Chú giải Lời Chúa Chúa nhật IV Mùa Vọng - Năm B

Thứ tư - 20/12/2023 16:28      Số lượt xem: 5052

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật IV Mùa Vọng cho thấy sự tương ứng giữa Bài đọc I và bản văn Tin Mừng. Bài đọc I đưa ra một điều khó hiểu, bản văn Tin Mừng đem đến một câu trả lời.


2Sm 7: 1-5, 8-12, 14, 16
Bài đọc I thuật lại chuyện vua Đa-vít có ý định xây “nhà” cho Thiên Chúa tại thành đô Giê-ru-sa-lem làm nơi đặt Hòm Giao Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Ngôn sứ Na-than khuyên vua hoãn lại kế hoạch này vì chính Thiên Chúa sẽ xây “nhà” cho vua.
Rm 16: 25-27
Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải cho muôn dân mầu nhiệm ẩn kín từ ngàn xưa của Ngài, đó là sai phái Con của Ngài, Đức Giê-su Ki-tô, đến ở giữa loài người.
Lc 1: 26-38
Tin Mừng tường thuật biến cố Truyền Tin, trong đó “nhà” mà Thiên Chúa chuẩn bị để Con của Ngài đến ở giữa dân Ngài là cung lòng thanh sạch và rạng ngời vinh hiển của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ là Hòm Bia thánh, Đền Thờ tuyệt mỹ vô song được Thiên Chúa sủng ái nhất.
 CN 4 V B 3
BÀI ĐỌC I (2Sm 7: 1-5, 8-12, 14, 16)
Vào khoảng năm 1220-1200 trước Công Nguyên, dân Do Thái vào Đất Hứa, tức xứ Ca-na-an, và sống theo từng chi tộc rải rác khắp xứ dưới thời các Thủ Lãnh. Tuy nhiên, mối đe dọa xâm lăng thường hằng của dân Phi-li-tinh đòi hỏi một cơ cấu chính trị và quân sự vững mạnh hơn cơ cấu các “Thủ Lãnh”. Chính vì hoàn cảnh, họ buộc phải quyết định chọn một vị vua trần thế, sau một thời gian dài ngần ngại, bởi vì chỉ có Đức Chúa là Vua duy nhất của dân tộc họ.
1. Vua Đa-vít muốn xây nhà cho Thiên Chúa:
Khi đã trở thành vua của toàn thể dân Ít-ra-en, vua Đa-vít lập chiến công này đến chiến công khác, đoạn bắt đầu thôn tính các các cứ điểm của dân Ca-na-an kể cả thành Giê-ru-sa-lem vào năm 1000 trước Công Nguyên. Vua nghĩ đến việc thiết lập thành Giê-ru-sa-lem làm thủ đô. Ông định cư ở đó và truyền dời Hòm Bia thánh về thành đô. Vấn đề được đặt ra là tại sao không xây dựng một nơi xứng đáng và bền vững cho thánh tích đặc biệt này, biểu tượng sự hiện diện của Đức Chúa ở giữa dân Ngài? Cơ hội thật thuận tiện, thành Giê-ru-sa-lem được chinh phục này không thuộc vào bất cứ một chi tộc nào. Vì thế, việc thiết lập ở đây một nơi phụng tự chung cho toàn dân Ít-ra-en có thể củng cố sự hiệp nhất cả trên bình diện quốc gia lẫn trên bình diện tôn giáo.
2. Câu trả lời của ngôn sứ Na-than.
Với tư cách là vị cố vấn của vua, ngôn sứ Na-than không thấy bất kỳ trở ngại nào đối với thiện ý của vua Đa-vít, vị vua đã đem lại vinh quang cho dân tộc, hơn nữa, Thiên Chúa cho thấy Ngài luôn luôn che chở bảo vệ vua. Vì thế, ngôn sứ Na-than trả lời một cách tích cực: “Các điều ngài đang dự tính, xin ngài cứ thực hiện, vì có Chúa ở với ngài”. Ở đây, ông đóng vai trò người tôi trung của vua.
