Trong những năm gần đây, truyền thông kỹ thuật số (TTKTS) đã chiếm lĩnh hầu hết không gian và thời gian của những ai quan tâm đến truyền thông.
Giáo hội hoàn vũ cũng đã đề cập đến thực tại kỹ thuật số. Ví dụ, kể từ năm 1967, các Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông hằng năm đã đưa ra suy tư liên tục về chủ đề này. Bắt đầu từ những năm 1990, các sứ điệp này đề cập đến việc sử dụng máy tính; và kể từ đầu những năm 2000, các sứ điệp đã nhất quán suy tư về các khía cạnh của văn hóa kỹ thuật số và mạng xã hội. Khơi lên những câu hỏi nền tảng cho văn hóa kỹ thuật số, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, vào năm 2009, đã đề cập đến những chuyển đổi trong các mô hình truyền thông, ngài nói rằng các phương tiện truyền thông không chỉ cần thúc đẩy sự kết nối người ta với nhau mà còn phải khuyến khích họ dấn thân vào các mối quan hệ cổ võ “một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại, và hữu nghị”. Tiếp đó, Giáo hội củng cố hình ảnh của mạng xã hội như là những “không gian”, chứ không chỉ là “công cụ”, và kêu gọi việc loan báo Tin Mừng cả trong môi trường kỹ thuật số. Về phần mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng thế giới kỹ thuật số “không thể tách khỏi lĩnh vực đời sống thường ngày”, và nó đang thay đổi cách mà con người thu thập kiến thức, phổ biến thông tin và phát triển các mối quan hệ. [1]
Vừa rồi là toàn văn đoạn số 3 trong “Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội – Hướng tới sự hiện diện tròn đầy” được ban hành ngày 28/05/2023 cho thấy một cái nhìn phác thảo của đường hướng sử dụng TTKTS để loan báo Tin Mừng (LBTM) với nhiều ưu tư, suy tư và đầu tư nghiêm túc hơn mỗi ngày.
Khoảng 10 năm trở lại đây, những hình thức sánh ví cho sự phát triển truyền thông như: “xa lộ kỹ thuật số”, “lục địa kỹ thuật số”, “dải ngân hà kỹ thuật số” (Sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới lần 48 năm 2014),[2] “đại dương kỹ thuật số”[3], và trong chừng mực nào đó, “cơn bão AI” như cuồng phong đang tiến vào đại dương KTS này để biến tất cả chúng ta trở thành những vĩ nhân của cơ hội và tỏa sáng hay là những nạn nhân của mất kiểm soát và tha hóa. Một cách nào đó, thế giới KTS và trí tuệ nhân tạo đang bày ra một sân khấu với các đạo cụ tối tân, hào nhoáng và bắt mắt để chúng ta diễn, mọi thành phần đều diễn và giữ những vai trò khác nhau, tuy nhiên, những diễn viên nhập tâm và làm chủ sân khấu thì mới có thể đứng vững được trên sân khấu này.
Vậy là những nhà thừa sai mạng (cyber missionaries), chúng ta cần chú ý những gì khi bước lên sân khấu KTS để ấn tượng chứ không lố lăng, để rao truyền chân lý Tin Mừng một cách nổi bật chuyên nghiệp chứ không lạm dụng, nhạt nhòa, nhàm chán? Trước khi trả lời câu hỏi thực tiễn này, mỗi người chúng ta cần nhìn nhận sự tồn tại của một khái niệm: instrumentalism (chủ nghĩa công cụ), chủ nghĩa này xuất hiện và chi phối quan điểm của nhiều lãnh vực, riêng trong thần học và mục vụ (đặc biệt về mặt truyền thông): instrumentalism chỉ quan niệm truyền thông là một công cụ đơn thuần để loan báo, rao giảng, hay đạt được mục tiêu mục vụ nào đó. Theo cách nhìn này, các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội, video… không mang chiều kích thần học hay nhân bản nội tại, mà chỉ đơn giản là dụng cụ để chuyển tải nội dung.
Tuy nhiên, nhiều thần học gia Công giáo – như Franz-Josef Eilers SVD – cảnh báo rằng: Quan điểm “instrumentalist” quá hạn hẹp vì nó giảm truyền thông xuống thành một chiều, và không xem truyền thông như một tiến trình tương quan – hiệp thông – chia sẻ sự sống, vốn là bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi và Hội Thánh. Trong quan điểm thần học Công giáo hiện đại, truyền thông không chỉ là công cụ, mà là một chiều kích nền tảng của mầu nhiệm Ba Ngôi, nơi các Ngôi Vị trao hiến chính mình cho nhau trong tình yêu.[4]
Những điểm quan trọng này nhắc nhở chúng ta điều gì? Đó là, chúng ta cần gìn giữ tương quan nhân vị, quý trọng các mối quan hệ thật giữa người với người bao gồm: tôn trọng phẩm giá con người, nuôi dưỡng cộng đoàn bằng sự thật, yêu thương và trách nhiệm, giữa bối cảnh truyền thông số và sự phát triển nhanh chóng của AI. Nếu không, chúng ta đang đứng trước bờ vực nguy hiểm của cuộc khủng hoảng kết nối do chủ nghĩa công cụ dẫn dắt, ví dụ như chỉ chú trọng đầu tư thiết bị và nhắm đến “mục đích truyền đạt theo kiểu sản phẩm của truyền thông”.
Trái lại, truyền thông chính là trách nhiệm của mỗi người, nằm trong từng người, mỗi người là một nhà truyền thông của Thiên Chúa trong từng lời ăn tiếng nói, trong từng ánh mắt nụ cười, trong từng tư tưởng tiềm ẩn, trong sự thinh lặng chiêm niệm thiêng liêng, trong từng tác phẩm và công trình sáng tạo của mỗi người. Tóm tại truyền thông từ con người mà ra chứ không phải những công cụ kỹ thuật số tối tân đang làm chúng ta bị lệ thuộc, bị cuốn vào luồng xoáy xa rời Thiên Chúa, xa rời con người, xa rời vũ trụ, đánh mất chính mình, và khai thác thị hiếu.
