Niềm tin vào sự phục sinh của thân xác loài người có lẽ là điều nhạy cảm nhất trong kinh Tin Kính (Credo), bởi vì nó chạm đến tính sâu thẳm nhất trong mỗi con người chúng ta. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải lắng nghe các chứng từ đức tin trong các Tin Mừng. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu thể hiện chính mình với các môn đệ của Ngài bằng một thân xác thực sự, cụ thể: Chúa Giêsu dùng bữa cùng các môn đệ, các ông cũng có thể chạm vào Ngài. Như vậy, Chúa Giêsu phục sinh không phải là một ảo ảnh, cũng không phải là ma. Thân xác hồi sinh này của Ngài có một phần giống với thân xác đầu tiên, vì nó mang theo những dấu thánh của cuộc Thương Khó. Những vết thương này - không còn đau đớn nữa - là một dấu chứng khẳng định rằng những vết thương lớn nhất, những thử thách lớn nhất trong đời sống của mỗi người chúng ta góp phần tham gia vào việc nói lên chúng ta là ai. Những vết thương này trở thành một điều rất riêng của chúng ta đến nỗi chúng có khả năng sẽ vượt qua được cái chết thể xác.
Nhưng đồng thời, thân thể của Chúa Giêsu phục sinh cũng rất khác biệt so với thân xác ban đầu và các môn đệ không nhận ra Ngài ngay lập tức, sau khi Ngài phục sinh. Quả thế, thân xác phục sinh của Chúa Giêsu không còn phải chịu các giới hạn không gian riêng trong cuộc sống trần gian. Thân xác ấy vượt qua các bức tường và có thể hiện diện ở nhiều nơi trong cùng một lúc. Vì thế, thân xác của Đấng Phục Sinh có cả sự tương tự với thân xác ban đầu của Ngài và cả những khác biệt của một thân xác mới.
Điều này cũng hoàn toàn đúng với chúng ta. Thân thể vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta trong sự phục sinh, sẽ giống với thân xác của chúng ta hiện tại và sẽ trở lại với cát bụi; đồng thời thân xác của chúng ta cũng có sự khác biệt của một thân xác mới. Lấy lại một một hình ảnh trong Kinh Thánh để khắc họa điều này, đó là cùng một mối tương quan giữa hạt giống và bông lúa mì (1 Cr 15, 35-49).
Nhưng phải hiểu rằng đề mục về đức tin này có tác động to lớn đến nhận thức của chúng ta về cuộc sống và hữu thể con người. Cơ thể xác thịt của con người là thứ phân biệt mỗi chúng ta như là một hữu thể hoàn toàn duy nhất: ánh mắt, mùi cơ thể, giọng nói. Nhiều người ngày nay sẵn sàng tin vào sự tồn tại của linh hồn sau cái chết, như một dạng quay trở về với năng lượng vũ trụ (thuyết lượng tử cho rằng linh hồn không chết mà nó quay trở về vũ trụ). Những niềm tin này phát xuất từ các tôn giáo phương Đông đang gia tăng ngày nay, nhưng chúng tạo ra một sự hiểu biết hoàn toàn khác về con người. Những niềm tin ấy nhắm đến đời sau dưới dạng thức của một sự phối hợp, của một sự khuếch tán, hòa tan trong một tổng thể không phân biệt. Ngược lại, đức tin Công giáo tuyên bố linh hồn con người sau sự chết không phải là một sự hòa tan, mà là một hoàn tất về tính cá biệt, tính đặc trưng của mỗi người. Bởi vì, Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta với một tình yêu duy nhất, tình yêu cá vị độc nhất.
Thân xác của chúng ta cũng là những gì giúp chúng ta ở trong tương quan với người khác, những gì giúp chúng ta biết yêu mến. Chúng ta là những hữu thể có các tương quan và chúng ta tin rằng trong Thiên Chúa, các tương quan này sẽ được hoàn tất. Tin vào sự sống lại đời sau của thân xác con người, đó là việc khẳng định rằng: đời sống trong Thiên Chúa chính là sự hiệp thông của tình yêu. Đó là tin rằng tình yêu mạnh mẽ hơn cái chết. Đó là tin rằng thân xác chúng ta không phải chỉ là một cái vỏ bọc đơn giản, nhưng nó đáng được tôn trọng ngay cho tới cả sự chết và sự phục sinh của thân xác con người.
Tác giả : Linh mục Pierre-Alain Lejeune
Nguồn : Famille Chrétienne
Chuyển ngữ : Giuse Nguyễn Tùng Anh