Tập thơ “Sứ Điệp Tình Thương” có thể gọi là trường thi hoặc Phúc âm diễn ca, gồm 9.764 câu lục bát, được chia thành sáu phần, tái hiện hành trình cứu độ nhân loại của Chúa Giêsu Kitô qua nội dung bốn sách Tin Mừng[2]. Phần I: “Đời ẩn dật” phác họa bối cảnh lịch sử và tôn giáo khi Chúa Giêsu giáng sinh, trong một thế giới áp bức nhưng cũng ngập tràn hy vọng về Đấng Cứu Thế. Phần II: “Đời công khai” khắc họa sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, với bài giảng “Những Mối Phúc Thật” và câu chuyện Ngài gọi các tông đồ đầu tiên, khởi đầu cho hành trình xây dựng Hội Thánh. Phần III: “Từ khi bỏ Ga-li-lê đến thương khó” tái hiện hành trình hy sinh của Chúa Giêsu, nhấn mạnh ý nghĩa cứu độ qua khổ nạn và cái chết của Ngài. Phần IV: “Những huấn dụ sau hết của Chúa Giêsu” lắng nghe những lời khuyên bảo yêu thương và đầy uy quyền của Chúa dành cho các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó. Phần V: “Bí Tích Thánh Thể và sự thương khó” tôn vinh tình yêu vĩ đại của Chúa qua việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, như một dấu chỉ sống động của lòng thương xót, và qua sự hy sinh vô biên trên Thập Giá. Phần VI: “Chúa sống lại” miêu tả biến cố Phục Sinh, niềm hy vọng khải hoàn của nhân loại, cùng những lần Chúa hiện ra, để củng cố đức tin và mang lại bình an cho các môn đệ. Với cấu trúc chặt chẽ và nội dung phong phú, “Sứ Điệp Tình Thương” không chỉ diễn ca các sự kiện Tin Mừng mà còn là tâm tình cầu nguyện và suy niệm sâu sắc, dẫn dắt người đọc vào mầu nhiệm tình yêu và sự cứu rỗi của Thiên Chúa.
“Sứ Điệp Tình Thương” của Xuân Văn được viết bằng thể thơ lục bát – một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam, phản ánh vẻ đẹp giản dị, hài hòa và giàu nhạc tính. Với cấu trúc nhịp nhàng 6-8, thơ lục bát dễ dàng truyền tải cảm xúc và mở ra chiều sâu triết lý lẫn tâm linh. Thể thơ này gắn bó mật thiết với tâm hồn người Việt qua ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian và truyện Nôm. Đỉnh cao nghệ thuật của thể lục bát chính là “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.
Với nhà thơ Xuân Văn, thơ lục bát không chỉ kế thừa tinh hoa nghệ thuật thơ dân tộc, mà còn thấm đẫm ánh sáng đức tin, trở thành phương tiện diệu kỳ để rao giảng Lời Chúa. Tác giả kết hợp ngôn ngữ thi ca với ánh sáng Tin Mừng, mang đến cho người đọc thông điệp về tình yêu thương và sự cứu rỗi. Tập thơ đã trở thành nhịp cầu kết nối người đọc với tình yêu thương của Thiên Chúa. Từng câu chữ trong thi phẩm vang lên như lời mời gọi tha thiết và mãnh liệt, dẫn dắt con người đến với ánh sáng của Thiên Chúa, giúp họ cảm nhận và sống trọn vẹn trong tình yêu vô biên của Ngài.