Không gian kỹ thuật số như “dải ngân hà kỹ thuật số” (Digital Galaxy)
Ngay từ năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng hình ảnh rất gợi hình khi mô tả không gian kỹ thuật số như một “mạng lưới con người” (a network of people), chứ không chỉ là “mạng lưới dây nhợ” (network of wires). Ngài viết: “Thế giới kỹ thuật số có thể là một môi trường giàu tính nhân văn; một mạng lưới không phải của dây điện mà là của con người. Những người nam nữ mang hy vọng, đau khổ, niềm vui và những âu lo”. (Sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới 2014, số 8).
Hình ảnh “digital galaxy” (dải ngân hà kỹ thuật số) được Giáo Hội tiếp tục khai triển sau này như một không gian phức hợp, đa chiều, không còn biên giới rõ ràng giữa thực và ảo. Trong tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy, khái niệm này được hiểu như một “môi trường mới” – nơi đời sống đức tin, tương quan xã hội, học hành, làm việc và thậm chí truyền giáo đang diễn ra. Theo đó, chúng ta không chỉ ‘sử dụng’ không gian kỹ thuật số như một phương tiện, mà còn đang sống trong đó, như một không gian thực sự hình thành cuộc sống và tương quan con người (x. số 9,10).
Điều này đòi hỏi Giáo Hội không chỉ hiện diện cách hình thức, nhưng phải xây dựng “một nền văn hóa gặp gỡ” trong chính “dải ngân hà kỹ thuật số” ấy, để loan báo Tin Mừng một cách sống động, nhân bản và có trách nhiệm.
Bài học 1:
Văn hóa gặp gỡ được đưa lên mạng, nó có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề trống vắng và nhanh chóng công việc nhưng không thể thay thế cho sự tiếp xúc và tương tác thực tế, sự hiện diện thật mới chính là giá trị chuyển tải trọn vẹn sự liên đới và tình người. Đây là bài học rút ra rất đắt giá từ sau đại dịch, những cử hành phụng vụ trực tuyến làm cho nhịp sống thiêng liêng nhạt nhẽo dần, đời sống cộng đoàn vốn là điểm son của Giáo Hội cũng mất dần tính liên kết và sự cộng tác.
Internet và mạng xã hội có thực sự là “miền đất hứa” để con người thực sự an tâm chia sẻ, cộng tác và cảm thấy hạnh phúc hay không, còn phụ thuộc rất lớn vào sự “minh bạch, tin tưởng và chuyên nghiệp” (Hướng tới…, số 11). Điều này có đúng hay không? Câu trả lời đang dần hiện nguyên hình giữa một thế giới đầy phức tạp, đòi hỏi mỗi người phải cảnh giác trước những mối quan hệ được chính con người tô vẽ và lạm dụng nhau.
Hiện diện tròn đầy và thinh lặng giữa ồn ào kỹ thuật số
Trong thế giới kỹ thuật số đầy ồn ào, nơi thông tin tràn ngập và nhịp sống hối hả, Giáo Hội mời gọi người Kitô hữu không đánh mất khả năng “hiện diện tròn đầy ” – nghĩa là hiện diện một cách chú tâm, chân thành và sâu sắc. Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy nhận định rằng: Ngày nay, người ta có thể hiện diện trên mạng mà không hề hiện diện với tha nhân. Chúng ta có thể bị cuốn vào cuộc đối thoại liên tục mà không còn khả năng lắng nghe; luôn phản hồi mà không biết phân định” (x. số 13).
Sự hiện diện tròn đầy không đồng nghĩa với sự có mặt thường xuyên hay phát biểu nhiều lời, mà là sự lắng nghe chủ ý, phân định trong thinh lặng, và đáp lại với sự cảm thông và sự thật. Đức Thánh Cha Phanxicô từng cảnh báo về lối “lướt nhanh” (quẹt màn hình) trên truyền thông xã hội khiến chúng ta đánh mất chiều sâu nhân bản: Không ai có thể thực sự cảm thấy được lắng nghe, được thấu hiểu, nếu người kia không hiện diện cách trọn vẹn. Một tương quan thật chỉ có thể phát triển trong sự thinh lặng nội tâm và lắng nghe chân thành (x. số 35-36).
Tài liệu này còn cảnh báo rằng khi chỉ sống “bề mặt” trên mạng, “chúng ta sẽ dễ bị phân tán, mất định hướng, đánh mất căn tính bản thân và căn tính đức tin” (x. số 36).
Vì thế, hiện diện tròn đầy là một chiều kích linh thao và mục vụ mà Giáo Hội cần vun đắp để truyền thông trở thành nơi gặp gỡ đích thực chứ không phải sân khấu phô diễn.
Bài học 2:
Chậm lại khi phản hồi, nhanh chóng lướt rồi bắn tim bắn “like” loạn xạ, bình luận hấp tấp, cào bàn phím tùy tiện người ta gọi là “tay nhanh hơn não”.
Ví dụ: Mới gửi hình của một số thành viên lên mạng liền bị bắn biểu tượng “khóc/buồn”, chắc có lẽ người ta nghĩ vừa mới “qui tiên”!
Lắng nghe như nền tảng của truyền thông Kitô giáo
Lắng nghe không chỉ là một kỹ năng truyền thông, mà còn là một hành vi mang chiều kích thiêng liêng, làm nền tảng cho mọi hình thức truyền thông Kitô giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, trong một thế giới bị áp đảo bởi phát ngôn, người Kitô hữu được mời gọi “trở thành đôi tai biết lắng nghe như Thiên Chúa”, Đấng luôn lắng nghe tiếng kêu của nhân loại.
“Truyền thông không thể chỉ là phát ra những thông điệp, mà còn phải bắt đầu bằng việc lắng nghe. Thiên Chúa lắng nghe chúng ta, và con người cũng chỉ có thể thực sự truyền thông nếu biết lắng nghe trong yêu thương” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2022).
Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy cũng khẳng định rằng: Một Giáo Hội có khả năng lắng nghe trong môi trường kỹ thuật số là một Giáo Hội có khả năng phân định và đồng hành, chứ không phán xét vội vàng. Đó là một sự hiện diện chữa lành (x. số 51)
Hơn thế nữa, việc lắng nghe nơi môi trường kỹ thuật số đòi hỏi sự kiên nhẫn, đồng cảm và phân định, vì không gian mạng là nơi có nhiều tiếng nói đa chiều, thậm chí trái ngược hoặc bị tổn thương. Chỉ khi biết lắng nghe từ trái tim, Giáo Hội mới có thể trở thành “mẹ” thay vì “người giảng dạy từ xa”.
“Chỉ khi biết lắng nghe, người ta mới có thể nói đúng cách… và truyền thông sẽ thực sự là một hình thức hiệp thông” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2022).
Bài học 3:
Phải lắng nghe tốt thì mới có đủ dữ liệu để nhận định sáng suốt và đầy đủ được. Lắng nghe là một hình thức bầu bạn trong đời thường, nghe mà không cần khuyên nhủ, không phán xét cũng giúp người khác trải lòng và vấn đề khó khăn tự nó dần có lối thoát. Chia sẻ cần người tri kỷ, đạo đức và đáng tin.
Đây là một kỹ năng mục vụ mà nếu được có thể phát triển thích hợp trong môi trường Giáo xứ và gia đình, vừa tạo kết nối vừa giúp giải quyết nhiều vấn đề tâm sinh lý phức tạp trong giới trẻ hiện nay. Trong Giáo hội, đây là một nhánh của đồng hành thiêng liêng (khác với linh hướng).[5] Ngồi lại và lắng nghe nhau, tốt nhất là trực tiếp, để vực dậy niềm tin và hy vọng cho nhau.
Ví dụ: Hiện nay, người ta đã và đang có dịch vụ “thuê người lắng nghe” có trả phí theo giờ, tất nhiên phải có kỹ năng, được đào tạo, tuyệt đối tin tưởng, an toàn bảo mật.
Truyền thông là nghệ thuật hiệp hành và phân định
Trong tiến trình canh tân đời sống Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần khẳng định rằng hiệp hành (synodality) là “con đường mà Thiên Chúa chờ đợi nơi Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba”. Và trong không gian kỹ thuật số, truyền thông đóng vai trò trung tâm để thực thi tinh thần này, bởi lẽ hiệp hành đòi hỏi không chỉ đi chung một đường, mà còn trao đổi, lắng nghe và phân định chung.
Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy nêu rõ: Một Giáo Hội hiệp hành cần hiện diện trên mạng như một cộng đoàn biết chia sẻ, trao đổi và phân định. Truyền thông kỹ thuật số phải trở thành không gian cho sự đồng hành thiêng liêng và đối thoại mục vụ (x. số 22-24).
Điều này không có nghĩa là Giáo Hội phải có mặt ở mọi nơi hay tranh luận trên mạng, nhưng là biết chọn lọc và hiện diện như ánh sáng, như muối men, và đặc biệt là biết phân định điều gì đến từ Thánh Thần và điều gì không. Tài liệu Antiqua et Nova nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự phân định trong tương tác với máy móc”, vì thuật toán có thể điều hướng dư luận nhưng không thay thế lương tâm: Không có sự phân định, trí tuệ nhân tạo có thể dẫn con người vào lối hành xử vô thức và mất tự do. Vì thế, cần một nền linh đạo phân định cho kỷ nguyên kỹ thuật số (x. số 10, 41).
Truyền thông, như thế, là nghệ thuật phân định tập thể, một hành trình đồng hành chứ không áp đặt, một tiến trình cầu nguyện, lắng nghe và nhận biết tiếng Chúa trong muôn vàn âm thanh hỗn độn của thời đại.
Tài liệu Antiqua et Nova cũng mở rộng tầm nhìn về hiệp hành, khi cho rằng: “Việc phát triển công nghệ phải là kết quả của sự hiệp hành toàn diện giữa các chuyên gia, thần học gia, mục tử và người dùng, nhằm bảo vệ lợi ích chung và phẩm giá con người” (x. số 13,19).
Do đó, truyền thông hiệp hành là một cách thế sống Tin Mừng trong thế giới phân mảnh: nó là sự kết nối bằng sự thật và tình yêu, là một hình thức loan báo Tin Mừng bằng việc bước đi cùng nhau, ngay cả trên những nẻo đường số.
Bài học 4:
Giá trị của phân định tập thể làm cho quyết định trở nên sáng suốt hơn, tránh bị dư luận, máy móc, thuật toán thao túng gây hoang mang.
Thuật toán (hiện nay AI) học biết sở thích con người và “chuốc say” nạn nhân, làm cho chúng ta bị nghiện vào một xu hướng nhất định, và chết dần chết mòn theo một xu hướng xấu. Vì vậy, hãy cố gắng trung lập và tiếp cận thông tin tốt, tránh bị “rác” thông tin du nhập vào người, vừa vô ích vừa tốn thời gian, hao tổn tinh thần, đầu độc tâm trí. Hãy tỉnh thức và hồi tâm!
Trách nhiệm và sự thật trong thời đại thông tin
Trong một thời đại mà thông tin lan truyền với tốc độ chưa từng có, vấn đề trách nhiệm luân lý và tính chân thực trong truyền thông trở thành một đòi hỏi cấp bách đối với người Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô thường cảnh báo về nguy cơ thao túng dư luận, phát tán thông tin sai lệch (fake news), và sử dụng truyền thông để chia rẽ thay vì hiệp nhất.
Ngài viết: “Thông tin không có sự thật thì không thể là truyền thông chân chính… Truyền thông không phục vụ cho con người thì không còn là truyền thông nữa” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2018, số 1,3).
Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy kêu gọi mọi Kitô hữu trở thành những “người kiến tạo chân lý bằng tình yêu” trong môi trường kỹ thuật số. Việc loan báo Tin Mừng không được phép rơi vào xu hướng thao túng cảm xúc, giật tít, hoặc chia rẽ phe nhóm, dù với lý do tôn giáo: Mọi hành vi truyền thông của Kitô hữu phải phản ánh sự thật của Tin Mừng. Điều đó bao gồm cách lựa chọn hình ảnh, từ ngữ, nội dung và thái độ khi chia sẻ (x. số 50, 71).
Tài liệu Antiqua et Nova cũng nhấn mạnh rằng, các hệ thống trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ và không thay thế được trách nhiệm đạo đức của con người trong việc truyền tải sự thật: “Sự thật không thể được giản lược thành dữ liệu. Thật cần thiết phải có con người chịu trách nhiệm về cách thông tin được tạo ra, sắp xếp và lan truyền” (x. số 10).
Trong tư cách là người loan báo Tin Mừng, người Kitô hữu được mời gọi trở thành “người canh giữ sự thật với lòng nhân hậu”, không rơi vào cực đoan, và luôn phân định trước khi phát ngôn hay chia sẻ bất cứ điều gì trên không gian mạng.
Bài học 5:
Tôn trọng sự thật! Chủ nghĩa công cụ nhập nhiễm làm cho người ta đi theo lợi ích đồng tiền mà bất chấp phát ngôn, quảng cáo. Chúng ta có cảm tưởng như trong xã hội bây giờ hàng gì cũng giả, rồi liệu chúng ta còn tin nhau được không? Việc tung tin sai sự thật, quảng cáo sai sự thật đang làm lung lay niềm tin và ai nấy cần đặt lại ý thức “tự bảo vệ mình” trên mạng xã hội.
Hãy cẩn thận với những “kênh lá cải” do ai cũng làm truyền thông được nên phát ngôn bừa, không có căn cứ, câu view, giật tít, làm cho mọi người hoang mang. Nhiều kênh Công giáo theo kiểu lá cải đang ăn nên làm ra như: Đinh Thập Tự, Năm Chiếc Bánh, Chú Giúp Lễ; một loạt các kênh dựa hơi AI ra đời như: Phơi Bày Sự Thật, Sống Yêu Thương, Lời Từ Bóng Tối, Câu Chuyện Thế Kỷ,… là những kênh nhảm nhí bịa chuyện để kiếm chác. Theo cách này AI lại tiếp tay tạo nên những video nền để những câu chuyện dạng này có đất bám vào, và câu chuyện cứ thế thao thao bất tuyệt được tung ra. Vậy mà rất nhiều người bình luận là “hay” rồi dựa vào đây khẳng định những tin giật gân như chuyện “đúng rồi” rồi truyền cho nhau đọc. Được biết, YouTube sắp tới đây sẽ siết chặt “tắt kiếm tiền đối với 90% kênh tạo video bằng AI” nếu thấy vi phạm những qui định của nền tảng này.
Kinh Thánh và giảng thuyết từ các nhánh khác của Kitô giáo, chia sẻ của những người hoạt ngôn, thuyết giảng của những phe nhóm chống đạo… nghe bùi tai nhưng nguy cơ làm chúng ta “lạc giáo”. Hãy sáng suốt để tiếp cận thông tin thật, chính thống, đáng tin…
“Phó mình cho AI” bằng cách post những hình ảnh tôn giáo “được cho là sáng tạo nhàm chán”, nghèo về nội dung, như sắp được trình bày ở phần tiếp theo.
Truyền thông kỹ thuật số như môi trường loan báo Tin Mừng
Không gian kỹ thuật số không chỉ là phương tiện để truyền thông, mà còn là một “môi trường hiện sinh”, nơi con người sống, tương tác và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Do đó, Giáo Hội được mời gọi nhìn nhận đây là mảnh đất truyền giáo mới – nơi mà Tin Mừng cần được hiện diện, lắng nghe và gieo vào những khát vọng sâu xa nhất của con người hôm nay.
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Không gian kỹ thuật số là nơi gặp gỡ những người đang lạc hướng, không còn định hướng trong đời sống, và cả những người chưa bao giờ nghe nói về Tin Mừng. Vì thế, nơi ấy cũng là một nơi để loan báo Tin Mừng” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2019, số 4).
Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy cũng khẳng định rằng việc loan báo Tin Mừng trong môi trường mạng không phải là sao chép lại nội dung tôn giáo lên mạng xã hội, mà là một hình thức truyền giáo bằng sự hiện diện và đối thoại: Chúng ta không truyền giáo bằng những khẩu hiệu hay các chiến dịch quảng bá, mà bằng sự hiện diện sống động, cảm thông, và sẵn sàng bước vào hành trình thiêng liêng của người khác (x. số 56).
Ngay cả Antiqua et Nova cũng nhìn nhận rằng AI có thể hỗ trợ việc truyền thông mục vụ – nhưng chỉ khi nó được đặt trong khuôn khổ của một chứng tá sống động: “Không có chứng tá, mọi công cụ truyền thông dù hiện đại đến đâu cũng không thể chạm đến con tim con người” (số 59).
Bởi vậy, loan báo Tin Mừng trên không gian kỹ thuật số đòi hỏi sự dấn thân truyền giáo đích thực – không phải bằng sự áp đặt, mà bằng lối sống Tin Mừng, thể hiện qua lời nói, hình ảnh, tương tác và cả sự thinh lặng thấm đượm tình yêu Thiên Chúa.
Bài học 6:
Thay vì lan truyền những chuyện thị phi bịa đặt, xen vào cuộc chiến của những anh hùng bàn phím; hãy cùng nhau chia sẻ những hình ảnh đẹp, chứng nhân đức tin, người thật việc thật, chia sẻ Lời Chúa, những thông điệp hy vọng và yêu thương.
Về phía Giáo Hội, để thỏa cơn khát của những thắc mắc từ giáo dân, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hoặc các dòng tu có dành riêng một “nhóm chuyên gia” chuyên trách để trả lời cho những thắc mắc từ giáo dân? Nếu Giáo Hội không hiện diện tích cực trên không gian mạng thì rất nhiều người khi đi tìm câu trả lời lại bị lạc vào bẫy của những thông tin giả mạo, lừa đảo, rất nguy hiểm.