Nhưng khi ngôn sứ Na-than được Thần Khí linh hứng, mọi chuyện hoàn toàn khác. Ông đến yết kiến vua và báo cho vua biết rằng không phải vua Đa-vít xây nhà cho Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa sẽ xây “nhà” cho vua và sẽ làm cho “nhà của vua” được muôn năm bền vững. Đây là kiểu chơi chữ trên một từ hai nghĩa: “nhà” vừa có nghĩa “nơi để ở” vừa có nghĩa “dòng tộc”, tức là “vương triều” đối với vua. Ở đây, ông Na-than thực hiện chức năng ngôn sứ của Thiên Chúa. Ông không nói với vua ý kiến của riêng mình, nhưng truyền đạt cho vua đúng như Lời Thiên Chúa phán với ông, dù lời ấy đi ngược với ý muốn của vua đi nữa.
Dù đã chuẩn bị vật liệu rồi, vua Đa-vít không tiến hành công việc xây cất. Chính con của vua là vua Sa-lô-môn, sẽ hiện thực giấc mơ của vua cha và sẽ cho xây một đền thờ nguy nga tráng lệ.
3. Tầm quan trọng của sấm ngôn.
Sấm ngôn của ngôn sứ Na-than là một trong những sấm ngôn Cựu Ước quan trọng bậc nhất loan báo Đấng Mê-si-a. Quả thật, các lời hứa dần dần được vén mở. Lời hứa đầu tiên là lời loan báo về mối thù giữa dòng dõi của người nữ và tên cám dỗ (x. St 3: 15). Tiếp đó, sau trận Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nô-ê và các con của ông, trong số họ, ông Sêm là “người được Thiên Chúa chúc phúc” (St 9: 26). Quả thật, chính từ dòng dõi của ông Sêm mà tổ phụ Áp-ra-ham sinh ra. Với vị tổ phụ này, Thiên Chúa đã chọn một dân dành riêng cho Ngài giữa muôn dân tộc khác. Với tổ phụ Gia-cóp, mặc khải ghi nhận một điểm mới, chính từ chi tộc Giu-đa mà vua Mê-si-a sẽ xuất hiện: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho đến khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (St 49: 10).
Sấm ngôn của ngôn sứ Na-than xác định rõ hơn: “vị vua này sẽ thuộc dòng dõi Đa-vít”. Trong nhiều thế kỷ, mọi niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a sẽ được kết tinh ở nơi hậu duệ vua Đa-vít này. Đấng Mê-si-a mà Thiên Chúa hứa ban được phác họa như một vị vua lý tưởng: trong triều đại của Ngài, nền hòa bình và công lý sẽ ngự trị. Chỉ sau khi nền quân chủ không còn nữa, Đấng Mê-si-a sẽ mang lấy những dung mạo khác, đặc biệt là “Người Tôi Trung”.
Chính ở nơi sấm ngôn của ngôn sứ Na-than này mà sứ thần Gáp-ri-en quy chiếu đến khi loan tin cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a: “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai… Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và vương quyền của Người sẽ vô cùng vô tận”. Cũng chính ở nơi sấm ngôn này mà trong hoạt cảnh truyền tin cho thánh Giu-se, sứ thần quy chiếu đến khi gọi thánh nhân là “con cháu vua Đa-vít” (Mt 1: 20) và yêu cầu thánh nhân đón nhận Đức Ma-ri-a và Con Trẻ để qua ông mà Con Trẻ thuộc dòng dõi Đa-vít. Và cũng chính ở nơi sấm ngôn ấy mà trong hoạt cảnh Đức Giê-su tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, đám đông dân chúng tung hô Ngài là “Con vua Đa-vít” (Mt 21: 9).
 
BÀI ĐỌC II (Rm 16: 25-27)
Chính ở Cô-rin-tô vào mùa đông năm 57-58 mà thánh Phao-lô viết thư gởi tín hữu Rô-ma. Thánh nhân dự tính đến Rô-ma, vì thế, ngài viết thư gởi các tín hữu Rô-ma này để chuẩn bị cho cuộc hành trình sắp tới của ngài. Nhưng những biến cố bất ngờ xảy đến không cho phép thánh nhân thực hiện dự định của mình. Bị bắt ở Giê-ru-sa-lem vào mùa xuân năm 58, đoạn bị chuyển đến giam ở Xê-da-rê, tiếp đó bị áp giải đến Rô-ma. Trong khi bị giam cầm ở Rô-ma, ngài sẽ có dịp tiếp xúc với Giáo Đoàn Rô-ma này mà ngài đã mong ước biết bao.
