dặt, bởi vì danh hiệu này bị một số người đương thời với Người hiểu theo một quan niệm quá phàm trần[46], đặc biệt mang tính chất chính trị.[47]
496. Ngay trong các công thức đức tin đầu tiên[48], Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, và Hội Thánh cũng khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này: Chúa Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm giống nam nhân”[49]. Các Giáo Phụ nhận ra việc thụ thai đồng trinh là dấu chỉ của việc Con Thiên Chúa thật sự đã đến trong bản tính nhân loại như chúng ta.
Thánh Ignatiô Antiôchia (đầu thế kỷ II) dạy: “Tôi đã nhận thấy anh em… xác tín rằng Chúa chúng ta, thật sự xuất thân từ dòng dõi vua Đavid theo xác phàm[50], là Con Thiên Chúa theo ý định và quyền năng Thiên Chúa[51], Người đã thật sự được sinh ra bởi một trinh nữ;… Người đã thật sự chịu đóng đinh trong thân xác vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô…. Người đã thật sự chịu khổ hình cũng như đã thật sự sống lại”[52].
559. Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Messia của mình như thế nào? Chúa Giêsu, Đấng luôn trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua[53], đã chọn thời điểm và chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến vào Giêrusalem, thành của “Đavid, tổ tiên Người” (Lc l,32) với tư cách là Đấng Messia[54]. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavid, như Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Đức Vua vinh hiển” (Tv 24,7-l0) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9) tiến vào thành: Người không chinh phục Thiếu nữ Sion, hình ảnh của Hội Thánh Người, bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm tốn, là bằng chứng của sự that[55]. Vì vậy, ngày hôm đó, thần dân của Nước Người là các trẻ em[56] và “những người nghèo của Thiên Chúa”, họ tung hô Người giống như các Thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng[57]. Lời tung hô của họ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118,26) được Hội Thánh dùng lại trong kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” để mở đầu phụng vụ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.
2616. Lúc Người còn đang thi hành tác vụ, lời cầu nguyện với Chúa Giêsu đã được chính Người nhận lời, qua các dấu lạ, những dấu lạ này tiền dự vào sức mạnh của sự chết và sự sống lại của Người. Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện của đức tin, được diễn tả bằng lời nói (của người bệnh phong[58], của ông Giairô[59], của người phụ nữ Canaan[60], của người trộm lành[61]), hay trong thinh lặng (của những kẻ khiêng người bất toại[62], của người đàn bà bị bệnh loạn huyết đụng chạm vào áo Người[63], nước mắt và dầu thơm của người phụ nữ tội lỗi[64]). Lời nài xin tha thiết của những người mù: “Lạy Con Vua Đavid, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27) hay “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavid, xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10,48) được sử dụng lại trong truyền thống Khẩn nguyện Chúa Giêsu (Oratio ad Iesum): “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu luôn đáp lại lời cầu xin Người với đức tin, bằng cách chữa lành bệnh tật hoặc thứ tha tội lỗi: “Cứ về bình an, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Thánh Augustinô đã khéo léo tóm tắt ba chiều kích của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta”[65].
 

Số 65, 102: Thiên Chúa đã phán dạy mọi sự trong Ngôi Lời của Ngài

65. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông ta qua các tiên tri ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, hoàn hảo và cao cả nhất của Chúa Cha. Nơi Người, Thiên Chúa đã nói tất cả, và sẽ không có lời nào khác ngoài Lời đó. Sau bao vị khác, thánh Gioan Thánh giá đã diễn tả điều này một cách rõ ràng, khi chú giải câu Dt 1,1-2:
“Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa. Những gì trước kia Ngài chỉ nói từng phần qua các tiên tri, thì nay Ngài đã nói hết trong Đấng mà Ngài đã trao ban trọn vẹn cho chúng ta, tức là Con của Ngài. Do đó, bây giờ mà có ai còn muốn hỏi Thiên Chúa điều gì hoặc nài xin Ngài một thị kiến hay mạc khải nào nữa, thì người ấy chẳng những làm một chuyện điên rồ, mà xem ra còn xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi không chăm chú nhìn vào Đức Kitô mà lại tìm kiếm một cái gì khác hoặc một điều mới lạ ngoài Đức Kitô”[66].
102. Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài[67]:
“Anh em hãy nhớ rằng một Lời duy nhất của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Thánh Kinh, một Lời duy nhất vang trên môi miệng của các Thánh. Lời này lúc khởi đầu là Thiên Chúa hướng về Thiên Chúa, lúc ấy Lời không có các âm vận, bởi vì Ngài không lệ thuộc thời gian”[68].
 