Sáng tạo trong Truyền thông Loan báo Tin Mừng và hãy làm cho không gian mạng tràn ngập sự an toàn tử tế, liên kết học hỏi, chứ không phải tung tin để hả hê câu view, câu like. Sự sáng tạo này được đặt nền tảng đức tin, trình độ và yêu thích phục vụ trong một lãnh vựa rất đa dạng:
“Không gian làm việc cho truyền thông xã hội rất rộng lớn. Thử thách nằm ở chỗ chúng ta biết dành bao nhiêu thời gian và công sức dành cho truyền thông xã hội để đừng bị kiệt sức nhanh chóng. Thật đáng để chúng ta làm ra nội dung sáng tạo, phục vụ Chúa bằng cách đăng các suy niệm có giá trị và ý nghĩa về Lời Chúa ra công chúng, và đừng phụ thuộc vào số ‘likes’”. (Lm. Matin Stefanec, SVD-SVK)
Bà Pie Mabanta-Fenomeno—Chủ tịch Hiệp hội Công giáo Thế giới về Truyền thông (SIGNIS) tại Philippines — nói: “Đừng sử dụng mạng xã hội như là tấm áp-phích, tòa giảng hay lớp học của bạn. Mạng xã hội phải là nơi trao đổi qua lại, chứ không thể là một hình thức truyền thông một chiều.” Vậy, đối với những nhà thừa sai KTS, để mạng xã hội có thể xây dựng cộng đoàn thì nội dung gần gũi đời thường, rõ ràng, súc tích và lôi cuốn; sử dụng phương pháp truyền thông hiện đại, hình thức đa dạng và duy trì tuyệt đối tính chân thực.[6]
Nhân vị là trung tâm trong thế giới truyền thông số và trí tuệ nhân tạo
Một nguyên tắc xuyên suốt trong giáo huấn của Giáo Hội về truyền thông, đặc biệt được nhấn mạnh trong các tài liệu gần đây, là: con người – với phẩm giá bất khả xâm phạm – luôn phải là trung tâm của mọi tiến trình truyền thông, kể cả khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tài liệu Antiqua et Nova đã long trọng tuyên bố: “Công nghệ không bao giờ được thay thế con người trong vai trò đạo đức và trách nhiệm. Phẩm giá nhân vị là chuẩn mực tối thượng để đánh giá mọi tiến bộ kỹ thuật” (x. số 39).
Vì thế, việc sử dụng AI hay thuật toán trong truyền thông phải được đặt dưới sự phân định luân lý, bảo đảm tôn trọng tự do, lương tâm và phẩm giá con người. Các công cụ AI chỉ có giá trị khi chúng phục vụ con người và giúp phát triển cộng đồng nhân loại trong sự thật và bác ái.
“Mỗi người đều có quyền được tiếp cận thông tin đúng sự thật, và không ai được phép thao túng suy nghĩ con người vì mục đích chính trị, thương mại hay ý thức hệ” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2023, số 3).
Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy cũng cảnh báo rằng môi trường mạng có nguy cơ biến con người thành “sản phẩm” hoặc “dữ liệu”, bị theo dõi, phân tích và khai thác: Giáo Hội phải trở thành nơi nâng đỡ nhân vị trong thế giới kỹ thuật số – nơi người ta không chỉ được nhìn thấy, mà còn được nhìn nhận với tư cách con người (x. số 25-29).
Truyền thông Kitô giáo, vì vậy, không bao giờ được bỏ qua yếu tố liên vị, nghĩa là tương quan yêu thương, tôn trọng và dấn thân giữa những con người cụ thể – vốn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa.
Bài học 7:
Truyền thông để phục vụ con người, làm thăng tiến con người, quan tâm chăm sóc nhân vị, liên kết cá nhân với cộng đồng (liên vị).
Trong khi đó chủ nghĩa công cụ (instrumentalism) không nhìn thấy tính nhân vị này, nó chỉ biết biến con người thành đối tượng để khai thác, để đạt mục đích, còn việc con người là nạn nhân thì bị xem nhẹ.
Linh đạo truyền thông: Thinh lặng, chiêm niệm và chiều sâu nội tâm trong truyền thông
Trong một thế giới đầy ồn ào và quá tải thông tin, Giáo Hội kêu gọi người tín hữu tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, như một thành phần không thể thiếu trong việc truyền thông Tin Mừng. Truyền thông không chỉ là “nói” hay “đăng tải”, mà còn là nghệ thuật biết lắng nghe, biết dừng lại và biết chiêm niệm.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cần một hệ sinh thái truyền thông biết kết hợp giữa tốc độ và chiều sâu, giữa gấp gáp và lắng đọng, giữa hiện diện và thinh lặng… Thinh lặng không phải là thiếu vắng, nhưng là nơi để lời nói nảy sinh và trở nên có ý nghĩa” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2022, số 4).
Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy tiếp tục đào sâu chiều kích nội tâm của truyền thông Kitô giáo: “Không có chiều sâu nội tâm và đời sống cầu nguyện, người Kitô hữu dễ trở thành một tác nhân nhiễu loạn trong mạng xã hội thay vì là chứng nhân của sự bình an” (x. số 14).
Bài học 8:
Trở về với Thiên Chúa là cùng đích của mọi linh đạo, Thiên Chúa là căn nguyên và cội rễ của sự sống, qui hướng về Thiên Chúa thì chúng ta không bị mất phương hướng trong các hoạt động của con người.
Trong môi trường số – nơi con người dễ bị cuốn theo dòng tin tức không ngừng nghỉ – việc thực hành thinh lặng và chiêm niệm không chỉ giúp giữ gìn sự quân bình nội tâm, mà còn là hành vi ngôn sứ, khơi mở không gian cho Thánh Thần hoạt động. Đó là sự thinh lặng biết lắng nghe tha nhân, biết chờ đợi, và biết để Chúa lên tiếng.
