"Sống vì người khác" Bài suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 Thường Niên - Năm B của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ tư - 31/01/2024 12:46      Số lượt xem: 600

Sống trên đời, con người không phải là một hòn đảo đơn côi, nhưng sống với, sống vì và sống cho người khác. Lịch sử ghi nhận, có những người hiện hữu trên đời, tuổi thọ không được bao năm mà để lại cho hậu thế những di sản tốt đẹp. Họ là người biết sử dụng thời gian, đồng thời biết sống vì người khác. Danh thơm tiếng tốt của họ còn lưu danh thiên cổ. Người đời nhắc đến tên họ với niềm kính phục biết ơn.

d1809ad1e1633cbf6ca4f9dd1e490448
Chúa nhật 5 mùa thường niên – Năm B

Sống vì người khác
 
Sống trên đời, con người không phải là một hòn đảo đơn côi, nhưng sống với, sống vì và sống cho người khác. Lịch sử ghi nhận, có những người hiện hữu trên đời, tuổi thọ không được bao năm mà để lại cho hậu thế những di sản tốt đẹp. Họ là người biết sử dụng thời gian, đồng thời biết sống vì người khác. Danh thơm tiếng tốt của họ còn lưu danh thiên cổ. Người đời nhắc đến tên họ với niềm kính phục biết ơn.
 
Xã hội hôm nay ngày càng được cải thiện, với những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, mối tương quan liên vị xem ra càng ngày càng trở nên khô khan. Tình người và đạo hiếu, trong nhiều trường hợp, chỉ còn đọng lại ở những trang sách và thơ ca. Trong cuộc sống thường ngày, người ta ít có trách nhiệm đối với nhau. Hậu quả là những xung đột, xô xát, cướp bóc và giết người. Nền kinh tế mang danh “kinh tế thị trường”, được so sánh như một chiến trường, tức là “anh sống thì tôi chết, và ngược lại”. Do đó, cuộc sống trở nên nghiệt ngã, bất bao dung, khiến con người càng ngày càng vô cảm, thậm chí hoang dã với đồng loại.
 
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể lại những việc làm của Chúa Giêsu trong một ngày. Từ sáng đến tối, tất cả những gì Chúa làm đều nhằm mục đích phục vụ con người. Người đem đến cho nhân loại ơn chữa lành, hàn gắn những đổ vỡ, xây dựng tình thân ái và giúp con người tìm thấy nghị lực sống. Câu kết thúc của bài Tin Mừng như một kết thúc “mở”. Sau một ngày làm việc vất vả, Chúa Giêsu tiếp tục lên đường đến những thành phố và làng mạc khác. Người không dừng chân lâu ở một nơi nào, vì Người đến trần gian cốt để đem niềm vui và sự chữa lành cho con người.
 
Mặc dù bận rộn suốt ngày, Chúa Giêsu không quên dành thời giờ để tâm sự với Chúa Cha. Sáng sớm, lúc trời còn tốt mịt, Chúa đã đi đến nơi hoang vắng để cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Cha là nguồn nghị lực để Chúa Giêsu tiếp tục sứ mạng Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu đã tuyên bố: Người luôn làm theo ý Chúa Cha. Người chỉ làm những gì mà Chúa Cha muốn cho Người làm. Ý Chúa Cha rất quan trọng và là lương thực hằng ngày đối với Chúa Giêsu.
 
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cảm thấy thời gian trôi đi đơn điệu và vô nghĩa. Đó là trường hợp của ông Gióp, một nhân vật của Cựu ước. Khi chiều xuống, ông mong sao tới sáng; khi ngày lên, ông lại chờ đợi hoàng hôn. Chính trong lúc cô đơn này mà ông Gióp cảm nhận quyền năng của Thiên Chúa. Nếu cuộc đời này chóng qua vô thường, thì Thiên Chúa lại bền vững vô song. Tình thương của Ngài trải rộng suốt bề dày của lịch sử, luôn ấp ủ đỡ nâng chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Cuộc sống này xưa nay vẫn thế, nhưng mỗi người làm cảm nhận tuỳ tâm trạng và niềm tin của mình. Kitô hữu là người tin vào Thiên Chúa quyền năng, để rồi trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều trung tín với Ngài.
 
Đức tin Kitô không chỉ dừng lại ở những câu chữ hoặc những lễ nghi, mà còn phải được hiện thực hoá trong cuộc sống cụ thể. Thánh Phaolô tự nhận mình là nô lệ của mọi người. Ông cố gắng để trở nên mọi sự cho mọi người, như ông viết trong thư gửi giáo dân Côrintô: "Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng" (Bài đọc II). Với những cố gắng thiện chí của mình, vị Tông đồ dân ngoại chính là “bản sao” của Chúa Giêsu, Đấng đã dành trọn cuộc đời và thời giờ để phục vụ con người và mang lại cho họ niềm vui, hạnh phúc.
 
Cùng với tác giả Thánh vịnh 146 (Đáp ca), chúng ta hãy ca ngợi tình thương của Chúa, vì Ngài là Đấng chữa lành, băng bó những vết thương và mang lại niềm hy vọng cho những ai trông cậy Ngài. Đức Giêsu vẫn đang tiếp tục chữa lành chúng ta. Hãy đến với Người, để được Người nâng đỡ bổ sức, như Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Để được Chúa đỡ nâng, chúng ta cũng phải nâng đỡ nhau, trong tình huynh đệ và tình đồng loại. Như thế, cuộc sống này sẽ ý nghĩa hơn và tươi đẹp hơn, vì được thấm đượm chất men Tin Mừng.
 
Chúng ta đang chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn. Hương sắc mùa Xuân đã tràn ngập mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài phố. Mùa Xuân sẽ ý nghĩa và sẽ ấm áp hơn, nếu chúng ta biết chia sẻ nâng đỡ những người kém may mắn. Đem cho họ sự đỡ nâng, tức là đem cho họ mùa xuân an bình. Xin Thiên Chúa là Chúa Xuân giáng muôn phúc lộc cho chúng ta.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 
 
 
 
 
                                                                
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 257
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 255
 
  •   Hôm nay 30,962
  •   Tháng hiện tại 1,274,971
  •   Tổng lượt truy cập 81,207,871