Số 333: Ngôi Lời nhập thể được tôn thờ bởi các Thiên thần

333. Từ cuộc Nhập Thể cho tới cuộc Thăng Thiên, cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể được hầu cận bằng sự tôn thờ và phục vụ của các Thiên thần. “Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: ‘Mọi Thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người’” (Dt 1,6). Ca khúc ngợi khen của các Thiên thần khi Đức Kitô giáng sinh không ngừng vang vọng trong lời ca tụng của Hội Thánh: “Vinh danh Thiên Chúa…” (Lc 2,14). Các Thiên thần bảo vệ Chúa Giêsu khi Người còn thơ ấu[69], phục vụ Người trong hoang địa[70], an ủi Người trong cơn hấp hối[71], khi Người đã có thể được các vị cứu khỏi tay kẻ thù[72], như dân Israel xưa[73]. Các Thiên thần cũng rao giảng Tin Mừng ”[74] khi loan báo Tin Mừng về việc Nhập Thể[75] và về việc Phục Sinh của Đức Kitô[76]. Các ngài loan báo việc Đức Kitô lại đến[77], và khi Người đến, các ngài sẽ có mặt để phục vụ việc xét xử của Người[78].
 

Số 1159-1162, 2131, 2502: Việc Nhập Thể và các ảnh tượng của Đức Kitô

1159. Ảnh tượng thánh, ảnh tượng phụng vụ, chủ yếu trình bày Đức Kitô. Ảnh tượng không thể trình bày Thiên Chúa vô hình và khôn tả; việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã mở đầu một “nhiệm cục” mới của các ảnh tượng:
“Xưa kia Thiên Chúa, Đấng không có thân xác và diện mạo, không bao giờ được trình bày bằng ảnh tượng. Nhưng nay, sau khi Người đã tự trở nên hữu hình trong xác phàm và sống giữa loài người, tôi có thể họa một hình ảnh về điều tôi thấy nơi Thiên Chúa…. Vậy sau khi dung nhan được mạc khải, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Chúa”[79].
1160. Nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo dùng hình ảnh để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng, sứ điệp mà Sách Thánh lưu truyền bằng lời. Hình ảnh và lời nói làm sáng tỏ lẫn nhau:
“Chúng tôi tuyên bố cách vắn tắt rằng, chúng tôi gìn giữ nguyên vẹn mọi truyền thống hoặc thành văn, hoặc bất thành văn của Hội Thánh, đã được ký thác cho chúng tôi. Một trong những truyền thống này là việc sử dụng ảnh tượng, vốn phù hợp với việc rao giảng lịch sử Tin Mừng. Việc sử dụng ảnh tượng góp phần nói lên sự chắc chắn xác thực, chứ không phải chỉ là dáng vẻ, của việc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, và góp phần mang lại lợi ích cho chúng tôi. Những gì soi sáng cho nhau, thì chắc chắn có những ý nghĩa hỗ tương”[80].
1161. Tất cả các dấu chỉ của việc cử hành phụng vụ đều quy hướng về Đức Kitô: kể cả các ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh. Thật vậy, các ảnh tượng này nói về Đức Kitô, Đấng được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng này cho thấy “ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1), các ngài đang tiếp tục tham dự vào công trình cứu độ trần gian và chúng ta được liên kết với các ngài, nhất là khi cử hành các bí tích. Qua ảnh tượng của các ngài, điều được mạc khải cho đức tin của chúng ta là, con người, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, cuối cùng được biến hình nên “giống như Thiên Chúa”[81], và cả các Thiên thần, là những vị đã được quy tụ lại trong Đức Kitô:
“Theo giáo huấn của các Thánh Giáo phụ được Thiên Chúa linh hứng, và theo truyền thống của Hội Thánh Công giáo (mà chúng ta biết rằng đó là truyền thống của Chúa Thánh Thần, Đấng chắc chắn đang ngự trong Hội Thánh), chung tôi ấn định với tất cả sự chắc chắn và chính đáng rằng, cũng như hình tượng cây Thánh Giá quý trọng và ban sự sống, các ảnh tượng đáng kính và thánh thiện, hoặc được vẽ và lắp ghép, hoặc bằng những chất liệu thích hợp khác, phải được đặt trong các thánh đường của Thiên Chúa, trên các bình thánh và y phục thánh, trên các bức tường và các bức hoạ, trong nhà và trên các đường phố: đó là ảnh tượng của Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, cũng như ảnh tượng của Đức Bà tinh tuyền, là Mẹ thánh của Thiên Chúa, ảnh tượng của các Thiên thần đáng kính, của tất cả các Thánh và những người công chính”[82].
1162. “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thoả mắt tôi, cũng như quang cảnh đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa”[83]. Việc chiêm ngắm các ảnh tượng thánh, cùng với việc suy niệm Lời Chúa và việc ca hát các thánh thi phụng vụ, sẽ tạo nên một sự hoà hợp các dấu chỉ trong cuộc cử hành, làm cho mầu nhiệm được cử hành in sâu vào tâm khảm các tín hữu, rồi được biểu lộ ra trong đời sống mới của họ.
2131. Công đồng chung thứ bảy, ở Nicêa (năm 787), dựa vào mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, đã biện minh cho việc sùng kính ảnh tượng thánh, như ảnh tượng Đức Kitô, và cả ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa, các Thiên thần và tất cả các Thánh, chống lại những người bài ảnh tượng. Nhờ cuộc Nhập thể của mình, Con Thiên Chúa đã khai mở một “nhiệm cục” về các ảnh tượng.
2502. Nghệ thuật thánh sẽ thật và đẹp, khi nhờ hình thức thích hợp, nó đáp ứng với ơn gọi riêng của nó: trong đức tin và trong sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Kitô, Đấng “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3), “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9), Người là vẻ đẹp thiêng liêng đang toả chiếu nơi Đức Trinh Nữ rất thánh Mẹ Thiên Chúa, nơi các Thiên thần và các Thánh. Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến việc tôn thờ, việc cầu nguyện và việc yêu mến Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, Đấng Thánh Thiện và Thánh Hóa.
 

Bài đọc Thánh lễ vọng

Bài đọc I: Is 62, 1-5
“Ngươi đẹp lòng Chúa”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Đấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời.
Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Đấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi. ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa và đất ngươi sẽ có dân cư.
(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi cũng sẽ vui mừng vì ngươi.
Đó là lời Chúa.
 
Đáp ca: Tv 88, 4-5. 16-17. 27 và 29
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (x. c. 2a).
1) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.
2) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.
3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Đá Tảng cứu độ của con”. Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.
 
Bài đọc II: Cv 13, 16-17. 22-25
“Thánh Phaolô làm chứng về Chúa Kitô, con vua Đavít”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Phaolô đến Antiôkia thuộc Pisiđia, vào hội đường, đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập, và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy.
Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: ‘Ta đã gặp được Đavít, con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta’.
“Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi ông đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ông tuyên bố: ‘Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người'”.
Đó là lời Chúa.
 
Alleluia:
All. All. – Ngày mai tội lỗi trần gian sẽ được xoá bỏ, và Đấng Cứu Thế sẽ ngự trị trên chúng ta. – All.
 
