Chú giải Lời Chúa Chúa nhật XXXII Thường niên - Năm A

Thứ năm - 09/11/2023 18:40      Số lượt xem: 9723

Chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật hôm nay là cuộc gặp gỡ của mỗi người với Chúa. Không ai trong chúng ta biết được ngày giờ Chúa gọi mình ra khỏi cuộc đời này, vậy, điều khôn ngoan nhất là phải luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng chờ đón Chúa đến.


Kn 6: 12-16
Bài Đọc I trích từ sách Khôn Ngoan, trong đó tác giả minh họa Đức Khôn Ngoan qua những phẩm tính thần linh. Đức Khôn Ngoan là đối tượng mà con người ra sức tìm kiếm và khao khát được gặp gỡ.
1Tx 4: 13-18
Bài Đọc II trích từ thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, trong đó thánh Phao-lô khẳng định rằng những tín hữu đã qua đời sẽ được sống lại để rồi cùng với những người đang sống gặp gỡ Thiên Chúa vào ngày Chúa Ki-tô quang lâm.
Mt 25: 1-13
Tin Mừng tường thuật dụ ngôn “Mười Trinh Nữ đi đón Chàng Rể”, trong đó chỉ năm cô khôn ngoan chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp gỡ này mới có thể vào dự tiệc cưới với chàng rể.
CN 32 TN A 4
BÀI ĐỌC I (Kn 6: 12-16)
Sách Khôn Ngoan, sách cuối cùng của Cựu Ước, được viết không bằng tiếng Híp-ri, nhưng bằng Hy ngữ, bởi một tác giả nặc danh, vào những năm 80-50 trước Công nguyên. Tác giả, một người Do Thái gắn bó với niềm tin của cha ông, sống ở thành phố A-lê-xan-đri-a bên Ai Cập, một trong những môi trường Do Thái chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, một nền văn hóa đề cao sự khôn ngoan và sản sinh nhiều trường phái triết học.
Lý do tác giả viết tác phẩm này chính vì Do Thái giáo có nguy cơ bị nền văn hóa Hy Lạp rực rỡ đồng hóa. Tác giả muốn chứng minh rằng sự khôn ngoan của Kinh Thánh trổi vượt hơn sự khôn ngoan của ngoại giáo. Trên bình diện văn chương, tác giả định vị mình trong truyền thống Minh Triết Do Thái, nhất là sách Châm Ngôn và sách Huấn Ca. Trên bình diện thần học, sứ điệp của tác giả về Đức Khôn Ngoan đã dọn đường cho khoa thần học về Ngôi Lời và khoa thần học về ân sủng.
Bản văn hôm nay, trích từ phần thứ hai của tác phẩm (ch. 6-10), ca ngợi Đức Khôn Ngoan. Trong phần trích dẫn này, tác giả nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan cách sinh động, linh hoạt và thi vị qua bốn phẩm tính thần linh của Đức Khôn Ngoan:
1. Đức Khôn Ngoan hiện thân Thiên Chúa (6: 12):
Trong câu đầu tiên của đoạn trích hôm nay, Đức Khôn Ngoan được minh họa qua hình ảnh ánh sáng vĩnh cửu: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ” (6: 12a). Trong Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan, Ngôi Lời Thiên Chúa cũng được minh họa qua hình ảnh như vậy: “Ngôi Lời là ánh sáng thật,  ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1: 9).
Với ai yêu mến Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan cho được diễm phúc chiêm ngưỡng mình: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan  thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng” (6: 12b).
Với ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan cho được diễm phúc gặp gỡ mình: “Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan,  thì Đức Khôn Ngoan cho gặp” (6: 12c).
Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan khẳng định rằng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1: 18).  
2. Đức Khôn Ngoan đi bước trước (6: 13-14):
Với ai khao khát Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan tự tìm đến và tỏ mình ra cho người ấy: “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (6: 13).
Với ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan đã hiện diện ở đó rồi, “ngồi ngay trước cửa nhà”. Một hình ảnh gợi lên những sáng kiến thần linh, như trực giác về điều mà các nhà thần học sau này gọi: “ân sủng dự phòng”: “Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà” (6: 14).
Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan cũng mô tả Ngôi Lời đi bước trước như vậy: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người  là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1: 14).  
3. Đức Khôn Ngoan giúp hoàn thiện sự hiểu biết (6: 15):
Đức Khôn Ngoan xứng đáng cho con người để hết tâm trí suy niệm, vì Ngài là nguồn mạch của mọi điều thiện hảo, ban hạnh phúc cho con người, trút bỏ mọi lo âu phiền muộn khỏi con người: “Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự minh mẫn hoàn hảo. Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm, sẽ mau trút được mọi lo âu” (6: 15).
Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan khẳng định rằng: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1: 16-17).
4. Đức Khôn Ngoan tỏ mình ra cho những ai yêu mến mình (6: 16):
Mục đích của Đức Khôn Ngoan là tìm kiếm những ai yêu mến mình để dẫn họ đến với mình: “Vì những ai xứng đáng với Đức Ngôn Khoan, thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ” (6: 16).
Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan mô tả Ngôi Lời cũng tương tự như vậy:  “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1: 11-12).
Nói tóm lại, Đức Khôn Ngoan được minh họa qua những phẩm tính thần linh như trên là hình bóng của “Ngôi Lời nhập thể”. Chính Đức Giê-su cất tiếng kêu mời con người đến với Ngài, gặp gỡ Ngài, đón nhận Lời Ngài, nội tâm hóa Lời Ngài để Lời Ngài trở thành nguồn mạch phun trào sự sống đời đời trong lòng mình. Với ai yêu mến Ngài, Ngài sẽ tỏ mình ra cho người ấy biết chân tính thần linh của Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14: 21).
 