Ngay cả trong Tài liệu Antiqua et Nova, Giáo Hội cũng khẳng định rằng: “AI có thể tạo ra nội dung, nhưng không thể thay thế khả năng nội tâm hóa và chiêm niệm – điều vốn là nền tảng của mọi phân định thiêng liêng” (x. số 104-105).
Do đó, người truyền thông Công giáo được mời gọi sống chiều sâu nội tâm như điều kiện thiết yếu để phân định, hiện diện và truyền đạt Tin Mừng cách xác tín và nhẹ nhàng trong lòng thế giới số hôm nay. Chiêm niệm và cầu nguyện luôn là chìa khóa cho những bước đi đúng đắn, thư của thánh Giacôbê dạy: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận” (Gc 1,19).
* Đặc biệt, để nhắc nhở chúng ta sống linh đạo truyền thông LBTM theo tinh thần tài liệu Inter Mirifica của Giáo hội, khi có thời gian, chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức 10 bài hát có cử điệu về sống linh đạo truyền thông trên kênh YouTube của TGP Sài Gòn, một cố gắng tuyệt vời của Ban Mục Vụ Truyền Thông/ HĐGMVN: https://youtu.be/3dyUOba6y0o?list=RD3dyUOba6y0o
Đặc biệt trong bài hát TÂM CA TRUYỀN THÔNG, https://youtu.be/5Nsgsw3lCwQ?list=RD5Nsgsw3lCwQ
Tính ngôn sứ và vai trò phê bình của người Kitô hữu trong không gian truyền thông
Giáo Hội không chỉ hiện diện trong môi trường kỹ thuật số để “cùng hòa nhịp”, mà còn có một sứ mạng ngôn sứ: đó là lên tiếng cho sự thật, công lý và nhân phẩm, ngay cả khi điều đó đi ngược với dòng chảy văn hóa đương đại. Trong bối cảnh mạng xã hội đầy dẫy tin giả, thao túng truyền thông, bạo lực ngôn từ và định kiến ý thức hệ, người Kitô hữu được mời gọi sống vai trò lương tâm của xã hội số.
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định mạnh mẽ: Không có truyền thông nào là trung lập. Mỗi chọn lựa truyền thông đều hàm chứa một tầm nhìn đạo đức… Chúng ta không thể im lặng trước bất công, thù ghét hay sự thao túng dư luận. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2018, số 3).
Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy cảnh báo rằng việc “đồng lõa” với các hệ thống thuật toán gây phân cực hoặc chạy theo xu hướng giật gân là đi ngược với Tin Mừng: Sự hiện diện Kitô hữu trên mạng không thể là việc tìm kiếm sự nổi tiếng hay lượt tương tác, mà là một chứng tá ngôn sứ cho những giá trị vĩnh cửu:
Bên cạnh khả năng tiếp cận người khác với nội dung tôn giáo thú vị, các Kitô hữu chúng ta nên thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe và phân định trước khi hành động, đối xử với mọi người trong lòng tôn trọng, trả lời bằng một câu hỏi hơn là phán xét, giữ im lặng hơn là chọc khuấy tranh cãi, và “mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Gc 1,19). Nói cách khác, tất cả những gì chúng ta làm, trong lời nói và hành động, đều phải mang dấu ấn của chứng nhân. Chúng ta không có mặt trên mạng xã hội để “bán sản phẩm”. (số 77)
Tài liệu Antiqua et Nova cũng cho thấy vai trò phê bình và phân định của đức tin đối với công nghệ hiện đại: Người tín hữu có trách nhiệm góp tiếng nói vào việc xây dựng một đạo đức số – trong đó các hệ thống AI không trở thành công cụ kiểm soát hoặc loại trừ, mà phục vụ sự phát triển toàn diện con người (x. số 46-47).
Do đó, truyền thông Kitô giáo trong thời đại số không phải là sự thoái lui về tinh thần, mà là một hành vi ngôn sứ – biết lắng nghe, biết lên tiếng, và can đảm sống sự thật. Đó cũng là cách Giáo Hội thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng một trái tim yêu thương nhưng không thỏa hiệp với sự ác, bất công.
Bài học 9:
Hiện nay tin giả rất nhiều, chúng ta không hơi đâu để lướt web, lướt MXH rồi góp ý phản ứng “chuyện của thiên hạ” theo kiểu ngôn sứ gì đó. Đáng buồn, thông tin rác trên mạng đã đi đến mức báo động và nó vẫn còn tăng lên theo cấp số nhân. Vì thế, chuyện gì của thiên hạ trên mạng cũng ghé mắt nhìn vào thì đúng là “ôm rơm nặng bụng”, chưa kể có nhiều người rất biết “tạo dư luận” để thiên hạ ùa vào bàn tán. Chúng ta không dửng dưng nhưng trước hành vi xấu của người khác, nhưng thay vì xen vào mọi thứ thì hãy biết “lấy bài học của người khác” để tự răn mình và cảnh tỉnh mình. Hãy cẩn thận trước những làn sóng dư luận gây hại, và nhấn chìm ta vào đại dương của cạm bẫy thị phi. Vì vậy, thay vì bị “dắt” bởi dư luận, hãy đóng góp phần mình bằng cách đăng tải những hình ảnh đẹp, những câu từ ý nghĩa phản ánh cuộc sống tử tế và giá trị của thông điệp Tin Mừng.
