Gần đây, tôi đã rất ngạc nhiên khi một người quen của tôi đứng bất động với vẻ mặt đầy thất vọng, nước mắt như trào dâng và giọng nói run rẩy khi cô ấy đọc lên một danh sách dài những thảm họa nghiêm trọng đối với đất nước và thế giới do kết quả cuộc bầu cử tổng thống gần đây có thể gây ra. Cô ấy quả quyết rằng chắc hẳn những người cô yêu quý sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính quyền sắp tới (tuy nhiên cô không rõ làm thế nào hay vì lý do gì). Nỗi lo lắng của cô đã bị khuếch đại lên, lý do là vì cô không ngừng tiếp xúc với các quan điểm trên Internet, nơi những tin đồn hoang đường và các lý thuyết âm mưu không có căn cứ có thể dễ dàng lan truyền và tạo nên những hiện tượng bề ngoài che dấu sự thật. Ngay trong khoảnh khắc tuyệt vọng ấy, tôi nhận thấy cô ấy rất cần một người lắng nghe để cô chia sẻ. Tôi ý thức rõ rằng, chỉ cần một câu nói thiếu khôn ngoan và khéo léo sẽ có thể làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn. Vì thế, tôi đã âm thầm cầu nguyện cho cô ấy.

Những trang quảng cáo và các thuật toán trên mạng truyền thông đã khiến những con người đang sống trong xã hội ngày nay suy giảm tinh thần bởi vô vàn những lo âu và tuyệt vọng nối tiếp nhau. Và mục đích họ làm như thế để làm gì? Phải chăng họ làm vậy là để giam giữ chúng ta trong sợ hãi và nghi ngờ ngay cả với những người xung quanh và đồng bào của mình? Trong một bài đăng trên mạng xã hội gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lên án tình trạng không thể chấp nhận này và đưa ra một phương thuốc, đó chính là niềm hy vọng Kitô giáo: "Hôm nay, thế giới của chúng ta đang trải qua một 'nạn đói' nghiêm trọng về hy vọng. Quá nhiều đau khổ, sự trống rỗng và nỗi đau buồn không thể xoa dịu đang vây bủa chúng ta! Xin cho chúng ta trở thành những sứ giả của sự an ủi mà Chúa Thánh Thần ban tặng. Khi chúng ta tỏa sáng hy vọng, Thiên Chúa sẽ mở ra những con đường mới trong hành trình của chúng ta. Hãy làm cho cuộc sống của chúng ta đầy ắp món quà hy vọng mà Thiên Chúa trao ban, và ước mong sao qua chúng ta, món quà đó sẽ đến được với mọi người đang tìm kiếm."

Đức Thánh Cha tiếp tục triển khai chủ đề này trong một đoạn video khác cho Mạng lưới Cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo hoàng. Ngài mời gọi các Kitô hữu "giúp nhau khám phá cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng ban sự sống cho chúng ta, và hãy lên đường như những người hành hương của hy vọng để cử hành sự sống đó. Mỗi ngày, hãy làm cho cuộc sống của chúng ta đầy ắp món quà hy vọng mà Thiên Chúa trao ban, và ước mong sao qua chúng ta, món quà đó sẽ đến với tất cả những ai đang tìm kiếm."

Chúng ta có thể trở thành "những người hành hương của hy vọng" trong Mùa Vọng này như thế nào? Những hình ảnh quen thuộc trong các trình thuật Phúc Âm về sự kiện Chúa Giáng Sinh có thể là gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta. Sau khi thưa tiếng “Xin Vâng” với sứ điệp của Tổng lãnh thiên thần Gabriel, Đức Mẹ Maria ngay lập tức "lên đường vội vã" (x. Luca 1, 39) để đi thăm bà chị họ Elizabeth, mang theo một thông điệp tràn đầy hy vọng trong bài ngợi ca Magnificat tuyệt vời của Mẹ (x. Luca 1, 46 - 55). Những mục đồng chăn chiên ở Bethlehem cũng trở thành những người hành hương của hy vọng. Sau khi bất ngờ được đoàn thiên thần tỏ cho biết Đấng Mêsia đã ra đời ngay trong đêm đó tại thành phố của họ, họ vội vã ra đi để đến thờ lạy Hài Nhi Cứu Thế. Những nhà thông thái từ phương Đông cũng trở thành những người hành hương của hy vọng. Sau khi được biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Hài Nhi của Niềm Hy Vọng, Vua các vua, Thiên Chúa Nhập Thể, họ đã trở về đất nước của mình mang theo niềm hy vọng cho "những ai đang ngồi trong bóng tối" (x. Mátthêu 4,16).

Chúng ta không thể trở thành những người hành hương đích thực của hy vọng nếu chúng ta không để cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô biến đổi trái tim chúng ta. Linh hồn chúng ta có "tán dương Chúa" như Đức Mẹ Maria đã thể hiện không? Chúng ta có rao giảng Tin Mừng rằng Nước Trời đang gần kề không (x. Mátthêu 3, 2)? Hay chúng ta lại gieo rắc sự lo lắng, sự sợ hãi và nỗi tuyệt vọng mà chúng ta bị nhiễm từ các đài truyền hình và từ Internet?

Những bài đọc Kinh Thánh mà Giáo Hội chọn cho Chúa Nhật III Mùa Vọng, Chúa Nhật "Gaudete" (“Hãy vui lên”), có thể là những lời nhắc nhở mạnh mẽ về niềm hy vọng mà mọi Kitô hữu cần phải nuôi dưỡng trong trái tim và rao giảng cho thế giới. Ngôn sứ Sôphônia nói về sự viếng thăm của Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa, đây sẽ là thời khắc vui mừng, khi tất cả sự sợ hãi và thất vọng trong tâm hồn mọi người sẽ bị xua tan: "Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Isreal đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ. Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giêrusalem: “Này Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.” Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị Cứu Tinh, là Đấng anh hùng” (Xp 3,15-17).

Cho dù thế giới có ném bất cứ thứ gì vào chúng ta, thì những người Kitô hữu cũng phải can đảm tiến về phía trước với tràn đầy hy vọng. Giống như những lời khuyên nhủ của thánh Phao-lô gửi tín hữu Philipphê, Giáo Hội cũng luôn sống trong niềm hy vọng hân hoan: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,4-7).

Cho dù thế giới có ném bất cứ thứ gì vào chúng ta, thì những người Kitô hữu cũng phải can đảm tiến về phía trước với tràn đầy hy vọng. Cuối cùng trong thông điệp video của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kết thúc bằng một lời nhắc nhở đầy trìu mến: “Đừng bao giờ quên rằng: Hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng” (x. Rm 5,5). Thiên Chúa là Đấng sáng tạo trời đất muôn loài, là Đấng trung tín với lời hứa của Ngài. Kinh Thánh đã minh nhiên khẳng định điều đó. Dân Israel là một dân tộc hành hương luôn sống trong niềm vọng mong chờ ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho các tổ phụ: Cho Abraham, cho Môsê, và cho Đavid. Chính niềm hy vọng đó đã làm cho dân tộc Israel bừng sức sống, thì giờ đây niềm hy vọng ấy cũng làm cho Giáo Hội sống động tiến bước trong sự hướng dẫn đầy khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Chính Giáo Hội đã thiết lập Mùa Vọng vào đầu Năm Phụng vụ để nhắc nhở chúng ta hãy tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng không bao giờ bỏ rơi những ai đặt niềm hy vọng nơi Ngài.

Đức Giáo hoàng đã trao cho chúng ta một sứ mệnh đặc biệt trong Mùa Vọng này đó là hãy đồng hành cùng anh chị em bạn hữu chúng ta trong niềm hy vọng. Bạn có biết ai đó đang bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ, lo âu hay tuyệt vọng không? Hãy chủ động đến với họ! Mời họ cùng trở thành những người hành hương của hy vọng. Hãy trở thành sứ giả của hoà bình. Hãy chia sẻ với mọi người về cách thức mà Chúa Kitô đang biến đổi cuộc sống của bạn. Hãy “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (x. 1 Pr 3,15). Hãy cùng nhau vội vã lên đường để chia sẻ Tin Mừng rằng Thiên Chúa của chúng ta là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm chúng ta thất vọng.


Thomas Salerno

Chuyển ngữ: Lm. Giuse nguyễn Đình Dương

Theo: wordonfire.org