Toàn văn sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 53 của Đức Thánh Cha

Thứ bảy - 01/06/2019 16:06      Số lượt xem: 2572

Trong tinh thần hiệp thông với sứ mạng truyền thông của Giáo Hội hoàn vũ, Ngày truyền thông Thế giới của Giáo tỉnh Hà Nội sẽ được tổ chức tại giáo xứ Sa Châu, giáo phận Bùi Chu, vào Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, ngày 02/6/2019. Nhân dịp đặc biệt này, Ban truyền thông Giáo phận xin trân trọng gửi đến Quý vị độc giả "Toàn văn sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 53 của Đức Thánh Cha Phanxicô".

New Picture
 
Chúng ta là phần thân thể của nhau’

Ngày 24 tháng Một năm 2019, Vatican công bố Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 53 của Đức Thánh Cha Phanxico được tổ chức trong năm 2019. Chủ đề: “Chúng ta là phần thân thể của nhau” (Eph 4,25). Từ những cộng đồng mạng xã hội đến cộng đồng nhân loại.
******
Anh chị em thân mến,
Ngay từ khi internet lần đầu tiên xuất hiện, Giáo hội luôn tìm cách thúc đẩy việc sử dụng nó để phục vụ cho sự gặp gỡ giữa mọi người và cho sự đoàn kết giữa tất cả mọi người. Qua Sứ điệp này, một lần nữa tôi muốn mời gọi anh chị em suy ngẫm về nền tảng và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa chúng ta và tái khám phá khao khát của nhân vị không muốn bị cô lập và cô đơn, trong muôn vàn thách thức của bối cảnh truyền thông hiện tại.
 
Những phép ẩn dụ của mạng và cộng đồng

Môi trường của truyền thông ngày nay thâm nhập quá sâu rộng đến mức không thể phân biệt được với phạm vi của cuộc sống hàng ngày. Mạng là một tài nguyên của thời đại chúng ta. Nó là một nguồn cung cấp kiến thức và tạo ra các mối quan hệ mà trước đây không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, xét về khía cạnh những biến đổi sâu sắc công nghệ đã mang lại những ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất, phân phối và sử dụng nội dung, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến những rủi ro đe dọa việc tìm kiếm và chia sẻ thông tin xác thực trên quy mô toàn cầu. Nếu Internet đại diện cho khả năng tiếp cận kiến thức bao la, thì rõ ràng nó cũng được chứng minh là một trong những lĩnh vực bị phơi bày trước những thông tin giả và việc cố tình bóp méo sự thật có chủ đích cùng những mối quan hệ giữa các cá nhân, thường được sử dụng để làm mất uy tín.

Về một mặt, chúng ta cần nhận biết cách thức các mạng xã hội giúp chúng ta kết nối, tái khám phá và hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn, nhưng mặt khác, chính chúng bị lợi dụng cho việc thao túng dữ liệu cá nhân, nhằm đạt được lợi thế chính trị hoặc kinh tế, mà không phải do tôn trọng người đó và quyền của người đó. Thống kê cho thấy trong số những người trẻ tuổi, một phần tư có liên quan đến các tình tiết bạo lực internet.[1]

Trong viễn cảnh phức tạp này, có thể hữu ích khi phản ánh lại về phép ẩn dụ của mạng (net), vốn là nền tảng bắt đầu của Internet, để tái khám phá tiềm năng tích cực của nó. Hình ảnh của mạng (net) mời gọi chúng ta suy tư về con số khổng lồ những con đường và các giao điểm bảo đảm cho tính ổn định của nó khi thiếu vắng một trung tâm, cấu trúc theo phân cấp, một hình thức tổ chức theo chiều dọc, đó là các mạng (networks) vì tất cả các thực thể của nó đều chia sẻ trách nhiệm.

Từ quan điểm nhân học, phép ẩn dụ của mạng gợi lại một hình ảnh đầy ý nghĩa khác: cộng đồng. Một cộng đồng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều nếu nó biết gắn kết và hỗ trợ, nếu nó được tạo sức sống bởi cảm giác tin tưởng, và theo đuổi các mục tiêu chung. Cộng đồng như một mạng lưới của tình đoàn kết đòi hỏi sự lắng nghe và đối thoại với nhau, đặt nền tảng trong việc sử dụng ngôn ngữ có tính trách nhiệm.

