Tài liệu cuối cùng được bỏ phiếu vào thứ Bảy, ngày 26 tháng Mười hiện đã được xuất bản và sẽ không phải là đối tượng của một tông huấn cuối cùng của Đức Thánh Cha: Đức Phanxicô đã quyết định rằng tài liệu này phải được công bố ngay lập tức để nó có thể truyền cảm hứng cho đời sống của Giáo hội. Tuy nhiên, “tiến trình hiệp hành không kết thúc với việc kết thúc Đại hội – bắt đầu vào ngày 2/10 và kết thúc vào Chúa Nhật 27/10 với Thánh lễ do Đức Phanxicô chủ tế – nó bao gồm cả giai đoạn vận dụng” (9). Nó liên quan đến việc dấn thân mọi người vào “cuộc hành trình hàng ngày với phương pháp tham vấn và phân định hiệp hành, xác định các phương tiện cụ thể và các con đường đào tạo để đạt được một sự hoán cải hiệp hành hữu hình trong các thực tại khác nhau của Giáo hội” (9).
Trong tài liệu, các Giám mục nói riêng được chất vấn rất nhiều về cam kết của các ngài đối với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, trong khi – như Đức Hồng y Férnandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin cũng đã nêu – công việc đang được tiến hành để mang lại nhiều không gian và quyền hạn hơn cho phụ nữ...
Hai từ khóa nổi lên từ bản văn – được thể hiện qua viễn cảnh và đề xuất hoán cải – là “các mối quan hệ” – vốn là một cách trở thành Giáo hội – và “các mối liên kết”, dưới dấu hiệu “trao đổi các ân huệ” giữa các Giáo hội được sống một cách năng động và, do đó, hoán cải các quá trình. Chính các Giáo hội địa phương là trung tâm của chân trời truyền giáo, là chính nền tảng của trải nghiệm về sự đa nguyên của tính hiệp hành, với tất cả những gì liên quan đến việc phục vụ của sứ mạng, với giáo dân ngày càng ở trung tâm và là người chủ chốt. Từ viễn cảnh này, tính chất cụ thể của việc bám rễ vào “địa điểm” nổi bật lên mạnh mẽ từ tài liệu cuối cùng này. Cũng đặc biệt quan trọng là đề xuất được trình bày trong tài liệu nhằm đảm bảo rằng các Bộ của Tòa Thánh có thể khởi động một cuộc tham vấn “trước khi công bố các tài liệu chuẩn mực quan trọng” (135).
Cấu trúc của tài liệu cuối cùng
Tài liệu cuối cùng được chia thành năm phần (11). Phần đầu tiên có tựa đề là Trung tâm của tính hiệp hành, phần thứ hai, Cùng nhau, trên con thuyền của Phêrô, được dành riêng cho việc hoán cải các mối quan hệ nhằm xây dựng cộng đồng Kitô hữu và định hình sứ mạng trong sự đan xen giữa các ơn gọi, các đặc sủng và thừa tác vụ.
Phần thứ ba, Theo Lời Người, xác định ba thực hành liên kết chặt chẽ: sự phân định của giáo hội, các tiến trình đưa ra quyết định, nền văn hóa minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá. Phần thứ tư – Một mẻ lưới dồi dào – mô tả cách thức có thể vun trồng, dưới những hình thức mới, việc trao đổi các ân huệ và sự đan xen giữa các mối dây liên kết chúng ta trong Giáo hội, vào thời kỳ mà kinh nghiệm về việc bám rễ vào một nơi đang thay đổi sâu xa.
Cuối cùng, phần thứ năm – Thầy cũng sai các con – cho phép chúng ta xem xét bước đầu tiên cần thực hiện: đảm bảo việc đào tạo tất cả mọi người về tính hiệp hành truyền giáo. Đặc biệt, cần lưu ý rằng việc khai triển tài liệu này được hướng dẫn bởi các trình thuật Tin Mừng về sự Phục Sinh (12).
Những vết thương của Đấng Phục Sinh tiếp tục rỉ máu
Phần dẫn nhập tài liệu (1-12) nêu bật ngay bản chất của Thượng Hội đồng là “một kinh nghiệm đổi mới về cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Phục Sinh trong Nhà Tiệc Ly vào chiều tối Phục Sinh” (1). Bản văn khẳng định: “Khi chiêm ngưỡng Đấng Phục Sinh, chúng ta cũng đã thấy những dấu thương tích của Người (…) đang tiếp tục chảy máu trên thân thể của rất nhiều anh chị em, cũng vì tội lỗi của chúng ta. Cái nhìn của chúng ta vào Chúa không nhắm mắt trước những bi kịch của lịch sử, nhưng mở mắt để nhận ra những đau khổ bao quanh và thấm sâu vào chúng ta: khuôn mặt của những đứa trẻ kinh hoàng vì chiến tranh, những giọt nước mắt của những người mẹ, những giấc mơ tan vỡ của rất nhiều bạn trẻ, những người tỵ nạn phải đối mặt với những hành trình khủng khiếp, những nạn nhân của biến đổi khí hậu và bất công xã hội” (2).