Thư gởi tín hữu Rô-ma là bức thư dài nhất của thánh Phao-lô và quan trọng nhất về phương diện đạo lý.
1. Mầu nhiệm được giữ kín từ ngàn xưa:
Đoạn trích này là một bài Vinh Tụng ngợi khen Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan thượng trí đã “mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa”, nhưng nay đã được biểu lộ nhờ Con của Ngài, Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô mượn chữ “mầu nhiệm” từ văn chương Do Thái, đặc biệt văn chương khải huyền, cũng như Khôn Ngoan. Chữ “mầu nhiệm” này mang dấu ấn kinh nghiệm cá nhân của thánh nhân. Nhờ ơn thần khải trên đường Đa-mát, thánh nhân đã ngộ được ý nghĩa Kinh Thánh. Chương trình của Thiên Chúa qua các sấm ngôn mà trước đó thánh nhân đã không thể nào hiểu được thì nay được sáng tỏ. Cuộc Giáng Trần của Đức Giê-su, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài đã vén mở mầu nhiệm Thiên Chúa vốn được giữ kín từ ngàn xưa. Trong ánh sáng này, việc đọc lại Kinh Thánh có sức thuyết phục đối với mọi dân nước.
2. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô:
Bài Vinh Tụng bắt đầu với lời “tôn vinh” và kết thúc với lời “chúc tụng” Thiên Chúa. Chúng ta lưu ý rằng thánh nhân chấm dứt bài thánh thi này với biểu thức “nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Thần học Ki-tô giáo vẫn luôn trung thành với viễn cảnh này. Phụng vụ thường kết thúc các kinh nguyện theo cùng biểu thức này. Sau cùng, bài Vinh Tụng hoàn tất với lời tuyên xưng “A-men” theo cùng cách thức kinh nguyện Do Thái.
Như vậy, bản văn này chuẩn bị cho chúng ta hiểu mầu nhiệm Giáng Sinh sâu xa hơn. Dù mầu nhiệm Cứu Độ vẫn còn ẩn kín ở nơi Hài Nhi Máng Cỏ, tuy nhiên chính ở nơi Con Trẻ này mà mầu nhiệm sẽ dần dần được hiển lộ.
 
TIN MỪNG (Lc 1: 26-38).
Trong sách Tin Mừng Lu-ca, hoạt cảnh “truyền tin cho ông Da-ca-ri-a” (1: 5-25) và hoạt cảnh “truyền tin cho Đức Ma-ri-a” (1: 26-38) hình thành nên một bức tranh bộ đôi. Nhờ hình thức song đối này, thánh Lu-ca nêu bật hai thời kỳ: thời Cựu Ước và thời Tân Ước, với hai nhân vật tinh hoa của hai thời kỳ: tư tế Da-ca-ri-a tại thành đô Giê-ru-sa-lem và cô thôn nữ Ma-ri-a tại tư gia thuộc làng quê Na-da-rét xa xôi hẻo lánh, nhất là với hai hài nhi của họ: Gio-an tiền hô và Đức Giê-su.
1. Khung cảnh truyền tin (1: 26-27):
Với câu mở đầu: “Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng” nối kết hai hoạt cảnh truyền tin, chúng ta rời bỏ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thuộc thành đô của dân Do Thái, để thấy mình ở trong một ngôi nhà dân giả của làng quê Na-da-rét nhỏ bé và khiêm hạ thuộc miền Ga-li-lê, được gọi “miền đất của dân ngoại”. Thay vì đôi vợ chồng tư tế tuổi đã cao, biểu tượng những truyền thống Ít-ra-en xưa và trung tín, giờ đây chúng ta gặp cô Ma-ri-a, một thiếu nữ trẻ trung, đính hôn với chàng Giu-se và hướng đến đời sống hôn nhân của mình.