BÀI ĐỌC II (1Tx 4: 13-18)
Những người Ki-tô hữu tiên khởi tin rằng ngày Quang Lâm của Đức Giê-su sắp đến gần. Niềm tin này dựa vào lời quả quyết của Đức Giê-su: “Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy đến” (Mt 24: 34). Ngoài ra, vào thời đó, nhiều thế hệ Do Thái chờ đợi ngày cánh chung mà các sách khải huyền Do Thái đã tiên báo. Ấy vậy, trong số các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca có những người Ki-tô hữu gốc Do Thái; họ dễ dàng chia sẻ bầu khí nôn nóng chờ đợi này. Chúng ta có thể cảm nhận tâm trạng đầy xao xuyến của những tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca khi họ nêu ra câu hỏi về số phận của những người giữa họ đã qua đời trước ngày Chúa quang lâm: làm thế nào những người này có thể được Ngài dẫn vào Nước Trời? Vậy số phận của họ sẽ như thế nào?
Thánh Phao-lô trấn an họ khi nhắc cho họ nhớ rằng niềm tin của họ đặt nền tảng trên cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su. Niềm hy vọng vào cuộc sống mai hậu dựa vào niềm xác tín rằng được nên một với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ được chung phần vào cùng một vận mệnh với Ngài.
1. Không ai được mất niềm hy vọng:
“Anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”: Chắc hẳn nhiều lương dân được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng vào cuộc sống bên kia cái chết, như linh hồn bất tử của người Hy Lạp hay những đạo lý của những tôn giáo thần bí. Nhưng những người đó có thật sự xác tín như vậy hay không? Họ có dự kiến về sự phục sinh của thân xác hay không? Ngoài ra còn có biết bao người không chờ đợi bất cứ điều gì hay nghi nan ngờ vực.
“Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này”: Chắc chắn ở đây thánh Phao-lô không nhắm đến một lời chính xác nào đó của Chúa Giê-su, đúng hơn đây là giáo huấn Tin Mừng, dựa trên đó thánh Phao-lô công bố niềm hy vọng lớn lao xuất phát từ Đức Ki-tô.
2. Một niềm xác tín không lay chuyển:
Kiểu nói: “Chúng ta, những người đang sống” được hiểu là bao gồm cả thánh Phao-lô lẫn các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, những người mà thánh nhân đang ngỏ lời với họ. Quả thật, xem ra thánh Phao-lô hy vọng là mình vẫn còn sống để dự phần vào biến cố vinh quang này, vì thánh nhân nói thêm: “Những người còn lại vào ngày quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu”. Nhưng kiểu nói này cũng có thể được hiểu một cách tổng quát, vì xa hơn một chút, thánh Phao-lô nói rằng thánh nhân không biết một chút gì về ngày quang lâm (bản văn này sẽ được trích dẫn vào Chúa nhật tới).
Dù thế nào, “Lời Chúa” đem lại cho chúng ta một niềm xác tín: những người đang sống vào ngày Chúa quang lâm sẽ không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào; đúng hơn những người đã qua đời sẽ sống lại trước tiên để rồi cùng với những người vẫn đang sống sẽ gặp lại Đức Ki-tô và hiệp nhất với Ngài mãi mãi.
Khi đọc đoạn thư này, đừng quá chú trọng đến cảnh tượng mô tả cuộc Quang Lâm ở đây. Thánh Phao-lô mượn những hình ảnh từ các sách khải huyền Do Thái. Điều cốt yếu là thực tại mà các hình ảnh này muốn thông đạt.
 
