Chú giải Lời Chúa Chúa nhật II Mùa Vọng - Năm B

Thứ sáu - 08/12/2023 20:38      Số lượt xem: 8011

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật II Mùa Vọng loan báo việc Thiên Chúa can thiệp vào trong Lịch Sử loài người.

Is 40: 1-5, 9-11
Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ I-sai-a đệ nhị hãy an ủi dân Ngài trong cảnh cùng khốn và loan báo cuộc giải thoát gần kề.
2Pr 3: 8-14
Thánh Phê-rô nhắc nhở rằng không phải Thiên Chúa lỗi hẹn, nhưng vì lòng thương xót mà Ngài trì hoãn để chúng ta có đủ thời giờ lập công tích đức trong khi chờ đợi trời mới và đất mới mà Chúa đã hứa cho chúng ta.
Mc 1: 1-8
Gio-an Tẩy Giả, vị sứ giả được Thiên Chúa sai đi để dọn đường cho Đức Giê-su, Ngài là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa.
CN 2 V B 3
BÀI ĐỌC I (Is 40: 1-5, 9-11)
Chúa nhật I Mùa Vọng vừa qua, chúng ta đã đọc bản văn của ngôn sứ I-sai-a thời hậu lưu đày, được gọi là I-sai-a đệ tam, theo đó dân Do Thái đã được cứu thoát khỏi cảnh lưu đày, trở về quê cha đất tổ và đang nỗ lực tái thiết đất nước. Trong Chúa nhật II Mùa Vọng này, Bài đọc I được trích từ hai đoạn văn mở đầu tác phẩm của vị ngôn sứ thời lưu đày, được gọi là I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55). Bản văn này đưa chúng ta đi ngược về quá khứ: thời kỳ dân Do Thái vẫn còn bị lưu đày ở Ba-by-lon vào những năm 550-539, cuộc giải thoát chưa xảy đến.
Vị ngôn sứ thời lưu đày này không ngừng đem đến những lời an ủi lớn lao cho đồng bào của mình. Vì thế, tác phẩm của ông được gọi “sách An Ủi”. Chúng ta không biết gì về vị ngôn sứ thời lưu đày này. Ông thường hằng ẩn mình sau sứ điệp của mình, như bản văn hôm nay cho thấy. Ngay từ đầu, vị ngôn sứ ẩn mình trong “lời Thiên Chúa phán”; đoạn, trong “tiếng kêu” mà không xác định; và sau cùng, trong “một sứ giả báo tin mừng”. Vị ngôn sứ này thường được gọi I-sai-a đệ nhị, vì ông thuộc vào những môn đệ đầu tiên của ngôn sứ I-sai-a đệ nhất, và tác phẩm của ông đã được tập hợp chung với tác phẩm của thầy mình.
1. “Hãy an ủi dân Ta”:
“Hãy an ủi, an ủi dân Ta!”, đó là lệnh truyền mà Thiên Chúa gởi đến cho vị ngôn sứ của Ngài trong khi dân Do Thái đang sống kiếp lưu đày vô vọng. “Dân Ta”, lời khẳng định này chắc chắn đã làm ấm lòng những người lưu đày, vì họ đã nghĩ rằng Thiên Chúa đã quên họ, không còn đoái hoài đến số phận bi thương của họ. Không phải thế, họ luôn luôn là “dân của Ngài”, dân Chúa chọn mà xưa kia được Thiên Chúa nâng niu chiều chuộng. Cung giọng đầy trìu mến được cất lên ở cuối bài thơ ở nơi hình ảnh người mục tử tận tình chăm sóc đàn chiên của mình, nhất là những con chiên bé bỏng.
“Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem”. Dân thành đã bị trừng phạt vì tội bất trung lâu dài của mình, đây là lần đầu tiên được Thiên Chúa loan báo là Ngài thứ tha tội vạ của dân và cho họ được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Sứ điệp tràn đầy hy vọng.
2. Thời kỳ Thiên Chúa tha thứ:
“Thời phục dịch của thành đã mãn”. Chúng ta gặp lại hình ảnh này trong các đoạn văn Cựu Ước khác như G. 7:1: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?”. Hình ảnh này được dùng ở đây để diễn tả thời kỳ gian khổ cùng cực.
