Chú giải Lời Chúa Chúa nhật III Thường niên - Năm B (Chúa nhật Lời Chúa)

Thứ bảy - 20/01/2024 15:13      Số lượt xem: 5336

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật III Thường niên Năm B thuật lại những đáp trả mau mắn không một chút trì hoãn trước Lời Chúa.

CN 3 TN B 3

Vào ngày 30/09/2019 khi cử hành lễ kỷ niệm 1600 năm thánh Giê-rô-ni-mô qua đời, người là dịch giả bản Kinh Thánh La-tinh nổi tiếng và là người khẳng định rằng “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ban Tông sắc “Aperuit Illis” (“Ngài đã mở trí cho họ”) để ấn định Chúa nhật III Thường niên là “Chúa nhật Lời Chúa”.
Thật ra, mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta tôn kính Lời Chúa là nguồn sống của các tín hữu. Hiến chế Mặc Khải viết: “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để trao ban cho các tín hữu” (Hiến chế Mặc Khải, số 22).
Vì thế, khi ấn định Chúa nhật III Thường niên là Chúa nhật Lời Chúa, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu ý thức nhiều hơn về tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của mình khi đề nghị “các linh mục ở giáo xứ có thể tìm ra hình thức tương xứng nhất để đặt cuốn Kinh Thánh, hay một trong các sách của bộ Kinh Thánh, cho toàn thể cộng đoàn, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc bản văn trong đời sống hàng ngày, để đào sâu bản văn và để cầu nguyện với Kinh Thánh, trong khi tham chiếu bằng cách thế đặc biệt theo cách đọc Lectio Divina” (Tông sắc Aperuit Illis, số 3).
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật III Thường niên Năm B thuật lại những đáp trả mau mắn không một chút trì hoãn trước Lời Chúa.
Gn 3: 1-5, 10
Dân thành Ni-ni-vê, dù là một thành phố ngoại giáo, đã đáp trả tích cực bằng hành vi ăn năn sám hối trước lời Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Giô-na.
1Cr 7: 29-31
Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Cô-rin-tô hãy sống tận mức ơn gọi làm Ki-tô hữu của mình vì chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của ơn cứu độ.
Mc 1: 14-20
Trước tiếng gọi của Đức Giê-su, các môn đệ đầu tiên đã đáp trả triệt để bằng cách từ bỏ tất cả mà đi theo Ngài.
 
