Chú giải Lời Chúa Chúa nhật XXV Thường niên - Năm A

Thứ năm - 21/09/2023 16:22      Số lượt xem: 6744

Chủ đề Phụng Vụ Lời Chúa Chúa nhật này, đặc biệt bài đọc I và Tin Mừng, nêu rõ: tư tưởng Thiên Chúa siêu vượt trên mọi tư tưởng phàm nhân.

CN 25 TN A 4
Is 55:6-9
Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị loan báo sự giải thoát sắp đến và kêu mời những người lưu đày ở Ba-by-lon thật lòng hoán cải ngõ hầu được Thiên Chúa thứ tha, bởi vì đường lối của Thiên Chúa không là đường lối của con người.
Pl 1: 20-24, 27
Bài đọc II được trích từ thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp. Thánh nhân đang bị cầm tù và đang bị giằng co đôi ngả: hoặc bị tuyên án tử, như thế được ra đi để được ở với Chúa; hoặc được phóng thích để tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Mt 20:1-16
Tin Mừng tường thuật dụ ngôn thợ làm vườn nho, ở đó tấm lòng nhân ái của Thiên Chúa vượt lên trên sự công bằng sòng phẳng.

BÀI ĐỌC I (Is 55:6-9)
Bản văn này là một trong những sứ điệp sau cùng ngôn sứ I-sai-a đệ nhị ngỏ lời với những người lưu đày ở Ba-by-lon, họ mong chờ Thiên Chúa sẽ ra tay giải phóng họ khỏi kiếp lưu đày tha hương, nhưng vài người trong họ tỏ ra nghi ngờ và nhụt chí.
Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, tác phẩm của ông được gọi “Sách An Ủi” (Is 40-55), vội làm mới lại những chủ đề hy vọng. Ông đặt dấu nhấn trên niềm tin vào một vị Thiên Chúa rộng lòng tha thứ, một vị Thiên Chúa siêu việt, Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn, không có gì mà không thể đối với Ngài.
1. Thiên Chúa là Đấng rất gần:
Thời gian cứu độ sắp tới phải là thời gian của cầu nguyện và hoán cải. Bản văn này được trích dẫn đầy đủ hơn vào đêm Vọng Phục Sinh, vào đêm đó, bản văn này được áp dụng càng rõ ràng hơn theo đó sự giải thoát khỏi cảnh đời lưu đày ở Ba-by-lon xem ra như tiên trưng về cuộc giải phóng khỏi tội lỗi, cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống được cử hành vào lễ Vượt Qua.
“Hãy tìm Chúa, khi Người còn cho gặp, kêu cầu đi, lúc Người ở gần bên”. Phải chăng Thiên Chúa có thể còn gần gũi với dân Ngài hơn khi Ngài ra tay giải thoát và cứu độ họ? Năm mươi năm đã trôi qua kể từ cuộc phát lưu đầu tiên, lúc mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết cho những người lưu đày hầu như theo cùng một cách như vậy: “Các ngươi sẽ tìm Ta, và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp. Ta sẽ đổi vận mạng của các ngươi và sẽ thu họp các ngươi về từ khắp các dân, từ mọi nơi Ta đã xua các ngươi đến” (Gr 29: 13-14).
2. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thứ tha:
Trở về với Thiên Chúa không gì khác hơn là tránh xa mọi điều gian ác: “Kẻ bất lương, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người gian ác, hãy bỏ tư tưởng mình đang có”. Lời kêu gọi thay lòng đổi dạ là sứ điệp thường hằng của truyền thống ngôn sứ. Đối với ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, cuộc trở về Giê-ru-sa-lem phải cùng sóng đôi với cuộc trở về với Thiên Chúa. “Hãy trở về với Chúa, với Thiên Chúa chúng ta, Người sẽ xót thương vì rộng lòng tha thứ. Động từ “tha thứ” này được dùng trong Cựu Ước chỉ với Thiên Chúa là chủ từ, vì sự tha thứ của Thiên Chúa không có chung cùng mức độ nào với sự tha thứ của con người.
Lý do cuối cùng của niềm tin tưởng này mà những người lưu đày phải thấm nhuần, đó là: Thiên Chúa là Đấng rất độ lượng từ bi. Đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người. Tư tưởng của Thiên Chúa cao vời trên cõi trời cao thẳm, trong khi tư tưởng của con người ở tận chốn đất thấp. Bởi vậy, mỗi khi con người nghĩ rằng tội lỗi của mình quá nặng nề không thể nào được tha thứ, thì Thiên Chúa mặc khải cho họ biết Ngài rộng lượng từ bi và sẵn lòng đón nhận những kẻ tội lỗi khi họ biết quay trở về với Ngài, cũng như sẵn sàng trả công bội hậu cho con người vượt quá công trạng của họ gấp trăm ngàn lần.
3. Thiên Chúa là Đấng cao vời khôn ví:
Ngôn sứ hoàn tất sứ điệp của mình bằng cách nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Đấng cao vời khôn ví: “Trời cao hơn đất thấp bao nhiêu, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu”. Các Thánh vịnh cũng đã sử dụng hình ảnh về trời cao đất thấp để đánh dấu khoảng cách phân chia vô tận giữa Thiên Chúa và con người. Đây là ‎ý niệm truyền thống mà Đức Giê-su sẽ dạy cho chúng ta trong Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Vị ngôn sứ kết nối sự cao cả khôn ví của Thiên Chúa với lượng hải hà tha thứ khôn cùng của Ngài. Con người nhỏ bé, mỏng dòn và yếu đuối bởi vì chúng là kẻ tội lỗi; Thiên Chúa thì cao vời khôn ví bởi vì Ngài ôm ấp những tư tưởng cứu độ.
 