Nhà thơ Xuân Văn đã tạo ra vẻ đẹp thơ lục bát để tôn vinh Thiên Chúa, hòa quyện ngôn ngữ thi ca với cảm thức đức tin. Trong “Sứ Điệp Tình Thương”, vẻ đẹp này được thể hiện bằng nhịp điệu êm ái, thấm đượm tinh thần thiêng liêng. Những dòng thơ uyển chuyển, với nhịp điệu nhẹ nhàng đặc trưng cùng cách gieo vần liền và vần lưng tạo âm hưởng sâu lắng, giúp người đọc cảm nhận bình an và dễ dàng hòa mình vào không gian thiêng liêng của Kinh Thánh. Điển hình là những câu thơ vần liền, như: “Tiếng người công chính thật thà,/ Mặt đà đáng mặt con nhà vương tôn” (Truyền tin); hay vần lưng: “Phúc thay lòng dạ tuyết gương,/ Được nhìn Nhan Chúa thiên đường cao xa.” (Những mối Phúc Thật). Trong bài “Truyền Tin”, Xuân Văn sử dụng nhịp điệu uyển chuyển, ngắt nhịp hợp lý để miêu tả cảnh Đức Trinh nữ Maria nhận sứ điệp từ Thánh Thiên Thần, làm nổi bật linh thánh và niềm vâng phục trọn vẹn của Đức Mẹ.
“Maria mỹ danh Nàng,
Vốn dòng vương giả, thuộc hàng trâm anh.
Trăng tròn mười sáu xuân xanh,
Xinh tươi như sắc mây lành rạng đông.”
Nhịp điệu thơ nhẹ nhàng dẫn dắt người đọc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh khiết của Đức Maria, hòa quyện với bầu khí trong suốt và trang nghiêm của sự kiện. Tinh thần thiêng liêng được thể hiện rõ nét qua nhịp điệu uyển chuyển trong bài “Magnificat”:
“Hồn tôi tán tụng Chúa Trời,
Lòng tôi hoan hỉ dâng lời tạ ơn.”
Nhịp thơ chậm rãi, trầm lắng tựa lời cầu nguyện, dẫn dắt tâm hồn hướng về lòng bao dung và cao cả của Thiên Chúa. Thể lục bát trong thơ Xuân Văn không chỉ lưu giữ vẻ đẹp cổ điển mà còn làm sáng tỏ mầu nhiệm Kinh Thánh.
Ngôn ngữ trong “Sứ Điệp Tình Thương” của Xuân Văn toát lên sự trong sáng, truyền cảm mạnh mẽ các thông điệp Tin Mừng. Với ngôn từ mộc mạc và dễ hiểu, tác giả đã biến những ý niệm sâu xa trở nên thân thuộc, giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp thiêng liêng của đức tin, tìm thấy sự hòa điệu với tâm hồn Việt qua thể thơ truyền thống.
“Phúc thay lòng dạ tuyết gương,
Được nhìn Nhan Chúa thiên đường cao xa.”
(Những mối Phúc Thật)
Những hình ảnh thơ dung dị như “lòng dạ tuyết gương” và “Nhan Chúa thiên đường” toát lên vẻ thanh khiết, cao cả, mở ra chiều kích mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thể thơ lục bát, với nhịp điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng, dẫn dắt tâm hồn người đọc vượt qua những bận rộn của đời sống trần thế, để vươn đến miền thiêng liêng của ân sủng và đức tin.
Trong tập thơ của Xuân Văn, những hình ảnh giàu tính biểu cảm được khắc họa bằng sự tinh tế, làm sáng tỏ bầu khí linh thiêng và chiều sâu ý nghĩa tôn giáo. Các biểu tượng như “trăng”, “hoa”, “mây”, “nước”… không chỉ tỏa sáng vẻ đẹp tự nhiên, thanh khiết, mà còn mở ra những tầng ý nghĩa sâu xa, hòa quyện với tinh thần Thánh Kinh, gợi lên sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi thụ tạo.
“Dung nhan rực rỡ vừng hồng,
Trăng in đáy nước, mây lồng bóng gương.
Vườn xuân khóa kín thiên hương,
Cõi trần không chút vấn vương bụi trần.”
(Truyền tin)
Vẻ đẹp thanh khiết và thánh thiện của Đức Maria vừa hiện ra, tượng trưng cho sự tinh tuyền, không vướng bụi trần, đồng thời thể hiện sự hòa hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và không gian thánh linh. Câu thơ “Vườn xuân khóa kín thiên hương” biểu trưng cho sự trong sạch của Đức Mẹ, trong khi “Cõi trần không chút vấn vương bụi trần” mời gọi tín hữu sống cuộc đời tách biệt khỏi thế gian, vâng phục Thiên Chúa trong sự thanh sạch tuyệt đối.
