Bài suy niệm lễ Khánh nhật truyền giáo: Lòng bừng cháy và chân bước nhanh hơn

Thứ bảy - 21/10/2023 17:02      Số lượt xem: 1385

Trong phụng vụ, các Thánh lễ luôn được kết thúc bằng lời chào “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an!” của vị chủ tế hoặc của một phó tế hay vị linh mục đồng tế. Tại sao Thánh lễ lại kết thúc bằng lời chúc này? Lời chúc này mang nội dung gì? Rất có thể nhiều trường hợp từng được nghe giải thích về ý nghĩa của lời chúc này nhưng không ý thức để lời chúc này tác động, nên đây là một dịp nhắc lại.

2222
Lòng bừng cháy và chân bước nhanh hơn
(Bài suy niệm  lễ Khánh nhật truyền giáo)

Trong phụng vụ, các Thánh lễ luôn được kết thúc bằng lời chào “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an!” của vị chủ tế hoặc của một phó tế hay vị linh mục đồng tế.

Tại sao Thánh lễ lại kết thúc bằng lời chúc này? Lời chúc này mang nội dung gì?

Rất có thể nhiều trường hợp từng được nghe giải thích về ý nghĩa của lời chúc này nhưng không ý thức để lời chúc này tác động, nên đây là một dịp nhắc lại. Nhưng cũng có thế có những anh chị em chưa có dịp được nghe giải thích ý nghĩa thực của lời chúc này nên hiểu sai về nó.

Lời chúc cuối Thánh lễ: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an!”, nguyên ngữ tiếng Latinh trong phụng vụ là “Ite, missa est” (Anh em hãy ra đi, Thánh lễ đã xong). Đây không phải là lời chúc đi về bình an sau khi dâng lễ mà là lên đường bình an. Dầu vậy, lời chúc này cũng không phải nhắm đến một cuộc lên đường đơn thuần, chẳng hạn dành cho một người sắp đi du lịch, đi xuất ngoại, đi du học hay đi công cán, công việc ... nhưng là lên đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng mà quen gọi là sứ vụ truyền giáo. Sứ vụ này được khởi đi từ chính lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi lên trời mà thánh Matthêu đã thuật lại trong bài Tin Mừng vừa nghe: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28.18-20).

Lệnh truyền “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.” bao gồm ba hành động: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”; và “dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.” Đây chính là gợi ý hữu ích cho phương pháp, tiến trình hay đòi hỏi của sứ vụ truyền giáo. Dưới cái nhìn về trật tự của văn phong Kinh Thánh, thì việc “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” được xếp đầu tiên cho nên là hành động quan trọng nhất. Cái nhìn này dẫn tới giải thích: Điều quan trọng là làm cho mọi người trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, nghĩa là giúp cho họ biết Chúa Giêsu. Tuy nhiên dưới cái nhìn truyền thống của Giáo Hội, thì việc loan báo Tin Mừng phải hội đủ ba giai đoạn: Học hỏi về Chúa Giêsu, lĩnh nhận phép Rửa và tiếp tục được thăng tiến đời sống Đức Tin trong sinh hoạt của Giáo Hội. Giai đoạn thứ ba trên dường như bị lãng quên nên Đức Giáo hoàng đương kim không chỉ kêu gọi Giáo Hội truyền giáo nhưng còn tái truyền giáo, không chỉ loan báo Tin Mừng nhưng còn tái loan báo Tin Mừng cho những người đã được rửa tội.

Công đồng Vatican II dạy: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes, số 2). Như thế, nếu Giáo Hội không truyền giáo, Giáo Hội sẽ không còn là Giáo Hội vì đánh mất bản chất của mình. Người tín hữu là thành phần của Hội Thánh, nên nếu không truyền giáo thì người tín hữu cũng đánh mất đi bản chất Hội Thánh trong mình. Hơn nữa với cách hiểu mới mẻ xuất phát từ thực trạng hiện tại, truyền giáo không chỉ là  mang Tin Mừng cho người khác mà còn tái mang Tin Mừng cho chính các tín hữu (tái truyền giáo), càng cho thấy sự quan trọng của ý nghĩa này.

Sau mỗi Thánh lễ, khi nghe lời chúc: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an!” (Ite, missa est), chúng ta đừng thờ ơ như một khẩu hiệu vô tri, nhưng hãy ý thức đây là lời mời gọi sống còn của Giáo Hội, là chính lệnh truyền của Chúa Giêsu. Hãy hình dung lại hình ảnh các bước chân hăng say của các môn đệ sau ngày lễ Ngũ Tuần. Được tràn đầy Thánh Thần, các ông nhớ lại lệnh truyền của Chúa Giêsu, mạnh mẽ lên đường nói về Chúa Giêsu cho mọi người, làm nên một Hội Thánh sơ khai đầy sống động và ơn Chúa. Ước mong sau mỗi Thánh lễ, cũng vậy, các tín hữu rời khỏi nhà thờ không với một sự bàng quan, thờ ơ, nhưng với một tâm thế “lòng bừng cháy và chân bước nhanh hơn” (Tựa đề Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày thế giới truyền giáo năm 2023) cho sứ vụ!

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 199
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 194
 
  •   Hôm nay 29,375
  •   Tháng hiện tại 1,273,384
  •   Tổng lượt truy cập 81,206,284