BÀI ĐỌC II (Pl 1: 20-24, 27)
Thành phố Phi-líp-phê thuộc miền Ma-xê-đoan là thành phố Châu Âu đầu tiên đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phao-lô đã quyết định mạo hiểm rao giảng Tin Mừng cho lục địa này, ở đó các cộng đoàn Do Thái thì thưa thớt, và lương dân thì đông đảo. Vào năm 49 hay 50, thánh nhân đặt chân lên thành phố Phi-líp-phê. Ngài luôn luôn dành cho các tín hữu Phi-líp-phê trọn tấm lòng biết ơn và yêu mến của mình. Các tín hữu Phi-líp-phê giúp đỡ thánh nhân trong khi thánh nhân đang lâm cảnh túng thiếu. Chỉ duy từ họ mà thánh nhân đã chấp nhận giúp đỡ.
1. Bối cảnh của bức thư:
Thư gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê hình thành nên một chứng liệu đặc biệt. Hơn bất cứ bức thư nào khác, bức thư này vén mở cho chúng ta con người nội tâm của thánh Phao-lô, những đức tính và tâm tình của thánh nhân gắn bó vào Đức Ki-tô. Dù tính tình thẳng thắn bộc trực, những lời khuyên bảo của thánh nhân lại chan chứa những niềm tin tưởng vô bờ.
Khi thánh Phao-lô viết bức thư này, ngài đang bị giam cầm, có thể ở Ê-phê-sô, vào năm 55 hay 56, không ai biết chính xác. Ngài không biết số phận của ngài sẽ như thế nào: hoặc bị kết án tử, như thế được hội ngộ với Đức Ki-tô; hay được phóng thích, như thế lại tiếp tục sứ vụ tông đồ của ngài, thánh nhân chỉ còn biết cầu mong. Thế đôi ngả mà thánh nhân trình bày trong đoạn văn này không là quyền chọn lựa cách này hay cách khác. Rõ ràng thánh nhân nhắm đến hai điều có thể xảy ra: sống hay chết, dù thế nào đi nữa: “Đức Giê-su sẽ bày tỏ quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết”.
2. Sống là Đức Ki-tô, chết là một mối lợi.
Nếu được chọn lựa, hiển nhiên thánh nhân thích được chết hơn: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi… ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần”. Thánh nhân đã xác định rồi mục đích cuộc đời mình: “sống là Đức Ki-tô”. Vì thế, được chết vì Đức Ki-tô, thánh nhân lại được hiệp nhất trọn vẹn hơn với Ngài.
Nếu thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê này được viết giữa hai bức thư gởi các tín hữu Cô-rin-tô, như ngày nay người ta có khuynh hướng nghĩ như vậy, thánh Phao-lô bổ sung tư tưởng của mình trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa… Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5: 6-8).
3. Tư tưởng của thánh Phao-lô là tư tưởng Kinh Thánh:
Trong đoạn trích này, tư tưởng của thánh Phao-lô rõ ràng nhuốm màu sắc tư tưởng Hy Lạp, tuy nhiên, tất cả các bức thư khác của thánh nhân đều làm chứng rằng thánh nhân không hoàn toàn chấp nhận khía cạnh tiêu cực của nhị nguyên thuyết Hy Lạp, tức là khinh bỉ thân xác (x. 1Cr 3: 16-17; 6: 19; Rm 8-14; Ep 4:15-16). Trái lại, vị sứ đồ ca ngợi thân xác này là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” và sẽ được sống lại vào ngày sau hết.
Thánh nhân luôn luôn nhắm đến một sự hiệp nhất trọn vẹn với Đức Ki-tô sau khi chết, tuy thế, thánh nhân cũng không ngừng nói rằng sự hiệp nhất này vốn đã bắt đầu ngay từ cõi thế này rồi. Cuộc sống của người Ki-tô hữu vốn đã được Đức Ki-tô sở hữu rồi, là nơi Chúa Thánh ở cùng chúng ta. Thần học Giáo Hội sẽ theo vị sứ đồ trên con đường này. Cái chết không làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta trong Đức Ki-tô.
4. Nhu cầu loan báo Tin Mừng:
Nhưng thánh nhân bị giằng co đôi ngả. Dầu rằng thánh nhân mong ước được ra đi để được ở với Đức Ki-tô, tuy nhiên thánh nhân nói với các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài, “ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Vả lại, thánh nhân luôn luôn say mê sứ vụ loan báo Tin Mừng của ngài. Cuối cùng, thánh nhân khuyên bảo họ: “Anh em hãy ăn ở xứng đáng với Tin Mừng của Đức Ki-tô”.
 