“Thành đã bị tay Chúa giáng phạt gấp hai so với tội phạm”. Chúng ta có thể hiểu kiểu nói “gấp hai”, nếu chúng ta khảo sát hai thử thách lớn lao mà dân phải gánh chịu: một mặt, cuộc lưu đày ở Ba-by-lon và mặt khác, cuộc tàn phá Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng kiểu nói này đơn giản muốn nói đến muôn vàn khổ đau mà dân phải chịu.
Ghi nhận quan trọng này sẽ xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị và gợi lên nguồn cảm hứng cho các bài thơ về “Người Tôi Tớ đau khổ”. Dân Chúa chọn, người tôi tớ Thiên Chúa, đã kinh qua một sự thanh luyện. Ơn tha thứ của Thiên Chúa thật sự là nhưng không. Tuy nhiên, qua những đau khổ dài lâu mà dân phải chịu, cũng như qua việc Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài bằng việc cứu thoát dân, những người lưu đày sẽ bày tỏ cho muôn dân thấy “Thiên Chúa đã phán như thế nào, Ngài sẽ thực hiện đúng như vậy”.
Đó là ơn gọi của dân Ít-ra-en, với tư cách là người tôi tớ Đức Chúa, dân chuẩn bị những nẻo đường cứu độ cho muôn dân. Chúng ta thoáng thấy ươm mầm ý tưởng về giá trị của những đau khổ mà những người công chính, nhóm kiên trung còn sót lại, phải chịu để công chính hóa mọi người. Nhóm còn sót lại này, một ngày kia sẽ là “Người Tôi Tớ hoàn hảo”, chính là Đức Ki-tô.
3. “Hãy mở một con đường cho Chúa”: 
Để trở về quê cha đất tổ, đoàn người lưu đày sẽ phải băng qua hoang địa. Họ phải đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng sẽ ở bên cạnh dân Ngài và đích thân dẫn dắt dân Ngài. Sứ giả hô lớn:
“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Chúa; giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, núi đồi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (40: 3-4).
Cuộc hành trình băng qua hoang địa dưới sự che chở và hướng dẫn của Thiên Chúa, viễn cảnh này gợi lên rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những điềm thiêng dấu lạ cho những tù nhân Ba-by-lon, như xưa kia Ngài đã thực hiện cho cha ông họ: giải thoát họ ra khỏi cảnh đời nô dịch ở bên Ai Cập và dẫn đưa họ về miền Đất Hứa. Cuộc Xuất Hành mới này sẽ bày tỏ vinh quang Thiên Chúa. Ngài vẫn trung thành với những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thực hiện những dự định của Ngài. Dân Ít-ra-en sẽ là chứng nhân về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa:
“Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã phán truyền” (40: 5).
4. “Loan tin mừng”:
“Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng: ‘Kìa Thiên Chúa các ngươi!’” (40: 9).
Chính ở nơi bản văn này mà những Ki-tô hữu tiên khởi đã mượn thuật ngữ “Tin Mừng” để chỉ Mặc Khải Đức Giê-su Ki-tô mang đến. Vì thế, chúng ta ở tận nguồn của thần học về “Tin Mừng”.
Ấy vậy, “Tin Mừng” này phải được lớn tiếng công bố từ trên đỉnh non cao để khắp các thành xứ Giu-đa có thể nghe được là gì? Đó là Thiên Chúa đích thân đến cứu dân Ngài, giải thoát những kẻ bị giam cầm, dẫn đưa họ về quê hương đích thật của mình. Ngài không còn dung thứ những điều gian ác mà dân Ngài phải chịu.  
Vị ngôn sứ tưởng tượng cuộc hồi hương về Giê-ru-sa-lem như một đám rước khải hoàn. Nhưng ông tô đậm chân dung vị lãnh đạo toàn thắng qua hình ảnh người mục tử ân cần trìu mến đối với đàn chiên của mình. Thiên Chúa tha thứ và dẫn đưa dân Ngài trở về miền Đất Hứa trước hết là vị Thiên Chúa Tình Yêu:
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (40: 11).
Đó là hình thức đầu tiên của Tin Mừng, tiên báo một cuộc giải thoát khác, một sự tha thứ có tính quyết định hơn và phổ quát hơn, và cũng tiên báo một đám rước khải hoàn khác: đám rước của những người được tuyển chọn về thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
 
BÀI ĐỌC II (2Pr 3: 8-14)
Ngay đầu thư, thánh Phê-rô tự giới thiệu mình: “Tôi là Si-mê-ôn Phê-rô, tôi tớ và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô”. Bức thư chắc chắn chứa đựng những lời căn dặn sau cùng của thánh Phê-rô (thánh nhân gợi lên cái chết gần kề của mình). Tuy nhiên, xem ra đây là một di cảo, được một trong số các môn đệ của thánh Phê-rô biên soạn lại và bổ sung để đương đầu với những hoàn cảnh mới.
