Vị Vua Giêsu không giống như thế. Vị Vua này là bạn hữu của những người nghèo, người thu thuế, những bệnh nhân, những người tù và những người bị loại trừ ra khỏi xã hội. Vị Vua Giêsu đã làm những việc khác thường, thậm chí là ngược đời: Người quỳ gối trước mặt các môn đệ để rửa chân cho họ; Người vất vả đi tìm kiếm con chiên bị lạc; Người đã khẳng định: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13); và cuối cùng, Người đã hiến thân mình, đổ máu đào để cứu chuộc muôn người. Nhờ sự chết và sự sống lại của Người, Người đã mở một con đường đi đến thế giới mới mà Người gọi là Nước Trời.
Trước đó bảy thế kỷ, vương quyền của Đức Kitô đã được ngôn sứ Đanien tiên báo (Bài đọc I). Vị ngôn sứ gửi một thông điệp vui đến với những người Do Thái đang ngờ vực tình thương của Thiên Chúa, vì họ sống trong lầm than đau khổ của kiếp lưu đày. Đanien đã đem lại cho họ lòng can đảm và niềm hy vọng. Ông loan báo về một “Con Người” sẽ ngự đến, Đấng sẽ nâng họ lên và phục hồi phẩm giá của họ như xưa. Sau này, các Kitô hữu hiểu danh xưng “Con Người” là chính Chúa Giêsu, vì Người đã nhiều lần dùng danh xưng đó.
Bài đọc II trích sách Khải huyền của thánh Gioan tông đồ giải thích với chúng ta rõ hơn về “Con Người” được nêu trong sách Ngôn sứ Đanien. Đó là Đức Kitô vinh quang, đánh bại mọi quyền lực ác thần. Người đã chiến thắng tội lỗi và thần chết. Người muốn cho chúng ta được dự phần vào chiến thắng của Người. Cùng một bối cảnh như sách ngôn sứ Đanien, sách Khải Huyền được viết cho các Kitô hữu đang chịu bách hại và truy sát ở cuối thế kỷ thứ nhất. Tác giả muốn khích lệ động viên các tín hữu, đồng thời giúp họ nhận ra một điều: tình yêu và lòng trung thành sẽ chiến thắng mọi sự dữ.
Thánh Gioan trong Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Philatô. Những người Do Thái tố cáo Chúa đã từng xưng mình là vua dân tộc họ, để vin vào đó kết án Người là kẻ thù của vua Xê-da. Họ cũng tố cáo Chúa đã xách động dân chúng. Trước những lời vu khống này, Chúa Giêsu không thanh minh, không lập luận, mà chỉ khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này…tôi không có và không cần những cận vệ xung quanh tôi”. Trong cuộc đối chất này, Chúa Giêsu và Philatô không cùng một quan điểm về vương quyền và vương quốc. Đối với Chúa Giêsu, Người là đại diện của Chúa Cha ở giữa Dân Ngài. Chúa Giêsu là một vị Vua, như một mục tử cho toàn nhân loại. Người quan tâm và yêu thương hết mọi người bằng tình yêu dịu dàng trìu mến. Vương quốc của Người sẽ biến đổi những ai thiện chí muốn bước vào.
Trong xã hội của chúng ta hôm nay, còn có rất nhiều người từ chối vương quyền của Đức Kitô. Người ta viện nhiều lý do để biện minh cho sự dửng dưng tôn giáo. Khi đức tin vào Thiên Chúa đã mờ nhạt, người ta dễ dàng sống buông thả và không còn tôn trọng những chuẩn mực luân lý đạo đức.
Là Kitô hữu, chúng ta tin vào Vương quốc vĩnh cửu của Đức Giêsu. Vương quốc ấy đã khai mở ở trần gian, như lời rao giảng của Người : « Triều đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng » (Mc 1,15). Kitô hữu là người góp phần xây dựng Vương quốc của Chúa, khi chúng ta nhiệt thành sống Tin Mừng, hăng say giới thiệu Chúa cho những người xung quanh. Vũ khí Chúa Giêsu đã dùng để chinh phục lòng người, đó tình yêu thương, thể hiện qua sự chữa lành tâm hồn và thể xác, với cánh tay giang rộng để ôm lấy toàn thể nhân loại, giúp cho các tội nhân được phục hồi, người đau khổ bất hạnh lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Để được Thiên Chúa ngự trị nơi tâm hồn và cuộc đời, chúng ta phải lắng nghe lời mời gọi của Ngài và phải sám hối trở về. Cùng với Ngài, cuộc đời chúng ta đã sang trang và trở nên con người mới.
Như người « trộm lành » trên cây thập giá, chúng ta cùng thân thưa với Chúa Giêsu : « Lạy Chúa Giêsu, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến con », và chắc chắn chúng ta sẽ được nghe lời yêu thương của Chúa nói với chúng ta : « Thày bảo thật, hôm nay con sẽ được ở với Thày trên Thiên đàng » (Lc 23,42-43). Đó là niềm hy vọng và ước nguyện sâu xa nhất của Kitô hữu chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên