Đức Giêsu Kitô, Vị Vua Tối Thượng Của Vương Quốc Vĩnh Cửu

Thứ bảy - 25/11/2023 06:49      Số lượt xem: 908

Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ mở ra cho người tín hữu một tầm nhìn vĩnh cửu. Cuộc đời con người không dừng lại ở những gì thuộc về thế gian hôm nay, nhưng kéo dài đến vô tận với khung cảnh trời mới đất mới, nơi mọi sự thật được hiển lộ. Trong đó, sự thật lớn lao nhất đó là Đức Ki-tô bị đóng đinh chính là Vị Vua Tối Thượng Của Vương Quốc Vĩnh Cửu. Phụng vụ Lời Chúa của lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ hôm nay cung cấp cho chúng ta những hiểu biết thần học về điều ấy, về vương quyền đặc biệt của Đức Giêsu Kitô.

screenshot 1700869888

 Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ mở ra cho người tín hữu một tầm nhìn vĩnh cửu. Cuộc đời con người không dừng lại ở những gì thuộc về thế gian hôm nay, nhưng kéo dài đến vô tận với khung cảnh trời mới đất mới, nơi mọi sự thật được hiển lộ. Trong đó, sự thật lớn lao nhất đó là Đức Ki-tô bị đóng đinh chính là Vị Vua Tối Thượng Của Vương Quốc Vĩnh Cửu. Phụng vụ Lời Chúa của lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ hôm nay cung cấp cho chúng ta những hiểu biết thần học về điều ấy, về vương quyền đặc biệt của Đức Giêsu Kitô.
 
Bài đọc I trích sách Samuel quyển thứ hai giới thiệu với chúng ta một vị vua nổi tiếng thời Cựu ước, là  vua Đavít. Ông là vị vua thứ hai sau vua Saun, kể từ khi Israel thiết lập nền quân chủ. Việc Đavít được xức dầu phong vương coi như một việc làm theo ý của Thiên Chúa (x. 2 Sm 5, 1-3). Theo truyền thống Kinh Thánh, Đavít chính là hình ảnh của Vị Vua Vũ Trụ chính là Đấng cứu thế sẽ ngự đến.
 
Thật độc đáo, giống như phương pháp đối chiếu biện chứng, bài đọc II  trích thư gửi tín hữu Côlôxê cho thấy, vương quốc của Đavid đã đẹp, đã lý tưởng rồi, vương quốc của Đấng cứu thế Giêsu còn đẹp và lý tưởng vô đối. Vương quốc ấy không thu hẹp trong ranh giới của Israel như Đavít, nhưng lan rộng khắp Hội Thánh, khắp vũ trụ tạo dựng và cả thế giới của kẻ chết. Thánh Phaolô, tác giả của lá thư này tuyên bố: Đức Kitô “là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài.” (Cl 1, 18). Đấng Vua Uy Quyền ấy sẽ mang lại sự viên mãn phong nhiêu, sự giao hòa vạn vật và nền hòa bình khắp cõi: “Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.” (Cl 1, 19-20).

Thật tuyệt vời, chính từ phông nền của hoàn cảnh đau thương, bi đát, tác giả Luca trong bài Tin Mừng lại khắc họa thật rõ nét hình ảnh Đức Kitô với uy quyền của một vị Vua đặc biệt (x. Lc 23, 35-43). Ngay trong lúc Đức Kitô bị đóng đinh thập giá và cận kề với cái chết lại là lúc người trộm lành vẫn tin tưởng vào Ngài, kêu xin Ngài và anh được nhận lời. Đức Kitô đã hứa ban Nước Thiên đàng cho anh.
 
Một điều rất đặc biệt nữa mà có lẽ từ cổ chí kim chưa ai làm, đó là việc nhà cầm quyền lại cho đóng tấm bảng tôn vinh một người tử tội. Philatô đã làm điều đó với Đức Giêsu dù bị can ngăn. Ông cho đóng tấm biển trên đầu thánh giá với dòng chữ "NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI”. Giống như thượng tế Cai pha trước đó đã nói tiên tri: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50), quyết định này của tổng trấn Phila tô cũng chính là lời tuyên xưng về Đức Giêsu giống như một soi sáng mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Bảng hiệu được viết bằng ba thứ tiếng: Hy Lạp, La Tinh và Do Thái. Thời ấy, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ của văn hóa; tiếng Latinh là ngôn ngữ của chính trị; tiếng Do Thái là ngôn ngữ của tôn giáo. Như thế, tước hiệu vương đế ghi trên bảng hiệu biểu trưng ý nghĩa được giới thiệu trong mọi lãnh vực, mọi nền văn hóa và mọi ý thức hệ chính trị. Thực tế hôm nay cho thấy điều “tiên tri” này đã được thực hiện: danh Đức Giêsu được kêu cầu bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới. Tin Mừng của Người đã đến với mọi nền văn hóa, dân tộc, quốc gia. Và, phần lớn cư dân trên mặt địa cầu đã có được niềm tin cách mặc nhiên hoặc minh nhiên vào Chúa.

Theo thần học của thánh Phaolô, tước vị Vua của Đức Giêsu biểu thị “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, “là trưởng tử mọi tạo vật”, “là đầu thân thể tức là Hội thánh”, “là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết”, là Đấng được Thiên Chúa đặt “làm bá chủ mọi loài”... (x.Cl 1, 12-20). Những lời tuyên xưng về Vị Vua Giêsu chắc chắn làm cho thế gian phải kinh ngạc vì chưa từng được nghe danh một ai như thế "dưới gầm trời này.” (Cv 4,12), hoặc như xác tín của tác giả thư gửi cộng đoàn Philípphê: “Vừa nghe Danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Phil 2,10-11).
 
Suy ngẫm tất cả những lời tuyên xưng này về Vị Vua Giêsu, người tín hữu được khích lệ mạnh mẽ lòng cậy trông vào Ngài. Mạnh mẽ cậy trông vào Vị Vua Giêsu, trung thành sống theo giáo huấn của Vị Vua Giêsu, có như thế, người tín hữu mới giống như người trộm lành, được trở thành thần dân tốt của Chúa. Và nhờ đó, cánh cửa Nước Thiên đàng, Vương quốc vĩnh cửu, sẽ chắc chắn rộng mở cho họ.

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương

 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 206
  •   Máy chủ tìm kiếm 15
  •   Khách viếng thăm 191
 
  •   Hôm nay 37,613
  •   Tháng hiện tại 1,167,975
  •   Tổng lượt truy cập 81,100,875