Phúc âm: Mt 1, 1-25
“Dòng dõi Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít. Đavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon. Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Salathiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô. Vậy, từ Abraham đến Đavít có tất cả mười bốn đời, từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, bà đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền. Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau, cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
Đó là lời Chúa.
 

Bài đọc Thánh lễ ban đêm

Bài đọc I: Is 9, 1-6
“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.
Đó là lời Chúa.
 
Đáp ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13
Đáp: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Đức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11).
1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.
4) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.
 
Bài đọc II: Tt 2, 11-14
“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.
Đó là lời Chúa.
 
Alleluia: Lc 2, 10-11
All. All. – Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm nay Đấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. – All.
 
Phúc âm: Lc 2, 1-14
“Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.
Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.
Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”. Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Đó là lời Chúa.
 

Bài đọc Thánh lễ rạng đông

Bài đọc I: Is 62, 11-12
“Này đây Đấng Cứu Độ ngươi đến”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa làm cho nghe thấy tận cùng cõi trái đất rằng: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Này đây Đấng Cứu Độ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi.
Đó là lời Chúa.
 
Đáp ca: Tv 96, 1 và 6. 11-12
Đáp: Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta.
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy nhảy mừng, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.
2) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người!
 
Bài đọc II: Tt 3, 4-7
“Chúa đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Khi Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Đấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Đó là lời Chúa.
 
Alleluia: Lc 2, 14
All. All. – Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm. – All.
 
Phúc âm: Lc 2, 15-20
“Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Đó là lời Chúa.
 

Bài đọc Thánh lễ ban ngày

Bài đọc I: Is 52, 7-10
“Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Đẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!
Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêrusalem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Đó là lời Chúa.
 
Đáp ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Đáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.
 
Bài đọc II: Dt 1, 1-6
“Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con”.
Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Đấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.
Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”
Đó là lời Chúa.
 
Alleluia:
All. All. – Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. – All.
 
Phúc âm: Ga 1,1-5. 9-14
“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra. Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Đó là lời Chúa.
 
 

