Suy niệm lời Chúa Chúa nhật III Phục Sinh: Lời chứng "mục sở thị" của các tông đồ

Thứ bảy - 13/04/2024 20:07      Số lượt xem: 1838

Để nói về một điều gì đó đã được nhìn thấy chắc chắn, người Việt chúng ta rất quen thuộc với từ ngữ Hán Việt: "mục sở thị". Từ ngữ này có nguồn gốc từ thành ngữ gốc Hán "Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ" (十 目 所 視 十 手 所 指), có nghĩa là: Mười mắt trông thấy, mười tay trỏ vào, tức một việc đã hiển nhiên, không chối cãi được. Lời chứng về Tin mừng phục sinh được trình bày trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 24, 33-48) hôm nay cũng trọn vẹn giá trị hiển nhiên, không chối cãi được như thế. Vì quả thực các tông đồ và môn đệ đã "thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ", mười mắt đã trông thấy, mười tay đã được chạm vào Chúa phục sinh.

Title Page
Tin Mừng Phục Sinh: Lời chứng "mục sở thị" của các tông đồ

 
Để nói về một điều gì đó đã được nhìn thấy chắc chắn, người Việt chúng ta rất quen thuộc với từ ngữ Hán Việt: "mục sở thị". Từ ngữ này có nguồn gốc từ thành ngữ gốc Hán "Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ" (十 目 所 視 十 手 所 指), có nghĩa là: Mười mắt trông thấy, mười tay trỏ vào, tức một việc đã hiển nhiên, không chối cãi được. Lời chứng về Tin mừng phục sinh được trình bày trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 24, 33-48) hôm nay cũng trọn vẹn giá trị hiển nhiên, không chối cãi được như thế. Vì quả thực các tông đồ và môn đệ đã "thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ", mười mắt đã trông thấy, mười tay đã được chạm vào Chúa phục sinh.

Thánh Luca trình thuật: Đang khi nhóm Mười Một và hai môn đệ từ làng Emmau trở về háo hức kể cho nhau được gặp Chúa Giêsu phục sinh thì chính Chúa Giêsu hiện ra và chúc bình an cho các ông. Theo phản ứng tự nhiên, các ông hoảng hồn và trở nên kinh khiếp vì họ nghĩ là đấy là hồn (πνεῦμα) của Chúa Giêsu hiện về. Để giải toả nghi lầm này, Chúa Giêsu mời gọi các ông: “Hãy nhìn xem những bàn tay và những bàn chân của Thầy, chính Thầy đây. Hãy chạm vào Thầy và hãy xem, hồn đâu có xác và xương như anh em thấy Thầy đang có.” (Lc 24,39). Hồn là hiện hữu thiêng liêng không có xương có thịt, người đứng trước mặt các ông có xương có thịt, vậy chắc chắn không phải là hồn. Các môn đệ xác tín điều đó và lời chứng sau này của các ông cso giá trị vì các ông vừa được "mục sở thị":  “Hãy nhìn xem những bàn tay và những bàn chân của Thầy, chính Thầy đây.", vừa được "thủ sở chỉ": "Hãy chạm vào Thầy và hãy xem, hồn đâu có xác và xương như anh em thấy Thầy đang có” về Đức Giêsu phục sinh.

Chưa dừng lại, Đức Giêsu tiếp tục “cho họ xem bàn tay và bàn chân Người”. Có một điểm đặc biệt là hầu như trong các lần hiện ra ban đầu, Chúa Giêsu đều cho các môn đệ xem tay và chân Người. Điều đó có ý nghĩa gì? Chính bàn tay và bàn chân của Chúa Giêsu là nơi ghi dấu những vết thương "chết người" do cuộc đóng đinh để lại. Vì thế, những dấu chứng ấy cung cấp tiệm tiến thêm một lời chứng nữa: Người đứng trước mặt các môn đệ có xương có thịt không phải là hồn ma đã đành, người ấy còn đích thị là Đức Giêsu chứ không phải ai khác, chính Đấng bị đóng đinh mà nay đã sống lại.

Đến đây thì các môn đệ không còn "kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma" nữa, mà chuyển trạng thái sang "mừng quá, và (còn đang) ngỡ ngàng" đến nỗi chưa thể tin nổi (!). Lúc ấy, Chúa Giêsu tiếp tục cho các ông gia tăng niềm tin bằng "mục sở thị" thứ ba: Người ăn uống trước mặt các ông. (x. Lc 24,31). Việc ăn uống của Chúa Giêsu trước mặt các môn đệ không chỉ diễn tả một cơ thể sống bình thưởng, nhưng còn gợi lên hình ảnh, cách thức ăn uống quen thuộc của Thầy, đánh động mạnh mẽ vào ý thức và lòng tin của các môn đệ, những người "cùng ăn cùng uống với Thầy."

Sau khi chứng minh cho các môn đệ thấy rằng Người đã thực sự sống lại và đang hiện diện thật bằng xương bằng thịt, Đức Giêsu tiếp tục gợi nhớ cho các ông về những điều mà Người đã nói trước đều ứng nghiệm những tiên báo trong Kinh Thánh: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” (Lc 24, 44). Rồi Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và hiểu về sứ mạng của Người: "Người nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24, 46-48).

Từ ngữ chứng nhân (μάρτυρες) vừa có nghĩa là "người làm chứng", vừa có nghĩa là "tử đạo", nói lên hành động bảo vệ cho sự thật đến tận cùng, sẵn sàng lấy cái chết để làm chứng cho chân lý. Nhìn vào cuộc sống các môn đệ, quả thật các ông đã sống trọn vẹn ý nghĩa của từ ngữ này. Hầu hết các môn đệ đã dùng mạng sống mình để làm chứng cho Tin mừng phục sinh của Đức Giêsu. Tại sao lại như thế? Bởi vì các ông đã "thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ", mắt thấy tay sở vào Đức Giêsu phục sinh. Đức Giêsu sống lại là một chân lý hiển nhiên, không thể chối cãi với các ông và các ông có bổn phận làm chứng về điều này theo lệnh truyền của chính Đấng chỗi dậy từ cõi chết mà các ông được đụng chạm tới: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Ước mong con người thời đại hôm nay, qua những lời chứng đã được "mục sở thị" của các tông đồ và các môn đệ, cũng được lòng xác tín mạnh mẽ, để sống và làm chứng cho Tin mừng phục sinh của Chúa Giêsu!

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương
 
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 204
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 194
 
  •   Hôm nay 13,422
  •   Tháng hiện tại 1,323,736
  •   Tổng lượt truy cập 81,256,636