Hoạt cảnh truyền tin với ông Da-ca-ri-a đã xảy ra trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài. Chính nơi cực thánh này mà Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho tư tế Da-ca-ri-a, nhưng cốt để hướng đến một nơi khác còn thánh thiện hơn, đó là cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, nơi Thiên Chúa chọn để ở giữa dân Ngài. Vì thế, ngay từ khởi đầu Tin Mừng của mình, thánh Lu-ca cho chúng ta thấy có một sự hoán chuyển vai trò: Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài, sẽ được thay thế bởi cung lòng của Đức Trinh Nữ, nơi Thiên Chúa chọn cho Con của Ngài đến ở giữa dân Ngài.
2. Lời chào của sứ thần (1: 28):
Sứ thần vào nhà và chào Đức Ma-ri-a: “Hãy vui lên, hỡi bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”.
“Hãy vui lên” là lời mời gọi ngân vang niềm vui mà các ngôn sứ đã loan báo, đặc biệt trong viễn cảnh thời Mê-si-a: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với Ngươi” (Dcr 9: 9); hay: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dội đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi… Đức Vua của Ít-ra-en, đang ngự giữa người, chính là Đức Chúa” (Xp 3: 14-15).
Niềm vui thời Mê-si-a này, chính là niềm vui mà “sứ thần Thiên Chúa” sẽ loan báo cho các mục đồng trong hoạt cảnh Giáng Sinh: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân…” (Lc 2: 10). Như vậy, lời mời gọi “hãy vui lên” được ngỏ lời với Đức Ma-ri-a là nhằm hướng lòng Mẹ đến thời Mê-si-a và chuẩn bị cho Mẹ tâm thế sẵn sàng đón nhận sứ điệp gây sửng sốt sau đó.
“Hỡi bà đầy ân sủng”. Đức Ma-ri-a được gọi là người đầy ân sủng hay được Thiên Chúa sủng ái không chỉ vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đức Giê-su, Con của Ngài, nhưng những suy tư thần học còn thấy ở đây nhiều đặc sủng mà Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ: “Ơn vô nhiễm nguyên tội”, nghĩa là Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, kể cả tội tổ tông truyền, vì Đức Giê-su nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. “Ơn trọn đời đồng trinh”, nghĩa là Mẹ hoàn toàn trinh khiết trước và sau khi sinh con, vì Con của Mẹ cũng là Con của Thiên Chúa. “Ơn hồn xác lên trời”, nghĩa là sau khi chết, thân xác của Mẹ không bị hư hoại trong nấm mồ, nhưng được lên trời cả hồn lẫn xác, vì không ai có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ của chúng ta, cho bằng Mẹ trong mối quan hệ của Mẹ với Con.
“Thiên Chúa ở cùng bà”. Lời nói trấn an này, thường thường được gặp thấy trong Cựu Ước, được ngỏ lời với những nhân vật run sợ và e ngại trước sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó, như Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sê trong hoạt cảnh “bụi cây bốc cháy” (x. Xh 3: 12) khi ông ngần ngại đón nhận sứ mạng giải phóng dân Ngài. Một cách tổng quát hơn, xuyên suốt lịch sử, Đức Chúa lập đi lập lại lời này cho dân Ngài chọn. Lời này cũng chính là định nghĩa Giao Ước. Vào giây phút này, Đức Ma-ri-a cô đọng mười tám thế kỷ của việc Thiên Chúa tuyển chọn ở nơi mình. Mẹ đưa vận mệnh của dân Chúa chọn vào vận mệnh của riêng Mẹ. Mẹ là “Thiếu Nữ Xi-on” tuyệt vời. Thiên Chúa ở với Mẹ trong cung lòng thanh khiết của Mẹ.
3. Sứ điệp về Đức Giê-su (1: 29-35).
Sứ điệp sứ thần gởi đến Đức Trinh Nữ Ma-ri-a về Đức Giê-su được ngắt nhịp hai lần bởi hai câu hỏi của Mẹ (1, 29 và 34), nhờ đó sứ thần loan báo chân tính của Đức Giê-su, Con của Mẹ. Về câu hỏi thứ nhất, sứ thần mặc khải nguồn gốc nhân loại của Đức Giê-su, Ngài là Đấng Mê-si-a (Đức Ki-tô) thuộc dòng dõi vua Đa-vít (1: 29-33). Về câu hỏi thứ hai, sứ thần mặc khải nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su, Ngài đích thật là Con Thiên Chúa (1: 34-35).