Thơ lục bát của Xuân Văn trở thành phương tiện hữu hiệu để diễn đạt những thông điệp thiêng liêng của đức tin Kitô giáo, vừa gần gũi vừa sâu lắng, đưa tâm hồn con người đến gần hơn với mầu nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa. Những sự kiện trong Thánh Kinh như “Truyền tin,” “Chúa Giêsu Giáng Sinh,” và “Những Mối Phúc Thật” được diễn đạt qua nhịp điệu mượt mà, sâu lắng của thể thơ lục bát, giúp tâm hồn người đọc dễ dàng cảm nhận được sứ điệp cứu rỗi và tình thương vô biên của Thiên Chúa. Thể thơ lục bát không chỉ làm sáng tỏ nội dung các câu chuyện Thánh Kinh mà còn mở ra một không gian linh thiêng, nơi tình yêu Chúa và lòng nhân ái lan tỏa. Mỗi bài thơ là một lời tạ ơn và ngợi ca tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho nhân loại, thể hiện qua lời ru dịu hiền của Đức Mẹ và những lời giảng đầy ân phúc của Chúa Giêsu, mời gọi mọi tín hữu bước vào hành trình sống trong tình yêu và ơn cứu độ của Ngài.
“Ru Con cho mộng cho mơ,
Cho đời reo khúc nhạc thơ thanh bình.
Ru Con nên vóc nên hình,
Nên nguồn hy vọng nên tình yêu thương.
Ru Con khắc khoải canh trường,
Gió mưa thổn thức tuyết sương ngậm ngùi”
(Chúa Giêsu giáng sinh)
Nhà thơ Xuân Văn đã khắc họa đêm Giáng Sinh thiêng liêng, với hình ảnh Đức Mẹ thánh thiện, tràn đầy đức hy sinh, và sự mầu nhiệm của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ, nguồn hy vọng và tình yêu cho nhân loại. Mạch thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, tái hiện những thử thách và đau khổ mà Đức Mẹ và Đấng Hài Nhi đã trải qua, nhưng tất cả được bao phủ trong tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Những vần thơ như lời mời gọi tín hữu chiêm ngắm và cảm nhận sâu sắc sự che chở, hy sinh vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người qua mầu nhiệm Nhập Thể.
(Nhà thơ Lm FX Nguyễn Xuân Văn)
Thơ lục bát cũng khơi gợi lòng trắc ẩn và suy niệm qua các câu chuyện của các nhân vật trong Kinh Thánh. Lời thơ chạm đến trái tim người đọc, khơi dậy lòng ăn năn, niềm tin vào sự tha thứ và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Xuân Văn đã kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật thơ lục bát truyền thống với nội dung Kinh Thánh, tạo nên nhịp cầu giữa văn hóa dân tộc và đức tin Kitô giáo. Thể thơ lục bát, vốn gắn bó sâu sắc với tâm hồn người Việt, qua tài năng của tác giả Xuân Văn, không chỉ gìn giữ vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc mà còn thấm đượm ánh sáng của Tin Mừng, truyền tải những thông điệp thiêng liêng với sự dung dị mà sâu sắc. Chẳng hạn, trong bài thơ “Những Mối Phúc Thật“, Xuân Văn đã chuyển tải lời dạy của Chúa Giêsu qua nhịp điệu lục bát mượt mà, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Thể thơ truyền thống này không chỉ giúp giáo huấn của Chúa trở nên dễ hiểu, gần gũi với tâm hồn tín hữu, mà còn tôn vinh sự trang nghiêm và cao cả của những lời dạy đầy ân sủng. Những câu thơ như “Phúc người khiêm nhượng hiền lành,/ Đất là cơ nghiệp Chúa dành vô biên./ Phúc thay cho kẻ ưu phiền,/ Gặp nguồn an ủi triền miên có ngày.” đã làm cho những chân lý trong Kinh Thánh trở nên gần gũi, đồng thời vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, linh thánh. Lục bát với nhịp điệu êm đềm, vang vọng không chỉ khơi gợi cảm xúc mà còn giúp tín hữu cảm nhận sâu sắc tinh thần yêu thương và khiêm nhường mà Chúa truyền dạy. Nhà thơ Xuân Văn đã làm giàu thêm sức truyền cảm của thể thơ lục bát, đưa các giá trị tôn giáo vào văn học, tạo nên không gian thơ đậm đà bản sắc dân tộc và tôn vinh đức tin thiêng liêng.