Trong bối cảnh hiện tại, mọi người đều có nhìn thể thấy những cách thức mà cộng đồng mạng xã hội không trở nên đồng nghĩa với cộng đồng. Trong trường hợp tốt nhất, các cộng đồng ảo này có thể cho thấy sự gắn kết và tình đoàn kết, nhưng thường thì chúng vẫn chỉ duy trì là các nhóm của những cá nhân công nhận nhau thông qua những điểm quan tâm chung hoặc những lo lắng về các mối ràng buộc yếu kém. Hơn nữa, trong web xã hội danh tính thường đặt nền tảng trên sự đối lập với người khác, người bên ngoài nhóm: chúng ta thể hiện bản thân bắt đầu từ những gì chia rẽ chúng ta hơn là những gì hợp nhất chúng ta, làm nảy sinh sự hoài nghi và tạo ra mọi loại định kiến (sắc tộc, tình dục, tôn giáo và những điểm khác). Xu hướng này tạo động cơ cho các nhóm loại trừ tính đa dạng, cho thấy ngay cả trong môi trường kỹ thuật số vẫn nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân buông lỏng, đôi khi dẫn đến việc khích động vòng xoáy thù hận. Theo cách này, những gì đáng lẽ phải là cửa sổ mở ra thế giới thì lại một nơi để trưng bày và thể hiện tính tự kỷ ái mộ.

Mạng là một cơ hội để thúc đẩy sự gặp gỡ với những người khác, nhưng nó cũng có thể làm tăng sự tự cô lập bản thân, giống như một tấm lưới (web) có thể bủa vây chúng ta. Những người trẻ tuổi là người mang ảo tưởng rằng mạng xã hội hoàn toàn có thể làm họ thỏa mãn ở mức độ quan hệ. Có một hiện tượng nguy hiểm là những người trẻ tuổi đang trở thành những “ẩn sĩ xã hội”, những người có nguy cơ xa lánh hoàn toàn khỏi xã hội. Tình huống quan ngại này cho thấy một sự rạn nứt nghiêm trọng trong cấu trúc quan hệ của xã hội, một điều chúng ta không thể bỏ qua.

Thực tại đa dạng và nguy hiểm này đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau về bản chất đạo đức, xã hội, luật pháp, chính trị và kinh tế, và thách đố với cả Giáo hội. Trong khi các chính phủ tìm kiếm những cách hợp pháp để kiểm soát web và bảo vệ cho tầm nhìn ban đầu về một hệ thống mạng tự do, mở rộng và an toàn, tất cả chúng ta đều có khả năng và có trách nhiệm thúc đẩy những cách sử dụng tích cực.

Rõ ràng, việc gia tăng những kết nối nhằm làm tăng sự hiểu biết lẫn nhau là chưa đủ. Vậy, bằng cách nào để chúng ta có thể tìm thấy bản sắc cộng đồng tính thật sự của mình, ý thức được trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với nhau trên mạng trực tuyến không?

Chúng ta là phần thân thể của nhau

Có thể rút ra một câu trả lời khả dĩ từ phép ẩn dụ thứ ba: đó là thân thể và các thành viên, mà Thánh Phaolô sử dụng để mô tả mối quan hệ tương quan giữa mọi người, dựa trên cơ cấu làm cho họ hiệp nhất. “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Eph 4:25). Trở thành một phần thân thể của nhau là một động cơ sâu sắc mà Thánh Tông đồ mời gọi chúng ta phải bỏ đi sự gian dối và nói sự thật: trách nhiệm bảo vệ sự thật bắt đầu từ mệnh lệnh không được hiểu sai về mối quan hệ tương quan của tình hiệp nhất. Sự thật được tỏ lộ trong tình hiệp nhất. Ngược lại, những điều dối trá là một sự khước từ ích kỷ không công nhận rằng chúng ta là phần thân thể của nhau; chúng là một sự khước từ không phục vụ người khác, từ đó đánh mất đi con đường tìm được chính mình.

