Người Công giáo được thánh Phêrô truyền rằng: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1Pr 3,15-16).
Thiên Chúa không cần chúng ta biện hộ cho Người; Người có thể hoạt động trong tâm hồn những người chưa tin, và Người có thể làm điều đó cách trực tiếp. Tuy nhiên, Thiên Chúa thích làm điều đó cách gián tiếp, thông qua chúng ta. Người hoạt động qua trung gian con người. Chúng ta, Hội thánh, chính là thân thể của Đức Kitô, là cánh tay, là đôi chân, là môi miệng của Người (1Cr 12,12-31).
Nhóm các câu hỏi ở phần cuối cuốn sách này sẽ được dành toàn bộ để nói về việc đưa ra những lý chứng cho niềm tin của bạn. Sau đây là bảy đề nghị để làm điều đó cách khái quát. Mười câu hỏi kế tiếp đây sẽ bàn cụ thể từng vấn đề.
Bạn sẽ không đi đến đâu trừ khi cả bạn lẫn người đang thách thức kia cam kết sẽ tôn trọng chân lý và chân thành với nhau. Lý do đúng đắn nhất khiến người ta tin tưởng điều gì đó là vì nó chân thực. Nếu một bên tin vào chân lý còn bên kia không tin, thì sẽ chẳng có cuộc đối thoại đích thực nào.
Nếu bạn không thể lập luận với người thân cận trong tinh thần yêu thương, thì tốt nhất không nên lập luận gì cả. Chính Thiên Chúa nói: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận” (Is 1,18). Những kiểu tranh luận “thắng, thua” sẽ hoàn toàn thất bại, vì thậm chí khi chiến thắng người khác, bạn cũng đồng thời mất đi người thân cận với mình. Bạn muốn thắng người thân cận, thì trước hết, đừng bao giờ tranh luận (1Cr 9,9-22).
Người ta chỉ lắng nghe người biết lắng nghe. Hãy để cho người thân cận của bạn đưa ra những lý luận về niềm tin của họ. Hãy lắng nghe cách chân thành. Hãy đặt câu hỏi với người ấy. Trước hết, hãy trở thành học trò, hãy để người ấy là giáo viên. Sau đó, tìm điểm yếu trong điều mà người ấy tin, rồi đặt câu hỏi về điểm yếu đó. Hãy thể hiện sự hứng thú với niềm tin của người ấy và có thể người ấy cũng sẽ hứng thú với niềm tin của bạn. Hãy đọc Cv 17,16-34 để xem thánh Phaolô dùng phương pháp này như thế nào.
Các lý luận cho niềm tin của bạn không cần phải là những luận cứ khoa học. Khi nói chung về con người, và những lý luận cho người tin, chúng ta không cần đến những luận cứ khoa học, chỉ cần những lý luận hay, những giải thích hợp lý. Chúng ta bị đòi hỏi phải có bằng chứng khoa học đối với những sự vật thuộc tự nhiên. Nhưng Thiên Chúa thì không phải là một sự vật trong tự nhiên. Người là một Ngôi Vị, là Đấng đã tạo nên toàn thể thế giới tự nhiên này (St 1,1-2,4).
Đừng cậy dựa vào sự lanh lợi, thông minh của bản thân, nhưng hãy cậy dựa vào Thiên Chúa. “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1). Nguyên tắc này áp dụng đối với những tòa nhà được xây nên bởi các ý tưởng (các luận cứ) cũng như những tòa nhà được xây bằng gạch đá. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cung cấp công cụ để Thiên Chúa sử dụng. Người hoạt động trong tâm hồn con người. Chúng ta không thể hoán cải bất kỳ ai, chỉ Thiên Chúa mới làm được điều đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể gieo vãi hạt giống để rồi Thiên Chúa làm cho chúng mọc lên.
Đừng sợ phải lý luận với người không tin, dù bạn nghĩ họ thông minh đến mức nào đi nữa. Bạn có một yếu tố bất khả chiến bại làm đồng minh bên mình đó là: chân lý. Không có bất kỳ một luận cứ có giá trị nào có thể chống lại niềm tin Công giáo. Không có bất kỳ sự mâu thuẫn thực sự nào giữa lý trí và đức tin, giữa đức tin và khoa học, hay giữa đức tin và sự hợp lý. Toàn bộ chân lý đều là chân lý của Thiên Chúa, và Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính mình.
Hãy nhớ rằng, người ta được lay động bằng con tim hơn là bằng cái đầu. Hãy cho họ thấy Thiên Chúa của tình yêu, và họ sẽ muốn tin vào Người. Người ta không tin chủ yếu là vì họ hiểu sai hoặc sợ hãi: có lẽ họ nghĩ Thiên Chúa giống một kiểu giám đốc quản lý ngân hàng, một quản thủ thư viện hay một ông cảnh sát. Thế giới này được hoán cải bởi mười hai người dân thường vốn trình bày Thiên Chúa cho họ.
Điều đầu tiên người ta chứng minh không phải là sự hiện hữu của Thiên Chúa, sau đó đến thần tính của Đức Kitô, cuối cùng là thẩm quyền thần linh của Hội thánh. Có một cách thức khác. Người ta trước tiên hết gặp gỡ các Kitô hữu, Hội thánh, và phản ứng của họ là: “Bất kỳ đều gì những người này có được, chúng ta cũng muốn”. Các Kitô hữu nói: “Đó chính là Đức Giêsu”. Rồi thì, sau khi nhận biết Đức Kitô qua các Kitô hữu, họ tiến đến việc nhận biết Thiên Chúa qua Đức Kitô. Điều đó vẫn được diễn ra theo cách này.
Đức tin là điều tuyệt vời nhất để chia sẻ. Đức tin mang đến niềm vui, và niềm vui được nhân đôi khi được sẻ chia. Tuy nhiên, một cách để chia sẻ niềm tin đó là lý luận chân thành.
Nguồn: daminhvn