Sức mạnh hiền hòa trong không gian kỹ thuật số
[Ngày 24/01/2025, ngày lễ kính nhớ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội lần thứ 59, có chủ đề: “Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em cách hiền hòa” (x. 1 Pr 3,15-16)]
Đây là một điểm khá lạ, tuy nhiên lại rất kịp thời, bởi lẽ bạo lực mạng trong không gian số thực sự tồn tại và nó tấn công các nạn nhân non nớt của thế giới ảo, chưa có kinh nghiệm, dễ bị thao túng,… lạc thân vào hiểm cảnh. Khi ngôn từ và hình ảnh trên mạng trở thành vũ khí để tống tiền và để thao túng thì có nhiều người trở thành nạn nhân vô tình của những kẻ ném đá giấu tay. Giờ đây câu nói của cụ Nguyễn Đình Chiểu có phần rất thực tế trong bài Than đạo: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” . Tuy nhiên, ai là ngay ai là gian tạm thời chưa bàn đến, chỉ biết rằng ngòi bút và bàn phím cộng với hình ảnh và chút mánh mung, không gian mạng giờ đây trở thành một mặt trận với đầy đủ vũ khí chiến đấu, lạc vào không gian chiến trường kỹ thuật số, mọi người cần khôn ngoan để tự bảo vệ mình khỏi cạm bẫy, ảo tưởng và sợ hãi… trước những thông tin sai lệch và độc hại.
Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần 59 (2025) nhắn nhủ: – Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Truyền thông Kitô giáo […] cả truyền thông nói chung – cần phải thấm đẫm nét hiền hòa và gần gũi, như một cuộc trò chuyện giữa những người bạn đồng hành trên đường đi. Đây chính là cách mà nhà truyền thông vĩ đại nhất của mọi thời, Chúa Giêsu thành Nadarét, khi đi cùng hai môn đệ thành Emmaus, đã trò chuyện với họ, làm cho lòng họ bừng cháy khi Ngài giải thích các sự kiện dưới ánh sáng của Thánh Kinh”.
Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha còn khuyên nỗi người đừng quên trái tim, chăm sóc trái tim (tâm hồn mình) nhằm “sống hiền hòa và đừng bao giờ quên khuôn mặt của người khác; hãy nói với trái tim của những người mà anh chị em phục vụ khi làm việc,” đồng thời gieo hy vọng và chữa lành các vết thương bằng cách “giải giáp ngôn từ” đắng đót, cay nghiệt và thù hằn bằng những từ ngữ biết cảm thông, đối thoại, xây dựng và bao dung; đôi khi sự im lặng và bình tĩnh đúng lúc cũng góp phần giải quyết nhiều vấn đề lùm xùm do chính cái chiến trường do ngôn từ ác ý, cái tôi ích kỷ và sự kiêu ngạo cùng tham chiến trên chiến trường mạng đầy bạo lực ngôn từ.
Bài học 10:
Ngôn ngữ và hình ảnh làm nên sức mạnh “biến đổi” của truyền thông; vì “văn là người”, “thay đổi ngôn ngữ có thể làm thay đổi tương lai của một người”, và cũng có người nói “hãy cho tôi biết bạn đọc gì và tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”. Kiểm soát ngôn từ chừng mực và đúng lúc là hạnh phúc của gia đình, xã hội và Giáo Hội. Do đó, ĐTC Phanxicô khuyên nhủ tất cả mọi người hãy quan tâm và thưởng thức các tác phẩm văn học hay, để nuôi dưỡng tâm hồn mình cho một cuộc sống thánh thiện, tử tế, và có thể giúp truyền thông bằng ngôn ngữ của văn minh và tình thương. Ngài viết trong một lá thư: [7] “Văn chương có liên hệ đến những khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta trong cuộc đời này, bởi trên một bình diện sâu xa văn chương liên quan tới hiện sinh cụ thể của chúng ta, với những căng thẳng nội tại, những khát khao và những kinh nghiệm đầy ý nghĩa” (số 6). Và đối với ĐTC Phanxicô, đây còn là cách thoát khỏi “sự ám ảnh của ‘các màn hình’ và những tin tức độc hại…” (số 4) do truyền thông kỹ thuật số gây ra. Vì vậy, dù là truyền thông chuyên nghiệp hay giao tiếp đời thường, nghệ thuật ngôn từ đóng một vai trò rất quan trọng để phác họa chân dung cuộc sống, điều mà người làm truyền thông luôn phải trau dồi và học hỏi.
Kết luận:
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói lời hòa bình với dân người, và lập giao ước bình an với dân Người (x. Ed 37,26) và trong Tân Ước, Ngài đã ban chính Con Một Người, Đức Giêsu là chính sự bình an để tiêu diệt sự thù ghét nhờ vào hy tế trên Thập Giá (x. Ep 2,13-16). Như vậy, không gian kỹ thuật số không có lỗi, lỗi vẫn là do con người không biết hoặc cố ý đánh mất lương tâm trong xã hội số, một thứ đua đòi mánh mung nặng mùi chủ nghĩa công cụ (instrumentalism). Là những nhà thừa sai mạng (cyber missionaries), chúng ta hãy tỉnh táo và sáng tạo để chỉ biết nói lời yêu thương trong những thông điệp thấm đẫm chân lý Tin Mừng. Truyền thông không phải chỉ có máy móc và thiết bị, nó bắt đầu ngay từ trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của mỗi người chúng ta, những nhà truyền thông của Tin Mừng. Tất cả những nỗ lực xây dựng và thực hành tốt đẹp đều hướng chúng ta đến nguyên nghĩa của truyền thông (communication) là một tiến trình trao tặng món quà của sự hiệp thông trong Thiên Chúa Ba, Đấng tự-truyền-thông chính mình như một ngôi vị.
“Lục địa kỹ thuật số có thể trở thành một vương quốc của nối kết, của yêu thương và trao ban nếu mọi người góp tay kiến tạo những giá trị cao đẹp cho nhau. Ước mong mọi người đều là những người chủ thông minh và bản lĩnh của phương tiện truyền thông, nhờ đó, gặt hái được nhiều hoa trái của công nghệ, chứ không trở thành nô lệ hay nạn nhân của nó. Và mong sao mọi Kitô hữu đều là những vị thừa sai trên không gian kỹ thuật số, biết chăm sóc và cung cấp thuốc men hữu hiệu cho những người bị bầm dập trên mạng xã hội, biết tạo ra những bữa tiệc của thiên đàng trên không gian mạng, biết sử dụng mạng xã hội để đưa người ta đến với những bữa tiệc Thánh Thể ấm cúng của cộng đoàn và sinh hoạt chan hòa, nâng đỡ nhau sống hạnh phúc trong đời thực.”[8]
Những câu hỏi suy tư
Bạn có sử dụng mạng xã hội (như Facebook, Twitter,…) không và mục đích của bạn khi sử dụng là gì? Bạn có thể chia sẻ một kinh nghiệm quý báu để hướng dẫn người mới biết sử dụng không?