A.Đức Giê-su là “Đấng Mê-si-a” (1: 29-33):
Cũng như ông Da-ca-ri-a, khi nghe những lời chào ấy, Đức Ma-ri-a bối rối và hỏi xem lời chào ấy có ý nghĩa gì. Vì thế, sứ thần trấn an Mẹ: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Đoạn, sứ thần xác định mặc khải của mình: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ cai trị nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”.
Tên của Hài Nhi là “Giê-su”, nghĩa là “Đức Chúa là Đấng Cứu Độ”. Ơn cứu độ được Thiên Chúa hứa từ ngàn xưa sẽ được thực hiện qua Con Trẻ của Đức Ma-ri-a. Người sẽ được gọi là “Con Đấng Tối Cao”. Tước hiệu “Con Đấng Tối Cao” được nhắc đến chỉ ba lần trong Cựu Ước, mỗi lần đều quy chiếu đến vị vua thuộc dòng dõi vua Đa-vít (2Sm 7: 14; Tv 2: 7; Tv 89: 27-28). Vì thế, cũng như bà Ê-li-sa-bét, Đức Ma-ri-a sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, tuy nhiên, con trẻ của Đức Ma-ri-a là Đấng Mê-si-a, Đấng mà ở nơi Ngài lời hứa cho vua Đa-vít được thành tựu. Trong bối cảnh này, tước hiệu “Con Đấng Tối Cao” không có nghĩa nào khác hơn là một tước hiệu dành cho một hậu duệ của vua Đa-vít, nhưng tước hiệu này chuẩn bị cho mặc khải còn sâu xa hơn tiếp theo sau.
B. Đức Giê-su đích thật là “Con Thiên Chúa” (1: 34-35).
Đức Ma-ri-a thẳng thắn nêu lên vấn nạn: “Làm sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng?”. Lời thắc mắc này cho thấy Mẹ ý thức rằng Lời Thiên Chúa mà sứ thần truyền tin cho Mẹ được ứng nghiệm ngay từ bây giờ. Vì thế, Mẹ tin vào tính hiệu quả của Lời Chúa, nhưng muốn niềm tin của mình được soi sáng “vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng”. Vấn nạn Đức Ma-ri-a nêu lên trùng khớp với bản văn của thánh Mát-thêu: “Trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai…” (Mt 1: 18).
Vấn nạn này giúp sứ thần khai triển mặc khải sâu xa hơn: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên bà, vì thế người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa”. Sứ thần nhắc cho Mẹ nhớ lại vai trò của Thánh Thần theo Kinh Thánh: “Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa ban sự sống”. Vào lúc bắt đầu công trình Tạo Dựng, “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” ban sự sống cho vũ trụ còn nguyên sơ (x. St 1: 2). Qua đó, sứ thần ngầm loan báo một công trình Tạo Dựng mới mà Đức Ma-ri-a được mời gọi dự phần vào.
Để giúp Đức Ma-ri-a có thể hiểu rằng đây là công trình của Thiên Chúa chứ không là công trình của phàm nhân, sứ thần nói thêm: “Quyền năng Đấng Tối Cao phủ bóng trên bà”.  Động từ “phủ bóng” là diễn ngữ Kinh Thánh, như xưa kia trong hoang địa “đám mây phủ bóng trên Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40: 34). Từ đó, sứ thần khẳng định: “Vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa”. Ở đây, sứ thần xác định rõ hơn mặc khải của mình: “Con Thiên Chúa” không là một tước hiệu được dành cho Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít, nhưng là nguồn gốc thần linh của Hài Nhi, Con Trẻ này đích thật là Con Thiên Chúa.
