Ai có thể đọc Kinh Thánh?

Thứ bảy - 03/02/2024 20:28      Số lượt xem: 1056

Thông thường, muốn đọc Kinh Thánh, người đọc cần có một vốn kiến thức nào đó về Kinh Thánh, đôi khi đòi phải biết khá nhiều điều để có thể giúp khám phá bản văn Kinh Thánh.

kt
Tác giả: Nữ tu Agnès Cảnh Tuyết, O.P
Tác giả: Nữ tu Agnès Cảnh Tuyết, O.P
AI CÓ THỂ ĐỌC KINH THÁNH?
 
Ai cũng có thể đọc Kinh Thánh. Và đây lại là điều nguy hiểm, bởi vì người ta có thể giải thích đoạn Kinh Thánh theo ý họ muốn   với não trạng và văn hóa của họ, người ta có thể áp đặt lên đoạn Kinh Thánh nói điều mà đoạn Kinh Thánh không có ý nói. Vì thế khi đọc đoạn Kinh Thánh, cần tuân thủ một vài nguyên tắc, chẳng hạn phân biệt thể loại văn chương; phân tích bản văn Kinh Thánh một cách cẩn thận; đặt đoạn Kinh Thánh trong bối cảnh văn chương của nó và bối cảnh lịch sử bản văn Kinh Thánh ra  đời.

Chẳng hạn “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ.” (Mt 18,20).

Nếu chỉ đọc câu này, người ta có thể dựa vào đó để đề cao việc cầu nguyện chung như là phương thế tuyệt  hảo  nhất.  Nhưng  khi  đặt  trích  dẫn này (Mt 18,20) vào đoạn mà nó được trích ra, thì đó là đoạn Tin Mừng nói về sửa lỗi trong cộng đoàn; việc tụ họp hai ba người ở đây nhằm mục đích mang lại hiệu quả trong việc sửa lỗi huynh đệ, hơn là đề cao việc cầu nguyện chung của hai ba người.

Khi đặt vào tổng thể của Tin Mừng Mátthêu, thì việc cầu nguyện riêng cũng có một giá trị nhất định, chúng ta có thể đọc thấy ở Tin Mừng Mátthêu chương 6 câu 6 như sau: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo...”. Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài thường xuyên cầu nguyện một mình, nhất là vào những thời khắc quan trọng nhất, chẳng hạn trước khi Ngài bước vào cuộc Khổ Nạn, chúng ta đọc thấy trích dẫn này: “Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Ngài nói với các môn đệ: Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng  kia cầu nguyện”  (Mt 26,36).

Kinh Thánh không phải là những câu thần chú cứ rút ra từng câu để áp dụng vào mọi hoàn cảnh. Có những câu Kinh Thánh được tương đối hóa bởi câu khác:

“Ðừng đáp lại đứa ngu theo cái ngu của nó, kẻo chính con cũng lại giống nó thôi” (Cn 26,4).

Nhưng trích dẫn dưới đây lại cho lời khuyên hoàn toàn ngược lại: “Hãy đáp lại đứa ngu theo cái ngu của nó, kẻo nó cứ tưởng là nó khôn” (Cn   26,5).

Ở đây, chúng ta đang trong  thể  loại  châm ngôn, nó phản ánh một nền minh triết  dựa  trên  kinh nghiệm và thực tiễn. Mỗi người phải tự tìm lấy cách ứng xử cho từng trường hợp riêng. Không có câu trả lời làm sẵn cho mọi nơi mọi lúc. Khôn ngoan đích thực vẫn luôn bỏ ngỏ, không bao giờ hoàn tất. Nó không hề đóng khung trong một hệ thống khép kín, và không cho phép tuyệt đối hóa câu châm ngôn nào, hay một kinh nghiệm nào.

Chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tương đối của những câu triết lý mà chúng ta quen nghe trong cuộc sống, chẳng hạn người xưa thường dạy: “Im lặng là vàng”; còn Martin Luther King, nhà hoạt động xã hội, từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Không phải lúc nào im lặng cũng là vàng, vì im lặng trước sự dữ là đồng lõa với sự ác.

Như vậy, cần tránh sự phóng chiếu tâm lý tình cảm của con người để giải thích về Thiên Chúa, vì nếu làm như thế, chúng ta dễ hạ thấp mạc khải ngang tầm triết lý của con người, và chúng ta không đủ khả năng đón nhận mạc khải đến từ Thiên Chúa.
 
Người không tin có thể đọc Kinh Thánh không?

Ai cũng có thể đọc Kinh Thánh: người tin cũng như người không tin, Kitô hữu cũng như người ngoài Kitô giáo. Nhưng nếu người đọc không chia sẻ niềm tin với tác giả Kinh Thánh, thì họ chỉ đọc như một người thích văn chương, đọc vì tính hiếu kỳ. Đọc như thế sẽ không hiểu đúng ý của tác giả Kinh Thánh. Vì mục đích của tác giả Kinh Thánh là nhằm truyền tải thông điệp niềm tin. Việc đọc Kinh Thánh chỉ thực   sự có ý nghĩa đối với người đọc, khi họ cùng chia sẻ niềm tin với tác giả Kinh   Thánh[1].

