"Cuộc sống vô thường" (Bài suy niệm Tin mừng Chúa nhật 24 thường niên- Năm A của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Thứ ba - 12/09/2023 06:35      Số lượt xem: 1080

“Cuộc sống vô thường”, đó là điều người ta hay nói. Đây cũng là một triết lý nhân sinh. « Vô thường » là khái niệm thường được dùng trong một số tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo, có nghĩa không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi liên tục, kể cả sự chết cũng là một thay đổi. Lăng kính Kitô giáo cũng nhìn nhận sự bất toàn mong manh của kiếp người, đồng thời tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Thường Hằng Bất Biến, tức là Đấng không thay đổi, Đấng vĩnh cửu quyền năng, ngàn đời vẫn thế.

screenshot 1694515117
Chúa nhật 24 thường niên – Năm A

“Cuộc sống vô thường”
 
“Cuộc sống vô thường”, đó là điều người ta hay nói. Đây cũng là một triết lý nhân sinh. « Vô thường » là khái niệm thường được dùng trong một số tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo, có nghĩa không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi liên tục, kể cả sự chết cũng là một thay đổi. Lăng kính Kitô giáo cũng nhìn nhận sự bất toàn mong manh của kiếp người, đồng thời tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Thường Hằng Bất Biến, tức là Đấng không thay đổi, Đấng vĩnh cửu quyền năng, ngàn đời vẫn thế. Tác giả Thánh vịnh diễn tả : “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 16-17). Đó cũng là diễn giải khái niệm « vô thường » theo một cách khác.
 
Nếu cuộc sống trần gian là vô thường, thì hạnh phúc thiên đàng lại là vĩnh cửu. Để đạt được Nước Trời, con người sống trên trần gian phải biết tận dụng những gì Chúa ban để nên hoàn thiện. Nhiều người dành cả đời mình để tranh đấu hơn thua, để trả thù và rửa hận. Tuy vậy, trước khi báo thù được người khác, thì tâm hồn họ đã bị dày vò và mất bình an. Tác giả sách Huấn Ca (Bài đọc I) lên án oán hờn và giận dữ, đồng thời gọi chúng là « những điều ghê tởm ». Những ai tìm cách báo thù, sẽ chuốc lấy sự báo thù của Đức Chúa. Tác giả cũng khuyên chúng ta : « hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn ».
 
Khi luôn tâm niệm « cuộc sống vô thường » chúng ta sẽ dễ dàng sống bao dung với tha nhân. Nghĩ đến có ngày mình phải chết, sẽ giúp chúng ta quảng đại khiêm nhường. Cuộc sống này ngắn lắm. Người ta chỉ sống một lần, không như con rắn khi già thì lột xác để rồi tiếp tục sống. Nếu mọi người đều suy nghĩ và ý thức về sự chóng qua của kiếp người, thì cuộc sống sẽ bớt tranh giành, bớt tham lam và bớt thù hận.
 
Một câu hỏi được đặt ra : lòng bao dung và tha thứ dựa trên tiêu chuẩn nào ? Người Do Thái xưa kia có luật « mắt đền mắt, răng đền răng ». Người Việt chúng ta thường nói : « Ăn miếng trả miếng ». Giáo huấn của Chúa Giêsu lại mang một nội dung hoàn toàn khác : không phải chỉ tha bảy lần như câu hỏi của Phêrô, mà là tha bảy mươi lần bảy. Khi đặt câu hỏi này, có lẽ Phêrô đã liên tưởng đến lời Chúa nói với Ca-in sau khi ông này tỏ ra hối lỗi vì đã phạm tội giết em mình : « Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy » (St 4,15). Sau đó là lời ông La-méc nói : « Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy » (St 4,24). Chắc hẳn Chúa Giêsu không có ý nói với chúng ta bảy mươi nhân với bảy là 490 lần, mà là qua cách nói này, Chúa muốn dạy chúng ta tha thứ không giới hạn.
 
Như thế, theo giáo huấn của Chúa Giêsu, sự tha thứ không được đong đo bằng số lần, mà là tha thứ tất cả, tha thứ mãi mãi, tha thứ không phân biệt đối tượng. Tình yêu thương mà Chúa để nghị, đó là yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Dụ ngôn người đầy tớ vừa là con nợ, rồi được ông chủ tha, và khi trở thành chủ nợ của một người bạn với một chút tiền bạc nho nhỏ, anh ta đã quên ơn huệ mình vừa lãnh nhận, mà nỡ tâm bỏ tù người bạn của mình. Vị tôn chủ đã kết án anh này là « tên độc ác ». Và, những ân huệ anh ta đã nhận được khi trước thì nay bị rút lại. Nếu anh ta đã cố tình tống người bạn vào tù, thì nay chính anh ta phải ngồi tù cho đến khi trả hết nợ. Điều này cũng có nghĩa anh ta phải ở tù suốt đời, vì món nợ mười ngàn yến vàng là quá lớn. Qua câu chuyện dụ ngôn này, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau. Tha thứ là điều kiện để được thứ tha, như chúng ta vẫn hát trong « Kinh hoà bình » : Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ.
 
Người tin vào Chúa Giêsu thì sống hay chết đều thuộc về Người. Những lo lắng trần ai không làm họ nao núng, vì họ luôn nhận Chúa hiện diện trong đời. Thánh Phaolô khuyên giáo dân Rôma như thế. Kitô hữu không còn sống cho bản thân, mà là sống cho Chúa, làm mọi việc để tôn vinh Chúa và để đẹp lòng Người. Đó là bí quyết của hạnh phúc và bình an. Đó cũng là phương pháp để xua đi những phiền não giận hờn và hơn thua tranh chấp.
 
Cuộc sống mong manh vô thường, như đoá hoa phù dung, sớm nở chiều tàn. Chỉ có Chúa là Đấng vĩnh cửu. Xin cho chúng ta luôn phó thác cậy dựa nơi Chúa, là “núi đá” và là ơn Cứu độ của chúng ta. Amen.
 
“Người đầu tiên biết nói lời xin lỗi là người dũng cảm nhất. Người đầu tiên biết cách tha thứ là người mạnh mẽ nhất. Và người đầu tiên biết cách quên đi quá khứ đau buồn là người hạnh phúc nhất” (Sưu tầm).
 
“Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai” (Sưu tầm).
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 169
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 157
 
  •   Hôm nay 45,301
  •   Tháng hiện tại 1,175,663
  •   Tổng lượt truy cập 81,108,563