HIỆN TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG ĐỀN THÁNH TỬ ĐẠO HẢI DƯƠNG
VÀ NHỮNG ĐIỀU HƯỚNG TỚI

Đền thánh tử đạo Hải Dương là công trình chung của mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Hải Phòng và những ai yêu mến Các Thánh tử đạo nơi mảnh đất thiêng này. Đây cũng là một công trình độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều người gần xa. Vì thế, không ít người muốn biết hiện Đền thánh xây đến đâu và hướng tới những gì.

Công trình xây dựng Đền thánh được khởi công vào ngày 06/11/2017, đúng sau 50 năm ngôi Đền bị bom tàn phá (01/7/1967). Những viên đá đầu tiên được xây dựng sau nghi lễ làm phép viên đá góc ngày 21/01/2019. Như vậy, cho đến nay (tháng 10/2024), công trình Đền thánh đã xây được 07 năm kể từ khi xuống móng. Như các công trình xây cất với chất liệu phổ thông khác, ai nấy đều cho rằng Đền thánh chắc sắp khánh thành hoặc ít ra cũng chỉ còn là các công đoạn sau cùng để hoàn tất.

Tuy nhiên, Đền thánh lại được xây dựng trên một chất liệu đặc biệt: bằng đá tự nhiên và đá viên xẻ nguyên khối. Mỗi viên đá đều có một bản vẽ và một mã số riêng. Việc thiết kế đã khó, việc chế tác đá, nhất là các viên có kiến trúc cầu kỳ thì càng kỳ công hơn. Ngay chất liệu dòng đá granit và màu đen xám cũng phải lựa chọn tại mỏ đá tận Khánh Hoà và do hai Công ty ở Nha Trang và Quy Nhơn chế tác. Việc vận chuyển đá chế tác về công trình cũng là một bài toán khó. Đó là những nguyên do dẫn đến việc xây Đền thánh bằng đá không thể nhanh như các chất liệu thông thường. Dầu vậy, trong thời gian qua, công trình đã có những bước tiến triển khả quan.

Hiện tại vòm cửa chính, vòm cửa phụ mặt tiền đã được hoàn tất. Mười hai cột trụ chính của lòng Đền thánh bằng đá đã được dựng lên. Tường đá bao quanh đã được xây đến các hàng sau cùng. Các vòm hai dãy phía trong đang được xây lắp và sắp xong. Công trình đang tiếp tục chinh phục các phần phức tạp là vòm cung giữa của các gian trong lòng Đền thánh và phần cung thánh. Những hạng mục này kể như khó nhất, vừa về chế tác đá cho đến việc thi công, nhưng đây cũng là những điểm nhấn thể hiện sự bề thế và uy nghi của Đền thánh đúng với tên gọi …bằng đá.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng là việc chế tác đá và nguồn đá. Dòng đá được sử dựng xây Đền thánh không phải dòng đá phổ thông, nên việc khai thác cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Việc chế tác đá, nhất là các viên trụ cột và các viên vòm đòi hỏi vừa nhiều kỹ thuật, vừa nhiều thời gian để sản xuất. Vì thế có những thời điểm, cụ thể là các tháng đầu năm vừa qua, việc xây dựng phải tạm ngưng và công trình chỉ được tái hoạt động cách đây 3 tháng.

Bên cạnh đó, nguồn tài chính, phần lớn từ việc công đức của cộng đồng, cũng tác động mạnh đến tiến độ xây dựng. Có thể khẳng định rằng tiến trình xây dựng Đền thánh phụ thuộc vào tấm lòng hảo tâm của quý ân nhân. Với lòng mến Chúa và kính yêu Các Thánh tử đạo Hải Dương, trong thời gian vừa qua, Ban Kiến thiết đã nhận được sự ủng hộ quảng đại của nhiều người và nhờ đó công trình vẫn tiến triển tốt đẹp. Hy vọng tinh thần nhiệt thành ấy sẽ tiếp tục cho đến khi công cuộc tái thiết được hoàn tất.

Đền thánh tử đạo Hải Dương là một công trình có ý nghĩa đặc biệt về đức tin trong đời sống đạo, giá trị cao quý về lịch sử trên hành trình truyền giáo, và nét nổi trội về một lối kiến trúc kiên cố mà cổ kính giữa lòng thành phố Hải Dương. Những điều này đang dần hiển hiện nơi công trình Đền thánh theo dòng thời gian, dù mức độ xây dựng mới chỉ khoảng 70% công việc. Đó cũng là lý do công cuộc tái thiết Đền thánh nhận được sự quan tâm của đông đảo dân chúng gần xa, đồng thời cũng được nhiều người ấp ủ trong mình ước mơ cho Đền thánh sớm đến ngày khải hoàn.

Ngoài việc xây dựng Đền thánh mới bằng đá, công cuộc tái thiết còn hướng tới mở rộng khuôn viên để đáp ứng nhu cầu của một Trung tâm hành hương cấp Giáo phận. Đây là một việc đầy thách đố và cam go, bởi liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân đến khu định cư mới. Với tầm mức và vị thế của Đền thánh, kế hoạch mở rộng không gian đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền Hải Dương, từ địa phương đến cấp tỉnh. Vẫn biết rằng công việc này rất khó khăn, nhưng nếu lòng dân sở tại đồng thuận và lòng người khắp nơi nhiệt tình ủng hộ, khi chính quyền đã tạo điều kiện, thì việc khó đến đâu ắt sẽ có phương cách giải quyết.

Việc mở rộng không gian vừa phát huy tối ưu những nét đẹp của Đền thánh, vừa góp phần tôn lên cảnh quan kiến trúc đô thị Hải Dương. Đồng thời công việc này còn làm cho nơi này đúng nghĩa với tên gọi như vốn đã có trước kia và đã đi vào truyền thống mảnh đất địa Phận Đông Đàng Ngoài xưa và Giáo phận Hải Phòng ngày nay: Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương.

Công cuộc tái thiết Đền thánh tử đạo Hải Dương là công trình đức tin với trọn vẹn ý nghĩa. Thật vậy, mục đích mà việc tái thiết hướng tới là nhằm bảo vệ và khôi phục gia sản đức tin của các bậc tiền nhân. Điều này không chỉ giúp nuôi dưỡng đức tin cho những người thế hệ này, mà còn tiếp tục làm cho những giọt máu đào tử đạo trổ sinh hoa trái cho thế hệ ngày mai, để những trang sử hào hùng vẻ vang của các chứng nhân đức tin kiên trung được viết tiếp trên quê hương đất Việt thân yêu, cách riêng nơi mảnh đất Hải Dương thân thương này.

Chứng Nhân