Khi nhắc lại “quá nhiều cuộc chiến tranh” đang diễn ra, Thượng Hội đồng đã liên kết với “những lời kêu gọi hòa bình được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha Phanxicô, lên án lôgic của bạo lực, hận thù và báo thù” (2). Hơn nữa, con đường hiệp hành mang tính đại kết một cách rõ ràng – “hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các Kitô hữu” (4), và “tạo nên một hành động đào sâu thực sự việc tiếp nhận” Công đồng Vatican II, kéo dài “nguồn cảm hứng của nó” và khởi động lại “cho thế giới ngày nay sức mạnh ngôn sứ của nó” (5). Mọi thứ không hề dễ dàng, tài liệu thừa nhận: “Chúng ta không che giấu rằng chúng ta đã trải nghiệm nơi bản thân mình sự mệt mỏi, sự kháng cự lại sự thay đổi và cám dỗ làm cho các ý tưởng của chúng ta chiếm ưu thế hơn việc lắng nghe Lời Chúa và thực hành phân định” (6) .
Trọng tâm của tính hiệp hành
Phần đầu tiên của tài liệu (13-48) mở đầu bằng những suy tư chung về “Giáo hội Dân Thiên Chúa, bí tích của sự hiệp nhất” (15-20) và về “các cội rễ bí tích của Dân Thiên Chúa” (21-27). Có một thực tế là, “nhờ kinh nghiệm của những năm gần đây”, ý nghĩa của các thuật ngữ “tính hiệp hành” và “hiệp hành” đã được “hiểu rõ hơn và ngày càng được sống hơn” (28). Và “chúng ngày càng gắn liền với ước muốn về một Giáo hội gần gũi hơn với mọi người và có tính tương quan hơn, là nhà và gia đình của Thiên Chúa” (28).
“Nói một cách đơn giản và tổng hợp, chúng ta có thể nói rằng tính hiệp hành là một con đường đổi mới tinh thần và cải cách cơ cấu để làm cho Giáo hội có tính tham gia và truyền giáo hơn, nghĩa là làm cho Giáo hội có khả năng bước đi hơn với mỗi người nam và người nữ bằng cách tỏa chiếu ánh sáng của Chúa Kitô” (28). Ý thức rằng sự hiệp nhất của Giáo hội không phải là sự đồng nhất, nên “việc đánh giá cao các bối cảnh, các nền văn hóa và các sự đa dạng, cũng như các mối quan hệ giữa chúng, là chìa khóa để tăng trưởng với tư cách là một Giáo hội hiệp hành truyền giáo” (40). Với việc khởi động lại các mối quan hệ với các truyền thống tôn giáo khác, đặc biệt là “để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” và trong hòa bình (41).
Hoán cải các mối quan hệ
“Lời mời gọi một Giáo hội có khả năng hơn trong việc nuôi dưỡng các mối quan hệ: với Chúa, giữa người nam và người nữ, trong các gia đình, các cộng đồng, giữa mọi Kitô hữu, giữa các nhóm xã hội, giữa các tôn giáo, với công trình tạo dựng” (50) là nhận xét mở ra phần thứ hai của tài liệu (49-77), không quên “những người chia sẻ nỗi đau khổ cảm thấy bị loại trừ hoặc bị xét đoán” (50).
“Để trở thành một Giáo hội hiệp hành, do đó cần phải hoán cải các mối tương quan thực sự. Chúng ta phải học lại từ Tin Mừng rằng việc chăm sóc các mối quan hệ và các mối liên kết không phải là một chiến lược hay một công cụ để đạt được hiệu quả tổ chức cao hơn, nhưng đó là cách Thiên Chúa Cha mặc khải chính mình trong Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần” (50). Chính xác là “những biểu hiện thường xuyên về sự đau đớn và thống khổ của phụ nữ từ mọi miền và từ mọi châu lục, giáo dân và tu sĩ, trong suốt tiến trình Thượng Hội đồng, cho thấy chúng ta thường không đạt được điều này như thế nào” (52).
