"Thời đã đến" (Bài suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Thứ tư - 20/12/2023 11:08      Số lượt xem: 934

Chúng ta đang tiến dần tới lễ Giáng Sinh. Lời Chúa của Chúa nhật thứ bốn Mùa Vọng muốn khẳng định với chúng ta: những gì được loan báo trong Cựu ước, nay sắp được thành toàn. Thời đã đến! Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công. Ngài trung thành với lời hứa từ ngàn xưa, là ban Đấng Thiên sai cứu độ trần gian.

screenshot 1703045399
Chúa nhật 4 Mùa Vọng - Năm B

Thời đã đến!
 
Chúng ta đang tiến dần tới lễ Giáng Sinh. Lời Chúa của Chúa nhật thứ bốn Mùa Vọng muốn khẳng định với chúng ta: những gì được loan báo trong Cựu ước, nay sắp được thành toàn. Thời đã đến! Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công. Ngài trung thành với lời hứa từ ngàn xưa, là ban Đấng Thiên sai cứu độ trần gian.
 
Làm thế nào để biết được thời đã đến? Bài đọc I trích sách Các Samuel quyển thứ hai đưa chúng ta về thời của Đavít, tức là vào khoảng năm 950 trước Công nguyên. Xuất phát từ lòng yêu mến đối với Đức Gia-vê, Đavít không an tâm khi mình ở trong cung điện mà Hòm Bia của Chúa lại ở trong lều. Qua ngôn sứ Nathan, Chúa khẳng định với vua: hiện tại chưa đến lúc xây đền thờ. Tuy vậy, để đáp lại thiện chí của Đavít, Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu trong tương lai, đó là làm cho dòng dõi ông được vinh hiển. Lời ngôn sứ này trực tiếp nhắm tới Salomon, người sẽ kế vị ngai vàng sau khi Đavít băng hà. Lời ngôn sứ còn đi xa hơn, khi hướng về một vị vua đúng nghĩa: vị vua đó là Con Thiên Chúa, và vương quyền của vị vua đó sẽ bền vững muôn đời. Dưới sánh sáng Tin Mừng, Kitô giáo nhận ra vị vua mà ngôn sứ Nathan nói tới chính là Đức Giêsu thành Nagiarét. Lời nói và việc làm của Người đã chứng minh lời ngôn sứ mà Chúa đã phán năm xưa. Vâng, thời đã đến rồi.
 
Thánh Phaolô lại nói với chúng ta: mầu nhiệm Thiên Chúa vốn giấu kín từ ngàn xưa, nay được biểu lộ. Mầu nhiệm ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô là một Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Khái niệm “mầu nhiệm” được hiểu như kế hoạch của Thiên Chúa trong việc cứu độ con người. Nếu Thiên Chúa là Đấng Vô hình, thì con người có thể được chiêm ngưỡng Ngài qua Con của Ngài là Đức Giêsu. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Đấng cao cả đã trở nên gần gũi thân thiện với con người. Ngôi Lời đến trần gian để nói với chúng ta về Chúa Cha và về tình thương của Ngài đối với nhân loại. Thông điệp Ngôi Lời mang đến cho trần gian là thông điệp của tình yêu và chân lý. Ai đón nhận thông điệp này, đúng hơn là ai đón nhận Người Con, thì sẽ được cứu rỗi. Vâng, thời đã đến rồi.
 
Thời đã đến! Thiên Chúa không còn nói với con người qua trung gian giống như thời Cựu ước, mà “Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta” (Ga 1,14). Từ khởi đầu lịch sử, Thiên Chúa đã dùng lời nói của Ngài mà sáng tạo mọi sự từ hư vô. Nay, Thiên Chúa cứu độ con người, còn gọi là thực hiện công cuộc sáng tạo mới, qua Con của Ngài. Từ nay, ai đón tiếp Ngôi Lời, sẽ trở nên tạo vật mới và sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Đây là sự trao đổi kỳ diệu, chỉ có quyền năng và tình thương của Thiên Chúa mới có thể làm được.
 
Để thực hiện công trình sáng tạo mới, Chúa mời gọi sự cộng tác của con người. Người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ quê ở thành Nagiarét, tên là Maria, là người được Thiên Chúa đề nghị cộng tác với Ngài. Trình thuật truyền tin cho chúng ta thấy sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Không ai có thể tưởng tượng một Thiên Chúa lại sai sứ thần đến chào kính một con người! Sứ thần Gabrien đã làm như thế. Sứ thần khiêm cung chào kính Trinh nữ Maria, kèm theo những lời ca tụng và chúc phúc. Lời chào khiêm tốn này khiến Trinh nữ bối rối, vì đây là điều chẳng ai thấy, cũng chẳng ai có thể tưởng tượng ra được. Maria đã đại diện cho cả nhân loại thưa lời “Xin vâng” kỳ diệu. Gọi là kỳ diệu, bởi lẽ từ lời thưa ấy, Con Thiên Chúa làm người trong lòng Trinh nữ. Mầu nhiệm Nhập thể là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người nơi một cá vị cụ thể. Đức Giêsu chính là vị vua mà ngôn sứ Nathan đã loan báo. Người được gọi là “con vua Đavít”. Danh xưng này vừa được đám đông dân chúng người Do Thái tung hô, khi Đức Giêsu long trọng tiến vào thành Giêrusalem. Danh xưng này cũng được những bệnh nhân kêu cầu với niềm xác tín và với hy vọng được chữa lành. Người phụ nữ dân ngoại kêu cùng Chúa: “Lạy Ngài là Con Vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi! Đưa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” (Mt 15,22). Người mù ở cổng thành Giêricô cũng có lời nài xin tương tự: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi” (Lc 18, 38).
 
Thời của Đấng Thiên sai đã đến, và hôm nay, những Kitô hữu như chúng ta cũng đang được mời gọi cộng tác để sứ mạng của Đấng Thiên sai được tiếp tục và mang lại nhiều hiệu quả tốt lành nơi gia đình, xã hội và mọi môi trường cuộc sống. “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Tâm tình và sự sẵn sàng của Trinh nữ Maria cũng phải là tâm tình và sự sẵn sàng cộng tác với chương trình của Chúa nơi mỗi tín hữu chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 213
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 209
 
  •   Hôm nay 31,253
  •   Tháng hiện tại 1,275,262
  •   Tổng lượt truy cập 81,208,162