TIN MỪNG (Mt 20:1-16)
Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” này khép lại một loạt dụ ngôn về Nước Trời trong giáo huấn của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê. Một lần nữa, Đức Giê-su cố gắng làm cho hiểu rằng điều xảy ra trong Nước Trời không giống chút nào với cách xử sự của con người. Đức Giê-su chủ ý chọn những ví dụ cực đoan để gây chú ý,‎ ngõ hầu truyền đạt một sứ điệp khó khăn. Các dụ ngôn rất thuận tiện cho việc sử dụng lối ngoa ngữ, nhưng luôn luôn được dàn dựng theo chủ điểm của dụ ngôn, để rồi từ đó rút ra bài học.
Ở đây, câu chuyện đặc biệt thú vị ở nơi sự công phẫn của những người thợ được mướn từ tảng sáng. Mới đọc thoáng qua, dụ ngôn này như muốn loan báo: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu” ở bài đọc I.
1. Thiên Chúa hoàn toàn tự do:
Vì thế, thật vô l‎ý nếu dụ ngôn này được hiểu dưới khía cạnh nghĩa đen và trần thế của nó, vì Đức Giê-su rõ ràng dạy rằng Nước Trời không là tiền thù lao, nhưng là ân ban. Thiên Chúa hoàn toàn tự do định liệu, nhưng không như một kẻ chuyên quyền độc đoán. Đây là một sự tự do phát xuất từ tình yêu. Lòng nhân ái của Thiên Chúa vượt quá sự công bằng.
2. Tính hiện thực của dụ ngôn:
Tuy nhiên, chúng ta hãy khảo sát dụ ngôn dưới góc độ “người với người”. Dụ ngôn này làm thương tổn đặc biệt đến độ nhạy cảm rất gai góc của con người hiện đại về vấn đề công bằng sòng phẳng. Tuy nhiên, dụ ngôn này xem ra gần gũi hơn với thế giới hiện nay chúng ta đang sống, một thế giới mà biết bao người sống trong nỗi bồn chồn lo lắng cố bám víu vào bất kỳ một công việc nào để kiếm sống cho qua ngày đoạn tháng. Có biết bao người quanh chúng ta sống trong nỗi thấp thỏm đợi chờ ai đó thuê làm bất kỳ công việc gì để có thể đổi mồ hôi lấy bát cơm. Quả thật, ông chủ vườn nho đã năm lần bảy lượt ra ngoài phố chợ để mướn thợ vào làm vườn nho của mình, chỉ đến lúc ngày sắp tàn ông mới nhận ra “những người thợ cuối cùng” này.
Đọc dụ ngôn này, chúng ta cảm thấy lòng mình ấm áp khi thấy những người được thuê mướn bất đắc dĩ sau cùng này cũng nhận được tiền công nhật trọn ngày để có thể nuôi sống gia đình nhờ vào tấm lòng quảng đại của ông chủ vườn nho. Tiền công nhật được thỏa thuận là một đồng, đó là số tiền phải chăng để nuôi sống gia đình trong một ngày.
3. Tư thế sẵn sàng:
“Chủ điểm” của dụ ngôn này được định vị ở nơi tư thế sẵn sàng của những người thợ được thuê mướn sau chót này. Họ nôn nóng chờ đợi từng phút từng giây cho đến lúc trời đã về chiều mới được mướn vào làm vườn nho. Nếu được thuê mướn sớm hơn, chắc chắn họ đã làm việc cho ông trọn ngày như bao nhiêu người thợ khác mà khỏi phải thấp thỏm đứng ngồi không yên.
Biết bao câu chuyện Tin Mừng theo cùng một hướng này: Đức Giê-su tìm kiếm những tấm lòng sẵn sàng này. Ngài tỏ mình ra cho người phụ nữ xứ Sa-ma-ri, không vì công trạng của chị, nhưng vì Ngài đã phát hiện ở nơi chị một tư thế sẵn sàng đón nhận mặc khải của Ngài. Ngài đề nghị với viên thu thuế Gia-kêu là Ngài sẽ trọ qua đêm ở nhà ông, vì Ngài nhận biết tư thế sẵn sàng đón tiếp Ngài ở nơi cõi lòng của ông.
4. Nỗi bất bình của những thợ đầu tiên.
Những người thợ được thuê ngay từ sáng sớm sửng sốt đến bất bình khi ông chủ trả tiền công cho thợ. Ông trả công cho những người thợ được thuê sau chót chỉ làm có một giờ vào lúc trời chiều mát mẻ cũng bằng với những người thợ đã làm việc nặng nhọc suốt ngày trong cái nắng chói chang!