Tài liệu đặc biệt nhắc nhớ : “Lời kêu gọi đổi mới các mối quan hệ trong Chúa Giêsu vang lên trong tính đa dạng của các bối cảnh, gắn liền với tính đa nguyên của các nền văn hóa”, đôi khi cũng với “những dấu hiệu của những lôgic quan hệ bị bóp méo, đôi khi trái ngược với những lôgic của Tin Mừng” (53). Trách vụ là trực tiếp: “Những sự dữ đang làm khổ thế giới của chúng ta bắt nguồn từ động lực này” (54), nhưng “sự khép kín triệt để và kịch tính nhất là sự khép kín đối với chính sự sống con người, dẫn đến việc loại bỏ trẻ em, ngay từ trong bụng mẹ của chúng, và những người già” (54).
“Các đặc sủng, các ơn gọi và các thừa tác vụ cho sứ mạng” (57-67) là trọng tâm của tài liệu, trong đó nhấn mạnh đến sự tham gia rộng rãi hơn của giáo dân. Bản văn khẳng định rằng thừa tác vụ chức thánh là “để phục vụ sự hòa hợp” (68), và đặc biệt “thừa tác vụ của giám mục” là “sắp xếp các ân huệ của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp nhất” (69-71). Trong số các vấn đề khác nhau, cần lưu ý rằng “mối quan hệ mang tính cấu thành của giám mục với Giáo hội địa phương ngày nay không xuất hiện đủ rõ ràng trong trường hợp các giám mục hiệu tòa, chẳng hạn như các đại diện của Đức Giáo hoàng và những người phục vụ trong Giáo triều Rôma”. Với giám mục, có “các linh mục và phó tế” (72-73), vì “sự cộng tác giữa các thừa tác viên chức thánh trong Giáo hội hiệp hành” (74).
Do đó, kinh nghiệm về “linh đạo hiệp hành” (43-48) rất có ý nghĩa, với sự xác tín rằng “nếu thiếu chiều sâu thiêng liêng cá nhân và cộng đồng, tính hiệp hành sẽ bị giảm xuống thành một mưu mẹo tổ chức” (44). Đây là lý do tại sao “được thực hành với sự khiêm tốn, phong cách hiệp hành có thể làm cho Giáo hội trở thành một tiếng nói ngôn sứ trong thế giới ngày nay” (47).
Hoán cải các tiến trình
Trong phần thứ ba của tài liệu (79-108), nó nhấn mạnh ngay rằng “trong cầu nguyện và đối thoại huynh đệ, chúng ta đã nhận ra rằng sự phân định của Giáo hội, sự chăm sóc các tiến trình ra quyết định và cam kết giải trình và đánh giá các kết quả của các quyết định được đưa ra, là những thực hành qua đó chúng ta đáp lại Lời Chúa, vốn cho chúng ta thấy những con đường của sứ mạng” (79).
Đặc biệt, “ba thực hành này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các tiến trình đưa ra quyết định đòi hỏi sự phân định của Giáo hội, đòi hỏi sự lắng nghe trong bầu không khí tin tưởng, mà sự minh bạch và trách nhiệm sẽ hỗ trợ. Sự tin tưởng phải có tính hỗ tương: những người đưa ra quyết định phải có khả năng tin tưởng và lắng nghe dân Thiên Chúa, và dân Thiên Chúa phải có thể tin tưởng những người nắm giữ quyền bính” (80).
“Thật vậy, sự biện phân của Giáo hội đối với sứ mạng (81-86) không phải là một kỹ thuật tổ chức, nhưng là một thực hành thiêng liêng để sống trong đức tin và không bao giờ là sự khẳng định một quan điểm của cá nhân hay của một nhóm, cũng không được giải quyết thành một tổng hợp đơn giản các ý kiến cá nhân” (82). “Việc trình bày rõ ràng các tiến trình ra quyết định (87-94), tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự đánh giá (95-102), tính hiệp hành và các cơ quan tham gia” (103-108) là những điểm trọng tâm của các đề nghị được chứa đựng trong tài liệu, những đề nghị này xuất phát từ kinh nghiệm của Thượng Hội đồng.