Quả thật, những đề tài được đề cập đến trong đoạn trích hôm nay được hiểu tốt hơn, nếu như chúng được đặt vào trong bối cảnh muộn thời hơn. Thế hệ của các Tông Đồ và của những môn đệ truyền chân đã qua. Ấy vậy, Đức Ki-tô đã hứa là Ngài sẽ trở lại, nhưng thế hệ Ki-tô hữu hậu Tông Đồ chờ mãi vẫn không thấy ngày Chúa trở lại. Vì thế, họ ngạc nhiên, phản kháng và ngờ vực. Để trả lời cho vấn nạn này, một cộng tác viên của thánh Phê-rô đưa ra ba luận chứng:
1. Khái niệm thời gian:
Thời gian là của Chúa chứ không của chúng ta. Tác giả trích dẫn thích đáng ý Thánh vịnh 90:
“Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90: 4).
2. Thiên Chúa trì hoãn vì lòng xót thương:
Đức Ki-tô đến chậm vì để cho mọi người có thời gian ăn năn hối cải. Chúng ta cũng gặp lại suy tư này của thánh Phao-lô trong thư gởi các tín hữu Rô-ma: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ” (Rm 11: 25).
3. Thiên Chúa trung tín với những lời Ngài đã hứa:
Việc Ngài trở lại là điều chắc chắn. Nhưng lúc đó là ngày cùng tận của thế giới (vậy tại sao phải hối thúc chứ?). Tác giả bức thư gợi lên ngày ấy bằng những hình ảnh quen thuộc của truyền thống khải huyền.
Đoạn ông khéo léo kết luận: bởi vì Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sự cho những ai được Ngài tuyển chọn, thế nên, “trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải nên tinh tuyền, không gì đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa”.
 
TIN MỪNG (Mc 1: 1-8)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ phần mở đầu của sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Sách Tin Mừng Mác-cô không mở đầu với Tựa Ngôn như sách Tin Mừng Gio-an, cũng không cuộc đời Thơ Ấu của Đức Giê-su như sách Tin Mừng Mát-thêu và sách Tin Mừng Lu-ca, nhưng với một nhan đề: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa”.
1. Nhan đề (1: 1):
Sách Sáng Thế, sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, bắt đầu với diễn ngữ: “Lúc khởi đầu”. Sách Tin Mừng của thánh Mác-cô cũng bắt đầu với “Khởi đầu” để loan báo Tin Mừng về Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa, Ngài đến để đánh dấu một khởi đầu tận căn, một khởi nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ.
Kiểu nói: “Tin Mừng Đức Giê-su”, vừa có thể hiểu “Tin Mừng của Đức Giê-su”, nghĩa là Đức Giê-su loan báo Tin Mừng, nhưng cũng có thể hiểu “Tin Mừng về Đức Giê-su”, nghĩa là Tin Mừng mà Giáo Hội loan báo là về Đức Giê-su. Với nhan đề này, ngay từ đầu, thánh Mác-cô loan báo sách được chia thành hai phần:
- Trong phần thứ nhất (ch. 1-10), thánh Mác-cô muốn dẫn đưa độc giả của mình cùng với thánh Phê-rô và các môn đệ đến chỗ nhận biết và tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô” (8: 29).
- Trong phần hai (ch. 11-16), thánh Mác-cô muốn dẫn đưa độc giả của mình tới lời tuyên xưng đức tin sâu sắc hơn, được thốt ra từ miệng viên sĩ quan Rô-ma ngoại giáo, dưới chân thập giá: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa (15: 39).
Như vậy, với nhan đề này cho toàn bộ sách Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô xác định rất rõ rằng sách không kể cho chúng ta “tiểu sử cuộc đời” của Đức Giê-su, nhưng là một “Tin Mừng” về ơn cứu độ loài người được thể hiện cách độc đáo nơi bản thân Đức Giê-su quê Na-da-rét, Ngài là “Đấng Ki-tô” và là “Con Thiên Chúa” qua cái mâu thuẫn của thập giá. Chính Đức Giê-su là “Chúa” đến viếng thăm dân Ngài, không phải trong quyền uy xét xử, nhưng trong cái yếu hèn của một tình yêu trao tặng.