Phép ẩn dụ về phần thân thể của nhau hướng chúng ta đến suy tư về căn tính của chúng ta, đặt nền tảng trong sự hiệp nhất và “người khác.” Là người Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều chân nhận nhau như là phần thân thể của nhau mà đầu là Đức Ki-tô. Điều này giúp chúng ta không nhìn thấy người khác như là những đối thủ tiềm ẩn, nhưng thậm chí xem kẻ thù vẫn là những con người. Chúng ta không cần đến sự đối đầu để thể hiện mình, vì ánh mắt nhìn thấu suốt mà chúng ta học nơi Đức Ki-tô giúp chúng ta khám phá được người khác theo một cách hoàn toàn mới, như là một phần và điều kiện không thể thiếu cho sự quan hệ và gần gũi.

Khả năng thấu hiểu và giao tiếp như vậy giữa người với người dựa trên sự hiệp nhất của tình yêu giữa các Ngôi vị trên nước trời. Thiên Chúa không phải là sự Cô độc, nhưng là sự Hiệp nhất; Người là Tình yêu, và do đó là sự giao tiếp vì tình yêu luôn có sự giao tiếp; quả thật, bản thân giao tiếp là để gặp gỡ người khác. Để giao tiếp với chúng ta và để hòa nhập mình với chúng ta, Thiên Chúa sử dụng ngôn ngữ của chúng ta, thiết lập một sự đối thoại thật sự với nhân loại xuyên suốt lịch sử (x. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 2).
Vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa Đấng là sự hiệp nhất và thông ban chính mình, chúng ta mãi mãi mang trong mình khát khao được sống trong sự hiệp nhất, được thuộc về một cộng đồng. Thánh Basil [2] nói, “Trên thực tế, không có gì cụ thể hơn đối với bản chất của chúng ta như khi nó đi vào một mối quan hệ với người khác, như khi cần có nhau.”

Bối cảnh hiện tại kêu gọi tất cả chúng ta đầu tư vào các mối quan hệ và khẳng định bản chất tương quan giữa người với người của tính nhân loại của chúng ta, trong đó bao gồm cả trong hệ thống mạng và thông qua hệ thống mạng. Còn hơn thế, người Kitô hữu chúng ta được kêu gọi thể hiện sự hiệp nhất làm nổi bật bản sắc của chúng ta là những người tín hữu. Quả thật, chính đức tin là một mối quan hệ, một cuộc gặp gỡ; và dưới sự thúc đẩy của tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có thể giao tiếp, chào đón và hiểu được món quà nơi người khác và đáp trả lại.

Sự hiệp nhất trong hình ảnh Chúa Ba Ngôi chính là những gì phân biệt giữa con người với cá nhân. Từ niềm tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, theo đó, để trở thành chính mình, tôi cần người khác. Tôi thực sự là con người, thực sự là ngôi vị, chỉ khi tôi có quan hệ với người khác. Thật vậy, từ “con người” biểu thị con người như là một “khuôn mặt,” mà khuôn mặt đó hướng về người khác, là người gắn kết với người khác. Đời sống của chúng ta trở nên nhân văn hơn khi bản chất của nó ít hướng đến cá nhân nhưng hướng đến con người nhiều hơn; chúng ta nhìn thấy con đường thật sự trở nên nhân văn hơn này nơi một người chuyển từ một cá nhân, luôn nhìn người khác như một đối thủ, sang một người, chân nhận người khác như là những bạn đường cùng đồng hành.

Từ “like” chuyển thành “amen”

Hình ảnh của thân thể và các chi thể nhắc nhở chúng ta rằng việc sử dụng mạng xã hội là sự bổ trợ cho một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người với người qua thân thể, trái tim, đôi mắt, ánh mắt, hơi thở của người khác. Nếu mạng (Net) được sử dụng như cách hỗ trợ hoặc kỳ vọng của một sự gặp gỡ như vậy, thì khái niệm về mạng không bị phản bội và vẫn là một tài nguyên cho tình hiệp thông. Nếu một gia đình sử dụng mạng để tạo mối dây liên kết nhiều hơn, rồi tiếp sau là gặp gỡ trực tiếp và nhìn vào mắt của nhau, thì đó là một tài nguyên. Nếu một cộng đoàn Hội Thánh phối hợp hoạt động của mình thông qua mạng lưới và sau đó cùng nhau cử hành Thánh Lễ, thì đó là một tài nguyên. Nếu mạng trở thành một cơ hội để chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm về cái đẹp hay sự đau khổ ở xa chúng ta, để cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau tìm kiếm điều tốt đẹp để tái khám phá những gì hiệp nhất chúng ta, thì đó là một tài nguyên.