“Sứ Điệp Tình Thương” là một diễn ca Kinh thánh. Nhìn chung, Xuân Văn đã giữ cho diễn ca sát với nội dung Kinh thánh. Tuy vậy, có đôi chỗ, Xuân Văn vẫn chưa hoàn toàn trung thực với tinh thần của Kinh Thánh. Qua trao đổi với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Bùi Công Thuấn, được biết rằng trong Mối phúc 1, Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu đã viết “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt [3]5,1), còn đây là diễn ca của Xuân Văn “Nước trời là giải thưởng treo cho mình” cho thấy nhà thơ đã thêm vào chữ “giải thưởng treo”. Hay trong Mối phúc 7 “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”, nhưng nhà thơ đã viết “Phúc thay cho kẻ hiếu hòa”. Hai câu này không tương đồng, “Kẻ xây dựng hòa bình” là đem đến bình an cho tha nhân, còn “kẻ hiếu hòa” là người có tính hiền lành và hòa nhã trong tâm hồn. Tiếp theo trong Mối phúc 8 “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”, nhưng diễn ca viết “Xứng danh con Chúa thiên tòa mai sau”. Cả hai câu đều nói về phần thưởng cho người sống công chính, nhưng khác nhau ở cách diễn đạt: Phúc Âm nhấn mạnh Nước Trời, còn diễn ca tập trung vào vinh quang và phẩm giá của người công chính khi được đón nhận vào Thiên Đàng.
Kinh Thánh, ngoài ý nghĩa thiêng liêng, còn là tác phẩm văn học bất hủ với giá trị nghệ thuật đặc sắc. Vì thế, có những chỗ trong diễn ca của Xuân Văn chưa hoàn toàn tương đồng hoặc chưa truyền đạt hết được ý nghĩa sâu sắc của Thánh Kinh, điều này dễ hiểu và có thể chấp nhận được.
Trong “Sứ Điệp Tình Thương”, nhà thơ đã thể hiện khả năng diễn đạt cảm xúc mạnh mẽ và lắng sâu, đặc biệt qua những bài thơ miêu tả cuộc khốn khó và tình yêu của Đức Mẹ. Ngôn từ giản dị trong thơ Xuân Văn càng làm nổi bật nỗi xót xa, khiến cảm xúc chân thực và dễ dàng chạm đến trái tim người đọc. Điển hình là bài thơ “Đức Mẹ khóc Con”. Cảnh tượng Đức Mẹ chứng kiến Con yêu của mình chịu khổ nạn trên thập giá được thể hiện qua những câu thơ mộc mạc nhưng đầy xót xa và thấm đẫm tình thương của Mẹ, đồng thời cũng là tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
“Ngày Con chết đắng, chết cay,
Chết đau, chết nhục, chết thay cho đời.
Mẹ sầu khổ lắm Con ơi!
Vì người, Con chết, ai người thương Con!”
Xuân Văn đã khắc họa sâu sắc nỗi đau của Đức Mẹ khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Con mình. Không gian xúc cảm mãnh liệt trong thơ giúp người đọc cảm nhận nỗi xót xa và tình yêu vô biên của Đức Mẹ, như một lời nhắc nhở về sự hy sinh cao cả và đức tin bền vững. Cái chết của Chúa Giêsu, được tác giả diễn đạt, không chỉ là sự hiến dâng mà còn là niềm an ủi và hy vọng cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài.