TIN MỪNG (Mt 25: 1-13)
Dụ ngôn ““Mười Trinh Nữ đi đón Chàng Rể” được dàn dựng như một vở kịch bắt đầu với phần Mở và chấm dứt với phần Kết, ở giữa được phân chia thành ba cảnh theo hình thức đối xứng nghịch đảo:
- Mở (25: 1-4)
- Cảnh 1: Các cô trinh nữ ngủ thiếp vì chàng rể đến muộn (25: 5).
- Cành 2: Chàng rể đến và phản ứng khác nhau (25: 6-9).
- Cảnh 3: Số phận khác nhau (25: 10-12).
- Kết (25: 13)
* Mở (25: 1-4):
Phần Mở giới thiệu các nhân vật. Các cô được chọn làm phù dâu để rước cô dâu về nhà chú rể. Các cô phải có mặt lúc chàng rể đến, với đèn cháy sáng trong tay. Tuy nhiên, có những lúc do hoàn cảnh, chú rể có thể đến chậm, vì thế các cô phải tự mình tiên liệu những điều cần thiết để có thể chu toàn nhiệm vụ đã được giao phó cho mình.
Chắc hẳn Chúa Giê-su đã được gợi hứng từ phong tục tập quán rước dâu của người Do Thái, rồi sửa đổi đôi điều để diễn tả giáo huấn của riêng Ngài. Theo tập tục lễ cưới của người Do Thái, chàng rể cùng với đoàn rước đến đón cô dâu tại nhà cha mẹ của cô, rồi long trọng rước cô dâu về nhà mình, tại đây lễ cưới sẽ được cử hành với một bữa tiệc. Ở đây, Đức Giê-su không đề cập đến cô dâu, vì Ngài có chủ ý khai thác bài học từ các cô phù dâu mà thôi.
Ngay trong phần “Mở” này, Đức Giê-su cung cấp cho thính giả của Ngài chìa khóa để hiểu câu chuyện. Trong số mười cô trinh nữ, có năm cô được gọi là “khờ dại” vì không biết tiên liệu: mang đèn mà không mang theo dầu dự trữ, và năm cô được gọi là “khôn ngoan” vì biết tiên liệu: không chỉ mang đèn lại còn mang thêm dầu dự trữ. Cách sống của các cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, còn cách sống của các cô khôn ngoan là biết “tiên liệu phòng xa”.
* Cảnh 1: Các cô trinh nữ ngủ thiếp vì chàng rể đến muộn (25: 5):
Khi màn sân khấu được kéo lên, khung cảnh vắng lặng, không một tiếng động, các cô trinh nữ đều ngủ thiếp cả. Sự kiện các cô ngủ thiếp đi thực ra không có gì sai quấy cả, lý do đơn giản là vì chàng rể đến trễ hơn dự kiến. Cả mười cô đều ngủ, ấy vậy, năm cô khôn ngoan được xem là có thái độ tỉnh thức. Tình trạng tỉnh thức được hiểu ở đây là sau khi đã chuẩn bị mọi việc cách chu đáo, dự phòng những điều bất ngờ có thể xảy ra, các cô có quyền nghỉ ngơi.
* Cảnh 2: Chàng rể đến và phản ứng khác nhau (25: 6-9)
Đây là cảnh trung tâm của vở diễn. Có tiếng la vang lên giữa đêm vắng: “Chàng rể kia rồi, ra đón đi!”. Khung cảnh vắng lặng bỗng nhiên chuyển động dồn dập đem lại kịch tính cho vở diễn. Thông thường chàng rể đến giữa tiếng đàn ca xướng hát nên người ta có thể nghe được từ đằng xa. Đàng này, lời loan báo bất ngờ vang lên đánh thức mười cô trinh nữ. Các cô lóng cóng chuẩn bị đèn. Khoảnh khắc mà các cô mong chờ đã đến. Một chút nữa thôi, khi đèn được thắp sáng, các cô sẽ được tháp tùng chàng rể vào tiệc cưới.