Bằng cách này, chúng ta có thể chuyển từ việc chẩn đoán sang cách điều trị: mở ra con đường đối thoại, gặp gỡ, cho “những nụ cười” và những cách thể hiện lòng nhân ái … Đây là hệ thống mạng chúng ta cần, một hệ thống mạng được tạo ra không để gài bẫy, nhưng để giải phóng, để bảo vệ một sự hiệp nhất những con người tự do. Chính Giáo hội là một mạng lưới được đan dệt bằng sự hiệp thông Thánh thể, trong đó sự hiệp nhất không được đặt trên những nút “like” (thích), nhưng trên sự thật, trên lời “Amen,” qua đó mỗi người đều bám víu vào Thân thể của Đức Ki-tô, và chào đón người khác.

Viết tại Vatican, 24 tháng Một năm 2019, Lễ nhớ Thánh Phanxico de Sales.
Franciscus
 [Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/1/2019]

Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2019
 
1. Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2019 là gì?
 
Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2019: “Chúng ta là chi thể của nhau” – Từ các ‘cộng đồng mạng xã hội’ đến ‘cộng đoàn nhân loại’.

2. Môi trường truyền thông ngày nay mang tính áp đảo như thế nào?

Môi trường truyền thông ngày nay – đặc biệt là mạng xã hội – mang tính áp đảo đến mức khó mà tách biệt khỏi lĩnh vực cuộc sống hằng ngày. Mạng xã hội là một nguồn tri thức và nguồn của những tương quan rất phong phú, giúp kết nối, tái khám phá và hỗ trợ nhau tốt hơn, nhưng cũng là một trong những lĩnh vực dễ bị bóp méo thông tin cách vô tình hoặc hữu ý nhằm xuyên tạc và bôi nhọ nhau, sẵn sàng thao túng dữ liệu cá nhân nhằm đạt được lợi thế chính trị hoặc kinh tế, chẳng cần tôn trọng con người và quyền của con người. Thống kê cho thấy trong giới trẻ, cứ bốn người thì có một người liên quan đến các vụ bắt nạt qua mạng.

3. Tại sao chúng ta cần suy ngẫm ẩn dụ về mạng để tái khám phá tiềm năng tích cực của nó?
Ta sẽ tái khám phá tiềm năng tích cực của mạng khi thấy rằng mạng mang hình ảnh đa dạng của các con đường và các giao điểm, nơi không có cơ cấu tổ chức quyền hành theo chiều dọc. Mạng hoạt động chính yếu nhờ sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một cộng đoàn. Một cộng đoàn sẽ mạnh mẽ hơn nhiều nếu có tính gắn kết và nâng đỡ, được linh hoạt bởi sự tin tưởng và theo đuổi các mục tiêu chung. Cộng đoàn – như một mạng lưới của tình liên đới – đòi hỏi phải lắng nghe và đối thoại với nhau, dựa trên việc sử dụng ngôn ngữ có trách nhiệm.

4. ‘Cộng đồng mạng xã hội’ có luôn đồng nghĩa với một ‘cộng đoàn’ không?

‘Cộng đồng mạng xã hội’ – còn gọi là ‘cộng đồng ảo’ – không đương nhiên đồng nghĩa với một ‘cộng đoàn’ gắn kết. Có thể có những ‘cộng đồng ảo’ mang tính liên đới, nhưng đa phần chúng chỉ đơn giản là các nhóm cá nhân nhận biết nhau thông qua các lợi ích hoặc mối quan tâm chung, với những mối liên kết yếu ớt. Căn tính của chúng rất nhiều khi lại dựa trên tính đối lập với người ngoài nhóm. Chúng tự định nghĩa bằng những gì chia rẽ thay vì liên kết nhau, khiến gây ra ngờ vực và định kiến, loại trừ tính đa dạng và đề cao chủ nghĩa cá nhân cực độ, có khi đi đến chỗ kích động vòng xoáy hận thù. Như thế, mạng xã hội lẽ ra phải là một cửa sổ mở ra với thế giới thì lại trở thành nơi thể hiện thói tự sùng bái cá nhân. Mạng là một cơ hội để thúc đẩy việc gặp gỡ người khác, nhưng cũng có thể làm tăng thêm sự tự cô lập, giống như một mạng nhện có thể là một cái bẫy. Rất nhiều người trẻ có ảo tưởng rằng mạng xã hội hoàn toàn có thể làm cho họ thỏa mãn về mặt tương quan, nhưng rồi chúng lại làm cho họ trở thành những ‘ẩn sĩ xã hội’, tách họ ra khỏi xã hội. Thực tế đa dạng và nguy hiểm này đặt ra nhiều vấn nạn về đạo đức, xã hội, luật pháp, chính trị và kinh tế, đồng thời thách đố cả Giáo hội nữa.

5. Làm thế nào để giúp mạng xã hội tìm lại được căn tính cộng đoàn?

Thưa cần phải suy ngẫm lời Thánh Phaolô: “Hãy gạt bỏ sự dối trá, hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25). Ẩn dụ về thân mình và các chi thể giúp chúng ta hiểu về căn tính của mình: Mình là chi thể của một thân thể mà Đầu là Đức Kitô. Vì thế, chúng ta không được phép nhìn mọi người như những đối thủ tiềm ẩn, nhưng coi cả kẻ thù như những ‘nhân vị’.

6. Căn tính cộng đoàn được thể hiện nơi mỗi người như thế nào?

Vì được dựng nên giống Thiên Chúa là Tình Yêu – là các Ngôi Vị hiệp thông, chứ không phải là một Đấng đơn độc – nên chúng ta luôn khao khát được sống trong sự hiệp thông, luôn ao ước được thuộc về một cộng đồng. Nghĩa là, để trở thành chính mình, tôi luôn cần đến những người khác: Tôi chỉ thực sự là một ‘con người’, một ‘nhân vị’, khi tôi có tương quan với người khác. Tôi trở nên ‘người’ nhiều hơn khi bớt tính ‘cá nhân’ đi để mang tính ‘nhân vị’ nhiều hơn, bớt nhìn người khác như là đối thủ để nhìn nhận họ như bạn đồng hành.

7. Khi chúng ta tham gia mạng xã hội với ý thức thể hiện căn tính cộng đoàn – coi mọi người như chi thể của nhau, mạng xã hội sẽ mang lại những lợi ích đặc biệt nào?

Khi chúng ta tham gia mạng xã hội với ý thức thể hiện căn tính cộng đoàn – coi mọi người như chi thể của nhau, chúng ta sẽ giúp mạng xã hội tìm lại được căn tính cộng đoàn của chính nó. Khi đó, các gia đình sẽ sử dụng mạng xã hội để kết nối nhiều hơn với nhau, từ đó sẽ dễ dàng gặp nhau nhiều hơn ở bàn ăn mà nhìn nhau nhiều hơn với ánh mắt yêu thương. Khi đó, các cộng đoàn Hội Thánh sẽ phối hợp hoạt động của mình thông qua mạng xã hội, để cùng đến với nhau nhiều hơn nơi bí tích Thánh Thể – đỉnh cao của hiệp nhất tin yêu. Khi đó, mạng xã hội trở thành cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm về cái đẹp và khổ đau, từ đó cùng nhau cầu nguyện và tìm kiếm điều tốt đẹp mà hiệp nhất với nhau nhiều hơn, mở ra con đường đối thoại, gặp gỡ nhau trong nụ cười và sự dịu dàng. Khi đó, mạng xã hội được tạo ra không phải để gài bẫy, mà là để giải thoát, và sự hiệp nhất khi ấy không dựa trên những nút “like”, mà dựa trên chữ “Amen”, trên “Sự thật” về một Thân Thể duy nhất, trong đó mọi người đều là chi thể của nhau.
Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội / HĐGMVN
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 202
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 201
 
  •   Hôm nay 31,126
  •   Tháng hiện tại 1,275,135
  •   Tổng lượt truy cập 81,208,035