“Hiền hậu và khiêm nhường” (Bài suy niệm Chúa nhật 14 Thường Niên-A của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Thứ tư - 05/07/2023 19:53      Số lượt xem: 674

Hiền hậu và khiêm nhường. Đó là phẩm tính của Chúa Giêsu. Qua mầu nhiệm Nhập thể và qua cuộc khổ nạn đau thương, Chúa Giêsu đã chứng minh điều đó. Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Trọn vẹn cuộc sống nơi dương thế của Người diễn tả sự khiêm nhường và hiền hậu.

jesus2
Chúa nhật 14 thường niên – năm A

“Hiền hậu và khiêm nhường”
 
Hiền hậu và khiêm nhường. Đó là phẩm tính của Chúa Giêsu. Qua mầu nhiệm Nhập thể và qua cuộc khổ nạn đau thương, Chúa Giêsu đã chứng minh điều đó. Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Trọn vẹn cuộc sống nơi dương thế của Người diễn tả sự khiêm nhường và hiền hậu. Đức tin Kitô giáo đã nhận ra Đức Giêsu qua hình ảnh người Tôi tớ Đức Giavê được diễn tả trong sách ngôn sứ Isaia: “Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi giết. Cây sậy đã gục ngã Ngài không nỡ bẻ gẫy. Tim đèn còn khói Ngài cũng không nỡ lòng nào dập tắt nó đi” (Is 42,3). Lời giải thích của ông Philiphê với vị thái giám người E-thi-óp, trong sách Tông đồ Công vụ, cũng đã chứng minh điều này (x. Cv 8,26-40). Nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, Thiên Chúa đã hạ mình xuống để gặp gỡ con người và kết thân với họ. Đức Giêsu đến trần gian như người phục vụ. Chính Người đã tuyên bố: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
 
“Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi!”. Giacaria là một ngôn sứ thời hậu lưu đày, khoảng cuối thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ông loan báo cho Israel niềm hy vọng. Đó là Đấng Thiên Sai sẽ đến để giải phóng Israel, thiết lập hoà bình và nối liền bờ cõi. Cũng như hình ảnh người Tôi tớ trong ngôn sứ Isaia đã nói ở trên, Kitô giáo cũng nhận ra qua lời ngôn sứ Giacaria lời loan báo Đức Giêsu. Người khiêm tốn ngôi trên lưng lừa. Chúng ta sẽ thấy hình ảnh này trong Tin Mừng, trong trình thuật Đức Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem (x. Lc 19,28-38).
 
Kitô hữu là người tin theo và làm môn đệ của Chúa Giêsu. Ai muốn theo Chúa thì phải được đào tạo trong mái trường của Chúa, nhờ đó họ mang lấy đức hiền hậu và khiêm nhường. Xem ra vị thày Giêsu ưu tiên dạy cho các môn sinh bài học về khiêm nhường và phục vụ. Khiêm nhường và hiền hậu chính là cội nguồn của các đức tính khác, như một tác giả tu đức đã viết: “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức khác”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến và học cùng Chúa để trở nên giống như Người, nhờ đó chúng ta có tinh thần hy sinh phục vụ anh chị em mình, như Chúa Giêsu đã phục vụ mọi người và hiến mạng sống mình vì họ.
 
Hiền hậu và khiêm nhường là điều kiện cần thiết để có được đức tin chân thành. Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chúc tụng Chúa Cha vì Người đã mạc khải Nước Trời và ban đức tin cho những người bé mọn. Trong truyền thống Thánh Kinh, những người bé mọn cũng đồng nghĩa với người khiêm nhường. Bởi lẽ bé mọn là thái độ khiêm tốn và hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa, luôn cậy tin và phó thác nơi sự dẫn dắt của Người. Chúa Cha không mặc khải Nước Trời cho những bậc khôn ngoan thông thái. Nói đúng hơn là Người không tỏ mình cho những ai tự phụ mình là khôn ngoan thông thái. Vì con tim của họ đã bị lấp đầy bởi sự kiêu ngạo và những đam mê. Họ không cần đến Thiên Chúa, vì tự cho mình đã có mọi sự đầy đủ.
 
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Giữa cuộc đời đầy biến động và lo âu, lời mời gọi này làm vơi nhẹ những ưu phiền nơi chúng ta. Hãy đến với Chúa để cảm nhận tình thương của Người. Hãy đến với Chúa để có cái nhìn tích cực lạc quan hơn về cuộc sống xung quanh chúng ta.
 
Chúng ta đến với Chúa bằng cách nào? Chúa luôn mời gọi chúng ta, thậm chí Chúa luôn chờ đợi và gõ cửa tâm hồn chúng ta, như Chúa đã nói qua thánh Gioan tông đồ: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với ta” (Kh 3,20). “Dùng bữa với Chúa”, đó là cách diễn tả sự thân tình, gắn bó và hiệp thông sâu xa. Như thế, đến với Chúa là có trái tim rộng mở để đón tiếp Người, đồng thời chuyên cần thực thi những gì Chúa dạy. Đến với Chúa cũng là quảng đại tiếp đón anh chị em mình, nhất là những người đang cơ nhỡ, cô thế cô thân. Theo thánh Phaolô, đến với Chúa là hoàn toàn thuộc về Đức Kitô và biết lắng nghe sự hướng dẫn của Thần Khí. Khi thành tâm đến với Chúa, người tín hữu có thể diệt trừ những ích kỷ nhỏ nhen, nhờ đó cảm nhận được sự sống thiêng liêng nơi bản thân mình.
 
Trong bối cảnh xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những trào lưu vô thần, duy vật và hưởng thụ hôm nay, hiền hậu và khiêm nhường trở nên những điều “xa xỉ” và hiếm thấy. Đôi khi hiền hậu và khiêm nhường bị phê phán là “hèn hạ”, là “cam chịu”. Tuy vậy, Đức Giêsu, vị Thày và là Chúa của chúng ta đã chấp nhận mọi xỉ nhục, đã chịu chết đau thương để diễn tả tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Những ai muốn theo Chúa Giêsu, không thể chọn lựa con đường khác với con đường thập giá.
 
Ước chi mỗi Kitô hữu cố gắng diễn tả hình ảnh Đức Giêsu hiền hậu và khiêm nhường trong đời sống cá nhân, và trong mối tương quan đối với anh chị em mình. Như thế, chúng ta xứng đáng là môn sinh theo học trường của vị Thày Giêsu.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 183
  •   Thành viên online 1
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 172
 
  •   Hôm nay 36,468
  •   Tháng hiện tại 1,224,725
  •   Tổng lượt truy cập 81,157,625