BÀI ĐỌC I (Gn 3: 1-5, 10)
Sách Giô-na được viết theo thể loại ngụ ngôn luân lý, theo đó trí tưởng tượng trộn lẫn với óc khôi hài; nhưng bài học giáo huấn của sách mở ra những viễn cảnh phổ quát.
Ngôn sứ Giô-na không là tác giả nhưng là nhân vật chính của câu chuyện được kể trong sách. Chúng ta không biết một chút gì về tác giả. Theo lời kể trong sách, ngôn sứ Gio-na được Đức Chúa sai đi thi hành sứ vụ của mình cho dân thành Ni-ni-vê vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Tuy nhiên, thành đô này đã bị phá hủy vào năm 612 trước Công Nguyên, tức là thành đô này đã không còn nữa trước đó gần hai thế kỷ. Vì thế, bối cảnh của chuyện kể là hư cấu và nhân vật là tưởng tượng.
1. Bài học của câu chuyện.
Tuy nhiên, điều cốt yếu không phải ở nơi tính lịch sử của câu chuyện nhưng bài học mà câu chuyện muốn gởi gắm. Việc chọn thành đô này có một ý nghĩa chính xác: Ni-ni-vê là kinh thành của đế quốc Át-sua vào thời cực thịnh. Đây là thành phố thù địch không đội trời chung với dân Do Thái và là biểu tượng tinh hoa của thế giới ngoại giáo.
Ấy vậy, khi vị ngôn sứ cất bước rao giảng chưa hết một phần ba thành đô, thì toàn thể dân thành đã ăn năn sám hối rồi, từ vua quan cho đến hàng lê thứ. Đây mới thật sự là một bài học nhớ đời cho dân Ít-ra-en. Khi đọc câu chuyện này, làm thế nào dân Do Thái không thể nghĩ đến sự việc vừa mới đây ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã công bố những lời cảnh báo ngăm đe như thế cho dân thành Giê-ru-sa-lem để kêu gọi họ ăn năn sám hối; nhưng triều thần và ngay cả vua đã ra lệnh đốt sách sấm ngôn của vị ngôn sứ? Vì thế, đó là lý do tại sao thành đô Giê-ru-sa-lem đã bị đánh chiếm và bị phá hủy, còn dân thành đã phải chịu cảnh lưu đày ở đất khách quê người.
Chính Đức Giê-su nêu gương sám hối của dân thành Ni-ni-vê như một bài học cho thế hệ của Ngài: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân này đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa” (Mt 12:41).
2. Ơn cứu độ phổ quát.
Thật ra, nhân vật chính của sách không là ngôn sứ Giô-na mà chính là Đức Chúa, Ngài không chỉ là Thiên Chúa của dân Do Thái, nhưng còn là Thiên Chúa của muôn dân muôn nước nữa. Ngài quan tâm đến những tội lỗi của một dân ngoại giáo; nhưng trước khi trừng phạt dân này, Ngài sai một vị ngôn sứ đến với họ như Ngài đã từng làm đối với dân Ngài chọn. Như vậy, Đức Chúa ban khả năng cứu độ cho hết mọi người không trừ một ai. Ngài chỉ cốt cảnh báo để đánh thức lương tri và thúc dục lòng ăn năn sám hối, vì thế, tấm lòng từ bi nhân hậu của Ngài trải rộng ra với hết mọi dân nước.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 7: 28-31)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô. Trong đoạn trích dẫn hôm nay, thánh nhân trả lời những vấn nạn mà cộng đoàn đã nêu lên cho ngài; đoạn ngài loan báo một vấn đề cốt yếu: “Tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu nữa”.
1. Lời loan báo gây sửng sốt.
Thật không may, bản dịch: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” không thể lột tả hết tư tưởng của thánh nhân. Theo nguyên ngữ Hy Lạp, lời loan báo này gợi lên một hình ảnh rất sống động: “đây là lúc thuận tiện, các buồm thuyền đã được cuốn lại” khi con thuyền sắp cập bến. Vì thế, đây là thời gian sẵn sàng vì thuyền sắp cặp bến. Từ đó, thái độ phải có đối với các tín hữu là phải hành xử như người sắp cặp bến đời đời.
2. Phần chứng minh.
Tiếp đó, thánh nhân đưa ra những chứng minh được móc nối vào nhau một cách tự nhiên như một chuỗi dây xích: từ nay, những ai sống đời sống vợ chồng đừng gắn bó với những ham muốn xác thịt; những ai sống trong phiền muộn, đừng than khóc như những người không có niềm hy vọng; những ai sống trong niềm vui hãy nghĩ rằng hạnh phúc trần thế chỉ là thoáng qua chóng tàn; những ai có nhiều của cải đừng cho mình là chủ nhân, ...
3. Chủ đích của thánh Phao-lô.
Phải chăng thánh nhân nghĩ rằng ngày Chúa quang lâm sắp đến gần rồi? Cũng có thể lắm, nhưng đó không là điều tất yếu. Thánh nhân đã khai triển chủ đề này rồi. Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, dường như thánh nhân hy vọng rằng ngày Chúa quang lâm sẽ xảy đến vào thời thế hệ của ngài: “Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu” (1Tx 4: 15). Nhưng trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân nghĩ rằng ngày Chúa quang lâm sẽ đến khi nào toàn thể dân Ít-ra-en ăn năn sám hối (x. Rm 11:25-26). Chúng ta có thể nói rằng đối với thánh nhân, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô đã làm tăng tốc Lịch Sử Cứu Độ. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên cứu độ, nghĩa là sống trong thời kỳ chung cuộc. Như vậy, cách ăn nếp ở của những người Ki-tô hữu phải khác với dân ngoại. Chúng ta không được sống nước đôi, bắt cá hai tay, vì chúng ta biết rằng thế giới này đang qua đi.
 
