Tử đạo là noi theo gương Chúa Giêsu, chết vì đạo, hy sinh vì đức tin và làm chứng cho Chúa. Sự hy sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa được khởi đi từ chính tình yêu vô biên của Ngài dành cho nhân loại. Ngài đã hy sinh mà tử bỏ vinh quang của một Thiên Chúa mà đến với nhân loại để sống như một phàm nhân ngoại trừ tội lỗi. Đỉnh điểm của sự hy sinh từ bỏ là cái chết của Ngài trên thập giá để rồi nhờ Máu Thánh đổ ra mà Giáo Hội được khai sinh, nhân loại được cứu chuộc và trở về với Thiên Chúa.

Nếu như dân số của Việt Nam vào năm 1870 là khoảng 10 triệu dân (theo Wikipedia) thì khi nhìn vào con số 130 nghìn anh hùng tử đạo Việt Nam, trong đó có 117 các thánh tử đạo đã hy sinh mạng sống, đổ máu đào vì đức tin khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng và cũng xen lẫn niềm tự hào. Đó là một con số quá lớn và vĩ đại khiến cho chúng ta ngỡ ngàng và tự hỏi họ chết như vậy là vì điều gì? Chẳng lẽ họ không biết quý trọng mạng sống của mình hay sao?

Cũng như Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu khi phải đối diện với Thập Tự Giá, các thánh tử đạo rất trân quý mạng sống của mình và rất sợ hãi khi phải đối diện với cái chết, nhưng tình yêu và đức tin mà các ngài dành cho Thiên Chúa cũng như cho quê hương đất nước còn mạnh mẽ và lớn lao hơn cả sự sợ hãi và mạng sống của các ngài. Điều đó làm nên sự vĩ đại của các thánh anh hùng tử đạo Việt Nam.

Các thánh tử đạo Việt Nam là những người yêu quý dân tộc, quê hương Việt Nam. Họ không phải là những nhà chính trị mà chỉ đơn thuần là những người muốn sống yên bình để mến Chúa và yêu người. Họ có thể là các giáo sĩ phương tây đã từ bỏ cuộc sống phồn vinh mà theo tiếng Chúa mời gọi để đi gieo rắc hạt giống đức tin nơi những mảnh đất khô cằn. Họ có thể là những người nông dân mộc mạc đơn sơ thấy sự tốt lành của đạo Chúa mà theo. Họ có thể là mọi tầng lớp và giai cấp của xã hội luôn mong muốn và khao khát hướng tới chân lý cũng như những điều tốt đẹp nơi Chúa Giêsu Kitô.

Khi bị bắt và đem ra pháp trường, họ không kích động dân chúng đang yêu mến họ, họ không kêu la oán thán nhưng luôn là những lời tha thứ và cầu nguyện cho những ai bách đạo và giết hại mình, căn dặn mọi người hãy tiếp tục sống đức tin để mến Chúa và yêu người. Trên hết, họ mong muốn quê hương được biết đến Chúa và hạt giống đức tin sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp trên chính quê hương Việt Nam chúng ta. Đối với họ thì mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô.

Là con cháu của các thánh anh hùng tử đạo, chúng ta được mời gọi nối tiếp truyền thống mà sống tinh thần tử đạo ngày hôm nay. Nếu như tử đạo không chỉ đơn thuần là chết nhưng còn là hy sinh vì đức tin thì thời buổi nào chúng ta cũng có thể sống tinh thần tử đạo. Chúng ta có thể sống tình thần tử đạo bằng sự trung kiên và yêu mến Chúa qua việc tham dự các thánh lễ và siêng năng cầu nguyện thường xuyên. Chúng ta có thể sống tinh thần tử đạo bằng việc hy sinh hãm mình mà làm những công việc phúc đức sinh ích cho tha nhân, sẵn sàng lăn xả và hy sinh trong các công việc từ thiện bác ái như cứu trợ lũ lụt hay trong đại dịch Covid vừa qua. Chúng ta có thể sống tinh thần tử đạo bằng việc quảng đại hy sinh xây dựng Giáo hội và quê hương đất nước chúng ta bằng công của và tinh thần. Chúng ta có thể sống tinh thần tử đạo bằng sự yêu thương tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Chúng ta có thể sống tinh thần tử đạo bằng việc kiên quyết giữ vững đức tin của mình và không bao giờ lùi bước trước những thế lực xâm hại tới đức tin và lòng mến Chúa của chúng ta.

Hãy luôn nhớ rằng, để hạt giống đức tin được dưỡng nuôi và vươn lên mạnh mẽ trên quê hương đất nước Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay, tổ tiên của chúng ta đã phải đánh đổi bằng sự hy sinh của khoảng 130 nghìn người. Là con cháu của các thánh anh hùng tử đạo, chúng ta hãy mạnh mẽ giữ lấy và sống đức tin để Giáo hội của Chúa được lớn mạnh và phục vụ dân của Ngài trên quê hương yêu dấu của chúng ta.

Lm. Jos Nguyễn Huy