2. Các sấm ngôn  (1: 2-3):
Trước khi giới thiệu cách long trọng sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đức Giê-su, thánh Mác-cô trích dẫn hai sấm ngôn:
- Sấm ngôn thứ nhất: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con đến”, được đúc kết bởi hai bản văn Cựu Ước khác nhau: Xh 23: 20 và Ml 3: 1. Trong Xh 23: 20, Thiên Chúa nói với ông Mô-sê: “Này Ta sai sứ thần đi trước con, để gìn giữ con khi đi đường…”. Ngôn sứ Ma-la-khi lập lại lời này nhưng với một ý nghĩa mới: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta (3: 1). Trong sấm ngôn của Ma-la-khi, Thiên Chúa sai “sứ giả” của Ngài đến trước dọn đường để “Ngài đích thân đến với dân Ngài”.
Vị sứ giả trong sấm ngôn này là ai? Chúng ta gặp thấy căn tính của vị sứ giả này ở Ml 3: 23: “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và huy hoàng”. Theo 2V 2: 11, ngôn sứ Ê-li-a không chết nhưng được rước về trời trong một cỗ xe đỏ như lửa với những con ngựa kéo cũng đỏ như lửa. Vì thế, theo truyền thống Do Thái mãi cho đến thời Chúa Giê-su, vị sứ giả Ê-li-a sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa đến…
- Sấm ngôn thứ hai được trích dẫn từ Is 40: 3 (x. Bài đọc I), theo đó vị ngôn sứ loan báo cho những những người lưu đày ở Ba-by-lon biết rằng Thiên Chúa sắp can thiệp để giải thoát họ khỏi kiếp sống tù đày. Thánh Mác-cô cũng đã thấy ở nơi sấm ngôn này tiên báo Gio-an Tẩy Giả, vị tiền hô của Đức Giê-su, ông có sứ mạng đến trước để dọn đường cho Đức Giê-su đến. Ở nơi lệnh truyền này: thung lũng sẽ được lấp đầy, núi đồi sẽ phải bạt xuống…, chúng ta gặp thấy cũng lời dạy của Gio-an Tẩy Giả, nhưng được tinh thần hóa: phải thay lòng đổi dạ, biến đổi sa mạc tâm hồn thành miền đất thấm đẫm thiên ân, hủy bỏ những quanh co uốn khúc của sự gian tà…
Theo phương cách trích dẫn phổ biến vào thời đó, thánh Mác-cô gán toàn bộ lời trích dẫn này cho ngôn sứ I-sai-a, bởi vì chúng có chung một đề tài: “dọn đường để đón tiếp Thiên Chúa”. Như vậy, khi khai mạc sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả bằng cách trích dẫn các sấm ngôn này, thánh Mác-cô muốn người đọc thấy rằng biến cố nhập thể của Đức Giê-su đã được Cha Ngài chuẩn bị trước đó rồi, và ơn gọi của Gio-an Tẩy giả, vị Tiền Hô của Con Ngài, được dự kiến lâu lắm rồi trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chính Gio-an Tẩy Giả là ngôn sứ Ê-li-a, mà truyền thống Do Thái mong đợi, trở lại để dọn đường cho Chúa, và việc ông xuất hiện cho thấy Thiên Chúa vẫn trung thành với những lời Ngài đã hứa. Thời gian đã đến hồi viên mãn.
3. Hoạt động của Gio-an Tẩy Giả (1: 4-5).
Chúng ta lưu ý rằng khi trích dẫn sấm ngôn I-sai-a, thánh Mác-cô đã tự ý thay đổi vài từ và ngắt câu cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Gio-an Tẩy Giả. Để giới thiệu Gio-an Tẩy Giả cho rõ hơn, thánh Mác-cô thay đổi: thay vì “Có tiếng hô” thì “Có tiếng người hô”, và túc từ chỉ nơi chốn “trong sa mạc” thay vì bổ nghĩa cho câu sau, thì bổ nghĩa cho câu trước: “Có tiếng người hô trong hoang địa”. Quả thật, Gio-an Tẩy giả đã ẩn cư trong hoang địa ngay từ thuở thanh xuân để chuẩn bị sứ mạng của mình trong thinh lặng và chiêm niệm cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en (x. Lc 1: 80). Đây là hoang địa Giu-đa có dòng sông Gio-đan chảy băng qua và đổ vào Biển Chết. Hoang địa là nơi ẩn cư quen thuộc của những nhà thần bí vĩ đại thời Cựu Ước và là nơi ưu tiên cho những cuộc gặp gở với Thiên Chúa, như ông Mô-sê, ngôn sứ Ê-li-a, v.v… Cũng như chính trong hoang địa mà dân Ít-ra-en đã trải qua những kinh nghiệm tôn giáo hình thành nên những mốc điểm lịch sử của dân tộc mình.