Dụ ngôn có nhiều điểm tương đồng với dụ ngôn đứa con hoang đàng. Người con cả công phẫn trước cách hành xử của cha anh. Anh không thể nào chấp nhận cách xử sự của cha anh đối với đứa em của anh, hắn vừa mới trở về nhà cha sau khi đã sống một cuộc đời hư thân mất nết, bởi vì anh xem cách hành xử của cha anh là bất công đối với anh: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà cha chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15: 29-30). Làm thế nào anh có thể hiểu được nỗi lòng của cha anh khi mà anh thiếu tấm lòng bao dung độ lượng?
Như người cha trả lời với người anh cả phẫn uất: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15: 31-32), ông chủ vườn nho cũng trả lời với một trong những người thợ bất bình: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn”. Những người thợ vườn nho đầu tiên bất bình với ông chủ vì họ đòi hỏi sự công bình sòng phẳng, vì thế, họ không thấy được nhờ lòng tốt của ông chủ mà những người thợ sau cùng cũng có được một niềm vui gia đình ấm cúng chung quanh bàn ăn cùng với vợ và con cái vào buổi tối hôm đó. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Vua cũng quở trách người khách vào dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới cũng một cách như vậy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới” (Mt 22:11), Đức Giê-su cũng dịu dàng quở trách Giu-đa, kẻ phản bội Thầy, cũng như thế: Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” (Mt 26:50).
5. Sự công bình và lòng nhân ái:
Những người thợ được thuê từ sáng sớm bị quở trách vì thiếu lòng nhân ái: “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghét tức?”. Không loại trừ rằng dụ ngôn có một hậu cảnh bút chiến nhắm đến nhóm Biệt Phái. Những người này tự hào tự phụ vì mình là người thợ đầu tiên được gọi vào làm vườn nho cho Thiên Chúa. Họ đã ra công vất vả trong việc tuân giữ Lề Luật một cách nghiêm nhặt đến từng chấm từng phẩy nên khỉnh bỉ những kẻ thu thuế và phường tội lỗi, những người mà Đức Giê-su đặc biệt quan tâm.
Văn hào Barnanos đã viết: “Nhân loại tự tách mình ra thành hai loại biệt phân tùy theo quan niệm mà người ta hình thành về sự công bình. Đối với những người này, công bình là một thế quân bình, một sự thỏa thuận. Còn những người khác, công bình là một sự thăng hoa, một sự đăng quang của lòng nhân ái”.
Đừng quên rằng dụ ngôn này nhắm đến việc gia nhập Nước Trời. Nó đem đến một niềm hy vọng tuyệt vời cho lương dân, những người đã đón nhận lời mời gọi của Ông Chủ chỉ sau một thời gian dài dân Ít-ra-en đã được tuyển chọn. Nhưng đây cũng là một niềm hy vọng tuyệt vời cho những ai khám phá Thiên Chúa chỉ ở vào những giờ phút cuối đời mình. Mẫu gương cảm động nhất đó không phải là mẫu gương của tên gian phi sám hối vào giây phút sau cùng cuộc đời mình đấy sao? Cả một đời gian phi nhưng chỉ một lời nói đầy cảm thương của anh vào giây phút cuối đời đã đem lại cho anh một lời hứa tức khắc của Đức Giê-su: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Nước Trời” (Lc 23: 43).

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 152
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 144
 
  •   Hôm nay 11,135
  •   Tháng hiện tại 1,199,392
  •   Tổng lượt truy cập 81,132,292