4. Sứ điệp về Đức Ma-ri-a (1: 36-38).
Đức Ma-ri-a không xin dấu lạ. Chính sứ thần tự ý đề nghị ban cho Mẹ một dấu lạ: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà cũng đã thụ thai: một người vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”, điều mà về phương diện con người không thể được. Vì thế, sứ thần kết thúc mặc khải của mình trong cùng những lời mà Thiên Chúa đã ngỏ lời với tổ phụ Áp-ra-ham, ông rất đỗi kinh ngạc vì vợ ông, bà Sa-ra vốn đã hiếm muộn nay tuổi đã cao, có thể sinh cho ông một cậu con trai: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (St 18: 14).
Trong hoạt cảnh truyền tin cho ông Da-ca-ri-a trước đó, dù bà Ê-li-sa-bét hiếm muộn và tuổi đã cao, không thể ngăn cản mục đích của Thiên Chúa. Cũng một cách thức như vậy đối với bà Sa-ra (x. St 11: 30), bà Rê-bê-ca (x. St 25: 21), bà Ra-khen (x. St 29: 31) và mẹ của ông Sam-son (x. Tl 13: 2). Trong hoạt cảnh truyền tin cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng ta gặp thấy điều gì đó thậm chí còn kỳ diệu hơn nữa vì Đức Giê-su, Con của Mẹ, không đơn giản là Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít, nhưng cũng là Con Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần thực hiện công trình sáng tạo mới nơi cung lòng của Đức Nữ Trinh.
Với diễn ngữ Kinh Thánh “phủ bóng trên bà”, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là Hòm Bia Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa ngự ở giữa dân Ngài. Nơi cung lòng của Mẹ, Thánh Thần thổi hơi sự sống, sự sống này là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa đối với Đức Ma-ri-a và lời đáp trả “xin vâng” tròn đầy của Mẹ đối với Thiên Chúa. Chính từ mối hiệp thông thánh thiện này mà Hài Nhi Giê-su được thụ thai trong cung lòng Mẹ.
Không có gì có thể ngăn cản ‎kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tình yêu tự nó không thể bị ép buộc được, vì thế đòi hỏi sự ưng thuận từ phía Đức Ma-ri-a. Thiên Chúa trao gởi cho Mẹ Tình Yêu đặc biệt của Ngài. Tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi Mẹ, chính là tin vào tình yêu của Ngài. Đức Ma-ri-a tự nhận mình là “tớ nữ của Thiên Chúa”. Mẹ mở rộng tấm lòng mình để đón nhận tình yêu này với tiếng “Xin Vâng” tròn đầy. Vì thế, qua Mẹ Thiên Chúa có thể thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài cho nhân loại.
Tiếng “xin vâng” của Đức Ma-ria tỏa sáng nhân cách tuyệt vời của Mẹ. Tiếng “xin vâng” của Mẹ không là khởi điểm, nhưng là kết quả của một cuộc đối thoại chân thành, thẳng thắn của Mẹ. Những gì Mẹ không hiểu, Mẹ hỏi cho ra lẽ cho đến khi chạm đến mầu nhiệm của Thiên Chúa, lúc đó Mẹ cất tiếng “xin vâng” tràn đầy lòng tin, chan chứa lòng mến và hy vọng.
Trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Bài đọc I nói cho chúng ta biết vua Đa-vít muốn xây một nhà nguy nga tráng lệ để làm chỗ xứng đáng cho Hòm Bia thánh, nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài, nhưng gặp phải sự từ chối của Thiên Chúa. Việc chối từ này mặc lấy ý nghĩa viên mãn của nó trong hoạt cảnh Truyền Tin cho Đức Ma-ri-a. Nơi Thiên Chúa chọn để Con của Ngài đến ở với loài người là cung lòng của Đức Ma-ri-a, thanh sạch và rạng ngời vinh hiển của Chúa Thánh Thần. Cung lòng của Đức Trinh Nữ là Nhà của Thiên Chúa, là Đền Thờ tuyệt mỹ vô song, là nơi cực thánh mà Con Thiên Chúa nhập thể chọn để sống ở giữa chúng ta.

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 260
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 252
 
  •   Hôm nay 13,123
  •   Tháng hiện tại 1,257,132
  •   Tổng lượt truy cập 81,190,032