Lời kêu gọi sám hối là đề tài thường hằng của truyền thống ngôn sứ. Gio-an Tẩy Giả là vị ngôn sứ cuối cùng tiếp tục truyền thống này, nhưng ông thêm vào đây phép rửa. Không phải trong hoang địa mà nước mặc lấy tất cả giá trị và ý nghĩa tròn đầy của nó sao? Nước đem lại sự sống và biểu tượng ơn cứu độ.
4. Cách sống của Gio-an Tẩy Giả (1: 6):
Gio-an Tẩy Giả sống theo lối sống khổ hạnh: “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt đai lưng bằng da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Qua việc mô tả cách ăn mặc của Gio-an giống như ngôn sứ Ê-li-a (x. 1V 1: 8), thánh Mác-cô muốn thông báo rằng Gio-an Tẩy Giả chính là ngôn sứ Ê-li-a tái xuất hiện mà mọi người đang mong đợi. Ngoài ra, qua việc mô tả tỉ mỉ cách sống khổ hạnh của Gio-an Tẩy Giả trong hoang địa cô tịch, thánh Mác-cô ngầm trình bày hình ảnh tương phản với Đức Giê-su: Ngài giao tiếp với mọi người, gần gũi với đủ hạng người ở ngoài xã hội, cùng ăn cùng uống, cùng chia sẻ cuộc sống vui, buồn, sướng khổ với họ. Chính ở nơi tính chất rất là người này, thánh Mác-cô có ý định dẫn đưa người đọc vào mầu nhiệm của Đức Giê-su, Đấng Ki-tô và Con Thiên Chúa. Còn Gio-an Tẩy Giả, thánh nhân không chỉ rao giảng sám hối, nhưng còn hiện thân của sự sám hối qua cuộc sống khổ hạnh của mình.
5. Chứng từ của Gio-an Tẩy giả (1: 7-8).
Chứng từ của Gio-an Tẩy giả về Đức Giê-su là điểm nhắm của đoạn Tin Mừng hôm nay. Sứ điệp của ông làm xáo động lòng người. Uy tín của ông quá lớn đến độ dân chúng khắp nơi tuôn đến với ông. Tuy nhiên, ông ý thức sâu xa về sự cao vời khôn ví của Đức Giê-su. Ông công bố quyền năng vượt bậc của Đấng mà ông có sứ mạng chuẩn bị cho việc Ngài đến khi sử dụng hình ảnh rất tương phản để diễn tả sự bất xứng của mình như người nô lệ trước mặt chủ, cả đến việc cúi xuống cởi dép cho Ngài ông cũng chẳng xứng đáng nữa: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dép cho Người”. Hình ảnh này rất sinh động, vì để chịu phép rửa của Gio-an trong dòng sông Gio-đan, người ta phải cởi giày dép trên bờ.
Nhất là ông nhận biết sự khác biệt căn bản giữa phép rửa của ông và phép rửa của Đức Giê-su: ông chỉ “làm phép rửa trong nước”; Đức Giê-su mới là Đấng “làm phép rửa trong Thánh Thần”. Điều làm cho Đức Giê-su trổi vượt hẳn vị Tiền Hô của Ngài, đó là Ngài là Đấng sở hữu Thánh Thần (x. 1: 10).
Danh tiếng của Gio-an Tẩy Giả vào thời đó không thể nào chối cãi. Sách Công Vụ nói với chúng ta rằng ngay cả sau khi ông đã qua đời rất lâu sau đó, các cộng đoàn môn đệ của ông vẫn tồn tại (Cv 18: 24-25; 19: 1-7). Họ đề cao ông là “Đấng Mê-si-a” (Ga 1: 19-34). Như thế ngay từ trang đầu tiên Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô đã đặt Gio-an Tẩy Giả vào đúng vị thế của ông: sứ mạng của ông chỉ là loan báo và chuẩn bị cho Đức Giê-su, Ngài là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su mới là Tin Mừng mà Gio-an có sứ mạng loan báo cho hết mọi người.

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 137
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 125
 
  •   Hôm nay 37,504
  •   Tháng hiện tại 381,372
  •   Tổng lượt truy cập 81,689,348