[1] DS 150.
[2] Thánh Grêgôriô Nyssenô, Oratio catechetica 15,3: TD 7,78 (PG 45, 48).
[3] X. Đnl 6,4-5.
[4] X. Mc 8,34.
[5] Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 19, 1: SC 211, 374 (PG 7, 939).
[6] Thánh Athanasiô Alexandrinô, De Incarnatione, 54, 3: SC 199, 458 (PG 25, 192).
[7] Thánh Tôma Aquinô, Officium de festo corporis Christi, Ad Matutinas, In primo Nocturno, Lectio 1: Opera omnia, v.29 (Parisiis 1876) 336.
[8] CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 250.
[9] CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 251.
[10] X. Thánh ca Kinh Chiều I Chúa Nhật: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.1, p. 545. 629. 718 et 808; v.2, p. 844. 937. 1037 et 1129; v.3, p. 548. 669. 793 et 916; v.4, p. 496. 617. 741 et 864 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973-1974).
[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.
[12] X. Ga 14,9-10.
[13] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042-1043.
[14] X. Thánh Đamasô I, Epistula Oti te apostolike kathedra: DS 149.
[15] X. Mc 6,38; 8,27; Ga 11,34.
[16] X. Pl 2,7.
[17] X. Thánh Grêgôriô Cả, Epistula Sicut aqua: DS 475.
[18] Thánh Maximô Hiển tu, Quaestiones et dubia, Q.I, 67: CCG 10, 155 (66: PG 90, 840).
[19] X. Mc 14,36; Mt 11,27; Ga 1,18; 8,55.
[20] X. Mc 2,8; Ga 2,25; 6,61.
[21] X. Mc 8,31; 9,31;10,33-34; 14,18-20.26-30.
[22] X. Mc 13,32.
[23] X. Cv 1,7.
[24] X. CĐ Constantinôpôli III (năm 681), Sess. 18a, Definitio de duabus in Christo voluntatibus et operationibus: DS 556-559.
[25] CĐ Constantinôpôli III, Sess. 18a, Definitio de duabus in Christo voluntatibus et operationibus: DS 556.
[26] X. CĐ Latêranô (năm 649), Canon 4: DS 504.
[27] X. Gl 3,1.
[28] CĐ Nicêa II (năm 787), Act. 7a, Definitio de sacris imaginibus: DS 600-603.
[29] Kinh Tiền Tụng Lễ Giáng Sinh, II: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 396.
[30] CĐ Nicêa II, Act. 7a, Definitio de sacris imaginibus: DS 601.
[31] X. Ga 19,34.
[32] ĐGH Piô XII, Thông điệp Haurietis aquas: DS 3924; x. Ibid., Thông điệp Mystici corporis: DS 3812.
[33] X. Lc 1,35.
[34] X. Rm l,3; 2 Tm 2,8; Kh 22,l6.
[35] X. Lc 2,6-7.
[36] X. Lc 2,8-20.
[37] Thánh Rômanô Mêlôđô, Kontakion, 10, In diem Nativitatis Christi, Prooemium: SC 110, 50.
[38] X. Mt 18,3-4.
[39] X. Mt 23,12.
[40] X. Ga 1,13.
[41] X. Ga 1,12.
[42] X. Gl 4,19.
[43] X. Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Điệp Ca Kinh Chiều I và II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 385 và 397.
[44] X. Mt 2,2; 9,27, 12,23; 15,22; 20,30; 21,9.15.
[45] X. Ga 4,25-26; 11,27.
[46] X. Mt 22,41-46.
[47] X. Ga 6,l5; Lc 24,2l.
[48] X. DS 10-64.
[49] CĐ Latêranô (năm 649), Canon 3: DS 503.
[50] X. Rm 1,3.
[51] X. Ga 1,13.
[52] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Smyrnaeos, 1-2: SC 10bis, 132-134 (Funk 1, 274-276).
[53] X. Ga 6,15.
[54] X. Mt 21,1-11.
[55] X. Ga 18,37.
[56] X. Mt 21,15-16; Tv 8,3.
[57] X. Lc 19,38; 2,14.
[58] X. Mc 1,40-41.
[59] X. Mc 5,36.
[60] X. Mc 7,29.
[61] X. Lc 23,39-43.
[62] X. Mc 2,5.
[63] X. Mc 5,28.
[64] X. Lc 7,37-38.
[65] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 85, 1: CCL 39, 1176 (PL 36, 1081); x. Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 7: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 24.
[66] Thánh Gioan Thánh giá, Subida del monte Carmelo, 2, 22, 3-5: Biblioteca Mistica Carmelitana, v. 11 (Burgos 1929) 184.
[67] X. Dt 1,1-3.
[68] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 103, 4, 1: CCL 40, 1521 (PL 37, 1378).
[69] X. Mt 1,20; 2,13.19.
[70] X. Mc 1,13; Mt 4,11.
[71] X. Lc 22,43.
[72] X. Mt 26,53.
[73] X. 2 Mcb 10,29-30; 11,8.
[74] X. Lc 2,10.
[75] X. Lc 2,8-14.
[76] X. Mc 16,5-7.
[77] X. Cv 1,10-11.
[78] X. Mt 13,41; 24,31; Lc 12,8-9.
[79] Thánh Gioan Đamascênô, De sacris imaginibus oratio, 1, 16: PTS 17, 89 et 92 (PG 94, 1245 et 1248).
[80] CĐ Nicêa II (năm 787), Terminus: COD 135.
[81] X. Rm 8,29; 1 Ga 3,2.
[82] CĐ Nicêa II, Definitio de sacris imaginibus: DS 600.
[83] Thánh Gioan Đamascênô, De sacris imaginibus oratio, 1, 47: PTS 17, 151 (PG 94, 1268).

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 243
  •   Máy chủ tìm kiếm 13
  •   Khách viếng thăm 230
 
  •   Hôm nay 55,752
  •   Tháng hiện tại 1,262,645
  •   Tổng lượt truy cập 81,195,545