TIN MỪNG (Mc 1: 14-20)
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần thứ nhất nói về “khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su” (1: 14-15) và phần thứ hai “Chúa Giê-su kêu gọi bốn môn đệ tiên khởi” (1: 16-20).
1. Khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giê-su (1: 14-15):
Trong phần thứ nhất, với thông tin “sau khi ông Gio-an bị nộp”, thánh Mác-cô cho chúng ta biết Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài ngay khi sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả chấm dứt. Hơn nữa, trong Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô cũng sử dụng động từ “bị nộp” để nói về cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Giê-su. Như vậy, qua động từ “bị nộp”, thánh ký cho thấy có một mối tương quan mật thiết giữa sứ vụ của hai người: số phận của Gio-an Tẩy Giả tiên báo số phận của Đức Giê-su.
Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su được tóm lược ở nơi lời công bố này: “Thời đại đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Trước hết, Chúa Giê-su loan báo thời kỳ hiện nay đến hồi chấm dứt và một thời đại mới, thời đại cuối cùng, thời cánh chung đã tới. Đó là thời Thiên Chúa đã ấn định để thực hiện và hoàn thành các lời hứa của Người.
Kể từ ngày thoát khỏi cảnh lưu đày tại Ba-by-lon, dân Do Thái đặt tất cả mọi niềm hy vọng vào việc Thiên Chúa đích thân ngự đến và thiết lập Vương Quyền của Ngài trên mọi dân nước (x. Mk 4: 7; Xp 3: 15b; Dcr 14: 9; …). Ở đây, Chúa Giê-su khẳng định rằng với sự hiện diện của Ngài, “Triều Đại Thiên Chúa” đã  đến và đang hiện diện ở đây.
Sau cùng, Triều Đại Thiên Chúa đòi hỏi tấm lòng sám hối, tức là thay đổi đời sống. Việc thay đổi đời sống này phải được bày tỏ ra bên ngoài bằng việc tin vào Tin Mừng. Nội dung của Tin Mừng được xác định ngay từ đầu: “Tin Mừng của Thiên Chúa”, nghĩa là Tin Mừng phát xuất từ Thiên Chúa chính là Đức Giê-su Ki-tô, Người là hiện thân Tin Mừng của Thiên Chúa.
2. Chúa Giê-su kêu gọi bốn môn đệ tiên khởi (1: 16-20):
Trong phần thứ hai, thánh Mác-cô soạn thảo hai bài trình thuật ngắn về việc Chúa Giê-su gọi bốn môn đệ đầu tiên (1: 16-18 và 1: 19-20). Hai bài trình thuật tuy có vài điểm khác nhau nhưng bổ túc cho nhau để nêu bật sáng kiến của Đức Giê-su và lời đáp trả mau mắn của các môn đệ. Chính Chúa Giê-su đích thân gặp gỡ các môn đệ đầu tiên này ngay nơi họ đang làm việc và cất tiếng kêu gọi họ đi theo Người, tức là trở thành môn đệ của Người (1: 17 và 1: 20). Sau này trong Tiệc Ly, Chúa Giê-su nói rõ ra: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái anh em được tồn tại” (Ga 15: 16). Đối với những ngư phủ biển hồ Ga-li-lê này, Chúa Giê-su dùng chính hình ảnh nghề nghiệp của họ để loan báo sứ mạng sau này của họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.
Hai bài trình thuật về ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên cung cấp một khuôn mẫu cho ơn gọi của tất cả các môn đệ Chúa Giê-su. Sự kiện các môn đệ đầu tiên này chưa được chuẩn bị tinh thần cũng như tâm lý cốt là để nhấn mạnh trọng điểm của câu chuyện: Đức Giê-su và lời kêu gọi của Người hấp dẫn đến độ không bất kỳ sự chuẩn bị nào là cần thiết; các môn đệ đầu tiên đòi buộc dấn thân theo Người với trọn tấm lòng say mê. Họ sẵn sàng đoạn tuyệt với gia đình và nghề nghiệp (1: 18 và 1: 20) và mau mắn đi theo Đức Giê-su mà không một chút đắn đo cân nhắc hơn thiệt.
Khi Thiên Chúa kêu gọi ai, việc đầu tiên là đòi hỏi người đó phải từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên trong Cựu Ước cũng theo một khuôn mẫu như thế. Khi Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ Áp-ra-ham, Người cũng đòi hỏi ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi…” (St 12: 1). Ơn gọi đầu tiên trong Tân Ước cũng không ngoại trừ. Câu chuyện ơn gọi đầu tiên này nhấn mạnh cái giá phải trả để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su: bỏ lại sau lưng gia đình, tức là tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất của một con người, và nghề nghiệp, tức là sự đảm bảo cho mình địa vị và kinh tế trong xã hội để cùng “đồng hội đồng thuyền, đồng sinh đồng tử” với Thầy. Vì thế, đối với những ai mà Người muốn liên kết vào sứ mạng của Người một cách tận mức, Đức Giê-su đòi hỏi một tinh thần siêu thoát triệt để: không có bất cứ cái gì ngăn trở người ấy hoàn toàn thuộc về Ngài. Nhưng ai có thể đòi hỏi tận mức đến như thế nếu không phải là Thiên Chúa?

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 203
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 202
 
  •   Hôm nay 25,262
  •   Tháng hiện tại 1,269,271
  •   Tổng lượt truy cập 81,202,171