Hoán cải các mối liên kết
“Vào thời đại mà kinh nghiệm về những địa điểm cội nguồn và hành hương của Giáo hội đang biến đổi, cần phải vun trồng, dưới những hình thức mới, việc trao đổi các ân huệ và việc đan dệt những mối liên kết hiệp nhất chúng ta, được hỗ trợ bởi thừa tác vụ của các giám mục trong sự hiệp thông giữa các ngài và với Giám mục Rôma”: đây là bản chất của phần thứ tư của tài liệu (109-139). Cụm từ “được bén rễ và lữ hành” (110-119) nhắc nhở chúng ta rằng “không thể hiểu được Giáo hội nếu không bén rễ trong một lãnh thổ cụ thể, trong một không gian và thời gian nơi hình thành kinh nghiệm chung về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng cứu độ” (110). Tài liệu cũng nhấn mạnh đến hiện tượng “lưu động của con người” (112) và “văn hóa kỹ thuật số” (113).
Tài liệu cuối cùng nhấn mạnh, trong viễn cảnh này, “cùng nhau bước đi ở những nơi khác nhau với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu trong sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ, cũng như trong việc trao đổi các ân huệ giữa các Giáo hội, là một dấu hiệu hữu hiệu về sự hiện diện của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Kitô” (120).
“Chân trời hiệp thông trong việc trao đổi các ân huệ là tiêu chuẩn truyền cảm hứng cho mối quan hệ giữa các Giáo hội” (124). Từ đó, có “những mối liên kết hiệp nhất: các Hội đồng Giám mục và các Hội nghị Giáo hội” (124-129). Suy tư của thượng hội đồng về “sự phục vụ của Giám mục Rôma” (130-139) đặc biệt có ý nghĩa. Trên tinh thần cộng tác và lắng nghe, “trước khi xuất bản các tài liệu chuẩn mực quan trọng, các Bộ được mời gọi bắt đầu tham khảo ý kiến với các Hội đồng Giám mục và các cơ quan tương ứng của các Giáo hội Công giáo Đông phương” (135).
Đào tạo một đoàn dân gồm những người môn đệ truyền giáo
Tài liệu khẳng định trong phần thứ năm (140-151): “Để dân thánh của Thiên Chúa có thể làm chứng cho tất cả niềm vui của Tin Mừng, lớn lên trong việc thực hành tính hiệp hành, họ cần được đào tạo thích đáng: trên hết về quyền tự do của con cái Thiên Chúa bước theo Chúa Giêsu Kitô, được chiêm ngưỡng trong lời cầu nguyện và được nhìn nhận nơi người nghèo.”
“Một trong những yêu cầu nổi lên mạnh mẽ nhất và từ mọi phía trong suốt tiến trình Thượng hội đồng là việc đào tạo phải toàn diện, liên tục và chia sẻ” (143). Trong lĩnh vực này, tài liệu cũng lưu ý đến tính cấp bách của “việc trao đổi các ân huệ giữa các ơn gọi khác nhau (hiệp thông), trong viễn cảnh thực thi việc phục vụ (sứ mạng) và theo phong cách tham gia và giáo dục về sự đồng trách nhiệm khác nhau (sự tham gia)” (147).
Tài liệu nêu rõ thêm: “Một lĩnh vực có tầm quan trọng lớn khác là việc thúc đẩy văn hóa bảo vệ (bảo vệ) trong tất cả các môi trường Giáo hội, để làm cho các cộng đồng trở thành những nơi luôn luôn an toàn hơn cho trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương” (150). Cuối cùng, “các chủ đề về học thuyết xã hội của Giáo hội, sự dấn thân cho hòa bình và công lý, bảo vệ ngôi nhà chung và đối thoại liên văn hóa và liên tôn cũng phải được phổ biến rộng rãi hơn trong Dân Chúa” (151).
Tin tưởng vào Đức Trinh Nữ Maria
Tài liệu kết luận (154): “Bằng cách sống tiến trình hiệp hành, chúng ta nhận thức được rằng ơn cứu độ cần được tiếp nhận và công bố đều phải ngang qua các mối quan hệ. Nó được sống và chứng tá cùng nhau. Đối với chúng ta, lịch sử dường như được đánh dấu một cách bi thảm bởi chiến tranh, sự tranh giành quyền lực, hàng ngàn bất công và lạm dụng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần đã đặt vào tâm hồn mỗi người một ước muốn sâu xa và thầm lặng về những mối quan hệ đích thực và những mối liên kết thực sự. Chính công trình tạo dựng nói lên sự hiệp nhất và chia sẻ, sự đa dạng và đan xen giữa các dạng sống khác nhau”.
Bản văn kết thúc bằng lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, Đấng được phó thác “các kết quả của Thượng Hội đồng này: “Xin Mẹ dạy chúng con trở thành một đoàn Dân của các môn đệ truyền giáo cùng nhau bước đi: một Giáo hội hiệp hành” (155)”.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo: Vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net