Nhịp điệu tình thương trong thơ Xuân Văn toát lên qua cách gieo vần và ngắt nhịp tinh tế. Lời thơ dịu dàng, như tiếng mời gọi tâm hồn lắng đọng, đồng cảm với nỗi đau và hy sinh của Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Tình thương ấy không dừng lại ở sự cảm thông, mà còn là tiếng lòng da diết, khắc khoải, phản ánh tình yêu và sự hiến dâng vô bờ bến của Chúa dành cho nhân loại.
Nhịp điệu và âm điệu lục bát của Xuân Văn trở thành những tiếng thở dài của đau đớn, hòa cùng nỗi buồn thương của Đức Mẹ, của nhân loại khi phải chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Cảm xúc trong tập thơ là sự đồng cảm với những nỗi đau khôn cùng của con người trong cuộc đời, đặc biệt là những người mẹ, những người luôn hy sinh hết mình vì tha nhân.
Lục bát không chỉ là thể thơ truyền thống mà còn là biểu tượng của hồn dân tộc Việt, diễn tả tâm trạng và thế giới quan của người Việt. Nhà thơ Xuân Văn đã sử dụng thể thơ này để gắn kết đức tin Kitô giáo với bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các thông điệp tôn giáo được truyền tải nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt.
Nhan đề “Sứ Điệp Tình Thương” tượng trưng cho thông điệp của Thiên Chúa về tình yêu và lòng nhân từ dành cho nhân loại. Tập thơ hòa quyện văn hóa truyền thống Việt Nam với mỹ học Kitô giáo, mở ra không gian linh thiêng, nơi đức tin và văn hóa giao hòa trong bình an và yêu thương. Đây cũng là lời mời gọi sống trong tình yêu, khẳng định sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống, sẵn sàng cứu giúp và ban ơn cho những tâm hồn biết mở lòng.
Nhà thơ Xuân Văn đã thành công trong việc kết hợp đức tin Kitô giáo và văn hóa dân tộc, làm mới thể thơ lục bát bằng cách đưa những thông điệp Kinh Thánh vào thơ. Với nhịp điệu êm ái và âm hưởng sâu lắng, “Sứ Điệp Tình Thương” khơi gợi trong lòng độc giả tình yêu thương và lòng bác ái. Tác phẩm là lời mời gọi lắng đọng tâm hồn, hòa mình vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa, đồng thời chiêm nghiệm những giá trị nhân văn sâu sắc và thiết thực trong cuộc sống, để sống trong sự thánh thiện và tình yêu cứu độ.
***
Nhà thơ Xuân Văn – Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, sinh ngày 01/09/1922 tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, giáo phận Qui Nhơn. Ngài tu học tại Tiểu chủng viện Làng Sông (1936-1943) và Đại chủng viện Qui Nhơn (từ 1943). Thụ phong linh mục ngày 25/1/1956. Phục vụ tại các giáo xứ Trúc Hà (1956), Đà Nẵng (1957), chủng viện Làng Sông Qui Nhơn (1958-1962), chánh xứ Phú Hương (1962-1964), Hòa Khánh (1965-1975), Mằng Lăng (1975-1986) và Tuy Hòa (từ 1986). Ngài được Chúa gọi về lúc 5 giờ ngày 10/01/2002 tại Tuy Hòa. Ngoài trường ca “Sứ điệp tình thương”, Ngài còn viết thi phẩm “Cuộc đời Đức Mẹ” với hơn 1000 câu thơ lục bát, ngũ ngôn và thơ tự do ca tụng Đức Mẹ Maria theo các trang Kinh thánh.
Hải Phòng, 18/1/2025
Nguồn: vanhoadatmoi.net
M.V.P
[1] FX là chữ viết tắt của Thánh Francisco Xaviê (Francis Xavier).
[2] Bốn sách Tin Mừng được viết bởi Thánh Mát-thêu, Thánh Mác-cô, Thánh Luca và Thánh Gioan).
[3] Mt là chữ viết tắt của Thánh Mát-thêu. 5,1 có nghĩa chương 5, từ câu 1.