Có thể nói, Kinh Thánh như một bức thư tình, chỉ có người trong cuộc mới hiểu, mới cảm được hết tình ý của bức thư. Người đọc Kinh Thánh được mời gọi nhập cuộc, để nghe từng lời trong Kinh Thánh đang nói với mình, đang hướng về mình. Chúng ta sẽ nghe lời của ngôn sứ Nathan trách Đavít về tội giết Uria và cướp vợ của ông ta như đang nói với chính mình: “Người đó chính là ngươi”. Giữa một thế giới nặng vật chất, người ta có thể lầm khi đánh giá người khác, và đánh giá mình dựa trên địa vị, tiền tài; và có khi chính mình thất vọng về mình khi thấy mình không ra gì; hãy nghe Lời Chúa ngỏ với Israel qua ngôn sứ Isaia là lời dành cho riêng bạn: “Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta  trân  trọng  và mến thương...” (Is 43,4). Những lúc chúng ta cảm thấy sự dữ ngày một thắng thế, tưởng chừng như tất cả đang bị nhận chìm dưới sức mạnh của sự ác, hãy nghe lời Thầy Giêsu đang nói với bạn: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Người đọc Kinh Thánh được mời lắng nghe Lời Chúa đang ngỏ với chính mình, ngỏ với riêng mình. Người đọc được mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đấng ban Lời Hằng Sống.

Khi Kitô hữu đọc Kinh Thánh

Đối với Kitô hữu, việc đọc Kinh Thánh hướng người đọc đến việc lắng nghe Lời Chúa nói với chính mình, để Lời Chúa soi  sáng  cuộc  sống  của  mình, để mình có thể đi vào mối tương quan gặp gỡ với  Đấng ban Lời Hằng Sống. Và đây lại là một nguy hiểm không hề nhỏ, vì người ta có thể lạm dụng Kinh Thánh nhằm phục vụ cho tư lợi. Chẳng hạn có nhà độc tài đã từng áp dụng Lời Chúa trong Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (Rm 13,1) để biện minh cho quyền bính độc tài của ông; ông tuyên bố một cách tinh quái và mị dân như sau: mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa; tôi đang nắm quyền bính, vậy tôi đến từ Thiên Chúa. Vì thế, mời gọi người đọc Kinh Thánh ý thức mình rất cần sự khiêm nhường, rất cần ơn Chúa Thánh Thần để đọc Kinh Thánh,  hầu tránh xa việc dùng Lời Chúa như vũ khí nhằm tìm vinh danh con người vì chỉ mình Thiên Chúa mới đáng được tôn vinh.

Hiểu biết chú giải Kinh Thánh

Để hiểu đoạn Kinh Thánh, nhất thiết phải theo các phương pháp chú giải Kinh Thánh và tham khảo ý kiến của nhà chú giải Kinh Thánh. Tuy nhiên, nên tránh mất giờ với những chú giải mang tính diễn giải, suy đoán, nhất là về những điều mà bản văn Kinh Thánh không nói đến (chẳng hạn Ga 8,7: Tin Mừng chỉ nói Chúa Giêsu lấy ngón tay viết trên cát và không nói Chúa Giêsu viết gì. Chúng ta không nhất thiết phải mất giờ để nghe theo nhà chú giải đã đi quá xa khi đưa ra những giả định về điều Chúa Giêsu viết). Người đọc cần có khả năng phân tích và nhận định, không nên dễ dàng xem các ý kiến chú giải như một kết luận chắc chắn. Cũng nên biết rằng các ý kiến, các giả thuyết của chú giải có thể thay đổi do những khám phá mới. Chẳng hạn trước đây hầu hết các nhà chú giải đều đồng ý về thuyết Bốn Truyền Thống (J, E, P, D), ngày nay thuyết này đã được xem xét lại một vài điểm đáng kể.
 
Kiến thức cần thiết về Kinh Thánh

Thông thường, muốn đọc Kinh Thánh, người đọc cần có một vốn kiến thức nào đó về Kinh Thánh, đôi khi đòi phải biết khá nhiều điều để có thể giúp khám phá bản văn Kinh Thánh. Tuy nhiên, người đọc có thể chọn theo cách của Cha Paul Beauchamp[2]: cứ bắt đầu với chính bản văn Kinh Thánh; chúng ta sẽ học hỏi, tìm kiếm các kiến thức liên quan đến Kinh Thánh trong lúc nghiên cứu bản văn. Với cách này, thay vì mất nhiều giờ để “nói về Kinh Thánh”, chúng ta sẽ ưu tiên thời gian cho việc “đọc Kinh Thánh”.
 

[1] Etienne Charpentier, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2006 (1er 1980), trang 9; La Bible – Notes Integrales Traduction Oecumenique (TOB). Paris: Cerf, 2011, trang 18-19.
[2] Paul Beauchamp, Psaumes Nuit et Jour. Paris: Seuil, 1980, trang 15.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 232
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 227
 
  •   Hôm nay 12,532
  •   Tháng hiện tại 1,256,541
  •   Tổng lượt truy cập 81,189,441