Bạn có thấy mình bị lệ thuộc vào mạng xã hội và thiết bị điện tử, không thể rời được không? Bạn có thiện cảm với mạng xã hội không?
Bạn có từng nói về Chúa trên không gian mạng? Bạn có cách nào để loan báo Tin Mừng trên không gian mạng nói riêng và trong truyền thông nói chung?
Tiêu chí bạn chọn kênh thông tin (trang web, YouTube, mạng xã hội,…) là gì? Bạn chọn lọc hay “lướt” bừa?
Bạn có từng suy nghĩ đắn đo khi đăng tải hình ảnh, video, livestreaming trên mạng?
Bạn có từng nghĩ mình là một nhà truyền thông theo nghĩa rộng? Bạn có phải là nhà sáng tạo nội dung?
Bạn có bao giờ nghĩ đến đạo đức, pháp luật hoặc đời sống thiêng liêng trong không gian kỹ thuật số?
Bạn có nghĩ mình đang gặp rắc rối, bị lạc hướng trong không gian kỹ thuật số, hoặc hối tiếc điều gì do không gian kỹ thuật số gây ra cho bạn (như bị lừa, bị đe dọa, bị mất phương hướng, bị tố cáo,..)?
Theo bạn, đâu là cốt lõi của người làm truyền thông chuyên nghiệp? Tố chất? Thái độ? Tài năng? Và còn gì nữa? Bạn có sẵn sàng trở thành nhà truyền thông chuyên nghiệp để phục vụ Giáo Hội và xã hội?
Truyền thông kỹ thuật số đem lại những cơ hội và thách đố nào cho người Kitô hữu để loan báo Tin Mừng?
Tác giả: Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD
Điều phối viên Truyền thông, Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam
Nguồn: ngoiloivn
___________________
Chú thích
[1] Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy, https://www.vatican.va/roman_curia/dpc/documents/20230528_dpc-verso-piena-presenza_vi.html
[2] Mathilde De Robien, “Bộ Truyền Thông: 9 cách để mạng xã hội trở nên hữu hiệu hơn”, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-9-cach-de-truyen-thong-xa-hoi-tro-nen-huu-hieu-hon-50982
[3] Ở đây không phải đề cập đến nền tảng mới ra mắt thử nghiệm của liên minh châu Âu để theo dõi đại dương theo thời gian thực, đây là một khái niệm khác được sử dụng trong bài viết của Nt. Hosea Rupprecht: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhan-pham-con-nguoi-va-su-bung-no-ky-thuat-so; và cũng có thể được tìm thấy trong bài viết liên quan đến Đức Thánh Cha Bênêđictô (2010): https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/dtc-hay-cho-internet-mot-linh-hon-43110
[4] Tham khảo Franz‑Josef Eilers, Communicating in Community: An Introduction to Social Communication, 3rd ed. (Manila: Logos/Divine Word, 1996/2002/2009), pp. 11–12; hoặc trong Communicating in Ministry and Mission (2003/2018) của cùng tác giả
[5] Dòng Tên có ấn hành quyển sách mang tên “đồng hành thiêng liêng” (244 trang, năm 2023). Hoặc đọc bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về đồng hành thiêng liêng: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tiep-kien-chung-04-01-2023-giao-ly-phan-dinh-dong-hanh-thieng-lieng-49098
[6] Phát biểu tại buổi Đối thoại với các Cộng tác viên do Viện Đào tạo Fondacio Á Châu (IFFAsia) tổ chức tại thành phố Tagaytay, Philippines, bà Pie Mabanta-Fenomeno nhấn mạnh cho các nhà thừa sai kỹ thuật số. Xem bài viết của Mark Saludes trên https://www.vaticannews.va/en/church/news/2025-02/philippines-iffasia-cyber-missionaries-catholic-communications.html
SIGNIS là Hiệp hội Công giáo Thế giới về Truyền thông — một tổ chức phi chính phủ quy tụ các chuyên gia trong các lĩnh vực phát thanh, truyền hình, điện ảnh, video, giáo dục truyền thông, Internet và công nghệ truyền thông mới, với các thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới.
[7] Ngày 17/07/2024, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi đến cộng đồng dân Chúa một lá thư về Vai trò của văn chương trong việc đào tạo. Bản dịch tiếng Việt: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-giao-hoang-phanxico-ve-vai-tro-cua-van-chuong-trong-dao-tao
[8] Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 139 (Tháng 01&02 năm 2024)
__________________
Tài liệu tham khảo:
Dicastery for the Doctrine of the Faith & Dicastery for Culture and Education. Antiqua et Nova: Note on the Relationship Between Artificial Intelligence and Human Intelligence. Vatican City, 28 January 2025 * [Antiqua et Nova: Lưu ý về mối tương quan giữa Trí tuệ nhân tạo và Trí khôn con người. Tiếng Việt PDF: https://ubclhb.com/tai-lieu/download/1210/antiqua-et-nova-viet-1738657642.pdf
Dicastery for Communication. Towards Full Presence: A Pastoral Reflection on Engagement with Social Media. Vatican City: Vatican Press, 2023. [Hướng tới sự hiện diện tròn đầy: Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội. Tiếng Việt: https://www.vatican.va/roman_curia/dpc/documents/20230528_dpc-verso-piena-presenza_vi.html]
Các Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2014, 2018, 2019, 2022,2023, 2025 với các bản dịch tiếng Việt có sẵn tại trang hdgmvietnam.com
Eiler, Frank-Josef. Communicating in Ministry and Mission: An Introduction to Pastoral and Evangelizing Communication. Manila: Logos Publications, 2009.
Và các nguồn khác (xem chú thích).