Khi thấy đèn mình hết dầu, các cô khờ dại năn nỉ năm cô khôn ngoan chia sẻ dầu với mình. Thật kỳ lạ, năm cô khôn ngoan, mỗi cô có cả một bình đầy ắp dầu, lại từ chối chia sớt dầu với các bạn mình. Có phải các cô khôn ngoan quá ích kỷ không? Đây không phải là chuyện dầu đèn bình thường. Ngọn đèn mà các cô phải giữ cho cháy sáng để đón chàng rể là ngọn đèn đức tin, đức cậy và đức mến. Vì thế, để nuôi dưỡng ngọn đèn đặc biệt này, cần đến dầu đặc biệt, dầu của đức tin, đức cậy và đức mến. Đức tin, đức cậy và đức mến là một hành vi tự do và riêng tư của mỗi người. Vì thế, không ai có thể chia sẻ đức tin, đức cậy, đức mến của mình với người khác. Khi từ chối, các cô khôn ngoan chỉ nêu lên hậu quả do thái độ thiếu tiên liệu. Bây giờ mọi sự đã quá muộn. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. 
* Cảnh 3: Số phận khác nhau (25: 10-12)
Trong khi năm cô khờ dại đi mua dầu thì chàng rể đến. Năm cô khôn ngoan với đèn cháy sáng trong tay tháp tùng chàng rể vào dự tiệc cưới. Cửa phòng tiệc đóng lại.
Sau đó, các cô khờ dại cũng đến khẩn khoan van xin: “Thưa Ngài, thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với”, nhưng chàng rể đáp lại: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”. Cuộc đối thoại ngắn này cho thấy sự thiếu sót lúc đầu tưởng rằng đây chỉ là một lỗi sơ xuất vô hại: mang đèn mà không mang theo dầu dự trữ, nhưng bây giờ trở nên một hậu quả nghiêm trọng khôn lường: không được vào dự tiệc cưới với chàng rể. Bài học được rút ra: đừng ai nghĩ rằng hễ đã được chọn vào đoàn rước là đảm bảo cho mình được tham dự tiệc cưới. Các cô khờ dại, vì sự chểnh mảng không dự phòng dầu để giữ cho đèn cháy sáng, đã bị loại ra khỏi tiệc cưới.   
Đến đây dụ ngôn trở thành ẩn dụ: “chàng rể” là Đức Ki-tô; “mười cô trinh nữ” là hình ảnh Giáo Hội đang chờ đợi ngày Quang Lâm của Chúa mình; “thời gian chậm trễ” diễn tả ngày Quang Lâm bị trì hoãn lâu dài, dù các Ki-tô hữu cứ tưởng là gần kề; tham dự tiệc cưới là được dự phần vào hạnh phúc Nước Trời; “cửa đóng lại” diễn tả sự khai trừ dứt khoát, nhắc chúng ta nhớ lại lời cảnh báo của Đức Giê-su: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác’.” (Mt 7: 22-23).
* Kết (25: 13):
Câu 13: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” được dùng để kết thúc dụ ngôn “Mười Trinh Nữ” xem ra không hợp lý cho lắm, bởi vì cả mười cô đều ngủ. Vả lại câu chuyện không trực tiếp dạy về “tỉnh thức”, nhưng về việc chuẩn bị dầu đèn trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ khi nào Ngài đến. Thật ra, tư thế tỉnh thức ở đây hệ tại ở nơi quyết tâm của người môn đệ là trung tín chu toàn những gì mình đã được giao phó.

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 139
  •   Máy chủ tìm kiếm 13
  •   Khách viếng thăm 126
 
  •   Hôm nay 49,076
  •   Tháng hiện tại 100,009
  •   Tổng lượt truy cập 81,407,985